Giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với phụ nữ. Chất lượng giáo dục - đào tạo tác động trực tiếp đến khả năng thực hiện vai trò sản xuất và tái sản xuất của phụ nữ. Quản lý nguồn nhân lực nữ đòi hỏi phải kết hợp ngay từ đầu giữa giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện bình đẳng giới. Để đạt được những mục tiêu cấp thiết về giáo dục và đào tạo đối với nguồn nhân lực nữ ở Bình Dương cần chú trọng các vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đào tạo nghề phù hợp với phụ nữ. Yêu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài nhằm cung cấp kịp thời nguồn lực con người có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đặt ra nhiệm vụ cho công tác giáo dục đào tạo từ giáo dục phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học phải được ưu tiên và đầu tư thoả đáng.
Hiện nay, Bình Dương không chỉ có mặt bằng dân trí cao so với cả nước mà còn đảm bảo được sự cân bằng về giới trong giáo dục phổ thông. Đây là ưu thế của
tỉnh trong việc tạo tiền đề nâng cao chất lượng các bậc học tiếp theo, là sự chuẩn bị quan trọng nguồn nhân lực nữ cho tương lai. Phát triển giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông là giải pháp cơ bản lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo tại Bình Dương.
Tuy nhiên, mục tiêu giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực nữ, không chỉ yêu cầu đảm bảo trình độ văn hoá nền hết phổ thông trung học cho phụ nữ mà còn phải tạo điều kiện cho phụ nữ đạt được trình độ chuyên môn ngành nghề phù hợp. Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HĐH Bình Dương đang đòi hỏi phải nhanh chóng khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu trình độ của lao động nữ. Do vậy, đầu tư cho dạy nghề cần được coi là khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực nữ của Tỉnh. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo cao và hiện tượng thừa thầy thiếu thợ cần phải được khắc phục trước tiên từ việc điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng mở rộng quy mô dạy nghề.
- Để phát triển hệ thống dạy nghề cả về quy mô và chất lượng đào tạo cần điều chỉnh sự phân bổ cơ cấu ngân sách theo hướng ưu tiên so với đào tạo đại học, cao đẳng; xã hội hoá hoạt động dạy nghề nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực này; có các cơ chế, chính sách ưu tiên dạy nghề cho phụ nữ. Tăng cường công tác hướng nghiệp cho nữ thanh niên ngay từ bậc phổ thông nhằm góp phần giảm tải và tiết kiệm chi phí dự thi đại học, vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách về công nhân kỹ thuật của các doanh nghiệp hiện nay. Muốn vậy, Tỉnh cần có chính sách ưu đãi đối với các giáo viên dạy nghề và học sinh học nghề, tạo những cơ hội để học sinh học nghề có năng lực, có điều kiện học lên cao và thăng tiến trong công việc, tôn vinh những người có tay nghề giỏi.
- Bên cạnh việc đầu tư chiều sâu và dài hạn, cần tăng cường áp dụng hình thức đào tạo theo nhu cầu trực tiếp của người sử dụng để vừa giải quyết khó khăn về kinh phí và cơ sở đào tạo, vừa đảm bảo đúng nhu cầu sử dụng. Kết hợp đào tạo tại nơi làm việc với đào tạo ngoài công việc. Thu hút sự tham gia tích cực của người sử dụng lao
động nữ trong việc lựa chọn loại hình đào tạo và cam kết thực hiện bình đẳng giới trong đào tạo, việc làm.
Cùng với đào tạo nghề phổ thông cần tập trung thực hiện đào tạo lại và đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bộ luật Lao động nước ta đã quy định các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm về cơ thể sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ. Cơ sở khoa học và thực tiễn cũng đã cho thấy đầu tư đào tạo nghề dự phòng cho phụ nữ là một trong những khoản đầu tư cơ bản, đầu tư cho tương lai, đầu tư cho việc bảo vệ và phát huy nhân tố con người trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội cần ưu tiên một cách đặc biệt. Nhà nước cần ban hành các quy định cụ thể đối với người sử dụng lao động và khuyến khích lao động nữ vươn lên, tự nguyện đề xuất nhu cầu tham gia đào tạo lại và đào tạo nghề dự phòng.
