Nam
Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện xuất sắc cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam. Nguyễn Khuyến - “Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”, chúng ta vẫn thường nói thế khi nhắc đến ông, nhưng có mấy ai biết được rằng đó chính là cái tên mà Xuân Diệu dùng để định danh nhà thơ Nguyễn Khuyến, từ những năm 1971 khi nghiên cứu thơ văn Nguyễn Khuyến, cho đến nay nó đã trở thành định luận được mọi người luôn luôn nhắc đến.
Nguyễn Khuyến Là “ Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”,
“Nhà thơ của dân tình dân cảnh”,cách gọi ấy của Xuân Diệu có ý nghĩa xác định rõ nét đặc trưng của thơ Nguyễn Khuyến, nhất là vị trí
thơ Tam nguyên Yên Đổ trong quá trình mấy trăm năm thơ mùa thu của dân tộc. Để làm rõ luận điểm này, Xuân Diệu bắt đầu từ ba bài thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến. Mặc dù Nguyễn Khuyến đỗ đầu ba kỳ thi chữ Hán, làm nhiều thơ chữ Hán hay, nhưng theo Xuân Diệu“Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu vịnh. Thu ẩm.”[8, 495]. Xuân Diệu nhắc
lại quá trình mấy trăm năm thơ mùa thu của dân tộc, bắt đầu từ mấy bài thơ mùa thu trong Hồng Đức quốc âm thi tập, bài Mùa thu của bà
Ngô Chi Lan, đến Vịnh mùa thu của Nguyễn Công Trứ, ở những bài
thơ thu này “…Ta thấy còn phảng phất nhiều trong sách vở và phụ thuộc nhiều vào ước lệ…Vẫn là mùa thu chung chung, mùa thu từ phương Bắc đến nhiều hơn” [8,497]. Điểm lại như thế để thấy được giá trị, vị trí những bài thơ mùa thu của cụTam Nguyên, theo Xuân Diệu, Sở dĩ được người đọc nhớ, thuộc và truyền tụng, “Vì là ba bài thơ hay và điển hình nhất cho mùa thu của Việt Nam, ở miền Bắc nước ta, chứ không ở nước nào khác”. Xuân Diệu đã phân tích và bình giảng khá tỉ mỉ để làm nổi bật vẻ đẹp riêng của từng bài thơ trong cả chùm thơ. Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt
Nam, “Đọc lên, như thấy trước mắt làng cảnh ao chuôm nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, trong tiết mùa thu; rất là đất nước nhà mình, có thật, rất sống, chứ không theo ước lệ như ở trong văn chương sách vở” [8, 496]. Bài Thu vịnh có thần hơn hết, “Trong ba bài thơ, bài
này mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao” [8,503]. Bài Thu ẩm “ Không còn những ước lệ văn
hoa sang trọng rèm châu, lầu ngọc, chén vàng…mà bình dân nhà cỏ thấp le te, tiến đến hiện thực rồi [8,502], Xuân Diệu cho rằng bài thơ là khái quát nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm: một đêm thu có ánh trăng lóng lánh trên mặt ao, một đêm sâu nơi ngõ xóm đom đóm bay
lập loè, một buổi chiều với màu khói nhạt phất phơ lưng giậu…Xuân
Diệu khen bốn câu thơ giữa bài rất hay “Nó hay trong cái thực của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, chứ không bay đi đâu xa khác”, đặc biệt ông đã bình một cách công phu cái hay của câu làn ao lóng lánh bóng trăng loe “ bóng trăng vàng từ mặt nước
aosáng loé ra, bốn chữ l khá nặng (làn lóng lánh loe) gợi chất vàng nước kim loại, ba dấu sắc khứ thanh (lóng lánh bóng) gợi ánh bắn đi, từ loe với âm- oe gợi cái gì tròn(tròn xoe) như cái ao chẳng hạn”
