Nghệ thuật cấu tứ

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 91 - 92)

6. Kết cấu của luận văn

3.2. Nghệ thuật cấu tứ

3.2.1.Vai trò của cấu tứ trong thơ trữ tình

Nói đến thơ là nói đến cảm xúc, làm thơ thì phải tìm được tứ thơ. Bàn về vấn đề tứ thơ, mối quan hệ giữa ý và tứ, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: ý thơ là suy nghĩ, là tình cảm, nội dung bao quát trong suốt bài thơ, còn tứ là cách thể hiện ý ấy trong một vẻ riêng không giống ai. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: "Ý là khái niệm và suy nghĩ do từ cuộc sống mà ra được. Từ cuộc sống mà toát ra ý, ý ấy muốn trở về tác động trở lại vào cuộc sống mà tác động bằng phương thức thơ thì ý ấy nên đầu thai thành cảm xúc, tình cảm, ý ấy trở thành tứ" [17; 227]. Như vậy, tứ không phải là ý trừu tượng mà đã có sắc thái cụ thể của đời sống thông qua một hình ảnh, một tâm trạng, một suy nghĩ được chọn lọc để làm điểm tựa cho sự vận động của cảm xúc. GS. Hà Minh Đức thì cho rằng: "tứ thơ là ý tưởng của bài thơ trong vóc dáng cụ thể của nó" [11; 165]. Xây dựng tứ thơ cho bài thơ chính là việc định hình, định dạng cho ý thơ một hình dáng cụ thể, sinh động, khác với những bài thơ khác cùng chung một ý. Như vậy,"ý là của chung mọi người nhưng tứ là của riêng thi sĩ" [17; 227].

Tứ thơ xuất hiện khi nhà thơ đi vào thực tiễn. Nó chính là kết quả của một sự sáng tạo và tài năng thi sĩ. Là sản phẩm độc đáo của riêng thi sĩ nên tứ thơ nảy sinh từ tâm hồn nhà thơ với những hoàn cảnh riêng cụ thể. Mỗi hoàn cảnh, thời điểm ấy có thể nảy sinh những tứ thơ khác nhau.

Không phải lúc nào thơ cũng cần phải có tứ nhưng có được một tứ thơ độc đáo sẽ khiến cho bài thơ tăng sức hấp dẫn, có độ sâu khái quát, triết lý,

bám sâu vào trí nhớ người đọc. Bởi vì, "tứ thơ là trung tâm của quá trình sáng tạo thơ ca. Nó là kết quả của một chặng đường: đi vào thực tiễn, tích trữ và chuyển hoá cảm giác, mở rộng liên tưởng, tăng cường suy tưởng, phát huy mạnh mẽ trí tưởng tượng" [15; 62]. Tứ thơ chi phối cả bài thơ, trực tiếp chỉ đạo hình tượng, quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ và sự liên tưởng. Tứ thơ dẫn dắt cảm xúc, suy nghĩ của tác giả để đưa thơ đến chiều cao, chiều sâu khái quát. Theo Bùi Công Hùng, "tứ thơ là linh hồn, là cốt tuỷ của bài thơ. Vậy tứ thơ phải có cái phần tinh tuý có khi không có hình hài nhưng lại có sức lay động tâm hồn" [15; 62].

Nói chung, tứ thơ có một vai trò hết sức quan trọng. Có thể, thơ không nhất thiết phải có tứ, nhưng bài thơ có tứ là bài thơ đã đạt đến độ sâu cảm xúc, suy tưởng và sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 91 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)