khám phá hình thức nghệ thuật thơ.
Trong khi nhiều nhà phê bình chú trọng nội dung ,ít chú trọng hình thức nghệ thuật thì Xuân Diệu là người đặc biệt chú trọng hình thức. Đọc các bài phê bình của ông ta nhận thấy, nhà phê bình này có thiên hướng khám phá, thưởng thức hình thức nghệ thuật thơ. Là một nhà thơ làm công việc phê bình thơ, hơn ai hết ông rất am hiểu kỹ thuật, công việc “bếp núc” của thơ, có lẽ vì vậy mà Xuân Diệu đặc biệt coi trọng hình thức, khi bàn về sự tìm tòi của người nghệ sỹ để có được những tác phẩm nghệ thuật đích thực, Xuân Diệu phát biểu: “Chúng ta trước hết phải tìm tòi nội dung, tìm tòi trong quần chúng đã đành. Chúng ta còn phải tìm tòi rất nhiều về hình thức, về kỹ thuật nữa. Không có hình thức, thì cũng không có nghệ thuật. Phải có một hình thức đẹp đẽ, tương xứng với nội dung mới, làm công chúng yêu mến, say sưa. Rất sai lầm là người nào khinh kỹ thuật”[5,219]. Theo ông “Có ý tưởng tốt là điều kiện nền tảng; tuy nhiên trong văn nghệ, không phải cứ có ý tưởng tốt là đã đủ, mà còn phải có tài năng để thể hiện những ý tưởng đó thành xương thành thịt, thành tác phẩm sống hơn cả sự sống” [11,59]. “Trong tác phẩm văn học hình thức nghệ thuật là kênh duy nhất truyền đạt nội dung của nó, là phương tiện cấu tạo nội dung và làm cho nó có bộ mặt độc đáo. Do đó tìm hiểu hình thức là điều kiện không thể thiếu để hiểu đúng nội dung. Bỏ qua hình thức hoặc bỏ qua tính chỉnh thể của nó sẽ có nguy cơ hiểu lệch nội dung tác phẩm, biến nó thành những cái “tương đương xã hội học”[18, 208]. Thấy được vai trò của hình thức và say mê đi vào khám phá hình thức nghệ thuật của các tác phẩm, nhưng không phải vì thế mà Xuân Diệu rơi vào “chủ nghĩa hình thức”. Một mặt chú trọng hình thức, mặt
khác ông cũng nhấn mạnh nội dung và chỉ ra mối quan hệ giữa hình thức và nội dung trong tác phẩm. “Tác phẩm nghệ thuật bắt đầu nảy sinh ra khi có một nội dung được chứa đựng trong một hình thức”. Xuân Diệu ý thức một cách sâu sắc: “Hai qui luật lớn chi phối các tác phẩm nghệ thuật, là nội dung quyết định hình thức và nội dung và hình thức gắn liền. Nhất định phải có một hình thức, mà hình thức ấy nhất định cần phải chứa một nội dung” [7,45]. Chính vì thế mà “Tất cả những học hỏi tìm tòi về hình thức, về kỹ thuật ấy chỉ để phục vụ cho nội dung… khi nhà thơ đã chiếm lĩnh được một mức vững kỹ thuật rồi, thì hồn vía, tài tình tinh hoa của nhà thơ là phải tìm tòi trong nội dung, tìm tòi trong bản thân cuộc đời, tìm tòi trong con người, trong tâm hồn, tâm lý.” [7,46]. Ông cho rằng: “Trong sự sáng tạo của nhà thơ, thứ nhất là sáng tạo chất sống, thứ nhì là sáng tạo chất sống, thứ ba thứ tư mới đến sáng tạo ngôn ngữ. và tôi dám nghĩ rằng loại thơ sáng tạo ngôn ngữ quá tài giỏi cũng chỉ mới là thơ loại nhì” [7,58]