[8,503], quả là một câu thơ hiếm có của một thi sĩ có tài. Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến được Xuân Diệu nhìn nhận như một thành công tốt đẹp của quá trình dân tộc hoá nội dung mùa thu cho thật là thu Việt Nam, và dân tộc hoá hình thức lời thơ, câu thơ cho thật là Nôm, là Việt Nam. [8,506]. Để có được Chùm thơ thu nức danh ấy, Xuân Diệu lí giải, thứ nhất tác giả của nó là một thi sỹ có tài, thứ hai quan trọng hơn thi sĩ có cái tài ấy đã gắn bó, thâm nhập, hoà tâm hồn mình một cách sâu sắc thấm thía với đất nước Việt Nam. Trừ mười hai năm đi làm quan xa, phần lớn cuộc đời của Nguyễn Khuyến là sống ở làng quê, cái làng Yên Đổ, huyện Bình Lục,tỉnh Hà Nam, chính “hoàn cảnh sinh sống đã tác động lâu dài vào xúc cảm của hồn thơ, tạo thành một thứ bản chất” [ 8, 506 ]. Nếu Tú Xương chủ yếu lấy đề tài và tứ thơ ở thành thị (Nam Định), thì Nguyễn Khuyến chủ yếu lấy đề tài và cảm hứng ở làng quê (Yên Đổ), Xuân Diệu đã ví “hai nhà thơ tương xứng nhau như một câu đố có hai vế, vế trắc là Tú Xương, vế bằng là Nguyễn Khuyến” [8,506]. Chính vì cái điểm xuất phát ấy, mà theo Xuân Diệu quê hương làng nước và đồng bào nhân dân, là hai trục cảm xúc rất rõ trong thơ Nguyễn Khuyến, không phải nhà thơ nào cũng có được cả hai trụ cột như thế. Nguyễn Khuyến cũng có nhiều câu thơ hay miêu tả cảnh sắc thiên nhiên xa rộng ở nhiều vùng của đất nước, nhưng sở trường nhất của ông “là những nhuần nhị thấm thía
của nét cảnh nông thôn, những nét cảnh quen thuộc, thân yêu cho đến nỗi cảnh là tình, đất đai vườn ruộng là đời của mình, cho nên cũng là tâm tư của mình”[ 8,508]. Yêu thơ Nguyễn Khuyến, bạn đọc không ai là không biết bài thơ Bạn đến chơi nhà, Xuân Diệu đã cảm nhận được
ở bài thơ, đặc biệt là hai câu năm và sáu “cái thi vị bao trùm như thơ pastorale (thơ đồng áng) nổi tiếng ngày xưa của văn học thế giới”, toát ra từ bài thơ “đó là cái hồn xanh của vườn tược: các thứ rau, đậu, quả mới nhú. Vừa nụ, rụng rốn, đang hoa…tất nhiên có đất xới, có hơi ẩm, có ánh nắng, có hương bay, có kiến leo, có ong đến…” [8, 511- 512]. Xuân Diệu tìm thấy những nét điển hình, quen thuộc của làng quê nông thôn Việt Nam, tất cả được Nguyễn Khuyến khéo thu vào trong những câu thơ thật gọn:
Trâu già gốc bụi phì hơi nắng,
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
“Có nhà thơ Việt Nam nào sinh ra và ở đồng chiêm thật trũng như Nguyễn Khuyến đâu, cho nên chẳng ai làm được những câu thơ đặc biệt điển hình về lụt dâng cao đến nỗi như thế này [8,512 - 513]
Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách Làn sóng long bong vỗ trước nhà
Trên đường về thăm quê cụ Tam Nguyên, nghe những người dân quê xã Yên Đổ đọc thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu thực sự xúc động “thì ra thơ Yên Đổ vẫn còn phảng phất bay lượn giữa quê hương làng cảnh đồng chiêm trũng Hà Nam! Trên quê hương làng mạc Việt Nam tất cả! bởi Nguyễn Khuyến đã tạo nên tình yêu quê hương làng mạc trong văn học Việt Nam ta, tình yêu đồng bào bà con dân quê trong làng xóm mình” [8, 544].
