6. Kết cấu của luận văn
3.2.2.1. Tứ thơ được xây dựng trên cơ sở những liên tưởng, so sánh
Trong Văn chương cảm và luận, tác giả Nguyễn Trọng Tạo đã có nhận
xét: "Mọi nhà thơ đều thông minh, nhưng sự thông minh của Phạm Tiến Duật giúp cho anh thành công không nhỏ. Sự thông minh như một phương tiện đưa nhanh bài thơ tới đích" [41; 134]. Có thể nói, Phạm Tiến Duật có được phát hiện mới, độc đáo về hiện thực chính nhờ tư chất thông minh vốn có của ông.
Trong thơ ông, sự vật, chi tiết không chỉ đơn nhất mà thường bao gồm nhiều mặt khác nhau. Ông đã tìm thấy sự mâu thuẫn đối lập hay sự tương đồng giữa các mặt ấy và vận dụng nó vào quá trình xây dựng tứ thơ. Tứ thơ được ra đời như là kết quả của một quá trình phân tích, đối chiếu, liên tưởng.
Khảo sát thơ Phạm Tiến Duật, ta thấy ông có hàng loạt các bài thơ mà cấu tứ được xây dựng trên cơ sở phát hiện vấn đề qua những mâu thuẫn trái
ngược: Công việc hôm nay, Tiếng bom ở Seng Phan, Vầng trăng và những
quầng lửa, Ngãng thân yêu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính... Ở những bài thơ này, tác giả xuất phát từ những sự việc, những hình ảnh cụ thể, từ đó tìm ra điểm cốt lõi có ý vị triết lý, khái quát sâu sắc. Trong bài Công việc hôm
nay, Phạm Tiến Duật gần như đã thuật lại, liệt kê việc như một bản tin cuối
ngày về số máy bay rơi, số tàu chiến cháy, về tin thời tiết, về tình hình sản xuất... Chuyện chẳng có gì đáng để thành thơ nhưng việc khéo léo chọn cấu tứ của nhà thơ đã cứu được tất cả. Tác giả đã đặt các sự kiện, chi tiết trong một mối dây liên tưởng, nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai. Nhà thơ đã chọn một chi tiết sự việc cuối cùng rất đắt "phục" trong bài thơ:
Trong những tờ trình thủ tướng đọc trong đêm Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên. (Công việc hôm nay)
Giữa bao nhiêu công việc bộn bề cập nhật đời thường trong chiến tranh, con người vẫn khẩn trương chuẩn bị cho tương lai. Bình tĩnh, tự tin - đó là thông điệp trữ tình của dân tộc này gửi gắm được nhà thơ "mã hoá" vào chi tiết "bộ thông sử". Phạm Tiến Duật muốn truyền tải chất thơ của thời mình bằng chính những sự việc, sự kiện hàng ngày diễn ra trên đất nước. Làm được
điều đó là nhờ cấu tứ. Bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan cũng nhờ một kiểu cấu
tứ như vậy. Nó thực sự thể hiện được nét riêng mang phong cách thơ Phạm Tiến Duật. Ông đã xây dựng cấu tứ cho bài thơ từ việc tạo ra điều bất ngờ
trong tư duy thông thường của mỗi người khi nghĩ về chiến trường. Nói đến chiến trường, nói đến tiếng bom ai cũng nghĩ đó là thứ âm thanh khủng khiếp. Nhưng bằng sự lập luận riêng của mình, Phạm Tiến Duật đã khẳng định: Thế đấy giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ.
(Tiếng bom ở Seng Phan)
Cũng có khi ông đem đối lập sự sống và cái chết, chiến tranh và hoà bình để từ đó tạo ra tứ thơ độc đáo, khiến người đọc có thể hình dung được
một cách cụ thể những phạm trù vốn rất trừu tượng ấy. Trong Vầng trăng và
những quầng lửa, sự sống của vầng trăng đất nước, vầng trăng hoà bình đã vượt qua quầng lửa, mọc lên trên sự huỷ diệt thảm khốc của chiến tranh.
Sự đối chiếu so sánh là một trong những biện pháp, thao tác của tư duy trên con đường nhận thức hiện thực. Việc xây dựng cấu tứ dựa trên cơ sở xác lập mối quan hệ có tính chất đối lập cũng giúp cho nhà thơ tạo ra những yếu tố bất ngờ cho tác phẩm. Và chính sự bất ngờ đó tạo ra sự hấp dẫn, thú vị đối với người đọc.Việc lập tứ khéo léo của Phạm Tiến Duật khiến cho người đọc xúc động trước những hình ảnh: một đồng chí coi kho sống mười năm trong hang núi mà vẫn thanh thản, vui vẻ; chiếc xe không kính nhưng trong xe lại có một trái tim... Đọc bài thơ Lá lạc tiên, người đọc thấy nhà thơ đã chỉ ra mâu thuẫn ngay trong lòng mình: chữa mất ngủ mà lại không ngủ được. Nguyên nhân đầu tiên của sự mất ngủ là do bản chất sinh học, nhưng vì cảm động trước sự nhiệt tình đi hái thuốc làm "ống quần rách tướp" của em khiến anh thao thức. Sự mất ngủ này có nguyên nhân từ căn bệnh tâm lí, căn bệnh tương tư. Phát hiện và diễn tả mâu thuẫn, Phạm Tiến Duật đã nói rất thật về lòng mình. Đó là cái đích đối với sự tìm kiếm mới của Phạm Tiến Duật. Tạo dựng tứ thơ không chỉ thể hiện sự thông minh, tài hoa mà còn bộc lộ tư thế, tâm thế của con người trước hoàn cảnh. Qua cách lập tứ ở từng bài thơ cụ thể, Phạm Tiến Duật đã làm bật lên cái tứ lớn nhất trong lòng mình: chiến tranh và
hoà bình, sự sống và cái chết, gian lao và dũng cảm. Trong đó, người viết đều tỏ ra tin tưởng, điềm tĩnh, không né tránh khó khăn, gian khổ. Ông chỉ ra cái thế tương phản của các hiện tượng như bản thân cuộc sống đang hiện diện. Khi nhìn nhận rõ chúng, con người không ngơ ngác, bối rối trước các sự vật riêng lẻ, phiến diện mà nắm được bản chất, quy luật vận động của sự vật hiện tượng. Khi đó con người sẽ có cách xử thế bình tĩnh và sáng suốt hơn.
