Nguyễn Trãi, người anh hùng cứu quốc, nhà tư tưởng nhà văn hoá, nhà thơ, tất cả những phẩm chất trên của Người qui tụ lại trong nhiều tác phẩm văn chương và hậu thế đã tìm hiểu, nghiên cứu ông trên nhiều bình diện. Đinh Gia Khánh nghiên cứu quan điểm văn chương của Nguyễn Trãi; Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi tìm hiểu
Quân Trung từ mệnh tập - tập luận chiến sự và ngoại giao, Bình Ngô đại cáo được đánh giá cao qua nhiều bài viết từ Bùi Kỷ, Vũ Khiêu đến
Bùi Văn Nguyên, rồi thơ văn chữ Hán, văn thơ Quốc âm cũng được
nhiều người nghiên cứu khai thác. Trong số đó phải kể đến Xuân Diệu, khi bắt đầu công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, người mà
Xuân Diệu chú ý đầu tiên là thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, ông phát hiện vị trí “Nhà thơ lớn mở đầu thơ cổ điển Việt Nam” [11,97] “Nhà thơ số một”
“Người đất Việt đầu tiên làm thơ bằng tiếng Việt”. Xuân Diệu là người nghiên cứu về Nguyễn Trãi một cách sâu sắc và toàn diện, đặc biệt đối với tập thơ Quốc âm thi tập- “Tập thơ đầu tiên bằng tiếng mẹ đẻ của ta, cổ nhất chính xác nhất còn lại cho văn học Việt Nam”.[11, 64].
Nguyễn Trãi người anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời phong kiến. Đã có nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trước Xuân Diệu, người ta thường nghiêng về khẳng định tầm cỡ lớn của Nguyễn Trãi ở phương diện anh hùng dân tộc. Tất nhiên Xuân Diệu không phủ nhận điều ấy, nhưng ông muốn nhấn mạnh phương diện con người, phương diện thi sỹ của Ức Trai. Khi nghiên cứu tiếp cận Nguyễn Trãi, Xuân Diệu đã tự
xác định cho mình chỉ đóng khung lại trong phạm trù nhà thơ lớn “Nghĩa là lớn trong thơ, qua thơ thấy được cái lớn của Nguyễn Trãi với tư cách là một thi sỹ ở trong bảo tàng văn học” [11, 10]. Trên tinh thần ấy Xuân Diệu đã nghiên cứu và phân tích rất kỹ Quốc âm thi tập
và giúp cho người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Ức Trai - vẻ đẹp tâm hồn của một bậc vĩ nhân nhưng vẫn là “con người nhất thế giữa trần gian” [ 11, 37 ].
Để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn Ức Trai, Xuân Diệu đã so sánh, đối chiếu những bài thơ trùng nhau giữa thơ Nguyễn Trãi với thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này (Sau Nguyễn Trãi hơn 100 năm).Theo Xuân Diệu so sánh như vậy “không phải để nâng ai hạ ai, vì cùng nằm trong vốn quý của văn học dân tộc”, nhưng Xuân Diệu đã chứng minh một cách khá thuyết phục về tài thơ của Nguyễn Trãi và đi đến nhận xét rất đích đáng “Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà đạo đức làm thơ; Nguyễn Trãi chính cống là một tâm hồn thi sỹ”[11,16]. Tâm hồn thi sĩ ấy đã tạo ra 254 bài thơ Nôm, “những bài, những câu, những đoạn đã hay của Nguyễn Trãi “ thi treo giải nhất chi nhường cho ai ”. Mượn câu ca dao Hoa thơm thơm lạ thơm lùng- Thơm gốc thơm rễ người trồng cũng thơm, Xuân Diệu ca ngợi tài thơ đặc biệt là ca ngợi vẻ đẹp
