Hình tượng người lính lái xe

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 36 - 39)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.2.1.1. Hình tượng người lính lái xe

Hình ảnh người chiến sỹ lái xe được tác giả tập trung thể hiện sâu nhất, đậm nhất, nổi bật nhất. Bản thân nhà thơ là người trong cuộc nên ông viết về mình, viết về đồng đội chân thực, hồn nhiên hơn ai hết. Giữa bom réo, bom rơi, chiến trường ngổn ngang cây đổ, giữa tiếng gầm gào của đại bác, trên

những con đường "Bụi mù trời mùa hanh, nước trắng khe mùa lũ" (Gửi em cô

thanh niên xung phong) những đoàn xe vẫn trùng trùng ra trận. Dù ở hoàn cảnh nào, "Xe vẫn chạy về miền Nam phía trước". Chân dung người chiến sỹ lái xe mưu trí, dũng cảm, đối diện với quân thù luôn làm xúc động lòng người:

Ta bật đèn pha ô tô trong chớp loè ánh đạn Rồi tắt đèn xe quay

Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi (Lửa đèn)

Những câu thơ gần với câu văn xuôi như kể lại một câu chuyện rất đỗi bình thường và với những người chiến sỹ ấy đó cũng là chuyện bình thường thật vì nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Gian lao nối tiếp gian lao, nguy hiểm chồng chất nguy hiểm, nhưng họ vẫn vượt qua. Họ có thể rất khác nhau về tính nết, cá tính nhưng họ có một điểm rất chung: cùng chung mục đích, cùng chung lý tưởng. Những điểm chung ấy đã giúp họ vượt qua được những giới hạn đời thường để họ trở thành một khối đoàn kết, trở thành sức mạnh vô song. Ý chí và nhận thức của họ được chuyển hoá vào những hành động cụ thể:

Bỗng nhiên bên rừng bom nổ Chiếc xe bùng cháy bất ngờ Chúng tôi lao vào dập lửa Biết nơi cần đạn đang chờ.

(Đồng chí lái chính, lái phụ và tôi)

Hành động quyết liệt cứu xe, cứu hàng của những người chiến sỹ, của đồng chí lái chính, lái phụ có cội rễ từ trong tiềm thức. Hành động ấy không hề bị những yếu tố cá nhân nào chi phối, cho dù trước đó họ vừa không đồng tình với nhau về chuyện vừa gặp một cô gái giữa đường. Có lẽ chân dung anh

bộ đội lái xe được tác giả tập trung miêu tả, biểu hiện qua bài Bài thơ về tiểu

đội xe không kính. Thơ Phạm Tiến Duật giàu tính tự sự và chất liệu hiện thực.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ tiêu biểu. Ông đã đưa một mảng hiện thực của đời sống chiến trường vào trong thơ, một thứ hiện thực trần trụi, nóng bỏng hơi thở cuộc sống và dường như không cần một chút dụng công nghệ thuật nào:

Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính)

Không chỉ không có kính, xe không có mui, thùng xe có xước...Tất cả đều thiếu hụt, mất mát. Qua bài thơ, người đọc thấy một khả năng đặc biệt của Phạm Tiến Duật. Ông không hề miêu tả sự dữ dội, ác liệt, của chiến tranh nhưng sự dữ dội, ác liệt vẫn hiện hữu trước mắt người đọc. Trên cái nền hiện thực ấy, chân dung anh người lính lái xe hiện lên thật rõ nét. Họ là những con người bình thường nhưng rất anh dũng. Dù khó khăn, khốc liệt là vậy nhưng những tiểu đội lái xe độc đáo có một không hai ấy vẫn ung dung trên đường ra mặt trận:

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính) Những người lính lái xe hoàn toàn chủ động trước hoàn cảnh, dù khó

khăn đến thế nào họ cũng có thể vượt qua. Chân dung người chiến sỹ lái xe Trường Sơn trở nên vừa lớn lao, vừa gần gũi. Họ hiểu những khó khăn nơi chiến trường là lẽ đương nhiên. Là người trong cuộc, nhà thơ viết về cái khổ không phải để kể khổ mà nói đến như một lẽ thường tình. Xe không có kính thì "Bụi phun tóc trắng như người già", rồi "Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời"... là điều không tránh khỏi. Song, điều quan trọng chính là tinh thần vượt lên gian khổ, khó khăn. Không lên gân, không hô khẩu hiệu, không sử thi hoá người chiến sỹ, chân dung người cầm lái hiện lên thật gần gũi, bình dị. Đọc thơ Phạm Tiến Duật ta thường chú ý tới hình ảnh anh lính lái xe mặc kệ mặt lấm, tóc phủ trắng vì đất bụi "phì phèo châm điếu thuốc" rất ung dung và cũng rất yêu đời, có vẻ hơi bất cần, ngang tàng với những tiếng cười sảng khoái hơn là nhìn ngắm những chiếc xe không kính. Chiến tranh có thể tàn phá đời sống vật chất nhưng làm sao phá được "lòng dân ta yêu nước thương

nhà" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Tinh thần lạc quan, bình tĩnh, tự tin, nêu

cao tinh thần trách nhiệm, gan góc trên đường ra tiền tuyến là đặc điểm nổi bật ở những người chiến sỹ lái xe này. Thêm một nét đẹp nữa ở anh bộ đội lái xe là tình đồng đội, gắn bó. Những khoảng thời gian ngắn ngủi được tụ họp trên đường hành quân: dựng bạt giữa trời, chung bát đũa, mắc võng chông chênh... tất cả làm thành không khí "gia đình". Một gia đình của tiểu đội lái xe. Chính vì vậy, tuy những khó khăn, mất mát dồn dập nhưng đoàn xe vẫn vượt lên, hăm hở lăn bánh ra mặt trận. Tất cả tiến lên miền Nam phía trước. Cuối cùng, sức mạnh của người cầm lái chính là tình cảm yêu thương, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là ý chí đấu tranh thống nhất đất nước.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)