Thơ là sự sống mãnh liệt được lọc qua tâm hồn trí tụê

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 31 - 36)

Trong tiểu luận Công việc làm thơ Xuân Diệu đã phát biểu “Thơ trước hết là cuộc đời, là hiện thực.Và thơ còn là thơ nữa”[7,35].Thơ không chỉ thoả mãn quy luật của cuộc sống, mà thơ còn phải tuân theo những quy luật nội tại của một tác phẩm nghệ thuật.Ông cho rằng quy luật quan trọng trước tiên của thơ là: “Sự cộng thêm vào thực tại một tâm hồn, một trí tuệ, một tình cảm, một sáng tạo”. “Không xuất phát từ thực tại thì thơ chán phèo, nhạt thếch…có thực tại mà người làm thơ chưa tiêu hoá cái thực tại ấy qua tâm trí mình, thì theo tôi, hiện tượng thơ cũng chưa được sản sinh”[7,36]. Quy luật lớn của thơ là

tình cảm, là những thực tế ngồn ngộn kia xúc động thế nào vào một tâm trí, để rồi từ tâm trí, bản lĩnh cá thể hoá đó, tác động vào hàng triệu tâm trí cá thể hoá khác” [ 7, 136]. Xuân Diệu gọi tâm hồn và trí tụê của nhà thơ là “cái lò cừ nung nấu sự đời” mà qua đó những nguyên liệu, chất liệu của cuộc sống phong phú ngồn ngộn được nhào luyện, tái tạo để thành thơ văn [5, 715]. Thơ chính là cuộc đời, là sự sống được lọc qua tâm hồn trí tuệ nhà thơ.Thơ là sản phẩm của tâm hồn trí tuệ, “thơ là tiếng hát của tâm hồn, là sự thực trần trụi của tâm hồn” [10, 228] thể loại này thiên về phía bộc lộ cảm xúc tình cảm. Ngày xưa Lê Quý Đôn (1726- 1784) khi bàn về thơ cũng đã sắp xếp theo thứ tự Tình, rồi mới đến Cảnh, và Sự:

“Ta thường cho làm thơ có ba điều chính: một là Tình, hai là Cảnh, ba là Sự. Trong lòng có cảm xúc thật sự, rung cảm sẽ nên lời….Tình là người, cảnh là tự nhiên, sự là sự hợp nhất cả trời và đất. Lời tình tham cảnh, lấy cảnh hội việc, gặp việc thì nói ra thành lời, thành tiếng.”

Ngô Thì Nhậm trò chuyện về thơ với Phan Huy ích cũng khẳng định: “…Hãy xúc động hồn thơ để ngọn bút có thần”.

Kế thừa và phát huy truyền thống thơ ca dân tộc, Xuân Diệu đặc biệt đề cao vai trò của cảm xúc tình cảm trong thơ: “Thơ là một vấn đề của tâm tình, hơn là vấn đề bày biện. Thơ bảo ta phải nói cảm xúc”[5,125]. “Quy luật lớn của thơ là xúc cảm và suy nghĩ”[7,152].Theo ông xúc cảm không đơn thuần chỉ là rung động tình cảm, bởi vì người ta có thể rung động rất nhiều thiết tha chân thành đến ứa lệ, nhưng ra nước mắt chưa hẳn đã ra thơ; nói xúc cảm là nói “những rung động tình cảm cộng với đồng thời một cơn rung động về vần điệu, hình tượng âm thanh, một hứng thú sáng tạo” [6,85].Và suy nghĩ ở trong thơ cũng phải cao hơn suy nghĩ bình thường “ tức là suy nghĩ trở thành xúc cảm” [ 7,152]. Từ đấy Xuân Diệu xác định: “Bài

