Xuân Diệu là một trái tim dạt dào, sôi nổi, đắm say, ông rất sợ sự lạnh nhạt ngay từ hồi Thơ thơ mới ra đời, trong Lời đưa duyên Xuân Diệu đã nhắn gửi “Tôi rất sợ sự lạnh nhạt, sở dĩ tôi tha thiết như vậy, là muốn xứng đáng với lòng bạn thiết tha…hỡi không gian xin người đừng lạnh lẽo”. Xuân Diệu- thơ, Xuân Diệu – văn xuôi hay Xuân Diệu- nghiên cứu phê bình thì cũng vẫn là một Xuân Diệu ấy- con người của niềm khát khao giao cảm với đời. Viết phê bình cũng chính là cách để ông giao cảm với đời, với thơ, có lẽ chính bởi vậy mà hành văn phê bình của ông thường sôi nổi mãnh liệt, giàu tình cảm, cảm xúc. Một thứ văn yêu ghét cao độ, xúc cảm cao độ. Xuân Diệu viết rất tha thiết say sưa, viết bằng tất cả sự rung động của tâm hồn. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng:
“Sở dĩ người ta nhớ và thích văn nghiên cứu của Xuân Diệu, cái chính là do tác giả đã mang vào đây tất cả tâm huyết của một người sống chết với văn học, yêu vô cùng tiếng mẹ đẻ, yêu sự nghiệp của cha ông. Nói theo chữ Xuân Diệu thường dùng, cái “ tình yêu đầy rẫy” đó đã thấm vào văn anh, làm nên mạch đập run rẩy trong mỗi dòng chữ, làm nên sức cuốn hút của từng trang viết” [ 35, 284].
Đặc biệt khi viết về các nhà thơ cổ điển của dân tộc, lời văn của Xuân Diệu như có cánh, bay bổng thăng hoa, tràn đầy chất trữ tình.
Xuất phát từ quan niệm coi trọng sự cảm thông và thấu hiểu trong phê bình, cái tôi chính luận dào dạt chất trữ tình trong văn phê bình Xuân Diệu thiên về phía trò chuyện tâm sự. Ngay ở nhan đề nhiều bài viết của Xuân Diệu cũng nằm trong mạch tâm tình ấy: Trò chuyện quanh một bài thơ mưa, Tâm sự với các em về tiếng Việt, Một chút tâm sự về làm thơ chiến đấu, Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ,
Câu chuyện nhỏ trước các bạn viết văn trẻ, Bàn thêm với bạn, Tâm tình cùng bạn… Khi tiếp xúc với 116 bài thơ của Nguyễn Trãi, Xuân
Diệu có cảm giác tâm hồn mình sực nức lan xạ của thơ người, và ông hăm hở chia sẻ với bạn đọc một điều mà mình rất “khoái trá”, rất tâm đắc: “Khoái trá biết bao, mình là con cháu sáu trăm năm sau được vào đền thờ tổ tiên thuở trước, ôm từng cái cột, đếm từng chiếc kèo, ngửa mặt lên nhìn từ bên trong mỗi phiến ngói, nắm từng cánh cửa, trân trọng từng viên gạch…Suốt cái phần đời còn lại cho đến hơi thở cuối chót sẽ vẫn còn cái tâm đắc này”[ 8, 19]. Có lúc Xuân Diệu lại níu kéo trò chuyện với người nghe bằng một giọng kể xúc động say sưa, như gợi một niềm say mê: “Tôi còn nhớ khi mình còn nhỏ độ mười bốn, tình cờ tôi mở Kiều ra đọc; tôi chưa hề biết câu chuyện đầu đuôi ra sao, các nhân vật thế nào, tôi cứ lao vào giữa trang, và vốc từng vốc thơ, uống say sưa! Và tôi riêng chọn những câu nào tôi yêu mến nhất, trữ tình nhất, cất vào trong trí nhớ non trẻ”[ 11, 194]. Cũng có khi cái tôi chính luận lại tâm sự với chính mình như đau đáu một khát vọng khôn nguôi: “Ôi! bao giờ thơ mình cũng được người ta mua như mua một bao diêm, cùng với bao diêm; giá mà thơ cũng cần thiết cho sự sống đến như một bao diêm! được người ta rung đùi mà “đọc thơ Xương, ăn chuối ngự” thì chết cũng ngậm cười nơi chín suối” [ 8, 617]. Yêu mến, trân trọng thiết tha với nhà thơ Tản Đà, Xuân Diệu đã tâm sự chân thành:
“Tôi sẽ là người bội bạc nếu tôi quên cả một thời tuổ i nhỏ, thời tôi đã yêu, đã mê thơ của thi sĩ Tản Đà. Người ta có thể đổi thay, tuổi tráng niên không còn những cái thích của ngày thơ dại cũng như tấm lòng không ở mãi trong một tình yêu. Nhưng ta không quên, kỷ niệm còn đây để nhắc tôi cái hương xưa của những thơ mộng ban đầu”[34, 310 ].
