Thông minh, sắc sảo đặc điểm nổi bật của cái tôi trữ tình trong

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 61 - 66)

6. Kết cấu của luận văn

2.2.2.2. Thông minh, sắc sảo đặc điểm nổi bật của cái tôi trữ tình trong

2.2.2.2. Thông minh, sắc sảo - đặc điểm nổi bật của cái tôi trữ tình trong thơ Phạm Tiến Duật thơ Phạm Tiến Duật

Nói đến thơ, chủ yếu là nói đến sự biểu hiện trữ tình. Tuy nhiên, thơ không chỉ là sản phẩm của tình cảm, của tâm trạng mà còn là sản phẩm của trí tuệ. Đối với nhà thơ, trước cuộc đời đòi hỏi không chỉ là người nhạy cảm, dễ rung động trước cuộc đời mà còn phải là người thông minh, có trí tuệ, biết nắm bắt được bản chất, quy luật của cuộc sống để rồi cụ thể hóa những vấn đề ấy qua hình tượng thơ và qua những cảm xúc cụ thể, trực tiếp. Như vậy, thơ ca mới đến được trái tim người đọc.

Vốn được đào tạo trong nhà trường, có kiến thức sách vở, Phạm Tiến Duật đến với thơ không chỉ bằng niềm đam mê nghệ thuật, bằng cảm xúc của trái tim, mà còn bằng vốn liếng tri thức ông đã được trang bị. Hơn nữa, sự thông minh là tố chất sẵn có trong con người Phạm Tiến Duật đã đem lại cho thơ ông màu sắc mới lạ, hấp dẫn. Đọc thơ ông, người ta không chỉ nhận ra chân dung một con người hóm hỉnh, trẻ trung, nhạy cảm mà còn là một nhà thơ tài hoa, thông minh, sắc sảo. Hiện thực cuộc sống đa diện, đa chiều. Để chiếm lĩnh được chất liệu cuộc sống ấy không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi năng lực, trí tuệ của nhà thơ. Sự thông minh, sắc sảo của nhà thơ sẽ đem đến cho bạn đọc những bất ngờ thú vị, những khám phá mới mẻ về cuộc sống. Đối với Phạm Tiến Duật, sự thông minh, sắc sảo trước hết được thể hiện qua khả năng phát hiện, sắp xếp các chi tiết, hình ảnh thơ để tạo ra những khái quát bất ngờ. Đưa các sự kiện, chi tiết vào thơ không phải là vấn đề lý luận sáng tạo mới mẻ. Các thế hệ nhà thơ cách mạng đi trước đã từng cố gắng thể nghiệm. Nhưng nghệ thuật đồng hoá các sự kiện và chi tiết đời sống vào thơ lại thuộc về nỗ lực riêng, cá tính sáng tạo của mỗi nhà thơ. Khi đưa các sự kiện của cuộc sống vào thơ, yếu tố tự sự trong tác phẩm có vai trò quan trọng. Rất nhiều bài thơ của Phạm Tiến Duật giống như một câu chuyện: ông kể về đồng chí coi kho, kể về anh Ngãng bị điếc một tai, kể về hành trình trong "tầm bom rơi" của đồng chí lái chính, lái phụ và bản thân mình... Thơ ông kể

việc nhưng không bao giờ nhàm chán. Sự thông minh của nhà thơ chính là việc xử lý đống tài liệu thực tế ấy. Nhà thơ đồng thời là nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương đã nhận xét: "Cái giỏi của Phạm Tiến Duật không phải anh đã đưa được thực tế vào thơ, việc này thơ ca của ta đã làm liên tục suốt ba chục năm qua, từ những bài thơ còn thô sơ của các anh đội viên trong kháng chiến chống Pháp, mà giỏi ở chỗ từ những chi tiết bề bộn, những sự kiện rậm rịt của đời sống, Phạm Tiến Duật đã nhìn thấy chất thơ ẩn giấu trong đó" [59; 532]. Phạm Tiến Duật có thể kể nhiều chuyện, nhiều thứ, nhưng bao giờ cũng đi đến những khái quát bất ngờ mang giá trị tư tưởng và nhân sinh sâu sắc.

Từ một chàng sinh viên ngồi trên ghế nhà trường trở thành người lính chiến đấu trên mặt trận đầy máu lửa, Phạm Tiến Duật có cái nhìn rất riêng về cuộc chiến. Ông không thi vị hoá chiến trường. Trong thơ ông, chiến trường vẫn hiện ra với tất cả những gì ác liệt nhất. Nhưng Phạm Tiến Duật không chỉ tiếp xúc với hiện thực ấy bằng trực cảm mà bằng cả tâm hồn và trí tuệ của

mình. Trong bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan nhà thơ nói trực tiếp về chiến

trường với những chi tiết cũng thật cụ thể, nhưng lại bất ngờ mang phát hiện sâu sắc góp thêm kinh nghiệm sống cho người đọc:

Tôi đứng giữa Seng Phan

Cao hơn tiếng bom là khe núi, tiếng đàn, Tiếng mìn công binh phá đá

Tiếng điếu cày rít lên thong thả

Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường Thế đấy, giữa chiến trường

Nghe tiếng bom rất nhỏ.

