Giải pháp về môi trường đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư

Một phần của tài liệu Tác động của toàn cầu hoá tới đầu tư trực tiếp nuớc ngoài ở Việt Nam (Trang 83 - 89)

Nhóm giải pháp này nhằm tạo môi trường pháp lý ổn định, phù hợp và cập nhật với tiêu chuẩn luật pháp quốc tế - vận dụng các biện pháp xúc tiến đầu tư trên cơ sở đặc thù lợi thế so sánh của Việt Nam.

Việc cải thiện môi trường đầu tư là công việc thường xuyên của các nước, đặc biệt là của các nước đang phát triển có nhu cầu về vốn. Ở Việt Nam, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1991, 1992, 1996, 2000, 2005, cùng với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1997), Luật Doanh nghiệp (1999), Luật Doanh nghiệp Nhà nước (2003), Luật Hợp tác xã (2003) và nhiều luật chuyên ngành khác đã tạo môi trường pháp lý ngày càng hấp dẫn và thông thoáng đối với các nhà đầu tư. Tác động của môi trường pháp lí đối với thu hút FDI trong giai đoạn cuối 1980 đầu 1990 cho thấy việc tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa hệ thống Luật cho phù hợp với tình hình mới, xây dựng cơ chế đưa Luật vào thực tiễn các hoạt động kinh tế là nhu cầu cấp bách. Thực tiễn cũng cho thấy, mặc dù bộ Luật Đầu tư có được cải thiện và tạo nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư đến đâu, song nếu các bộ luật liên quan và các văn bản dưới luật không ra đời kịp thời và mang tính bổ trợ thì môi trường pháp lí vẫn không có sức hút với các nhà đầu tư. Trên thực tế, xu hướng thoái lui đầu tư trong giai đoạn 1997-2002 một phần là do hệ thống các quy định chính sách về đầu tư quá chồng chéo, không đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, trước mắt cần:

Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến FDI

Chúng ta cần hoàn thiện hệ thống văn bản luật cũng như văn bản dưới luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài và liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng:

- Xoá bỏ những quy định không nhất quán, chồng chéo nhằm xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như của đối tác Việt Nam; đảm bảo quyền của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với quyền sở hữu vốn, tài sản và lợi nhuận…

- Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền tự quyết định trong quản lý của nhà đầu tư; Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, việc ưu đãi quá mức nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư trong nước đều dẫn đến những hệ quả không tích cực trong việc thu hút FDI.

- Tạo cơ sở pháp lí thuận lợi để mở đường cho hoạt động của các Quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từng bước phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho kinh tế nói chung và để thu hút FDI nói riêng, trong đó có việc hoàn thiện các thị trường đất đai, thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường công nghệ…

- Ban hành các quy định pháp lí nhằm khuyến khích đầu tư vào khu vực dịch vụ và khu vực có sử dụng nhiều công nghệ, trí thức; thực hiện nguyên tắc cho phép đầu tư vào các ngành không bị pháp luật cấm.

- Loại bỏ các loại hình giấy phép phụ không cần thiết liên quan tới hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao năng lực hoạt động và thẩm quyền của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, trong đó có năng lực giám sát, kiểm tra, kiến nghị việc xoá bỏ hoặc bổ sung một số loại giấy phép phụ. Trên thực tế, tình trạng cấp giấy phép phụ đã ảnh hưởng đáng kể đến môi trường hoạt động kinh doanh nói chung và của môi trường thu hút đầu tư nói riêng.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, chính sách. Trên thực tế, mặc dù một số Bộ Luật đã được Quốc hội thông qua,

việc thực thi các Luật này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ ở cả cấp địa phương và Trung Ương. Tình trạng cạnh tranh thu hút FDI qua việc đưa ra các ưu đãi một cách tràn lan ở các địa phương, trong khi một số lại gây khó khăn cho các nhà đầu tư là một trong những điểm yếu trong việc thực hiện một chính sách thu hút đầu tư nhất quán của Việt Nam. Thực hiện nghiêm túc quy trình xét duyệt cấp giấy phép đầu tư theo mô hình “một cửa”, đơn giản hóa thủ tục, quy trình đầu tư, hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Như ví dụ ở một số nước: Ở Thái Lan có Luật xúc tiến thương mại quy định rõ ràng cơ quan nào, ngành nào có nhiệm vụ gì trong việc xúc tiến đầu tư. Trung Quốc thực hiện phân cấp, phân quyền, nâng cao quyền hạn nhiều hơn cho các tỉnh, thành phố, khu tự trị trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI. Nhà nước cho phép mỗi tỉnh, thành phố, khu tự trị có những đặc quyền trong quản lý, phê chuẩn dự án đầu tư..

