Trần Đăng Khoa Một hồn thơ nhạy cảm, với những vần thơ“ hồn nhiên như một bình minh ríu rít”

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 95 - 103)

hồn nhiên như một bình minh ríu rít”

Với Xuân Diệu những người trẻ tuổi và thơ là hai ý niệm thường gắn liền với nhau, bởi “đã nói đến thơ là phải nói đến trẻ: sức sống trẻ, trí tưởng tượng trẻ, cảm xúc trẻ, ngôn ngữ trẻ, vần điệu trẻ, tâm hồn mãi mãi trẻ”.Ông cho rằng: “Người nào yêu cuộc sống, yêu cuộc đời vô hạn, luôn luôn thay máu mới, người ấy tất nhiên yêu những bạn thanh niên…Trong làng văn cũng vậy, những nhà văn hướng về tương lai thì cũng đồng thời quý mến trân trọng những người viết văn trẻ”[5, 331]. Trong số những nhà thơ cách mạng có tên tuổi, Xuân Diệu là người nhiệt tình và quan tâm thường xuyên tới những nhà thơ trẻ. Bằng tấm lòng ấy, và với sức đọc khó ai sánh kịp, Xuân Diệu dường như đã bao quát được hầu hết những cây bút trẻ qua các chặng đường phát triển của thơ cách mạng. Từ Phạm Tiến Duật, nhà thơ “đã có những bài thơ hay, hay cả hồn lẫn xác, hay trên giấy

trắng mực đen”[6, 516], Vương Anh- nhà thơ dân tộc Mường- qua thơ anh “thấy được cái vốn văn học Mường thật là đáng quý” [6, 516], Bế Kiến Quốc “cho ta thấy một cái gì đang mầm chồi nụ ở trong cảm xúc trong hồn thơ” [6, 523], Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ nữ “chứng tỏ một sự đằm trong xúc cảm và suy nghĩ, cái đằm của tâm hồn phụ nữ”, thơ chị có một tính cách rất quý, hiện nay còn hiếm: tính phụ nữ [6, 524], Nguyễn Mỹ, nhà thơ trẻ để lại cho chúng ta một “tiếng hát thiên nga”: bài Cuộc chia li màu đỏ [5, 826], Nguyễn Đức Mậu “thơ

anh ra từ những nét sống, những nét thực tế hãy còn sốt dẻo, như của một phóng viên mặt trận mà tâm hồn còn đầy chất thơ” [5, 828], Nguyễn Duy với bài thơ Bầu trời vuông, “đã đưa vào thơ xúc cảm của hàng vạn tâm hồn bộ đội” [5, 829], đến thơ Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa “đáng mến thương vô hạn trong cái hồn nhiên như một bình minh ríu rít” “mang cái duyên tinh sương của một buổi sớm của đời người” [5, 830- 831]…Xuân Diệu gọi họ là “các vị tân khoa trong thơ”, chăm chút khích lệ động viên họ ngay ở những sáng tác đầu tiên.

Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi sẽ đi vào một trường hợp tiêu biểu cho sự quan tâm của nhà phê bình Xuân Diệu với lớp nhà thơ trẻ, đó là nhà thơ Trần Đăng Khoa

Bạn đọc trong và ngoài nước biết đến Trần Đăng Khoa, “thần đồng thơ” từ lúc cậu bé mới 8 tuổi. Và 10 tuổi Khoa đã có tập thơ đầu

tay Góc sân và khoảng trời (1968). Từ đó cho đến nay, gần nửa thế kỷ

trôi qua, tập thơ đã được tái bản nhiều lần, nhưng vẫn được bạn đọc yêu mến, đặc biệt là bạn đọc ỏ lứa tuổi khăn quàng đỏ. Cậu bé ấy đến với thơ cũng hồn nhiên như em bé đến với trò chơi. Cho đến khi gặp nhà thơ Xuân Diệu, thì Khoa hiểu được rằng: “ Thơ ca không bao giờ là trò chơi cả. Nó là một công việc sáng tạo cực nhọc”[35, 419]. Bài học đầu tiên trong công việc làm thơ người học trò nhỏ ấy đã học được từ Xuân Diệu, người mà sau này anh coi là người thầy, người bạn lớn .