thơ hay kết hợp được cảm và nghĩ; cảm là xúc cảm tình cảm; nghĩ, hiểu theo nghĩa rộng là có tính tư tưởng, chứ không phải bắt buộc bà i thơ cứ phải suy nghĩ, cố mà “suy nghĩ” đến nỗi thành ra triết lý dễ dàng; trong xúc cảm, tình cảm cũng mang tính tư tưởng” [7,178]. Xuân Diệu quan niệm “bài thơ nên đầy nặng tư tưởng”, nhưng tư tưởng trong thơ phải được diễn đạt qua xúc cảm, “văn học mang tư tưởng xuyên qua tình cảm cảm xúc”. Khác với một nhà tư tưởng, một nhà triết học là “nhà thơ đầy xúc cảm, diễn đạt bằng xúc cảm, suy nghĩ qua xúc cảm” [7,178].Cái mà người đọc đòi hỏi ở thơ là tình cảm: “Dù nói đến người, đến vật, đến việc cũng phải tràn trề tình cảm! người ta đòi hỏi người thi sỹ phải nói bằng tất cả trái tim, linh hồn của mình, càng dạt dào càng hay”. Thơ văn đối với Xuân Diệu bao giờ cũng ra đời trong nỗi niềm “ đầy rẫy cảm xúc” của thế giới nội tâm của nhà thơ, nhà phê bình này liên tưởng thật thú vị khi viết: “ Tác phẩm văn học là sự cưới xin giữa ngoại vật và nội tâm nhà thơ”, nội tâm có sức mạnh “ qui tụ cảnh vật bên ngoài vào quanh một cái trục, biến vật vô tri thành ra tình cảm”[5, 1017].Có lẽ chính vì thế mà ông lưu ý các bạn làm thơ không được coi thường nội tâm: “Thơ là kỹ sư của tâm hồn hơn loại nào hết, là nội tâm của tình cảm…Làm thơ sao lại coi thường nội tâm” [7,143] “hơn các thể loại khác, thơ diễn đạt xúc cảm tình cảm…diễn đạt thế giới bên trong nội tâm. Làm thơ mà không chú trọng nội tâm, thì sẽ bị sự thiếu sót đó quật lại mình,bài thơ sẽ không ở lại trong trí nhớ người đọc.Trên cơ sở đó Xuân Diệu nhận xét về nhược điểm của trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, là chưa quan tâm nhiều đến nội tâm của tình cảm, cho nên: Đường tới thành phố để lại cho tâm trí tôi một cảm tưởng hơi rối, và tôi thấy lắng

đọng lại ít”.[7,142- 143].Ông ca ngợi tập thơ Từ ấy của Tố Hữu, tràn đầy cảm xúc tràn đầy tình cảm; nó có một điệu cảm xúc say mê.

Thấy rõ vai trò của tình cảm trong thơ, Xuân Diệu nhận ra những người trẻ tuổi và thơ là hai ý niệm thường gắn liền với nhau, bởi “đã nói đến thơ là phải nói đến trẻ: sức sống trẻ, trí tưởng tượng trẻ, cảm xúc trẻ, ngôn ngữ trẻ, vần điệu trẻ, tâm hồn mãi mãi trẻ”.Tuổi trẻ là cái tuổi bắt đầu cuộc đời, người ta có trăm nghìn cảm xúc mới lạ, người ta có sức trẻ cần thiết cho thơ, người ta thường tràn trề đầy rẫy chứ không khô cạn; người ta dễ hăng hái, táo bạo; tâm hồn người ta rất nên thơ, người ta yêu thơ”… [5, 331-332]. Trong bài Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ Xuân Diệu tâm sự: các bạn làm thơ

muốn làm được thơ hay cái phải bồi dưỡng trước hết là cái gốc tình cảm, bồi dưỡng tâm hồn, nếu người làm thơ yêu qua loa cảm xúc cạn như đĩa đèn thì không bao giờ có được thơ hay:

“Bạn muốn làm thơ, bạn muốn làm thơ hay, mà bạn yêu cuộc sống như thế nào..Bạn có nhìn cuộc sống như khi bạn nhìn khuôn mặt thương yêu hay không? cuộc sống đây trước hết là những con người làm nên xã hội, là nhân dân lao động..; cuộc sống đây là thiên nhiên rất mực xinh đẹp…Mồ hôi nước mắt, nụ cười của những con người lao động và đấu tranh xáo trộn lòng bạn sâu đến đâu. Bạn có thấy lòng yêu, ghét đúng đắn và lớn lao vọt lên từ đáy trái tim bạn.Đó chính là cái gốc của thơ” [5, 349].

Xuân Diệu nêu những suy nghĩ này ra không chỉ đòi hỏi ở các bạn làm thơ trẻ mà còn là một yêu cầu với chính bản thân mình- một nhà thơ. Đọc thơ Xuân Diệu từ tập thơ đầu tay Thơ thơ, ta đã gặp một

tâm hồn trẻ trung dào dạt sức sống,với những cảm xúc tràn đầy.Ngay từ Lời đưa duyên mở đầu tập Thơ thơ, nhà thơ trẻ này đã tự giới thiệu những bài thơ của ông:

“Đây là hồn tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa: tôi đem tặng cho mọi người….Tôi để lòng tôi trong những câu những

tiếng, tôi đã gửi nhịp máu trong nhịp thơ, đã gói gém hơi thở của tôi trong ít nhiều âm điệu. Tôi sợ mất sự sống của tôi, không muốn nó rơi rớt chảy trôi theo dòng ngày tháng, tôi đã ráng bỏ từng mảng đời tôi trong hàng chữ, để gửi đi, gửi đi cho người, cho bốn phương”[34,36].

