Giọng điệu triết lí, suy tư

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 106 - 108)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.2.3.Giọng điệu triết lí, suy tư

Là người có tư chất thông minh, lại có vốn sống phong phú, Phạm Tiến Duật có khả năng nắm bắt rất đúng, rất trúng cái thần của sự việc. Ông có những phát hiện, khái quát sâu sắc về dân tộc, thời đại, về cuộc sống, về con người. Những khái quát, đúc kết đi vào thơ Phạm Tiến Duật một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn qua giọng thơ triết lý, suy tư.

Phạm Tiến Duật thường hay chiêm nghiệm về con người và thời đại. Ông đã quan sát, nhìn nhận từ hiện thực cuộc kháng chiến để từ đó đưa ra những nhận định về con người thời ấy. Lúc này, giọng thơ ông giàu triết lí, suy tư. Giọng điệu triết lí, suy tư trong thơ Phạm Tiến Duật thường có sắc thái trang trọng. Sắc thái ấy là sự biểu hiện thái độ thành kính của nhà thơ trước những mất mát của cả một thế hệ hi sinh xương máu để giành độc lập, tự do:

Nơi bao người đi qua hầu hết tuổi thanh xuân Để lại trong rừng những gì quý nhất

Mất mọi thứ để nhân dân không mất. (Đi trong rừng)

Không chỉ vậy, mà ông còn dành sắc thái trang trọng trong thơ để thể hiện những đánh giá của mình về những con người ông đã gặp, đã cùng sống một thời. Tuy nhiên, giọng điệu triết lí của Phạm Tiến Duật giàu liên tưởng

nên giọng thơ không khô khan. Ông nói về "những cô gái ở rừng" bằng giọng thơ chân thành mà trang nghiêm:

- Anh chẳng nói sai đâu Em là cây ngải đắng Sống trong triền núi vắng Góp vị thuốc cho đời.

(Người ơi, người ở) - Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay.

(Đi trong rừng)

Nhà thơ Phạm Tiến Duật nói về họ không chỉ bằng sự tri ân mà còn bằng cả niềm khâm phục. Giọng thơ khái quát, triết lí đã đưa ý thơ vượt qua ranh giới của cảm xúc đối với một đối tượng cụ thể để trở thành nhận định về một lớp người. Với nhà thơ Phạm Tiến Duật thì một giọng hát, một cuộc chia tay cũng đủ để ông suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc sống. Sau những câu thơ thiết tha, ngậm ngùi, giọng thơ bỗng trở nên rắn rỏi, đầy tính triết lí khi chia tay cô bộ đội:

Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn

Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay. (Cô bộ đội ấy đi rồi)

Nói đến sức cháy, sức nóng, hơi ấm, người ta thường nghĩ đến lửa. Nhưng Phạm Tiến Duật trầm ngâm trong suy nghĩ ngược lại và thuyết phục được người đọc:

Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa

Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa.

Dường như càng về sau này, thơ Phạm Tiến Duật càng được tăng cường giọng điệu triết lí, suy tư. Sau này, khi đối mặt với cuộc sống thời bình, ông bỗng chiêm nghiệm ra bao điều. Ông nhận ra ở cuộc đời tất cả đều có luật của nó và con người dù muốn hay không cũng phải chấp nhận. Ông đã dùng giọng thơ triết lí, suy tư để nói lên những chiêm nghiệm ấy:

Việc mới thì luật mới Cứ gì cờ tướng, cờ vua.

(Luật chơi)

Giọng điệu triết lí, suy tư thực sự phát huy hiệu quả khi nhà thơ Phạm Tiến Duật bàn về lẽ đời. Ông dùng giọng điệu ấy để muốn lí giải "vì sao con người biết chớp mắt". Hơn nữa, ta thấy giọng thơ triết lí, suy tư của ông rất gần với những nỗi niềm ai oán:

Hình như ở cõi đời này

Kiếp người với kiếp mây bay khác vời Mây không vụ lợi như người

Mây bay chỉ bởi ngang trời mây bay.

(Tiếng bom và tiếng chuông chùa)

Giọng điệu này xuất hiện khá nhiều và gần như giữ vai trò chủ đạo

trong Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Giọng điệu ấy thể hiện nỗi buồn da

diết khi ông nhận ra cuộc sống hiện tại không có chỗ đứng cho những người đồng đội của mình.

Là một người thông minh lại có nhiều trải nghiệm, lăn lộn với đời sống, càng về sau giọng thơ triết lí trong thơ Phạm Tiến Duật càng chiếm ưu thế. Có thể khẳng định, nhà thơ đã tìm cho mình được một chất giọng riêng, đặc biệt trong dòng chảy thơ ca chống Mỹ.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 106 - 108)