Năm 1968 Xuân Diệu đã về tận nhà Khoa, thăm góc sân nhà em, cái vũ trụ tí hon đầy thơ mộng của Khoa.Sau này khi nhớ lại Trần Đăng Khoa xúc động tâm sự “có thể nói may mắn cho đời tôi là tôi đã sớm gặp Xuân Diệu…Xuân Diệu trở thành người thầy dạy nghề nghiêm khắc, gần gũi, thân thiết của tôi. Không phải chỉ trong nghề nghiệp, mà kể cả cách ứng xử hàng ngày” [ 35, 419]

Xuân Diệu là người thầy, người bạn gắn bó suốt chặng đường thơ của Trần Đăng Khoa, ông đã hai lần viết bài giới thiệu và bình luận thơ Khoa, ông cũng là người đầu tiên dịch thơ Khoa ra tiếng Pháp, và giới thiệu thơ em dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, có nhiều bài thơ trong tập thơ của Khoa (như bài Mưa và bài Em kể chuyện này …) Xuân Diệu đã bình ở rất nhiều nơi trên miền Bắc, ở Sài

Gòn và các thành thị phía Nam.

Đọc thơ Trần Đăng Khoa Xuân Diệu đã phát hiện ra một tâm hồn trẻ thơ sớm nhạy cảm, với những vần thơ hồn nhiên chân thực mà xúc động lòng người. Ông ví sự xuất hiện của thơ Trần Đăng Khoa giống như một tiếng gà gáy buổi sớm, rất tươi sáng mới mẻ, như trong bài thơ ò ó o của em làm năm 1967.Chế độ ta tươi sáng, cho nên hàng ngàn em nhỏ cất tiếng gáy ò ó o…ở khắp nơi; Khoa ở trung tâm của cuộc đồng ca tươi lai ấy [34, 517].Theo Xuân Diệu, thơ của Khoa được đăng báo và khắp nơi chú ý đến thơ em, không phải vì mấy chữ chú thích “tám tuổi” “chín tuổi”, “mà chính vì đây là một hồn thơ có một cách nhìn thật là đặc biệt” [34, 488], thơ em toát lên “một lòng yêu đời sáng tươi, trẻ trung như mới vừa tạo thiên lập địa, lòng yêu đời của nhân dân, dân tộc Việt Nam tươi roi rói ở giữa cuộc đời!”[ 32, 495 ].

Xuân Diệu nhận thấy Khoa là một cậu bé rất giàu tình cảm, biết yêu thương, em bộc lộ tình yêu thương của mình đối với mọi người trong thơ một cách hồn nhiên chân thực, đây chính là điều khiến thơ

Trần Đăng Khoa xúc động được lòng người. [34, 494].Từ lời bình của Xuân Diệu, người đọc cảm nhận được thế giới tâm hồn tình cảm vô cùng giàu có của nhà thơ nhỏ tuổi này.Cảm động nhất là bài thơ Khoa viết tặng mẹ, mặc dù mẹ có khen mình làm đủ mọi việc lúc mẹ vắng nhà, nhưng cậu bé vẫn có cảm giác Con chưa ngoan chưa ngoan, khi

thấy Áo mẹ mưa bạc đầu- Đầu mẹ nắng cháy tóc. Xuân Diệu đã xúc động thực sự trước tình yêu thương sâu sắc của em “lúc bài thơ chuyển giọng, và nhà thơ mười tuổi bảo rằng Con chưa ngoan chưa

ngoan người đọc cảm thấy ươn ướt ở nơi mắt” [ 34, 494]. Xuân Diệu

cho rằng chỗ mạnh của thơ Trần Đăng Khoa đó chính là “ cái cảm giác có tính chất thơ đối với cuộc sống” [ 6, 273 ]. Quả đúng vậy, tập thơ đầu tay của Khoa làm và em tự đặt tên là Từ góc sân nhà em, cái thế