Xuân Diệu đã không giấu nổi nỗi xúc động của mình khi tìm thấy tập thơ quý giá Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi: “Chao ôi hú
vía! nghĩa là 254 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi rất có thể chúng ta nay không được đọc một tí gì! Nghĩa là cái mảng tình cảm tinh vi nhất của Nguyễn Trãi, chưa kể cái kho văn quốc ngữ cổ nhất do Nguyễn Trãi sáng tác, rất có thể chỉ còn lại tên sách mà thôi”[ 11, 55]. Văn phê bình của Xuân Diệu là loại văn thiên về trò chuyện giãy bày tâm sự, văn của ông cho ta có cảm giác như “đối diện đàm tâm” với chính tác giả của nó. Xuân Diệu hay sử dụng đại từ xưng hô ta, chúng ta lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng người đọc không hề có cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt, thậm chí trong nhiều bài viết ta còn gặp cách Xuân Diệu gọi đối tượng mà mình hướng tới một cách trìu mến, thân mật như: “Các bạn viết văn trẻ ơi”, “Các bạn viết văn trẻ yêu quý” [7, 96- 98], “Các em thiếu nhi thân yêu” [6, 414]…Những cách xưng hô ấy đã góp phần tạo nên một không khí giao tiếp ấm áp, rất hoà hợp với độc giả, ta cảm giác có một Xuân Diệu bằng xương bằng thịt ở rất gần bên ta, sẵn sàng chia sẻ lắng nghe. Bằng cách ấy Xuân Diệu đưa cái đẹp cái hay của thơ, đi sâu vào thế giới tâm hồn của người đọc.
Văn phê bình của Xuân Diệu là một thứ văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, với cách sử dụng từ ngữ thật đặc biệt, thật ấn tượng ,như găm vào trí nhớ người đọc, chúng lột tả đúng bản chất của sự vật và hiện tượng, thể hiện được tình cảm của người viết và tác động vào cảm giác của người đọc. Xuân Diệu không ngại sử dụng lớp từ đặc trưng cho văn nói, về điểm này Trần Thị Thanh Hà nhận xét: “Ông đã đưa vào văn phê bình (mà nhiều người coi là loại văn bác học”) một dáng dấp văn nói rất đẹp, rất đa dạng, rất thanh thoát tự nhiên” [ 17, 174]. Đó là những thán từ khẩu ngữ như: hú vía, ôi, chao ôi, trời đất ơi, khoái trá
biết bao…; những tính từ thể hiện cách đáng giá tuyệt đối hoá như:
hộc, khạc, gãy lưng… Những từ ngữ này biểu lộ trực tiếp tình cảm,
cảm xúc của cái tôi trữ tình Xuân Diệu, bổ trợ cho những nhận xét đánh giá của ông, đồng thời nó cũng lôi kéo được sự đồng cảm nơi người đọc. Mỗi lần đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, là Xuân Diệu không giấu nổi niềm say mê mãnh liệt. Khi nói về sức hấp dẫn của
Truyện Kiều, Xuân Diệu diễn đạt rất hình ảnh: “Cô Kiều quả thật sắc
sảo mặn mà, vẫn còn làm gãy lưng được nhiều nhà phê bình”, cách dùng từ độc đáo rất Xuân Diệu. Ông gọi Xuân Hương là một nghệ sỹ lớn “Biết phun tâm hồn mình vào cảnh vật, làm cho chúng sống lên ngồn ngộn…Xuân Hương như một nhà điêu khắc tạc cho đá sống và yêu, chính Xuân Hương là bà tạo hoá…Và một nữ thi sỹ, một nhà điêu khắc truyền cả hơi sống, cả tình yêu vào đá, đến nỗi đá cũng ửng hồng lên như có máu chạy: đá cứng lắm, nặng lắm, mà nó chẳng nằm chết như đá, nó giãy ra, nó cọ mãi, nó già dặn tình xuân! ”[ 11, 478].
