NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NGUỐN NHÂN LỰC Ở BÌNH DƯƠNG HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Quản lý nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Bình Dương hiện nay (Trang 58 - 62)

Thực trạng nguồn nhân lực nữ và việc quản lý nguồn nhân lực nữ ở Bình Dương hiện nay cho thấy công cuộc đổi mới đất nước đang tác động mạnh mẽ và đặt ra những vấn đề mang tính cấp bách. Nghiên cứu phát hiện những vấn đề đó được coi là tiền đề quan trọng đối với việc đề ra các giải pháp tác động đến vai trò của nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực nữ chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều đó thể hiện ở chỗ tỉ lệ thất nghiệp của lao động nữ còn ở mức cao, hiệu quả sử dụng lao động nữ thấp, sự phân bố của lao động nữ trong các nhóm ngành và trong nội bộ từng ngành bất cập với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu thế phát triển của tỉnh. Trong đó vấn đề rất đáng quan tâm là phụ nữ tập trung đông ở những lĩnh vực lao động sản xuất trực tiếp, kỹ thuật giản đơn, có năng suất, thu nhập thấp và thiếu ổn định.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là do chất lượng của nguồn nhân lực nữ còn nhiều hạn chế, nhưng nguyên nhân sâu xa là do trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực nữ chưa có sự quan tâm đầy đủ, giải quyết hài hoà hai chức năng sản xuất và tái sản xuất xã hội của phụ nữ. Đối với một quốc gia thì sự bất bình đẳng như vậy gây lãng phí cho việc sử dụng nguồn nhân lực. Đối với mỗi cá nhân lao động nữ hoặc nam thì sự mất cân đối đó có thể làm giảm hiệu suất lao động. Nếu việc tìm kiếm và lựa chọn việc làm chỉ đơn thuần là xuất phát từ lợi ích, nhu cầu và năng lực của mỗi cá nhân thì vấn đề chưa đến mức cấp bách. Nhưng khi điều đó liên quan đến điều kiện kinh tế, cơ may xã hội, thị trường lao động và dư luận xã hội thì việc phân bố lao động trở thành vấn đề kinh tế - xã hội rất đáng quan tâm. Với ý nghĩa đó, việc tạo ra cơ hội việc làm và sự phân bố lao động bình đẳng cân đối giữa nam và nữ là nội dung quan trọng trong sử dụng nguồn nhân lực nữ. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường lao động xã hội về tri thức và tay nghề với khả năng đầu tư rất hạn chế của phụ nữ cả về thời gian và trí tuệ cho việc nâng cao tri thức và tay nghề.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực nữ bất cập với đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tê - xã hội và bình đẳng giới.

Tuy Bình Dương có nhiều nỗ lực và đã đạt được những kết quả vượt trội so với nhiều địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, nhưng trí lực,

thể lực, phẩm chất đạo đức - tinh thần của nguồn nhân lực nữ đang có những vấn đề trở ngại cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường vị thế của phụ nữ. Trong điều kiện nguồn nhân lực nữ dồi dào về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế thì quá trình sử dụng nguồn nhân lực nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương tất yếu dẫn tới mâu thuẫn giữa hai xu hướng:

Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH cần phải sử dụng nguồn nhân lực nữ có chất lượng cao và sẽ dẫn đến hiện tượng dư thừa lao động, một bộ phận phụ nữ sẽ buộc phải đứng ngoài thành quả chung của quá trình phát triển.

Ngược lại, nếu quá coi trọng yêu cầu toàn dụng nguồn nhân lực nữ, cố giải quyết việc làm ″đầy đủ" cho lao động nữ mà không tính tới chất lượng và hiệu quả sử dụng thì sẽ không phát huy được vai trò của nhân tố con người cho mục tiêu CNH, HĐH.

Vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH, vừa thực hiện được mục tiêu tạo việc làm đầy đủ cho lao động nữ sẽ rất khó có thể giải quyết nếu đặt cả hai mục tiêu đó ngang bằng nhau. Để có lợi hơn cho sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương và đất nước và tạo tiền đề giải quyết việc làm đầy đủ cho phụ nữ xét theo góc độ phát triển dài hạn, chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm hơn đến chất lượng và hiệu quả sử dụng. Lấy mục tiêu chất lượng làm tiền đề và cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu số lượng, thì đồng thời với việc sử dụng hợp lý lực lượng lao động nữ hiện có cần phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH.

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn có vấn đề chênh lệch về giới. Sự chênh lệch này tất yếu gia tăng khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới không chỉ trong lao động, việc làm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Như vậy yêu cầu phát triển kinh tế và tăng cường tiến bộ xã hội ở Bình Dương đang đặt ra vấn đề là phải nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực nữ đi đôi với việc giảm khoảng cách về giới, trước hết là trong giáo dục - đào tạo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là giải pháp, điều kiện cơ bản để phát huy thế mạnh của đội ngũ lao động nữ hiện chiếm số đông ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Bình Dương. Đồng thời là biện pháp tích cực nhằm tăng cường bình đẳng giới, đẩy mạnh sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần vào sự phát triển hài hoà, bền vững của gia đình và xã hội.

Thứ ba, cơ chế hoạch định và thực thi các chính sách chưa tạo lập được môi trường thực sự bình đẳng cho sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ đối với các thành quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Phụ nữ và nam giới có nhu cầu, vai trò và trách nhiệm khác nhau; những khác biệt này có thể dẫn đến sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, mức độ tham gia, thụ hưởng các nguồn lực và thành quả phát triển.

Các chính sách phải đóng vai trò xác lập một môi trường, thể chế để tạo ra quyền hạn và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới, do vậy phải tính đến đầy đủ về nhu cầu, vai trò và trách nhiệm khác nhau của nam giới và phụ nữ. Chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước ta thừa nhận và tôn trọng quyền bình đẳng giới. Các chính sách chung của tỉnh hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử với phụ nữ, Bình Dương cũng đã từng bước thực hiện lồng ghép giới trong việc hoạch định một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quan điểm về giới, bình đẳng giới chưa thực sự được cụ thể hoá thành một cơ chế thống nhất không chỉ trong việc hoạch định mà cả trong tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và tái sản xuất nhưng đang phải chịu nhiều thiệt thòi và đối mặt với hàng loạt rào cản trong việc tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các nguồn lực, thành quả phát triển. Chính vì vậy đã hạn chế việc phát huy quyền làm chủ của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Sở dĩ có tình trạng này là do sự hiểu biết chưa đầy đủ về vấn đề giới, những tàn dư tư tưởng phong kiến, gia trưởng, trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong các tầng lớp

xã hội đã hạn chế việc nhận thức khách quan về vai trò và năng lực của phụ nữ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc xác lập cơ chế cụ thể đảm bảo việc thực hiện bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Yêu cầu phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội ở Bình Dương đang đòi hỏi phải giải quyết mâu thuẫn giữa những đóng góp to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội với việc bồi dưỡng, hưởng thụ của họ chưa tương xứng. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính tích cực xã hội của phụ nữ đi đôi với việc xác lập cơ chế bình đẳng giới trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Đó là yếu tố then chốt của một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao bình đẳng giới và phát huy nguồn nhân lực nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.

Chương 3:

Một phần của tài liệu Quản lý nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Bình Dương hiện nay (Trang 58 - 62)