Hơn nữa cần, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một nhiệm vụ cần giải quyết. Cải cách hành chính có liên quan chặt chẽ đến việc lành mạnh hoá môi trường đầu tư, giảm các thủ tục phiền hà của hệ thống hành chính với quá trình đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn. Cần thực hiện việc đơn giản hoá các thủ tục cấp phép đầu tư, công khai hoá và minh bạch hoá quá trình cấp phép, giải quyết các thủ tục hành chính; kiên quyết xử lý những trường hợp sách nhiễu, vô trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan công quyền. Cần thực hiện tốt sự kết hợp giữa việc chỉ đạo tập trung, thống nhất và kiên quyết của Chính phủ với việc chấp hành nghiêm túc, đúng pháp luật của các bộ, các ngành, các địa phương. Xây dựng quy chế phối hợp, các bộ chủ quản và UBND các địa phương theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị theo sự phân cấp của Nhà nước để các đơn vị chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp FDI. Các cơ quan cấp giấy phép đầu tư phải thường xuyên rà soát, phân loại các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư để có những biện pháp thích hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh, trong phạm vi thẩm quyền sản xuất kinh doanh của mình, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp quản lý và động viên kip thời; đồng thời sẵn sàng tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp về đầu vào, thị trường tiêu

thụ, thuế để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, các cơ quan quản lý cần cùng các đơn vị tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đối với những dự án chưa triển khai, nhưng xét thấy vẫn có khả năng thực hiện, cần thúc đẩy việc triển khai dự án trong một thời gian nhất định; đồng thời, giải quyết các vướng mắc, kể cả việc điều chỉnh mục tiêu và quy mô hoạt động của dự án. Đối với các dự án chưa triển khai hoặc không có khả năng hoạt động cần kiên quyết thu hồi giấy phép, dành địa điểm cho các nhà đầu tư khác.

Quán triệt chủ trương hội nhập

Quán triệt chủ trương hội nhập và từng bước tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn trong hoạt động kinh tế toàn cầu như các tiêu chuẩn về đầu tư, thương mại, môi trường, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh lao động… Việc Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các thể chế quốc tế, các liên kết kinh tế song phương và đa phương, và đã là thành viên của WTO là một trong những sức ép làm Việt Nam phải nhanh chóng điều chỉnh các quy định liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước nhằm đạt đến tiêu chuẩn quốc tế cho thấy muốn thu hút nguồn lực bên ngoài, không chỉ cần có môi trường đầu tư thuận lợi, mà trước hết cần nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp trong nước.

Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt lưu ý khâu định giá doanh nghiệp, bán cổ phần và quản lý doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, quan tâm tạo điều kiện thuần lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận với các loại hình nguồn vốn cả trong và ngoài nước.

Chỉ thị số 11/CT-TTG ngày 30/3/2004 của Thủ tướng Chính Phủ về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương khoá 9 và tổ chức triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp Nhà nước là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Năm

2005, cả nước đã đổi mới được 933 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hoá được 693 doanh nghiệp, chiếm 72,2%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa thu hút được nhiều cổ đông ngoài doanh nghiệp nhà nước do thủ tục rườm rà và nhiều quy định bất cập về tỷ lệ cổ phần khống chế của doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định vốn nhà nước phải chiếm trên 50% là trái với mục tiêu huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế; do vậy trên thực tế các doanh nghiệp được cổ phần hoá vẫn chưa hoạt động thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, quá trình định giá tài sản của doanh nghiệp cũng chưa được thực hiện minh bạch, gây thất thoát tài sản, dẫn đến tình trạng tiêu cực trong mua bán cổ phần của doanh nghiệp. Tính đến đầu năm 2006, 3107 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hoá. 30% trong số này có tỷ lệ vốn nhà nước hơn 50%; do vậy thiếu sức hấp dẫn trong việc thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài.