Có lẽ chưa có ai viết về Xuân Hương với tình cảm sôi nổi và niềm đam mê cháy bỏng như Xuân Diệu, người đọc sẽ còn nhớ mãi một Xuân Hương với tài năng sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời, và một Xuân Diệu đầy “chất lửa” nhiệt tình trong văn phê bình. Còn đối với Tú Xương, Xuân Diệu nhận xét:
“Một giọng nói trên đường đời rất mực tâm huyết, tôi thấy thơ Tú Xương như là trong tiếng chim quốc có máu…đó là một người đã làm thơ, đã nói thì muốn khạc cả tim phổi của mình vào văn” [8, 617].“Nhiều nhà thơ khác cũng trào phúng, nhưng chất lượng cười không sâu bằng Tú Xương, không phải như Tú Xương hộc ra tiếng cười[ 8, 566, 567]. “Thơ đả kích của Tú Xương thường làm theo lối chửi, mà chửi là đánh vào lời nói, mà lời nói thì dễ gió bay. Tú Xương không dành lòng thế, mà bám sát đối tượng: thơ Tú Xương như một thứ axít đổ vào nó, cắn cho nó nát ra, cháy đi” [ 8, 554]. Đó là những đoạn văn mà ở đó ta nhận thấy kỹ thuật diễn đạt giàu nội lực, đầy sức
biến hoá, nhằm bộc lộ lí lẽ và cảm xúc. Nói về bất cứ nhà thơ n ào con mắt xanh của Xuân Diệu “cũng tìm bằng được cái lửa, cái điện riêng của người đó. Mà tìm ở đâu? Tìm ngay ở những vang hưởng tác p hẩm gợi lên trong lòng mình”. [35, 284], và diễn đạt bằng mạch văn sôi nổi, dạt dào, bằng những liên tưởng so sánh độc đáo theo cách riêng của mình, điều đó tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn cho mỗi trang viết.