tâm hồn Nguyễn Trãi: “Ở trong thơ đây chính người trồng thơm trước, nghĩa là chính chất lượng nội dung tâm hồn Ức Trai là cao là sâu, là rộng, là đẹp [11, 21]. Bởi vậy khi tiếp xúc với thơ Nguyễn Trãi, Xuân Diệu có cái cảm giác tâm hồn mình “sực nức lan xạ của thơ người”. [11, 21]. Xuân Diệu phát hiện thơ của Nguyễn Trãi “nhiều nội tâm”, nỗi niềm tâm sự trăn trở đầy ắp trong những vần thơ nôm. Nỗi niềm lớn nhất mà Xuân Diệu cảm nhận được ở bậc thi hào này là tấm lòng ưu quốc ái dân,“lo nước yêu dân ở trong Nguyễn trãi đã trở thành tâm huyết”,“ Tâm trí Nguyễn Trãi là điển hình cao cả nhất, toàn vẹn nhất về lòng ưu ái, ưu quốc ái dân”. Xuân Diệu đã bộc lộ biết bao nhiêu
xúc động và khâm phục trong những nhận xét: “Nguyễn Trãi là ưu ái tâm huyết: Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược- Có nhân có trí có anh
hùng; Nguyễn Trãi là chí khí: Khó bền mới phải người quân tử- Mạnh
gắng thì nên kẻ trượng phu; Nguyễn Trãi là thuỷ chung: Khi bão mới
hay cỏ cứng- Thuở nghèo mới biết có tôi lành; Nguyễn Trãi là son sắt:
Bui một tấc lòng trung mới hiếu- Mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen…ý trong những câu thơ này không có gì lạ, tình trong thơ thì sáu
trăm năm sau, người đọc còn ứa nước mắt” [11,26]. Người đọc chúng ta thực sự xúc động khi đọc lời bình của Xuân Diệu. Ông đặc biệt chú ý đến lòng yêu thiên nhiên tạo vật ở Nguyễn Trãi, bởi “ lòng yêu thiên nhiên tạo vật là một kích thước để đo tâm hồn”. Sau khi cùng Lê Lợi dẹp giặc Minh, cho dù không nguôi đạo làm con mới đạo làm tôi,
nhưng trước cảnh ngang trái của triều đình, Nguyễn Trãi đã tự bảo mình lưng khôn uốn lộc nên từ quyết định “ rũ bụi lầm” về ở ẩn Côn
Sơn, về với người bạn lớn thiên nhiên. Nghiên cứu mảng thơ viết về thiên nhiên Xuân Diệu đánh giá “Trong thơ Việt Nam, chưa có một nhà thơ nào yêu mến thắm thiết đất nước thiên nhiên và có những vần thơ đẹp đẽ tinh vi sâu sắc về đất nước thiên nhiên cho bằng Nguyễn Trãi” [11,40]. Xuân Diệu cắt nghĩa tình yêu thiên nhiên ấy vừa bắt nguồn từ truyền thống nghệ thuật cổ điển Á Đông, vừa là một hiện tượng đặc biệt do sự cao quý của tâm hồn và cũng do tình thế hoàn cảnh của Nguyễn Trãi: “Đem thân thế về ẩn dật ở Côn Sơn, thì lòng yêu tạo vật của Nguyễn Trãi lại như lửa đổ thêm dầu” [11, 40]. Cùng với Xuân Diệu người đọc bước vào vườn thơ Ức Trai, ở đó những cảnh “cây rợp tán che am mát” “nguyệt mọc đầu non” “khói lan mặt nước”… đã từng lai láng trong thơ Ức Trai lại một lần nữa lấp lánh vẻ đẹp trong từng lời bình của Xuân Diệu.Thật ra đây đâu phải là thơ đơn thuần tả cảnh “tranh cổ điển Á Đông “chim, hoa, lá, đá” là tranh mượn cảnh vật mà nói sự tinh tế cao thượng thanh tú của tâm hồn, nói trình
độ và cỡ xúc cảm của tâm hồn” [11, 40]. Xuân Diệu khẳng định: “Ít có nhà thơ nào hằng nói đến mặt trăng, có nhiều câu hay về mặt trăng như Ức Trai”. Theo đó ông đã dẫn ra nhiều câu thơ hay về trăng của Ức Trai, sau đó ông dừng lại ở một vài câu một vài từ vừa giải nghĩa cặn kẽ vừa bộc lộ cảm xúc:
