Năm 2009, dân số Bình Dương là 1,497,117 người, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 51,9 % dân số và hơn 53% lực lượng lao động xã hội. Bình Dương là địa phương có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm thấp. Song, do hiện tượng di dân dưới sức hút của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tác động của đô thị hoá nên biến động cơ học dân số hàng năm rất cao, vượt xa tỷ lệ tăng dân số tự nhiên.
Quy mô dân số tăng nhanh chóng đã làm cho nguồn nhân lực nữ của Bình Dương rất dồi dào. Thời kỳ 2005- 2010, tỉ lệ tăng dân số trung bình 7,3%/năm, lực lượng lao động nữ tăng trung bình 5,1%/năm. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm có trên 30.000 người đổ về Bình Dương tìm việc làm, trong đó lao động nữ chiếm tỷ trọng cao. Bình Dương còn tiếp nhận một năm khoảng gần 10.000 lao động tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Tình hình này đã làm cho nguồn nhân lực nữ của Bình Dương ngày càng đông đúc về số lượng, nhưng cũng gây sức ép rất lớn về mọi mặt, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện tại, Bình Dương có nguồn lực lao động dồi dào với tổng dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh năm 2010 khoảng 1.193.500 người, chiếm 79,7% dân số, tỷ lệ này rất cao, chứng tỏ lực lượng trong độ tuổi lao động từ các tỉnh khác về Bình Dương lớn. Tốc độ tăng trưởng lao động ngoài độ tuổi tăng cao (lao động ngoài độ tuổi khoảng 356.500 người chiếm 23% dân số), hiện tượng này có thể là lực lượng ngoài độ tuổi đã di chuyển từ nơi khác về Bình Dương tìm kiếm việc làm và sinh sống. Lao động trong độ tuổi có khả năng lao động có việc làm khá cao: từ 93% đến 97% trong những năm gần đây.
Nguồn nhân lực nữ Bình Dương có lợi thế to lớn về nguồn lao động trẻ với tỷ lệ 61,2% lao động dưới 40 tuổi, được đánh giá là tỉnh đang có thời kỳ “dân số vàng". Mức độ tham gia các hoạt động kinh tế của phụ nữ cao và ổn định với tỉ lệ trên 70%.
Xét cơ cấu lực lượng lao động theo tuổi cho thấy đại đa số lực lượng lao động nữ ở độ tuổi 15 - 40, cao nhất là nhóm tuổi 20-30 chiếm 50% đến 53,3% lực lượng lao động nữ hàng năm. Điều này phù hợp với xu hướng chung khi tham gia vào lực lượng lao động của nữ trên thế giới bởi trước khi bước vào thị trường lao động, mỗi phụ nữ
đều muốn chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp nhất định. Vì thế, tỉ lệ nữ ở nhóm tuổi 15-20 tham gia lao động không cao. Sau khi đã có nghề hoặc chuyên môn, ở nhóm tuổi 20-30 tỷ lệ tham gia lao động nhích dần lên, đặc biệt ở nhóm tuổi 35 - 40 là giai đoạn phụ nữ thường đã hoàn thành chức năng sinh và nuôi con nhỏ nên tham gia thị trường lao động với tỉ lệ cao.
Cơ cấu dân số và lao động theo vùng của Bình Dương cho thấy dân số thành thị có xu hướng tăng nhanh qua các năm (năm 2009 là 30,9% - tăng 10% so với 2000). Dân số vùng nông thôn giảm dần. Dân số phi nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn (năm 2010 chiếm 86,4%) so với dân số nông nghiệp (12,6%). Năm 1997, sau khi tách khỏi tỉnh Sông Bé, toàn tỉnh có 325,5 nghìn lao động làm việc, trong đó ngành nông nghiệp (mở rộng) có 183,1 nghìn người, chiếm tỷ lệ 56,2%, ngành công nghiệp chỉ có 87,3 nghìn người, chiếm 26,7% và khu vực dịch vụ có 55,1 nghìn người, chiếm 16,9% tổng số. Năm 2003 lao động nông nghiệp chỉ còn 150 nghìn người, chiếm 30,7% trong khi đó lao động công nghiệp đã tăng lên 231 nghìn người, chiếm 46,6%, lao động dịch vụ tăng lên 114 nghìn người, chiếm 23,3%. Năm 2004 xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội của tỉnh tiếp tục tăng nhanh: lao động công nghiệp tăng lên 240 nghìn người, chiếm 47% và khu vực dịch vụ tăng lên 125 nghìn người, chiếm 24,5% và lao động nông nghiệp giảm xuống còn 145 nghìn người, chiếm 28,3%. Kết cấu dân số và lao động trên đây là kết quả của quá trình đô thị hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Bình Dương. Xu hướng biến đổi này tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh.