Thứ hai, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ KH - CN đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý giỏi làm nòng cốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội
Sự phát triển kinh tế - xã hội đặt ra vấn đề nguồn nhân lực nữ được đào tạo phải phù hợp với trình độ khoa học - công nghệ, trình độ quản lý trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Một số lĩnh vực, một số ngành mũi nhọn sẽ tiếp tục được trang bị công nghệ hiện đại tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo ra tốc độ tăng trưởng cao. Thực trạng vừa thiếu, vừa hẫng hụt đội ngũ cán bộ nữ khoa học, cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở Bình Dương hiện nay rất bất cập với yêu cầu phụ nữ phải tham gia với số lượng và chất lượng ngày càng cao vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, quản lý, lãnh đạo. Việc đào tạo cán bộ nữ khoa học và quản lý cần quan tâm:
- Xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ nữ theo từng lĩnh vực, từ đó cụ thể hoá kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo cán bộ nữ gắn với quy hoạch cán bộ nữ, bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ tham gia đào tạo.
- Cùng với đào tạo trong nước, cần lựa chọn phụ nữ có triển vọng đưa đi đào tạo tại nước ngoài với số lượng cơ cấu, ngành nghề phù hợp, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiến hành lựa chọn và đào tạo thông qua hoạt động thực tiễn nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong sản xuất, trong quản lý. Tính chất phức tạp của loại hình lao động này đòi hỏi nữ cán bộ quản lý và chuyên gia phải có năng khiếu, phẩm chất tâm lý đặc biệt. Đó là những yêu cầu về trình độ, năng lực, uy tín nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức tốt được hình thành, bộc lộ và sàng lọc qua thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình rèn luyện, thử thách, sàng lọc để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ cần phải lấy thực tài làm trọng, nhưng còn phải chú ý đúng mức đến những đặc điểm về giới của phụ nữ, không thể áp dụng một tiêu chuẩn chung duy nhất để đánh giá năng lực của cán bộ nam và nữ.
- Quan tâm đào tạo cán bộ nữ lãnh đạo quản lý kinh tế, đảm bảo sự công bằng hợp lý giữa khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hiện nay kỹ năng lãnh đạo và quản lý của nữ chủ các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước còn rất nhiều hạn chế. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục được khuyến khích phát triển, có nghĩa là các nữ chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước càng cần được đào tạo nâng cao năng lực và trình độ quản lý kinh tế.
Thứ ba, coi trọng công tác giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức - tinh thần của lao động nữ Bình Dương.
Để có được những người phụ nữ có phong cách sống tốt, có nhân cách, tinh thần lao động phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HĐH đòi hỏi phải biết tiếp nhận, hình thành những giá trị mới đồng thời phát huy tốt những giá trị truyền thống, trong đó có giá trị đạo đức, tinh thần của phụ nữ Việt Nam.
Những giá trị đạo đức truyền thống tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam cần kế thừa và phát huy là cần cù, đảm đang, thông minh, sáng tạo trong lao động, trung thực, vị tha, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, ý thức đoàn kết cộng đồng... Những yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới của Bình Dương và đất nước đang đòi hỏi bên cạnh
việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, thì cần định hướng hình thành những phẩm chất mới như: năng động, sáng tạo, bản lĩnh để ứng phó những tình huống mới liên tục xuất hiện trong xu thế cạnh tranh, giao lưu, hợp tác; đức tính tự tin, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm đem lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng, nếp sống văn minh, hiện đại, tác phong lao động linh hoạt, nhanh nhẹn ...