Từ ý thức ấy Xuân Diệu tìm hiểu nội dung tư tưởng tác phẩm bằng cách khám phá hình thức nghệ thuật. Điều này thể hiện ở bất cứ tác phẩm nào ông chọn nghiên cứu. Dù là tác phẩm thơ cổ điển hay thơ hiện đại, khi đề cập tới ông đều rất công phu khám phá những đặc sắc về nghệ thuật: từ cấu tứ, kết cấu, hình tượng, bố cục, nhạc điệu cho đến câu, từ chữ, dấu....Xuân Diệu còn dành hẳn những bài, những phần đi sâu nghiên cứu hình thức nghệ thuật thơ một cách tỉ mỉ đa dạng. Nhiều nhà phê bình khác như Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, cũng chú ý đến hình thức nghệ thuật thơ, nhưng chưa có ai tìm hiểu kỹ và khám phá phong phú như Xuân Diệu. Hoài Thanh, khi tìm hiểu về nghệ thuật của Truyện Kiều chủ yếu chỉ đi vào phân
tích một số hình tượng nhân vật, những diễn biến tâm lý, một số ấn tượng về nhạc điệu hình ảnh. Xuân Diệu khi nghiên cứu Truyện Kiều,
nội dung sâu sắc của Truyện Kiều, ông đi vào nghiên cứu một cách
toàn diện các phương diện nghệ thuật của tác phẩm.Trong đó mỗi phần của bài viết để cập tới một phương diện nghệ thuật của tác phẩm: đó là bút pháp hiện thực lạ lùng và lãng mạn kỳ diệu trong nghệ thuật tả cảnh, tả người; đó là tài bố cục “ cân nhắc, hoà đối…tất cả đều tuân theo một lô gích gắt gao”, kết cấu “Tầng tầng lớp lớp”; lời văn hàm súc dư ba: “Lời dùng rất kiệm nhưng ý tứ tràn trề dư dật, như sóng, như mây”, đúng là “văn thợ trời” “Văn đong càng lắc càng đầy”; nhạc điệu dào dạt
“đọc văn Kiều xong còn cảm nghe ngọt nơi lưỡi như có vị mật ong ”… [ 11, 150- 187 ]. Chỉ riêng phần bàn về ngôn ngữ của Truyện Kiều, Xuân Diệu đã có cả một chuyên luận công phu có nhiều phát hiện thú vị, Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều, tỏ rõ sự uyên bác của một người am hiểu và yêu quý ngôn ngữ dân tộc. Xuân Diệu cũng dành hẳn một phần trong chuyên luận Đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi để tìm
hiểu hành văn của thơ Nôm Nguyễn Trãi. Ông đã phát hiện ra hai đặc điểm cơ bản trong hành văn của thơ Nguyễn Trãi: thứ nhất là “lối viết chân phương”[11,67], lối viết mà Nguyễn Trãi đã lấy ý tứ và hình tượng tục ngữ, thành ngữ đưa vào thơ[11,64-65 ]. Thứ hai là lối viết “rất mới lạ, từ ngữ dùng thật xuất sắc”, cụ thể : những từ Nôm rất nôm na và sinh động làm cho người đọc thú vị [11,68], Cách dùng từ đặt câu rất ngang, mà hợp làm cho người đọc rất khoái [11,70]. “Ức Trai dùng số chữ trong một câu thơ rất dè xẻn nghiêm ngặt; nhà thơ biết đặt các từ gốc bên nhau, rồi vì sức mạnh bên trong của nội dung tạo một từ trường cho nên các chữ hút nhau, không cần các thứ hồ keo trợ từ”. “Ức Trai thường có lối cắt mạch chênh vênh đột ngột …lảy ra một chữ đứng riêng ở đầu câu: Lá- chưa ai quét cửa thông, Rồi- hóng mát thủa ngày trường, lảy ra hai chữ đứng riêng cuối câu: Khó ngặt qua
ngày- xin sống [11,75-76].“Có những chữ đơn giản như lời nói