Bên cạnh đó, Phạm Tiến Duật còn có những thành công trong việc xây dựng cấu tứ bài thơ trên cơ sở những so sánh tương đồng. Ở những bài thơ này, tác giả phát hiện những mối liên quan, điểm giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng, từ đó làm điểm tựa cho mạch cảm xúc và suy nghĩ. Nếu như cấu tứ theo sự liên tưởng, so sánh tương phản sẽ có sự đối chiếu, dẫn dắt để đi đến những khái quát bất ngờ, mang chiều sâu triết lí, thì sự liên tưởng so sánh
tương đồng lại có thế mạnh trong việc biểu đạt tình cảm. Vô đề I, Rừng tre và
tiếng kẹt cửa, Cái chao đèn, Cái cập kênh, Một giờ và mười phút... là những bài thơ tiêu biểu cho kiểu cấu tứ như vậy.
So sánh tương đồng góp phần quan trọng vào việc tạo sức cộng hưởng trong biểu đạt tình cảm, cảm xúc. Trong một số sáng tác, Phạm Tiến Duật đã tìm ra được sự liên quan, tương đồng từ những sự vật, sự việc bình dị hàng ngày mà chứa đựng được nhiều rung cảm nghệ thuật. Chỉ một tiếng mèo bên bếp lửa quê nhà và một tiếng mèo ở một làng xa cũng đủ thức dậy cả một miền nhung nhớ, thôi thúc người chiến sỹ trên đường hành quân ra trận:
Nhớ cái tiếng mèo đến sôi lòng, sôi dạ Mở đường lên, phía trước là làng. (Vô đề I)
Có khi sự xao xuyến của người lính trẻ được thể hiện vô cùng tế nhị
qua cặp hình ảnh tương đồng: "Nón bài thơ, cái chao đèn của anh" (Cái chao
đèn). Những tình cảm, cảm xúc ấy nhẹ nhàng, trong trẻo như mạch nước mát lành giữa những vần thơ lửa cháy thấm đẫm hơi thở chiến trường của ông. Sự
liên tưởng của nhà thơ thật phong phú, đa dạng và linh hoạt. Chỉ một trò chơi tuổi thơ thôi cũng đủ để nhà thơ hình dung ra bao điều trong cuộc sống. Với
bài thơ Một giờ và mười phút, Phạm Tiến Duật đã chứng tỏ rõ hơn khả năng
lập tứ của mình theo kiểu so sánh tương đồng. Ông thấy trên cùng một đơn vị thời gian, suy nghĩ, hành động của hai người lại hoà cùng một nhịp:
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày Cứ một giờ lại nghỉ mười phút.
(Một giờ và mười phút)
Sự liên tưởng ấy là điểm tựa cho cảm xúc tuôn trào. Nỗi nhớ người hậu phương được nhắc đến trong từng giây khắc. Dù xa nhau ngàn trùng, vạn dặm nhưng họ vẫn đang cùng nhau trên cùng một trận tuyến chống giặc. Nhịp sống, nhịp trái tim họ vẫn hoà làm một. Vẫn mạch tư duy ấy, Rừng tre và tiếng kẹt cửa lại đem đến cho người đọc sự ngạc nhiên, thú vị về sự liên tưởng mới của tác giả. Ông nhận ra sự giống nhau giữa âm thanh của rừng tre khi gió thổi với tiếng kẹt cửa quen thuộc nơi quê nhà:
Giữa rừng không một ngôi nhà Bỗng nghe kẹt cửa: tre già gió lay ...
Rồi mai giã bạn anh về
Nghe kẹt cửa lại nhớ tre rừng Lào.
(Rừng tre và tiếng kẹt cửa)
Cái âm thanh bình dị ấy nơi nào cũng có nhưng để phát hiện ra sự giống nhau giữa chúng và mở rộng liên tưởng cảm xúc thì phải là tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Giữa muôn vàn âm thanh của đời sống, Phạm Tiến Duật đã phát hiện ra những âm thanh có khả năng lay động cảm xúc trong tim mình.
Qua cái tứ thơ ấy, tác giả bộc lộ rõ tình yêu tha thiết với con người và thiên nhiên nước Lào và nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sâu thẳm.
Có thể nói, Phạm Tiến Duật rất chú trọng đến kỹ thuật lập tứ. Dù ông lập tứ theo kiểu nào thì đều mang đến cho những bài thơ một hình dáng mới. Nhờ đó mà tình, ý trong thơ ông nổi lên rõ rệt.