Qua những dòng chữ sôi nổi ấy, người ta thấy hiện lên rất rõ, rất đậm chân dung cái tôi Xuân Diệu: sôi sục, hăm hở hết mình với văn thơ, chữ nghĩa, hết mình với sự sống, với cuộc đời. Ông lao vào đống tư liệu lịch sử, văn hoá văn học, đau đớn vì chưa tìm được đích xác lai lịch của Hồ Xuân Hương: “Chúng ta ngày nay rất tức tối và đau đớn, đứng trước tình cảnh không biết ngày sinh tháng đẻ năm mất của một thi hào như Xuân Hương [ 11, 411]. Ông day dứt, trăn trở vì cảm thấy mình chưa phát hiện hết cái hay trong thơ Nôm Nguyễn Trãi: “Chao ôi, cho đễn khi viết tới dòng này, tôi vẫn chưa nói hết được cái hay trong thơ Nôm của Ức Trai”[ 11, 95]. Bực bội vì chưa hiểu rõ một chữ trong thơ Nguyễn Trãi. Ghét cay ghét đắng cái thằng Sở Khanh, cái con mụ Tú Bà, ông gọi Tú Bà là “Con hổ cái” và “Trời đất ơi! Mụ nói không đầy nửa phút mà bọt mép của mụ văng ra mãi đến ngàn năm ! tưởng như mụ đã xé xác người ta rồi…Tưởng như mụ nói, rách cả trang giấy Truyện Kiều” [ 11, 162-163]. Ông ghê sợ cho cái máu ghen
Hoạn Thư: “Cái mưu mô của mụ sâu sắc quá.. khiến ta nghĩ đến, vẫn còn lè lưỡi, sởn gai, vẫn phải phục mụ “Khôn ngoan rất mực, nói năng phải lời” [ 11, 165]. Tức giận phẫn nộ với trời làm Tú Xương hỏng thi: “Mà chó thế! Lại cứ hỏng thi!” [ 8, 604], thích thú khi Tú Xương đưa món quà ngô lúa vào thơ [ 8, 612]. Nếu như “ngòi bút Nguyễn Du, tấm lòng Nguyễn Du cũng đi đi, về về với Kim, Kiều”, bởi “Nguyễn Du yêu mến hai người tài tử như đẻ họ ra từ trái tim, xoắt xuýt quanh họ không nỡ tiếc, không nỡ dời, toả hết những gì xinh đẹp, măng tơ
nhất, thanh tao và đằm thắm nhất” [ 11, 175- 176], thì Xuân Diệu- nhà thơ số một của tình yêu hiện đại ấy, đã bao lần đắm say rạo rực cùng với mối tình Kim – Kiều. Chúng ta cũng đã thấy nhà phê bình thơ ấy sung sướng, khoái trá đến thế nào khi thưởng thức những chữ nghĩa thần tình của Xuân Hương hay Nguyễn Khuyến Tú Xương…Chứng kiến tài năng thơ của cậu bé “thần đồng” Trần Đăng Khoa, Xuân Diệu không giấu được niềm sung sướng tự hào và niềm tin vào lớp con cháu hậu sinh. Ta hãy nghe một lời bình của ông về sự sáng tạo hình tượng trăng trong thơ Trần Đăng Khoa: “Một hìn h tượng mà xâu chuỗi được từ trời sang biển, từ biển đến trời, trăng là mắt của một con cá nào nhìn nghiêng kỳ diệu đến thế!... Tới hình tượng thứ ba, thì chỉ có một trẻ em mới, lần đầu tiên, nghĩ ra trong thơ:
Trăng ơi từ đâu đến Hay từ một sân chơi Trăng bay như quả bóng Đứa nào đá lên trời
Với giọng văn đầy hào sảng chan chứa niềm tự hào dân tộc Xuân Diệu khẳng định: “Cái cú sút này hẳn là của một em thiếu nhi Việt Nam, con cháu của một dân tộc anh hùng, mới đá được quả bóng sáng bay lên thành mặt trăng như vậy” [ 34, 502- 503].
Với cách hành văn sôi nổi mãnh liệt, với một cái tôi giàu khả năng giao cảm chân thành hết mình, Xuân Diệu đã đem đến cho nền lý luận phê bình của chúng ta một phong cách thơ hết sức đa dạng và độc đáo.