thường, lại chứng minh sự cao tay, sự lão luyện nghề thơ” [11,77]… Là người say chữ nghĩa, hơn nữa đã từng sáng tác thơ, ông ý thức sâu sắc vai trò của từ: “Vào đến thế giới của các từ, của từng từ một, nó là từng viên gạch một, nó là mỗi tế bào của tác phẩm thơ” [11,391], “Chỉ một chữ dùng cũng nói được cái tầm của thi sỹ”, Xuân Diệu không bình thơ một cách chung chung mà bao giờ cũng cụ thể về câu chữ, ông tỉ mẩn phân tích giá trị từ ngữ, với ý thức đi sâu khám phá vẻ đẹp các giá trị thẩm mỹ của ngôn từ thơ. Đọc văn phê bình của Xuân Diệu, đặc biệt là viết về các tác phẩm văn học cổ điển, ta thấy ông hay đi vào so sánh, đối chiếu, bình luận những từ ở những bản chép khác nhau, để từ đó phê phán những sự hiểu sai cách chép tuỳ tiện. Chính những bản phiên âm khác nhau đó mà Xuân Diệu phải lật đi lật lại từng chữ để thử thách cân nhắc, qua đấy mà từng chữ của một nhà thơ lớn “như ngọc càng chùi càng sáng tỏ thêm”
Ta có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp khi Xuân Diệu,nghiên cứu từ ngữ của Truyện Kiều hay Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Kim Trọng đàn tưởng vọng nàng Kiều Nguyễn Du viết: Bẻ bai rủ rỉ tiếng
tơ, ông khen “hai trạng từ kép này tiếp nhau, đế nhau rất ăn ý; rủ rỉ là nói thầm nho nhỏ thôi, đôi lúc không nghe rõ từng tiếng, nhưng vẫn hiểu được cái ý tình thầm lặng; bẻ bai là một trạng từ khêu gợi trong
đó có phần bẽ bàng, nhưng phơn phớt hơn, không rõ nghĩa như chữ bẽ
bàng, thế mà có bản chép: Bẻ bai rầu rĩ tiếng tơ, thật là thô lỗ” [ 11,
390 ]. Hay câu thơ:
Vắng nhà được buổi hôm nay Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng.
“Cái bản nào lại chép ra đây tạ lòng, thì đôi trai gái chẳng còn
thể thống gì nữa. Đúng là “ liễu ngõ hoa tường rồi, liễu mọc ngay ở ngõ, hoa thòi ngay trên tường có sát sạt như thế, thì mới ra đây một
cách chóng vánh như thế chứ. Sang đây tạ lòng, là phải cất công đi sang; vả lại lần sau trong đêm đã khuya, Kiều lại đến thăm Kim trọng,
vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa đã phải đánh đường, thì ít nhất đường cũng đủ dài để mà sang, chứ không phải ra đây xoẹt một cái, ra
đây một cách tầm thường dung tục! Với lại tạ lòng kia mà! Muốn tạ lòng, thì không khí phải trân trọng, phải sang đây, chứ đừng ra đây”! [
11, 388].
Đọc Văn chiêu hồn, Xuân Diệu đã từng yêu quí Nguyễn Du đến
vô ngần khi nhà thơ hạ một chữ kẻ trong câu thơ Kìa những kẻ tiểu nhân tấm bé, ông cũng rất bực mình khi có bản lại in sai là Kìa những đứa tiểu nhân tấm bé:
“Sao lại viết chữ đứa vào đây! Ngòi bút nào mà lại tầm thường
như vậy ! các em tiểu nhi tấm bé cũng được Nguyễn Du gọi là kẻ,
ngang hàng với một luồng mười ba chữ kẻ ở trên và ở dưới (tất cả mười bốn chữ kẻ đi tiếp nhau, không có lý gì đến chữ thứ mười ba lại
đâm ngang chữ đứa); thật là trang trọng, vì nể các cô hồn các cháu,
các em, và đó là chỗ lớn của Nguyễn Du; tuy là tiểu nhi, nhưng Nguyễn Du cũng coi như một đơn vị người, một cá thể người.”[11,248 ].