giới đầu tiên của cậu bé là cái sân nhà mình- Đây là chỗ đầu nguồn của thơ em, từ đó mà khám phá ra cả ruộng vườn làng xóm, cả đất nước- đó là một cái sân gạch rất bình thường như trăm nghìn sân nhà khác ở miền Bắc, với những vật rất thông thường: ngọn mùng tơi, cây bưởi, cây dừa, bụi tre…., nhưng với “cái cảm giác có tính chất thơ” của Khoa, tất cả đã biến thành một vũ trụ tý hon đầy thơ mộng, tất cả đều “ đượm sắc thần tiên của hồn con trẻ, và đượm tình mến yêu của trái tim thơ ấu” [5, 1016 ]. Bước trên mảnh sân nhỏ nhà cậu bé, Xuân Diệu đã giác ngộ hơn nữa về cái sức mạnh của nội tâm, đó cũng chính là bí quyết của thơ: “ Tình yêu và tâm hồn thắm thiết của con người biến vật ngoài đời thành vật trong lòng, lấy vật ở ngoài đời mà tạo ra một thế giới mê say, thậm chí là kỳ diệu nữa” [34, 490]. Nhạy cảm là một tư chất thiên phú ở hồn thơ này, nhạy cảm trước tiên với đất nước non sông, làng mạc đồng bằng miền Bắc! Nhạy cảm với tình nhà cửa, làng nước, quê hương: Em cảm nghe cái vô hình yêu mến trong Tiếng võng kêu, em cảm nghe cái vô hình yêu mến của Nửa đêm, cái đẹp đẽ của hoàng hôn chuyển thành đêm trăng mọc. Không chỉ có thế, Khoa

còn cảm thấy được tâm hồn thi sĩ của những người khác, “ bài thơ

Tiếng chim chích choè tế nhị biết bao! Khoa đã sờ tới được, đụng

chạm tới được cái tinh vi lớn lao của sự sống…Ít tuổi lắm mà Khoa nói được sự vĩ đại của các anh bộ đội…Vĩ đại ở tâm hồn! Tâm hồn bộ đội sao mà đẹp đến thế! Bao nhiêu cái mũ lắng nghe- Tiếng chim chích choè- đang- hót” [34, 495- 496]. Xuân Diệu kết luận: “Đúng em Khoa là một thi sĩ”. “Cao hơn nhạy cảm, Khoa còn có xúc cảm thơ, nghĩa là xúc cảm thành sáng tạo thơ, thành hình tượng thơ” [ 34, 497 - 498].Trong bài Đêm Côn Sơn, Cậu bé có cái xúc cảm rất tinh vi khi

nghe tiếng lá đa Ttiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng [34, 512]. Cũng chạy quần ống cao ống thấp thả diều với các bạn, nhưng xúc cảm thơ đặc biệt khiến cậu bé nhìn con diều giấy, cong cong , khuyết khuyết khi thì giống trăng vàng (Sao trời trôi qua- Diều thành trăng

vàng), khi lại giống hạt cau (Diều là hạt cau- Phơi trên nong trời),

những hình tượng thơ thật là độc đáo thú vị và đầy tính sáng tạo. Bài thơ Hoa cau, “gợi cảnh thời đổi thay rất giỏi”, dư vị để lại cho người

đọc là sự tinh tế và đầy xúc cảm [34, 517]. Xuân Diệu tinh tế phát hiện thơ Khoa rất hấp dẫn, đáng yêu, còn bởi cái cách mà em tạo không khí trong thơ. Đó là không khí của chuyện thần thoại khi em tả buổi sáng nhà mình: [ 34, 500- 501]

Ông trời nổi lửa đằng đông

Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay… …Bác nồi đồng hát bùng boong Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà

Là “không khí kỳ diệu của những thuở hồng hoang đất trời còn chưa phân hoá hẳn, khi rừng bị lấp triệu năm thành ra than trong bài

Lời của than” [ 34, 515 ]. Cái thế giới của tâm hồn trẻ con vẫn là một mạch nước tươi mát trong thơ Khoa, “Khoa vẫn còn ở trong cái không khí của tuổi nhỏ, từ trong một xúc cảm, biết rút ra cái thú vị lâng lâng,

xa xa, và còn có cái thi vị diệu kỳ của tuổi ấu thơ. Cho nên những quân bài tam cúc của em: Đây là tướng ông- Chân đi hài đỏ- Đây là tướng bà- Tóc hiu hiu gió- Đây là con ngựa- Chân có buị đường, ở

giữa mơ và thực, tạo thành một chất thơ rất đáng yêu” [ 34, 515 ]. Bài

Con cò trắng muốt “gợi được cái không khí mây đen rầm, giông mưa,

trong khi đó một con cò bay đón mưa, mình lông trắng muốt, trong trắng…” [ 34, 515 ]. Bài Mưa “dựng lên một không khí chuẩn bị khẩn trương, cả giới tự nhiên nổi dậy đi đánh giặc, Ông trời mặc áo

giáp đen ra trận, sấm ghé xuống sân khanh khách cười”[ 34, 487 ]