(Tiếng bom ở Seng Phan)

Phạm Tiến Duật bằng chiêm nghiệm riêng của mình đã rút ra một triết lý lạ nhưng lại rất đúng với sự thật tâm lý và tâm linh con người: "giữa chiến

trường nghe tiếng bom rất nhỏ". Thật là một sự khôn ngoan, sắc sảo của nhà thơ. Đúng là với con người Việt Nam, tiếng bom - một âm thanh đến từ chiến trường, âm thanh của cái chết dù có dữ dội đến đâu cũng không át được những âm thanh của sự sống, của tinh thần yêu nước của nhân dân.

Cái tôi thông minh của nhà thơ tạo ra sự hấp dẫn, cuốn hút riêng, rất đặc biệt trong thơ Phạm Tiến Duật. Nhà thơ đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác để rồi bị chinh phục hoàn toàn với những lập luận chắc chắn và mang tính nghệ thuật. Mọi người đều biết nước Lào không có biển nhưng Phạm Tiến Duật lại hồn nhiên khẳng định rằng:

Ai bảo nước Lào không có biển, đừng tin Tôi đã gặp biển Lào giữa vùng giải phóng.

(Đi giữa vùng giải phóng Lào)

Cái sắc sảo của nhà thơ là ở lập luận. Từ sự thật về địa lý, ông đưa người đọc đến sự thật về tâm lý. Nước Lào không có biển về địa lý, địa chất nhưng lại có biển đời, biển tình, biển tự do, biển giải phóng:

Ai bảo nước Lào không có biển, đừng tin Biển là tự do, biển là giải phóng

Và chiều nay giữa Sê- pôn lồng lộng Biển là em, thăm thẳm mắt em nhìn.

(Đi giữa vùng giải phóng Lào)

Sự dẫn dắt, định hướng cảm xúc cho người đọc của tác giả thực sự khéo léo. Người đọc quả thật bị thuyết phục trước sự thông minh ấy của nhà thơ.

Cái tôi trữ tình là sự biểu hiện rõ nhất phong cách của nhà thơ. Phạm Tiến Duật nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình trong thơ ca chống Mỹ cũng chính nhờ điều đó. Sự thông minh, sắc sảo của cái tôi trữ tình góp phần tạo nên cái độc đáo trong thơ ông. Và hơn nữa, nó còn khiến cho thơ

ông trở nên sinh động. Ông còn dám lật lại cả những giá trị tưởng chừng như vĩnh cửu:

Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang Mà không biết con đèo chạy dọc.

(Đèo Ngang)

Sự hóm hỉnh, tinh nghịch của cái tôi ấy gắn liền với ý tứ sâu xa. Con đèo ấy chạy dọc, chạy vào miền Nam, hướng tới mặt trận. Như vậy, bề mặt của câu chữ chỉ là câu thơ vui, nhưng ẩn chứa sâu trong đó là tầm trí tuệ, tư tưởng của nhà thơ.

Đọc thơ Phạm Tiến Duật, ta thấy một cái tôi trữ tình đầy tỉnh táo. Đó là cách nhìn cuộc sống bằng con mắt biện chứng trong sự vận động như một quá trình để rồi bộc lộ những chiêm nghiệm, trải nghiệm. Nhìn những mảnh tàn lá do cháy rừng gây ra, Phạm Tiến Duật đã suy ngẫm rất nhiều điều. Nhìn cái hiện thực đang hiện hữu trước mắt ông nhận ra đó là "tai hoạ nhân gian", là "cái ác đã biến thành chủ nghĩa".

Nhìn nhận sự vật, sự việc trong sự vận động như một quá trình, Phạm Tiến Duật đã vượt qua sự xốc nổi của tuổi trẻ để đến với những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu lắng. Ông hiểu những gì của ngày hôm nay được nuôi dưỡng, lưu giữ từ ngàn xưa để lại:

Trên đất nước đêm đêm Sáng những ngọn đèn

Mang lửa từ nghìn năm về trước Lấy từ thuở hoang sơ

... Ôi ngọn lửa đèn

Có nửa cuộc đời ta trong ấy. (Lửa đèn)

Nhà thơ luôn nhắc đến mối quan hệ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai như một quá trình không thể tách rời. Cho nên, giữa bao nhiêu công việc bộn bề cập nhật đời thường trong chiến tranh, con người vẫn khẩn trương "hoàn thành bộ thông sử" để lại cho mai sau.

Sự thông minh, sắc sảo đã giúp cho nhà thơ phát hiện ra những điều thú vị từ những sự việc rất đỗi giản đơn. Tuy nhiên, đó không phải là sự suy diễn mà thực sự là sản phẩm được chắt lọc nghiêm túc, qua những trải nghiệm thực tế. Với lối tư duy nghệ thuật như thế, Phạm Tiến Duật phát hiện ra rất nhiều điều mà người khác không dễ gì thấy được. Đó là tiếng hát mà "nhịp với phách xem chừng sai cả" nhưng vẫn cứ làm rung động lòng người, bởi cả người nghe và người hát đều là "Những tâm hồn có nhạc ở bên trong". Hơn thế, nghe tiếng hát trong rừng ông còn nhận ra một điều:

Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa

Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa.

(Nghe em hát trong rừng)

Cứ như vậy, dọc hành trình cuộc chiến cái tôi thông minh, sắc sảo đã tạo nên sự đặc sắc, những giá trị bền vững, không thể trộn lẫn của thơ Phạm Tiến Duật.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)