Trường hợp thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, khi tồn tại nhiều bản
chép, và không có nguyên bản chính xác, thì người đọc có quyền chọn lựa, theo Xuân Diệu trong trường hợp này không thể cái nhau bằng lý lẽ được, vì chẳng có lý lẽ nào cả chỉ có xúc cảm, cảm giác thơ, linh khiếu thơ, nó sẽ giúp nhà phê bình chọn lựa đánh giá. Câu thơ Đàn cầm suối- trong tai dội, có bản lại chép là: Đàn cầm suối – trong tai dõi. “ Một bên là “ tiếng suối chảy róc rách như tiếng đàn dội vào
trong tai”, tức là đang dội vào tai; một bên là tiếng đàn cầm của suối dõi trong tai, tức là đã nghe xong rồi, vẫn còn nhớ lại, vang hưởng theo dõi trong tâm trí”, Xuân Diệu đánh giá “ chữ dội thì thô và cụt;
chữ dõi nói về nội tâm và ngân nga mãi, hợp với cái thanh tú của toàn
bài” [11,91- 92]. Hay câu Ngày vắng xem hoa bợ cây, có bản chép là
Ngày vắng xem hoa bẻ cây, Xuân Diệu cho rằng từ bợ cây rất hay cho
ta thấy được “ cái đức của Nguyễn Trãi; niềm yêu thương của người có thể chứa đựng, che chở hàng triệu con người, và cả vạn vật, và cả cây cối, cả cỏ hoa với mọi sinh vật”, nó rất tao nhã hợp với tâm hồn và bản lĩnh Ức Trai, hơn nữa “ bợ cây” ở câu này còn đi đôi hoà điệu
với động tác nghiêng nghiêng chén của câu thơ trên đó Đêm thanh
hớp nguyệt nghiêng nghiêng chén. Còn từ bẻ cây thì có vẻ “ thô bạo”
“ chờ ngày vắng vẻ mà bẻ cây thì người ta có thể hiểu là một việc làm thiếu đường hoàng minh bạch” [11, 81-83].
Xuân Diệu khen tài dùng chữ, chọn tiếng chính xác của Trần Đăng Khoa trong bài thơ Vào mùa có câu Thóc mặc áo vàng óng- Thở hi hóp trên sân, khi đăng một tờ báo đã chữa lại Thóc mặc áo vàng óng – nhảy nhót mãi trên sân “ nếu là ngô văng ra giữa sàn, thì hạt
ngô không thể nào thở hi hóp được, vì nó chỉ có một cái vỏ tròn
nguyên, còn hạt thóc là gồm hai mảnh trấu quặp lại thành cái vỏ, nên khi thóc văng ra, thóc mệt, thở hi hóp như con cá có hai mang bị nằm
trên cạn. [34, 499].
Xuân Diệu ngợi ca tài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương “dùng chữ Việt Nam, phải nhận Xuân Hương là thánh”, Xuân Hương đã làm cho chữ “nôm na” không đồng nghĩa với “mách qué” nữa, mà nôm na là đồng nghĩa với thuần tuý, trong trẻo tuyệt vời [ 11, 486]. Khi chế giễu mấy anh học trò dốt:
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa,
Khinh người như tát nước đổ đi, mà chữ dùng sắc biết chừng nào! Không phải là dê nhỡ, dê bé, dê con, mà đích thị là dê cỏn!