Xuân Diệu đặc biệt chú ý đến những sáng tạo của Trần Đăng Khoa. Ở bài thơ Trận địa bỏ không Xuân Diệu lại thấy Khoa có “con

mắt quan sát vừa đúng vừa nên thơ”:

Dưới hào nước chẳng theo đi, Cá cờ một chiếc đớp ria cánh bèo

Em nhìn đáy nước trong veo Máy bay một mảnh cắm xiêu vỏ hà

Mảnh máy bay Mỹ cắm trên trận địa, như cái vỏ hà cắm siêu trên rá cơm, đúng là một lối tạo hình rất riêng, rất độc đáo, Xuân Diệu khen kết bài thơ em đã biết kết hợp thơ với chiến đấu một cách thoải mái, vì có cái mảnh máy bay Mỹ cắm siêu vỏ hà mà:

Thảo nào các chú đã xa

Thằng giặc chẳng dám bay qua nơi này. [34,501] Mặt trăng muôn đời, hàng nghìn thi sỹ đã so sánh ví von rồi, nhưng Khoa vẫn thấy được cái mới cái lạ:

Trăng ơi từ đâu đến Hay từ biển diệu kỳ Trăng tròn như mắt cá Không bao giờ chớp mi

Nhà phê bình đã từng sống với biển ấy, đã trầm trồ, thán phục trước tài quan sát và sự liên tưởng độc đáo của cậu bé:

“Một hình tượng mà xâu chuỗi được từ trời sang biển, từ biển đến trời, trăng là mắt của một con cá nào nhìn nghiêng kỳ diệu đến thế! Tôi vốn sinh ra và lớn lên trên bờ biển Quy Nhơn miền Nam Trung Bộ, từ nhỏ đã ra bãi biển ngắm trăng rằm mọc nhô từ dưới biển lên, đúng là mắt một con cá bể chứ gì nữa! tới hình tượng thứ ba, thì chỉ có một trẻ em mới, lần đầu tiên, nghĩ ra trong thơ:

Trăng ơi từ đâu đến Hay từ một sân chơi Trăng bay như quả bóng

Đứa nào đá lên trời Cái cú sút này hẳn là của một em thiếu nhi Việt Nam, con cháu

của một dân tộc anh hùng, mới đã được quả bóng sáng bay lên thành mặt trăng như vậy” [34,502- 503].

Qua những trang phê bình thơ Trần Đăng Khoa, ta không chỉ thấy Xuân Diệu với những phẩm chất đấng quý của một nhà phê bình như: khả năng thẩm bình tinh tế, con mắt xanh phát hiện…mà ở đây ta còn gặp một Xuân Diệu không nguôi khát khao tình yêu con trẻ. Với tình yêu ấy, Xuân Diệu đã hoà tâm hồn mình vào đời sống trẻ thơ, để khám phá tìm hiểu thế giới thơ của cậu bé - thi sĩ Trần Đăng Khoa, khẳng định cái hay, cái đẹp để từ đó mà động viên khích lệ tài năng trẻ. Xuân Diệu không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức vẻ đẹp của thơ Trần Đăng Khoa, mà ông còn chân thành chỉ ra những nhược điểm còn tồn tại để Khoa chú ý khắc phục. Xuân Diệu quả đúng là người thầy người bạn lớn của Trần Đăng Khoa và các thi sĩ trẻ.

Qua những trang phê bình ta thấy nổi bật bản lĩnh nhân cách lớn của một nhà phê bình tài năng, uyên bác, tâm huyết, say sưa với nghề, ông có những đóng góp rất lớn trong việc tôn vinh các giá trị thơ ca dân tộc, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền thơ, nền lý luận phê bình Việt Nam.

Những thành tựu nghiên cứu phê bình thơ của Xuân Diệu vừa thể hiện đúng đắn về quan niệm thơ và phê bình thơ của ông, vừa xác định bản sắc sáng tạo sẽ được định hình rõ nét trong phong cách riêng độc đáo của ông.

Chƣơng 3

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 95 - 103)