“ Viện có hoa tàn chăng quét đất
Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo”
Theo tôi nghĩ “ sá thôi chèo” ở đây không nên hiểu như trong
quyển Nguyễn Trãi toàn tập: “Còn bóng trăng hiện trên mặt nước sao
lại (sá) thôi chèo?” nghĩa là còn có trăng hiện thì cứ tiếp tục chèo đi;…Còn trăng thì còn chèo” vào đây thật không xứng hợp…Tôi nghĩ: chữ “Thôi” ở đây nên hiểu là Giục, là động; nước có trăng hiện trăng soi, trăng làm cho thành tuyệt đẹp, thì không nỡ giục động mái chèo làm xao vỡ bóng trăng trên mặt nước,quấy phá cái yên tĩnh trên mặt nước” [11, 52]. Cách lý giải của Xuân Diệu khá hợp lý, ta thấy nó cũng giống với ý tứ của Nguyễn Trãi trong những câu:
“ Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây”
Hay “ Hé cửa, đem chờ hương quế lọt
Quét hiên, ngày lệ (= e ngại) bóng hoa lan”
Bằng cách đó Xuân Diệu đã giúp người đọc cảm nhận được độ tinh tế thanh tao của tâm hồn Ức Trai, tâm hồn của “một bậc thơ chính cống”. Chỉ cần bình một từ trong câu thơ Ngày vắng xem hoa bợ cây,
mà người đọc thấm thía tận gan ruột tình yêu thương của Nguyễn Trãi dành cho vạn vật:
“Chúng ta thường biết một chữ dùng cũng nói được cái tầm lớn của một thi sĩ.Nguyễn Trãi nói bợ cây”, là ta thấy cả cái yêu thương của Nguyễn Trãi đối với mọi sinh vật, năng đỡ từng nhánh lá như bưng một cái gì thanh tao và biết cảm nghĩ….Suốt đời mình, Nguyễn Trãi
chưa hề bợ đỡ ai, bợ đỡ người nào, nhưng đối với cây thì ông bợ ông đỡ..” [11, 81]. Mượn cách nói của Hoàng đế Napônêông đệ nhất khi lần đầu tiên gặp thi hào Gớttơ: “ Gớttơ tiên sinh! Tiên sinh là một con người” Xuân Diệu cho rằng qua Quốc âm thi tập chúng ta có đủ yếu tố để nói “bậc vĩ nhân, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là một con người….Tôi nghĩ rằng đây là lời khen cao nhất” [11, 95]. Đúng Nguyễn Trãi là một “con người”- “ con người nhất thế giữa trần gian”. Chính cái phần con người thông thường, cái phần như mọi người thường làm cho một vĩ nhân mới hoàn chỉnh là một vĩ nhân trọn vẹn. Đây chính là điều mà Xuân Diệu cảm thấy thú vị nhất, sung sướng nhất khi đọc Quốc âm thi tập. Bậc vĩ nhân nhưng cũng là “một
con người nhất thế giữa trần gian”, điều đó khiến cho chúng ta “kính” Nguyễn Trãi mà không “viễn chi”. Thực ra khi lần đầu tiên nghiên cứu thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Xuân Diệu chưa phát hiện ra điều này, ông tâm sự:“ Trong Quốc âm thi tập, cả phần cuối từ Thời lệnh môn, qua Hoa mộc môn, qua Cầm thú môn, từ bài số 193 đến bài