thần Việt Nam đến nỗi không tài nào dịch được” [ 34, 253 ]. Xét về tài dùng ngôn ngữ, so với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Du, thì Xuân Diệu đánh giá Xuân Hương cao hơn cả: “Nguyễn Khuyến là tay cừ về thơ Nôm, mà thơ Nguyễn Khuyến không thể nào đương nổi sự so sánh với thơ Xuân Hương…Tú Xương là một nhà thơ lớn…Khen Tú Xương, chúng ta cũng sẽ không tiếc lời; thế mà thơ Tú Xương so về chất phong phú của sự sống con người cũng như về tài nghệ ngữ ngôn, hãy còn nhường bước Xuân Hương nhiều lắm”[ 11, 489]. “Nếu chỉ nói về tài dùng chữ, có lẽ nhiều trường hợp, Nguyễn Du phải nhường bước Xuân Hương”. Xuân Diệu đã rất tinh khi ông nhận xét “Chữ của Xuân Hương chọn tài tình đến nỗi chẳng còn thấy công phu gò gẫm gì cả; chọn trên cơ sở phổ cập; Xuân Hương không trau chuốt chữ, Xuân Hương thích dùng những vật liệu thông thường, nhưng vì đặt đúng chỗ ngăn ngắt, nên hoá chọn lọc” [11,503].“Lòng Xuân Hương là lửa, tay Xuân Hương có điện, nên các chữ đều sống cả lên, nó có thể bò lổm ngổm, có thể mấp máy, có thể bay, có thể duỗi, có thể khom khom ngửa ngửa, nó có thể chũm choẹ, hi ha, cốc, om, khua,vỗ; nó có thể nối nhau thành chuỗi vần vang động: bom, chòm, om, mòm, tom, hoặc ọp ẹp..…chúng ta có thể đố ai tìm được trong thơ Xuân Hương chữ nào mà âm thanh bẹp dí, những chữ nào chết đứng trơ không cựa quậy ở trong câu” [11, 503-504 ]. Trong bài Vịnh
sư chỉ bằng hai câu thơ:
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm choẹ Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha
Xuân Hương đã thâu tóm cái hồn vía âm thanh ngân nga lè nhè dằng dai dài dẵng của một cuộc tụng kinh:
“Ba thứ nhạc khí bằng đồng thau thay nhau đánh gõ khá là đa dạng đấy chứ! đến như chế giễu cả giọng tụng kinh của sư mà chỉ tả vía, tả bóng: giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha, thì câu thơ thật tài! Nó
chẳng có nghĩa lý gì cả, nó diễn tả bằng âm thanh, nó là một sáng tạo hoàn toàn mới của Hồ Xuân Hương, nó không chửi cái xác, mà chửi tới cái hồn, cái bao trùm khỏang không gian chung quanh thân xác; hơi tiếng của nhà ngươi không ngửi được” [11, 493 ].
Bài Quán khánh của Xuân Hương đem đến cho Xuân Diệu cái cảm giác: “Khi mà dùng đến nghệ thuật thì Hồ Xuân Hương thật chẳng ai bì; đã mà dụng ý vẽ một bức tranh bằng những nét uốn khúc quanh queo, thì từ đường nét đến âm thanh, mỗi chi tiết đều tuyệt đối phục tùng cái vũ khúc lảo đảo, lệch lạc như bước đi của người say rượu; cuối cùng một chiếc diều làm xiếc, nó cũng lộn lèo như vua chúa có kém chi![ 11, 487]. Đọc những lời bình này của Xuân Diệu, ta còn nhận ra: Xuân Diệu là người rất sành thưởng thức nhạc điệu thơ, ông cho rằng nhạc điệu là một phương diện quan yếu bao trùm của thơ, sở dĩ thơ trở nên dễ thuộc dễ nhớ, được quần chúng yêu ấy chính là nhờ nhạc điệu.Tiếng Việt là một thứ tiếng vào hạng nhiều âm thanh nhất trên thế giới Xuân Diệu đã say sưa chỉ cho người đọc thưởng thức tính nhạc kỳ diệu của ngôn ngữ tiếng Việt qua thơ, đặc biệt là thơ cổ