Về nguồn nhân lực
Sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo nên những lợi thế nhất định thu hút vốn FDI cho đất nước. Đó là:
Thứ nhất, xét về số lượng Việt Nam có một lực lượng lao động tương đối dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đến hết năm 2007, cả nước có trên 44 triệu lao động trên tổng số 85 triệu dân, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số. Sức trẻ là đặc điểm nổi trội của tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam. Nước ta là một trong số ít quốc gia trong khu vực có tỷ lệ về cơ cấu độ tuổi của dân số và lao động khá lý tưởng (trên 50% số dân trong độ tuổi từ 15 - 60 (độ tuổi lao động) và 45% trong tổng số lao động có độ tuổi dưới 54). Lợi thế này giúp Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư có mục tiêu đầu tư vào các ngành tham dụng lao động như lắp ráp, chế biến...
Thứ hai, xét về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở khu vực có tỷ lệ người lớn biết chữ và trẻ em trong độ tuổi đến trường khá cao. Sau hơn 20 năm đổi mới, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nước ta đã tăng từ 7,6% (năm 1986) lên gần 30% (năm 2007). So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, người lao động Việt Nam nhìn chung có những phẩm chất vượt trội như: thông minh, cần cù, chịu khó, khả năng nắm bắt các kỹ năng lao động, đặc biệt là kỹ năng sử dụng các công nghệ hiện đại tương đối nhanh. Nói cách khác Việt Nam đã có những bước phát triển
đáng kể về chất lượng nguồn nhân lực. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng của nguồn nhân lực nước nhà trong quá trình hội nhập và tham gia thị trường lao động quốc tế nói chung là thu hút vốn FDI nói riêng.
Thứ ba, chi phí cho lao động của Việt Nam tương đối thấp so với chi phí cho lao động tại một số nền kinh tế trong khu vực. Rõ ràng đây là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp FDI đầu tư muốn tuyển dụng lao động Việt Nam vào làm việc. Theo kết quả điều tra của Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản năm 2005, lương bình quân của lao động ở Việt Nam là 135 USD/tháng/người, còn ở Trung Quốc là 184 USD và Thái Lan là 146 USD.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam còn có một số mặt hạn chế như:
(1) Do một phần lớn nguồn có nguồn gốc từ nông nghiệp, hầu hết lao động của Việt Nam thiếu kĩ năng để làm việc trong các ngành dịch vụ và công nghệ cao, thậm chí thiếu kĩ năng làm việc trong một số dây chuyền lắp ráp hoặc chế biến đơn giản. Tính đến năm 2005, nước ta mới có 24,8% lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, trong khi đó của các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) là 60-70%.
(2) Lao động Việt Nam chưa có kỉ luật và tác phong lao động của một nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Trong khi xu hướng của đầu tư quốc tế là vào các ngành dịch vụ, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao thì những điểm yếu trên của lực lượng lao động sẽ là bất lợi trong việc thu hút FDI vào Việt Nam nói chung và vào khu vực dịch vụ và công nghệ cao nói riêng.
Về nguồn tài nguyên
Bên cạnh nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cũng tạo một sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Là một nền kinh tế đang phát triển, tỷ trọng đóng góp các ngành kinh tế tham dụng vốn và tri thức vào GDP còn hạn chế, Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào các ngành tham dụng lao động và tài nguyên như khai khoáng (gồm dầu thô, than đá, và các khoáng sản khác), nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, chế biến...
Năm 1995, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp vẫn chiếm 23%, khai mỏ chiếm 4,81%, công nghiệp chế biến chiếm 14,99%. Đến năm 2003, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp đã giảm xuống còn 16,7%, song của ngành khai thác mỏ lại tăng lên 9,42% và chế biến lên tới 20,8%. Lực lượng lao động trong các ngành này cũng chiếm một tỷ lện lớn tương ứng.