Thứ nhất, thực hiện chính sách sử dụng nguồn nhân lực theo giới tính tạo cho phụ nữ điểm xuất phát ngang bằng với nam giới trên thị trường lao động, nhằm đảm bảo vị trí kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội:
- Tuyển dụng lao động, cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước cần có những quy định đảm bảo số lao động nam và nữ phù hợp trong mọi thời điểm.
Đối với các doanh nghiệp, chính sách khuyến khích nên tập trung vào việc quy định mức tối thiểu sử dụng lao động nữ đối với từng loại ngành nghề, Nhà nước giảm thuế nếu doanh nghiệp sử dụng lao động nữ trên mức quy định. Do bên cạnh chức năng sản xuất thì chức năng tái sản xuất đòi hỏi các chủ sử dụng lao động phải có một khoản chi phí khác so với lao động nam như trợ cấp thai sản, thực hiện KHHGĐ nên Nhà nước và tỉnh cần hỗ trợ kịp thời về cơ chế và chính sách nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn bắt nguồn trực tiếp từ việc sử dụng nhiều lao động nữ .
- Cải tiến các chính sách liên quan đến sử dụng lao động nữ. Những chính sách này có phạm vi tác động rất lớn. Vì vậy chỉ giới hạn biện pháp trong phạm vi quản lý vĩ mô của nhà nước và cho rằng cần:
+ Quy định tuổi về hưu nam và nữ như nhau (ngoại trừ một số ngành nghề độc hại, không có lợi cho sức khoẻ lao động nữ) nhằm thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ đặc biệt trong lĩnh vực lao động trí óc và lãnh đạo quản lý.
+ Phụ nữ làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc độc hại ảnh hưởng đến đời sống, thể lực và quá trình tái sản xuất dân số, sức lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn. Hạn chế tổ chức cho lao động nữ làm việc thêm giờ, tăng thời gian dành cho đào tạo, nâng cao trình độ hoặc đào tạo lại để lao động nữ đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các ngành, các hình thức dịch vụ gia đình. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế thường đặt lao động nữ vào một trạng thái bấp bênh hơn bởi trách nhiệm nặng nề trong tái sản xuất sức lao động xã hội. Bên cạnh việc tạo cho người lao động nữ điểm xuất phát ngang bằng với nam giới trên thị
trường lao động, người phụ nữ còn phải được dành thời gian cho đào tạo, nâng cao năng lực để trụ vững trong kinh tế thị trường. Do vậy, ″xã hội hoá càng nhiều chi phí cho tái sản xuất sức lao động xã hội không chỉ làm giảm bớt thời gian của phụ nữ và làm giảm nhẹ áp lực lên tình trạng sức khoẻ của họ mà còn đảm bảo tốt nhất đối với giới tính và sự bình đẳng hoá thị trường" [ 40, tr.16]. Chính sách giảm nhẹ gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ có thể được thực hiện thông qua việc Nhà nước hỗ trợ phát triển các dịch vụ gia đình theo quan điểm coi lao động nội trợ là một bộ phận của lao động xã hội. Những hỗ trợ này sẽ tác động gián tiếp đến việc giảm gánh nặng về công việc gia đình cho phụ nữ.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài nữ, sử dụng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bình Dương đã và đang có lợi thế đặc biệt trong thu hút nhân tài. Hàng năm có hàng chục ngàn nữ cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp ở các trường Đại học thuộc Bình Dương và khu vực lân cận, Bình Dương nếu có chính sách trọng dụng nhân tài hợp lý, có thể tuyển chọn được lực lượng lao động chất lượng cao cho các tổ chức, các ngành, tuyển chọn được các tài năng nữ để tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ nữ. Ngoài ra, một số lượng lớn các chuyên gia khoa học nữ trong nước và nước ngoài tâm huyết với sự nghiệp phát triển của tỉnh. Bình Dương đã và đang thực hiện các chính sách thu hút nhân tài nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách này chưa phát huy hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu. Vấn đề không chỉ là phải có cơ chế thực hiện thực sự hợp lý, có nhận thức đúng, có kế hoạch lựa chọn và đào tạo mà điều quan trọng là phải mạnh dạn bố trí, sắp xếp, giao nhiệm vụ, tin tưởng vào cán bộ trẻ, tạo động lực kích thích và môi trường nuôi dưỡng sự chủ động, sáng tạo của các tài năng trẻ. Điều này xuất phát từ thực tế là người ta chỉ có thể phát huy tốt năng lực của mình khi họ làm việc đúng sở trường, phù hợp với trình độ, năng lực và có môi trường làm việc thuận lợi. Cán bộ nữ và nhân tài nữ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, nên bên cạnh công tác giáo
dục - đào tạo thì công tác sử dụng, quản lý cũng cần có sự quan tâm đặc biệt. Những điểm cần lưu ý hiện nay là:
Phải đặt việc tạo nguồn cán bộ nữ và trọng dụng nhân tài nữ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực; có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, ngành nghề. Công tác quy hoạch sử dụng cán bộ nữ phải được tiến hành thường xuyên và được sự quan tâm một cách đầy đủ của các cấp, ngành; không vì đáp ứng yêu cầu về cơ cấu tham gia của cán bộ nữ mà xem nhẹ việc phát hiện chuẩn bị nguồn cán bộ nữ
Trong sử dụng nhân tài nữ và sắp xếp bố trí, luân chuyển cán bộ nữ phải quan tâm đầy đủ tới đặc điểm giới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân tài nữ, cán bộ nữ, lao động nữ phấn đấu, rèn luyện, thể hiện năng lực, sở trường để phát triển. Lựa chọn, đề bạt cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới thì việc đề cao các tiêu chuẩn về bằng cấp là cần thiết nhưng cũng không vì sử dụng tiêu chuẩn này một cách cứng nhắc mà làm cho việc lựa chọn cán bộ nữ gặp nhiều trở ngại, dẫn đến chỗ việc tạo nguồn cán bộ nữ gặp khó khăn,việc phát hiện tài năng nữ không được quan tâm thoả đáng.