Giải quyết tốt việc làm phù hợp với đặc điểm lao động nữ Bình Dương

Một phần của tài liệu Quản lý nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Bình Dương hiện nay (Trang 74 - 77)

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lấy mục tiêu quan trọng là đảm bảo việc làm, sử dụng tối đa tiềm năng lao động. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Dương đòi hỏi: một mặt tập trung vào một số ngành mũi nhọn, sử dụng kỹ thuật cao để tạo điều kiện và khả năng tăng trưởng kinh tế cao; mặt khác lại phải chú ý đến công nghệ tầng thấp, vốn đầu tư ít nhưng tạo được nhiều việc làm phong phú, đa dạng phù hợp với đặc điểm lao động nữ; tạo việc làm cho phụ nữ thành thị đồng thời phải tập trung đầu tư cho khu vực nông thôn để hạn chế dòng di chuyển phụ nữ vào thành thị; quan tâm đến mối quan hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm kiểm soát dòng di dân tự do vào Bình Dương, giảm bớt áp lực về giải quyết việc làm ở tỉnh.

Giải quyết việc làm cho lao động nữ Bình Dương để vừa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch kinh tế, vừa góp phần hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực nữ, phát huy thế mạnh của lao động nữ Bình Dương thì những vấn đề cần tập trung giải quyết là:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế để giải phóng năng lực sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Theo dự báo, trong thời gian tới, lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, còn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Lao động nữ ở Bình Dương hiện đang tập trung phần lớn trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Do vậy, phát triển kinh tế Nhà nước, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước thông qua việc hỗ trợ tài chính, công nghệ, thị trường, tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tâm lý yên tâm cho người lao động.

Thứ hai, phát triển các ngành nghề đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu trình độ của nguồn nhân lực nữ và phát huy ưu thế của lao động nữ. Để tạo được nhiều việc làm cho lao động nữ, trước mắt phải dựa vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, song sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH thì không chỉ đơn thuần chú ý đến số lượng việc làm nhiều hay ít mà quan trọng hơn phải tạo ra nhiều việc làm với năng suất cao, phát huy triệt để các tiềm năng sức mạnh của nhân tố con người. Phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp giữa bề rộng và chiều sâu, trong đó quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng phải được coi là tiền đề giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động theo phát triển dài hạn.

Do vậy, Bình Dương cần đẩy mạnh thu hút và khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp lớn, các loại dịch vụ có chất lượng cao để tạo việc làm cho lao động nữ trong những ngành nghề có công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những bước chuyển biến về chất lượng lao động nữ. Đồng thời phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống tận dụng tiềm năng sẵn có của Bình Dương về lao động và nguyên liệu. Trong đó giải pháp khôi phục các làng nghề

truyền thống có vai trò vô cùng quan trọng vừa góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc vừa tạo việc làm cho hàng vạn người lao động trong đó phần lớn là lao động nữ.

Thứ ba, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn đáp ứng yêu

cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH. Sự phân bố và xu hướng

biến đổi của lao động nữ ở Bình Dương hiện nay đang bất cập ở chỗ tỷ trọng lao động nông nghiệp còn cao, trong khi tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ lại thấp hơn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc chuyển dịch cơ cấu lao động nữ đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH mà không ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội do tăng nhanh dòng di dân từ nông thôn ra thành thị dẫn đến quá tải về kết cấu hạ tầng. Giải pháp tốt nhất là phát triển toàn diện nông nghiệp dựa vào thế mạnh của Tỉnh để phục vụ CNH, HĐH. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH nhằm chuyển dịch tại chỗ cơ cấu lao động nữ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, do đó cần tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông thôn, từng bước hiện đại hoá nông nghiệp, chuyển đổi căn bản sang sản xuất hàng hoá đặc sản của Bình Dương; phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nhỏ; phát triển các khu đô thị vệ tinh để vừa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân tại tỉnh vừa tạo việc làm phi nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng thời gian lao động, nâng cao chất lượng của lao động nữ ngoại thành.

Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu lao động nữ nhằm giảm bớt gánh nặng về việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đất nước, tạo điều kiện cho lao động nữ tiếp nhận kỹ thuật hiện đại, kỹ năng, tác phong công nghiệp ở các nước phát triển. Bên cạnh việc xuất khẩu lao động nữ ra nước ngoài, cần quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động tại chỗ cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên địa bàn. Cần tập trung quy hoạch từ chỗ xuất khẩu lao động giản đơn hướng đến xuất khẩu lao động kỹ thuật nhằm giảm sức ép về giải quyết việc làm lâu dài.

Thứ năm, mở rộng các hình thức hỗ trợ lao động nữ trên thị trường lao động. Thực tế cho thấy cung - cầu lao động nói chung và trong từng ngành, từng vùng ở nước ta cũng như ở Bình Dương rất bất hợp lý xuất phát từ sự bất cập giữa đào tạo và

sử dụng. Lao động nữ lại không thể dịch chuyển nhanh và tự do trong thị trường lao động như nam giới. Do phải chăm sóc con cái và đảm nhận công việc nội trợ, lại ít có điều kiện giao tiếp xã hội, người phụ nữ thường ở thế bất lợi hơn nam giới trong việc tiếp cận với thông tin trên thị trường lao động. Phụ nữ thường có xu hướng thiên về những công việc tìm thấy đầu tiên, miễn là có thu nhập. Như vậy, chuyên môn của phụ nữ sẽ không được sử dụng tốt và sẽ khó được nâng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Do đó, các hình thức hỗ trợ lao động trên thị trường như dự báo xu thế lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động là rất cần thiết, đặc biệt đối với lao động nữ. Thông tin thị trường lao động nữ còn cần thiết cho việc hoạch định chính sách và các mục tiêu trong lĩnh vực việc làm ở cấp quốc gia và thành phố. Thông tin thị trường lao động cũng cần thiết cho chủ sử dụng lao động trong việc tìm được cung lao động nữ phù hợp với yêu cầu.

Một phần của tài liệu Quản lý nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Bình Dương hiện nay (Trang 74 - 77)