Điều kiện để thực hiện tốt công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là:

 Tăng cường công tác thực thi Luật Doanh nghiệp.

 Nâng cao chất lượng công tác định giá tài sản doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá theo hướng giảm thiểu thời gian và sát thực với giá thị trường và đa dạng hoá các đối tượng mua cổ phần với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực trong nước. Việc định giá doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua hợp đồng với một số công ty định giá tài sản của nước ngoài.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư

Cả kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ đều cho thấy công tác xúc tiến đầu tư trước hết phải dựa vào lợi thế so sánh của nền kinh tế. Ấn Độ tận dụng lợi thế so sánh của nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao để thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi đó Trung Quốc phát huy lợi thế của nguồn nhân lực có kĩ năng giản đơn, chi phí lao động rẻ để thu hút FDI vào lĩnh vực chế tạo. Do vậy, với Việt Nam:

−Tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan; định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư vào việc thu hút FDI từ một nguồn xác định, chẳng hạn như từ một nền kinh tế hoặc một TNC vào một lĩnh vực, ngành nghề hoặc cho một địa phương cụ thể. Muốn vậy trước hết cần nghiên cứu xác định những nguồn lực sẵn có của địa phương hoặc ngành nghề đó, đồng

thời xác định điểm mạnh, điểm yếu của nguồn xuất phát đầu tư. Chẳng hạn FDI từ Nhật Bản rất nhạy cảm với sự thay đổi của tỷ giá hối đoái, trong khi đó FDI từ Mỹ lại không như vậy. Trên cơ sở đó, xác định các biện pháp xúc tiến đầu tư cụ thể như tiếp xúc, quảng bá, nâng cao năng lực qua việc xây dựng cơ sở hạ tần, đào tạo nguồn nhân lực…

−Áp dụng biện pháp chế tài đối với tình trạng vượt rào ưu đãi đầu tư; thực chất việc tạo ra quá nhiều ưu đãi dưới các hình thức khác nhau làm các địa phương đánh mất đi chính lợi thế của mình, dẫn đến việc FDI có thể đổ vào những khu vực không hiệu quả.

−Tiết kiệm chi phí xúc tiến đầu tư thông qua việc kết hợp xúc tiến đầu tư đồng bộ cho một số ngành nghề hoặc địa phương có cùng lợi thế so sánh, tránh tạo tác động tiêu cực đối với lợi thế so sánh của các ngành hoặc vùng liên quan.

−Ở cấp vĩ mô, công tác xúc tiến đầu tư phải gắn với cải thiện môi trường đầu tư, chẳng hạn cải thiện hệ thống thanh toán, thương mại, hạ tầng, thông tin liên lạc, giao thông vận tải; trong khi đó, ở cấp ngành và địa phương, công tác xúc tiến đầu tư phải gắn với lợi thế so sánh của mình. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

−Xúc tiến đầu tư theo hướng khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng chuyển giao công nghệ cao (trừ những ngành thuộc an ninh quốc gia), tức là có chính sách ưu đãi theo ngành nghề ưu tiên, phù hợp với định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hỗ trợ cho việc nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Cần chú ý, mặc dù nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn ít về số lượng, Việt Nam vẫn có lợi thế so sánh về mức lương cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Do vậy cần có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Trên thực tế, những chủ trương của chính phủ trong việc phát triển khu vực dịch vụ, khoa học và công nghệ như Chiến lược phát triển công nghệ thông tin đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những khoản đầu tư lớn của các công ty như Intel, Cannon, Alcatel, Siemen…sẽ là những cú hích cho dòng đầu tư chảy vào một số lĩnh vực dịch vụ, tham dụng vốn và công nghệ ở Việt Nam.

−Khuyến khích, hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư của các hiệp hội kinh tế, kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại theo kênh của Bộ Công Thương.

−Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, và đặc biệt là có một danh mục thu hút đầu tư phù hợp với năng lực hấp thụ FDI của từng địa phương, bộ ngành, đồng thời phản ánh được lợi thế so sánh của các yếu tố thu hút đầu tư.

Một phần của tài liệu Tác động của toàn cầu hoá tới đầu tư trực tiếp nuớc ngoài ở Việt Nam (Trang 83 - 89)