Phát huy những giá trị truyền thống, tiếp nhận những giá trị mới cần phải đi đôi với việc loại bỏ những tâm lý, thói quen lạc hậu do ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ như chủ quan, bảo thủ, lề lối làm việc tuỳ tiện, thiếu tinh thần hợp tác tập thể, thụ động, đầu óc tư lợi, gạt bỏ tàn dư của tư tưởng phong kiến như "trọng nam khinh nữ", tâm lý gia trưởng độc đoán ở nam giới và mặc cảm, tự ti ở nữ giới... Đồng thời lại phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong định hướng giá trị đạo đức, nhân cách của một bộ phận phụ nữ trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự du nhập của văn hoá phương Tây như lối sống hưởng thụ, ích kỷ cá nhân, chạy theo lợi ích vật chất mà chà đạp lên những giá trị tinh thần, làm tha hoá, băng hoại giá trị đạo đức của phụ nữ Việt Nam.
Nâng cao phẩm chất đạo đức - tinh thần của người phụ nữ là một nội dung rộng lớn, đòi hỏi trước hết phải tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH ở Bình Dương để xoá bỏ tận gốc cơ sở kinh tế của những tâm lý, thói quen, lối sống lạc hậu của nền sản xuất nhỏ, tạo tiền đề xây dựng hình thành thói quen, lối sống văn minh, hiện đại trong phụ nữ và nhân dân. Tuy nhiên, tính độc lập tương đối của ý thức tư tưởng đòi hỏi việc nâng cao phẩm chất đạo đức - tinh thần của phụ nữ không thể thụ động trông chờ vào sự phát triển kinh tế mà phải tiến hành đồng thời trên lĩnh vực tư tưởng một cuộc đấu tranh tích cực nhằm xoá bỏ những tàn tích lạc hậu, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời kiên quyết khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong việc định hình những giá trị mới về đạo đức - tinh thần ở người phụ nữ. Do vậy cần:
- Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là truyền thống đạo đức, văn hoá tốt đẹp của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam trong cả
ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội, trong giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và hoạt động giáo dục của các ngành, các tổ chức xã hội
- Tạo ra các phong trào chính trị - xã hội - thực tiễn thu hút phụ nữ tham gia nhằm xây dựng mẫu hình người phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH, trọng tâm là phong trào" Phụ nữ Bình Dương tích cực học tập, lao động sáng tạo,xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc" phấn đấu đạt chuẩn mực Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang-Duyên dáng, các phong trào phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình do Hội LHPN tỉnh Bình Dương phát động.
- Nêu gương người tốt - việc tốt của các tầng lớp phụ nữ trong các lĩnh vực. Người tốt việc tốt chính là những con người có những phẩm chất cao quý trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt và học tập, là những tấm gương sáng về sự kết hợp giữa hài hoà giữa ý chí kiên cường, lòng dũng cảm đức hi sinh, nghị lực sống và tài năng sáng tạo không ngừng. Họ không chỉ thôi thúc mỗi người phụ nữ noi theo mà còn góp phần thay đổi những nhận thức chưa đầy đủ về vị trí và vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
- Tổ chức các lễ hội tôn vinh phụ nữ như Lễ hội Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Lễ hội Hai Bà Trưng, Lễ hội 8/3... nhằm tạo dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ, khuyến khích các hành động tích cực chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ đồng thời phê phán, loại bỏ những hành vi tiêu cực, những phong tục tập quán, tâm lý, thói quen coi thường, hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ.
Tóm lại, những tác động nâng cao phẩm chất đạo đức - tinh thần của người phụ nữ Thủ đô là phải nhằm tạo nên những thế hệ lao động nữ Thủ đô không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có tác phong công nghiệp mà còn kiên định về tư tưởng chính trị, có lòng tự hào tâm huyết trách nhiệm với Thủ đô, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống văn minh - thanh lịch - hiện đại, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình trên các lĩnh vực của cuộc sống.