254 thường bị đọc một cách qua loa; cụ thể là bản thân tôi dường như tát cả chú ý đã dồn vào cái phần quan trọng bên trên, nói những chí khí, tâm sự vĩ đại hơn, rồi đến 61 bài thơ sau cùng, có cảm tưởng như là đầu đày, coi thường không chú trọng đọc kỹ”. Phải đến 22 năm sau, khi đọc kỹ 61 bài cuối tập, Xuân Diệu đã phát hiện ra “có một Nguyễn Trãi rất thân mật, rất mến thương” trong thơ.[11,55]. Từ góc nhìn ấy Xuân Diệu thấy Nguyễn Trãi cũng là một người cụ thể do bố mẹ, ông bà sinh ra, có cá tính bẩm sinh cụ thể, đồng thời cũng buồn vui, sướng khổ, giận ghét yêu mến như mọi người. Bằng giọng văn thân mật mến thương Xuân Diệu gợi lại giai thoại về Nguyễn Trãi và cô bán chiếu, thật thú vị, Xuân Diệu đặt Ức Trai cùng vai vế với tất cả thanh niên xưa và nay trong việc tán gái. “Ông hoàng” của thơ tình Việt Nam hiện đại tỏ ra rất nhạy cảm và đồng điệu với chất đa tình ở
hồn thơ cổ điển Nguyễn Trãi. Khi đọc lời bình của Xuân Diệu, ta ngỡ ngàng nhận ra một Nguyễn Trãi cũng đa tình lãng mạn như bất cứ một người đàn ông nào trên thế gian này:
“ Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng Ngoài ấy dầu còn áo lẻ
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng”
“ Bài này ta không nên hiểu theo ý nghĩa xã hội: thừa áo thì san sẻ cho người nghèo khổ thiếu áo…..Bài tứ tuyệt trên đây hiểu là lời nam nói với nữ, thì sẽ thấy nhà thơ vô hạn ý nhị; đầm ấm, thì thương kẻ lạnh lùng, kêu gọi theo cái kiểu ca dao Bình Định: Hỡi người gánh
nước Truông Mây- Cho xin một gáo tưới dây tơ hồng, rồi xin tiếp: nếu “ngoài ấy”, hiểu là “đằng ấy” cũng được, mà “áo lẻ”, áo không vào bộ, hơn nữa, lại “cả lòng”, rộng lượng, thì cho tôi “mượn” để đắp, đặng mà “lấy hơi cùng”! Nhà thơ này quả là một khách tài tình!” [11, 60].
Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu bình rất kỹ bài thơ Ba tiêu (Cây chuối), phải chăng nhà thơ tình yêu Xuân Diệu đã bắt gặp
chất trẻ trung đầy xuân tình xuân ý toát ra từ tâm hồn Ức Trai. Chính cái chất “Người” ấy, chính cái vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sỹ ấy đã tạo nên giá trị nhân bản sâu sắc, tạo nên sức hấp dẫn lâu bền cho thơ Nôm Nguyễn Trãi. Đó cũng chính là lí do khiến Nguyễn Trãi không chỉ có mặt trong “Bảo tàng lịch sử” mà còn có vị trí cao trong “Bảo tàng văn học”Việt Nam.
Theo sự đánh giá của Xuân Diệu Quốc âm thi tập Là “Tập thơ
đầu tiên bằng tiếng mẹ đẻ của ta, cổ nhất chính xác nhất còn lại cho văn học Việt Nam”, thơ Nguyễn Trãi là loại thơ khó, một phần vì ngôn ngữ cổ, một phần vì nội dung cao, người đọc chúng ta sáu thế kỷ sau đọc và hiểu tập thơ không phải là điều dễ dàng. Qua những trang phê
bình của Xuân Diệu, người đọc không chỉ hiểu được giá trị của tập thơ trong nền thơ dân tộc,mà còn cảm nhận được một cách tinh tế và sâu sắc chân dung tâm hồn đẹp đẽ của thi hào Nguyễn Trãi. Thực ra những suy nghĩ nhận định trên của Xuân Diệu cũng không có gì là mới, cùng với Xuân Diệu, giới phê bình nghiên cứu về Nguyễn Trãi nhiều người cũng đã từng ngưỡng mộ và ngợi ca. Có điều với Quốc âm thi tập
Xuân Diệu là người nghiên cứu sớm nhất, sâu sắc nhất,đồng thời qua cách diễn đạt của mình, Xuân Diệu đã làm cho thơ Ức Trai vốn là thơ cổ cách chúng ta sáu thế kỷ vẫn trở nên gần gũi với người đọc.