Chúng ta thấy ở đây sự sống ăm ắp trong tất cả nối niềm của thi sĩ, đó là tiếng nói của một tâm hồn tràn đầy xúc động, tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Cao hơn nữa Xuân Diệu cho rằng “Thơ là một sản phẩm của trí tuệ, sản phẩm trí tuệ ấy gắn chặt với thực tại với xã hội, với tình cảm con người”[10, 130]…. ông viết “gần đây, nhiều bạn làm thơ có chủ ý tốt, muốn làm thơ chứa đầy trí tuệ, có tầm cao của tư tưởng.Thơ phải như thế thật, chứ không nên lẹt đẹt. Tuy nhiên, số bạn đó hiểu nhầm thơ trí tuệ, thơ tư tưởng. Theo tôi nghĩ không phải cứ nói những chuyện tư tưởng, tôi suy nghĩ cuộc đời như thế này, thì mới là thơ cao, rộng, xa,”[7,62]. Xuân Diệu đã phân biệt rõ các khái niệm “lí trí”, “Lí trí luận” “trí tuệ” để tránh sự lẫn lộn hoặc đồng nhất những khái niệm này. “Lý trí là nòng cốt của tư rưởng, là cái sức lý luận của trí tuệ, cái khả năng nhìn sự vật một cách khách quan, khoa học. Lý trí là cái phần tỉnh ở trong thơ, cái phần dẫn dắt bài thơ, bảo đảm cho nó đúng và tốt”.Trí tuệ “là do cái kết quả cao cuối rất tinh vi, kỳ diệu của sự phản ánh thực tại vào trong tâm não con người, và ở trong nghệ thuật, trí tuệ tự nó lại lấy những tài liệu, chất liệu của thực tại mà sáng tạo ra tác phẩm”. Từ đó ông xác định: “Một tác phẩm nghệ thuật là sự quyện xe nhào nặn giữa thực tại và trí tuệ (bao gồm tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, cá tính…) của nghệ sỹ”…Bài thơ là kết quả của mối quan hệ biện chứng giữa lý trí, trí tuệ và tình cảm tâm hồn. Thơ cần chú ý bảo đảm được phần tỉnh táo, đúng đắn của lý trí, nhưng không phải là lý trí luận. Những sự vật trong đời sống thực tế, những tình cảm, xúc cảm trong con người là những nguyên liệu cho trí tuệ nhào nặn. Nếu không

gắn chặt với tình cảm thì thơ sẽ đi vào mờ mịt mông lung, và cuối cùng là trống rỗng, nếu không có trí tuệ thì thơ sẽ kể lể, chụp ảnh, cóp nhặt, đếm,

“thơ sẽ thành một cô tuỳ tùng vụng dại, tầm thường của thực tại”[10, 130]. Xuân Diệu đánh giá trí tuệ của người thi sĩ khi làm thơ ở hai khả năng: khả năng trừu tượng hoá và khả năng cụ thể hoá bằng hình tượng nghệ thuật “tôi nghĩ rằng, đứng về phía trí tuệ mà nói, một nhà thi sĩ cần phải có một khả năng trừu tượng hoá càng cao lại càng quý báu, thì sức hiểu biết cuộc đời mới rộng lớn; nhưng trừu tượng hoá rồi lại phải cụ thể hoá, và phải dùng hình tượng thì cuộc đời mới có da có thịt”[10,131]. Thơ dùng suy nghĩ hình tượng, và những suy nghĩ hình tượng đó thể hiện sự hiểu biết trong trí tuệ của nhà thơ.

Tóm lại quy luật quan trọng đối với một tác phẩm thơ, theo cách nói của Xuân Diệu là “sự cộng thêm vào thực tại một tâm hồn, một trí tuệ, một tình cảm, một sáng tạo”. “Tác phẩm thơ được sinh ra do sự quyện xe rất tập trung, nâng lên cao độ của thực tại khách quan với tâm hồn trí tuệ con người”. Đây là một quan niệm đúng đắn và đầy đủ, bởi: “thơ là tiếng gọi đàn, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những con người lao động, phấn đấu, suynghĩ, yêu thương, trong cái phần cao nhất, sâu nhất của họ, tức là tâm trí” [ 7, 36].

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 31 - 36)