3.5. Một số hạn chế.
Ở trên ta đã nói đến một đặc trưng trong phong cách nghiên cứu phê bình của Xuân Diệu, đó là kết hợp bình và giảng. Đây là mặt mạnh, đồng thời người ta lại tìm thấy ở đó những hạn chế của ngòi bút Xuân Diệu. Không phải bao giờ Xuân Diệu bình và giảng cũng hay,
trong một số trường hợp Xuân Diệu quá ham giải thích, cái gì cũng giải thích, cái gì cũng giải giải, giảng đến sơn cùng thuỷ tận, ông đã để lộ quá nhiều nhiệt tình của mình ra ngoài lời, và do đó mắc v ào cái tật dài dòng, tham nói, trong khi cần một sự thâm trầm, ngắn gọn, hàm súc hơn. Vì tham nói, nói nhiều, nhiều lúc Xuân Diệu cũng không tránh khỏi lối suy diễn chủ quan. Không khó lắm để chỉ ra những chỗ “bất thập toàn” ấy trong văn phê bình của Xuân Diệu. Ví dụ trong
Truyện Kiều có câu Trên yên sẵn có con dao, bản chữ Nôm ghi là yên, phiên âm là yên. Nhưng Xuân Diệu thích là án hơn và do quá say tưởng tượng, để dòng cảm xúc chủ quan cuốn đi, ông đã bình một cách suy diễn: “Trên án, sẵn có, hai dấu sắc ánh lên như ánh con dao
sáng loáng, như ánh mắt nàng Kiều sáng quắc, quyết định nếu sau này nhục quá thì sẽ liều thân tự tử” [ 11, 371], Xuân Diệu chê nhà bình luận Tản Đà không thấy chỗ táo bạo ấy của Nguyễn Du nên chép thành
Trên yên sẵn có con dao, hoá ra là bằng phẳng vô vị! Yên thế nào
được! Đã vào sóng gió rồi không thể nào yên”[ 11,371]. Hay câu :
Sẵn thây vô chủ bên sông,
Đem vô để đó lộn sòng ai hay…
Xuân Diệu xem đó là sự phản ánh hiện thực của một thời đại loạn ly cuối Lê đầu Nguyễn, ở đâu cũng gặp thây người vô chủ, ông bình: “Nguyễn Du chỉ dùng một chữ mà tố cáo cao độ cái xã hội phong kiến tàn ác…thì ra trong cái xã hội kia, xác chết vô thừa nhận bao giờ cũng sẵn, chỉ cần quờ tay ra là nhặt được!”[11,143 -144], thực ra từ sẵn thây nằm trong quy tắc tổ chức truyện của nhà văn chứ không phải chi tiết phản ánh hiện thực, Xuân Diệu đã để chủ quan lấn át ý nghĩa khách quan của văn bản ngôn từ.
Trong bài phê bình tập thơ Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Xuân Diệu đã nhắc đi nhắc lại rằng ông luôn luôn tự nhủ mình “đừng hẹp hòi; vượt qua cái mà mình không thích thú lắm để hưởng
lấy những ưu tú của một thi sỹ”.[10,229]. Đó là một quan niệm đúng đắn, người sáng tác phê bình không thể đem cái phong cách riêng, cái khẩu vị riêng của mình mà bắt mọi người khác phải theo. Tuy nhiên đọc một số bài phê bình của Xuân Diệu còn thấy ông chưa vượt ra khỏi sự phê bình thiên kiến, chủ quan, áp đặt, chưa vượt ra khỏi cái “tạng” và khẩu vị của mình.
Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, ở đấy còn lắm điều bí mật, còn lắm điều hay. Càng đi sâu nghiên cứu chúng ta càng thấy được bản lĩnh, tài năng, và vẻ đẹp riêng của phong cách phê bình thơ của Xuân Diệu.
Xuân Diệu là nhà nghiên cứu phê bình thơ có phong cách độc đáo khác các nhà phê bình cùng thời. Trong hoạt động phê bình thơ, Xuân Diệu luôn đề cao nội dung tư tưởng thông qua nghệ thuật thơ, đó là thiên hướng nghiên cứu bình luận về hình thức nghệ thuật, đi sâu khám phá vẻ đẹp tinh tế đa đạng, các giá trị thẩm mỹ của từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu thơ…Từ câu chữ mà khám phá cái đẹp của nội dung tư tưởng.
Trong văn phê bình của Xuân Diệu Bình và giảng là hai thao tác