Nghiên cứu nghệ thụât thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu thán phục tài sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ: “Ngôn ngữ thơ có tính quần chúng dễ hiểu dễ thuộc… những câu thơ trong sáng thoải mái, dễ như
không”[8,538]. Theo Xuân Diệu nhà thơ ấy có một linh tính một giác quan tinh tế đặc biệt về thơ dân tộc, vì thế mặc dù cụ rất giỏi chữ Nho, làm nhiều thơ hay chữ Hán, nhưng đến khi làm thơ Nôm, thì không một chút nào chứng tỏ mình “hay chữ”, mà đó là những vần thơ “thật nôm” trong sáng, giản dị, Xuân Diệu so sánh “Tú Xương đã Nôm, Nguyễn Khuyến còn Nôm hơn” [8,539].Giản dị là một trong những đặc điểm bút pháp của Nguyễn Khuyến, “nhiều lúc nhà thơ cố ý làm những câu thơ đơn giản đến mức tột cùng” [ 8,538]
Đọc thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu đã tìm thấy lời ăn tiếng nói hàng ngày của bà con dân quê làng mạc, thứ ngôn ngữ bình dị ấy được Nguyễn Khuyến sử dụng một cách tự nhiên nhuần nhuyễn.Trong bài
thơ Hỏi thăm bác Châu Cầu, sau khi hỏi thăm bác Châu Cầu, đến hai
câu cuối nói về mình, Nguyễn Khuyến tự xưng là em- cách xưng hô ấy nếu ở một người bình thường thì không có gì đáng nói, nhưng đây là cách xưng hô của một người đã từng đỗ đại khoa, đã từng là tổng đốc Sơn Tây, với người cũng ngang 60 tuổi như bạn mình, nói như thế thì mới thấy hết được sự nhún nhường mà đầm ấm trong tiếng em này của
Nguyễn Khuyến,
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu
“Rõ ràng là cụ Nguyễn Khuyến học lối xưng hô của bà con trong dân quê làng mạc” [ 8,539]. Chữ thầy trong bài Di chúc đầm ấm
lạ lùng: Số thầy sinh phải bước đường cùng- Khi đưa thầy con rước
đầu tiên, hàng trăm năm sau vẫn còn nghe như tiếng người cha đang
dặn dò con trước khi chết [8,541].
Thơ Nguyễn Khuyến có cái nhạc điệu riêng không trộn lẫn được, đó là cái “nhạc thơ thanh thoát trong nhẹ” “nói chung lời thơ Nôm của Nguyễn Khuyến rất uyển chuyển mềm mại…”, Xuân Diệu đã từng rất yêu cái nhạc điệu ấy trong hai câu thơ: [ 8, 539]
Cho nên say, say khướt cả ngày,
Say mà chẳng biết rằng say, ngã đùng!
Với tài thẩm thơ một cách tinh tế, Xuân Diệu phát hiện ra cái thú vị của bài Thu điếu là “ở các vần thơ: không phải chỉ giỏi vì là những
tử vận hiểm hóc, mà chính hay vì kết hợp với từ, với nghĩa chữ, đến một cách thoải mái đúng chỗ, do một nhà nghệ sỹ cao tay; cả bài thơ không non ép một chữ nào, nhất là hai câu 3, 4: Sóng biếc theo làn hơi
gợn tí đối với Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo thật tài tình; nhà thơ đã
tìm được cái tốc độ bay của lá: vèo, để tương xứng với cái mức độ của gợn sóng: tí.” [8, 505]. Nhìn quá trình phát triển ngôn ngữ thơ từ
những thế kỷ trước đến thơ Nguyễn khuyến, Xuân Diệu nhận xét “những thế kỷ về trước, ngay đến thời Hồng Đức, là lúc nền văn học dân tộc bằng tiếng Nôm đã khá thịnh, thế mà thơ còn phải như con rồng uốn mình vật vã lắm để cất bổng mình lên, nửa mình đã cất lên, nửa mình vẫn chưa bay bổng lên được” [8, 496], “Quá trình ngôn ngữ của thơ đi, từ thời Lê Hồng Đức, thật hãy còn vất vả nặng nề: Trời muôn trượng thẳm lầu làu sạch, đến Nguyễn Khuyến đã thành ra: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao thật trong sáng nhẹ nhàng, như
không có một trở lực nào níu được nữa, thế mới biết những câu thơ thoải mái tự nhiên là kết quả của một sự khổ luyện” [8, 505], ông khuyên các bạn làm thơ nên khái niệm cho được thế nào là sự “đắc đạo” trong nghệ thuật ngôn từ.
Bên cạnh một Nguyễn Khuyến trào phúng với tiếng cười hóm nhẹ mà sâu cay thâm thuý, một Nguyễn Khuyến mẫn tiệp về câu đối, Xuân Diệu đã phát hiện “Nguyễn Khuyến- Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”, chưa hết ông còn trân trọng gọi Nguyễn Khuyến “Nhà thơ của làng mạc và dân quê”, nhà thơ “ bay bướm và lãng mạn”, “Nhà thơ cổ điển duy nhất của mùa thu Việt Nam” [8, 546].Với cách phát hiện đó
Xuân Diệu giúp người đọc hiểu sâu hơn tính dân tộc đậm đà trong nội dung và nghệ thuật thơ Nôm của Nguyễn Khuyến