Cơ cấu lao động nữ theo thành phần kinh tế cho thấy từ khi chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, cơ cấu phân bố nhân lực nữ trong các thành phần kinh tế ở Bình Dương có sự thay đổi tích cực theo hướng giảm dần tỉ trọng lao động nữ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, tăng nhanh tỉ trọng lao động nữ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Năm 2010, lao động nữ trong thành phần kinh tế Nhà nước là 30,18%, trong các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước là 69,82%. Xu thế này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cho phép giải phóng sức
sản xuất và khai thác tiềm năng của các thành phần kinh tế cho sự nghiệp CNH, HĐH của Bình Dương.
Xét cơ cấu lao động theo ngành, lao động nữ tập trung đông hơn cả vào ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng (58,24%), tiếp đến là thương mại-dịch vụ (57,42%), và thấp nhất trong nhóm ngành là nông nghiệp (51,7%). Mặc dù trong tất cả các nhóm ngành, tỷ lệ lao động nữ đều chiếm số đông (hơn 50%), nhưng vai trò và tỷ trọng đóng góp của lao động nữ vào tổng thu nhập chưa cao (chiếm chưa tới 5% GDP của tỉnh). Cơ cấu lao động nữ theo ngành còn cho thấy lao động nữ chiếm tỉ lệ cao trong giáo dục đào tạo 69,9%, y tế 68%, du lịch 56,3%, tài chính tín dụng 56%, ngân hàng 54%, công nghiệp chế biến 53,3%, dịch vụ công cộng 52%, thông tin viễn thông 52%... Mặc dù vậy, so với nam giới, phụ nữ lại chiếm đa số trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp, kỹ thuật giản đơn, ở ngành giáo dục đào tạo 100% giáo viên mẫu giáo, 82,9% giáo viên tiểu học là nữ và gần 75% giáo viên phổ thông cơ sở là nữ; hay ngành y tế, y tá nữ cũng chiếm tới 80%...
Như vậy, nhìn tổng thể phân bổ lao động của Bình Dương thì lao động nữ chưa theo kịp xu hướng biến đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh và còn tham gia chưa tương xứng tốc độ phát triển của những ngành có cơ sở kỹ thuật, có khả năng mang lại năng suất và thu nhập cao.
Trong hoạt động quản lý xã hội, phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo còn thấp. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp uỷ đảng, HĐND các cấp còn thấp hơn so với tỉ lệ trung bình của cả nước. Bình Dương hiện có tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ ba cấp đạt 17,3%, nữ đại biểu HĐND ba cấp đạt 23,8%. Trong đó tỷ lệ nữ trong chính quyền, sở, ngành của tỉnh đạt 12,77%, nữ cán bộ chủ chốt cấp huyện-thị đạt 12,5%, nữ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đạt 14,14.%. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp, sở ngành đông nữ đạt gần 86 %.
Tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các cương vị lãnh đạo còn thấp so với tỉ lệ phụ nữ trong dân cư và trong các lĩnh vực lao động sản xuất, phụ nữ tham gia quản lý chủ yếu ở vị trí cấp phó, không giữ vai trò quyết định. Phần lớn cán bộ nữ chủ chốt ở độ tuổi trên
45 (trong đó có tới 35% ở độ tuổi trên 50) tạo nên nguy cơ hẫng hụt lớn về đội ngũ nữ cán bộ quản lý trong những năm tới. Như vậy, so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và từ góc nhìn vai trò to lớn phụ nữ thì quy mô và mức độ tham gia của phụ nữ vào quá trình lãnh đạo quản lý, hoạch định chính sách còn rất hạn chế
Tóm lại, nguồn nhân lực nữ ở Bình Dương có ưu điểm dồi dào về số lượng, cơ cấu nguồn lao động trẻ là lợi thế to lớn về sức khoẻ, khả năng tiếp thu khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh hơn nhiều các địa phương khác. Cơ cấu lực lượng lao động nữ theo khu vực, thành phần kinh tế phù hợp với xu thế phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH, sự tham gia đông đảo của lao động nữ trong các lĩnh vực là tiền đề quan trọng cho việc quản lý để phát huy nguồn lực phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về quy mô dân số và lao động do sự di chuyển của các dòng nhập cư vào Bình Dương đã và đang gây sức ép rất lớn về việc làm, quản lý đô thị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh, sự phân bổ bất hợp lý của lao động theo nhóm ngành và trong nội bộ từng ngành ở vị thế bất lợi cho phụ nữ đang đặt ra yêu cầu cấp thiết giải quyết hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội.