Chất lượng nguồn lực phụ nữ thể hiện tổng hoà nhiều yếu tố, song, khái quát lại có thể đánh giá ở khía cạnh chủ yếu là trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ.
Bình Dương là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tất cả các chỉ số giáo dục cơ bản. Tỉ lệ người lớn biết chữ, tỉ lệ nhập học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều vượt khá xa so với các tỉnh khác. Tỷ lệ biết chữ của nữ ở Bình Dương đã được cải thiện nhanh chóng với tỉ lệ tăng từ 92,8% năm 2000 lên 97% năm 2010 (nữ toàn quốc là 88,2%), trong khi tỷ lệ biết chữ của nam tăng tương ứng từ 98,5% lên 98,9%. Tuy còn có sự chênh lệch giữa tỉ lệ biết chữ của nam và nữ nhưng xét theo nhóm tuổi, trình độ học vấn của nam và nữ theo các cấp học (không có sự
cách biệt lớn) đã cho thấy khoảng cách về giới trong giáo dục cơ bản ở Bình Dương đã được khắc phục đáng kể.
Tuy nhiên, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ lao động nữ mới là thế mạnh nổi bật của Bình Dương. Tỉ lệ lao động nữ mù chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học giảm từ 1,86% năm 2000 xuống còn 0,46% năm 2010, trong đó 100% phụ nữ từ 25 - 45 tuổi được xóa mù chữ. Tỉ lệ lao động nữ có trình độ trung học phổ thông tăng tương ứng từ 32,16% lên 61,14%. Tỷ trọng lực lượng lao động nữ không có chuyên môn kỹ thuật tức lao động chưa qua đào tạo đã giảm từ 63,21% (năm 2000) xuống còn 40,82% (năm 2010). Trong đó tỷ trọng lực lượng lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học đã tăng tương ứng từ 20,6% lên 41,42%. Bình Dương là địa phương có tỉ lệ lao động nữ đã qua đào tạo (từ ngắn hạn, sơ cấp, học nghề trở lên) cao nhất đạt 62% (năm 2010).
Tuy vậy, cơ cấu trình độ lao động nữ cũng đang tồn tại sự bất hợp lý giữa các bậc đại học, cao đẳng/ THCN/ CNKT. Nếu tỉ lệ này ở lực lượng lao động Bình Dương nói chung là 1/ 1,1/2,4 thì ở lực lượng lao động nữ là 1/ 0,75/ 0,8 trong khi tỉ lệ hợp lý trên thế giới phải là 1/4/10. Mặc dù thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng CNKT nhưng tỉ lệ nữ CNKT không có sự thay đổi đáng kể từ năm 2000 đến năm 2010 (vẫn duy trì với tỷ trọng trên 5% và trên dưới 8%). Điều đó cũng phản ánh phần nào thực tế lớp trẻ nói riêng và người lao động nói chung không tha thiết với học nghề để trở thành CNKT giỏi mà còn quan niệm nâng cao trình độ chuyên môn phải thể hiện trước hết ở học đại học hoặc cao hơn.
Tuy trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ Bình Dương tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước nhưng lại luôn thấp hơn so với nam giới. Số lượng lao động nữ không có chuyên môn kỹ thuật không chỉ rất lớn mà còn cao hơn nam vào khoảng 17% (năm 2000) và 9% (năm 2010). Trong khi tỷ trọng lao động nữ có trình độ từ cao đẳng trở lên hàng năm đều thấp hơn nam: năm 2000 là 16,23% so với 19,34%, năm 2010 là 24,6% so với 30,09%. Ở trình độ chuyên môn trên đại học, tỉ lệ nữ cũng thấp hơn nam. Nữ chiếm 31,11% tổng số thạc sĩ, chỉ có 01 tiến sĩ nữ. Tuy nhiên, trong khối hành chính-sự nghiệp tỷ lệ nữ có trình độ, chuyên môn chiếm
ưu thế hơn: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh là 19.353 người, trong đó nữ 12.788 người (66,08%),thì tỷ lệ nữ có trình độ sau đại học chiếm 40,76%, Đại học chiếm 54,09%, cao đẳng, trung cấp chiếm 72%. Tỉ lệ thấp trong số lao động có trình độ cao không chỉ hạn chế sự đóng góp của phụ nữ mà còn hạn chế tiềm năng của lực lượng lao động của tỉnh nói chung.
Sự chênh lệch về trình độ học vấn còn biểu hiện ngay trong lực lượng lao động nữ giữa thành thị và nông thôn. Do điều kiện kinh tế khác nhau, đầu tư cho việc học tập giữa gia đình ở thành thị và nông thôn có khoảng cách khá xa nên tỉ lệ không biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học của lực lượng lao động nữ ở nông thôn cao hơn lực lượng lao động nữ thành thị 14,06 % (năm 2000) và 11,2% (năm 2010). Điều này chỉ rõ chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần tập trung ưu tiên cho lao động nữ, mà trước hết là nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ nông thôn.
Tóm lại, so với mặt bằng chung của cả nước, trí lực của nguồn nhân lực nữ Bình Dương tương đối cao và nổi trội về nhiều mặt. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của lao động nữ ở Bình Dương quyết định khả năng tiếp thu nhanh kinh nghiệm quản lý tiên tiến, kỹ thuật công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, nguồn nhân lực nữ tỉnh vẫn còn khoảng cách về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu lao động so với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Khoảng cách giới còn tồn tại trong trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa lực lượng lao động nữ và nam phản ánh sự bất bình đẳng về giới trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Điều đó làm cho phụ nữ khó tìm việc làm và thường phải đảm nhiệm các công việc giản đơn, nặng nhọc, điều kiện làm việc bất lợi, vị thế và thu nhập thấp. Trong điều kiện tiến bộ khoa học và công nghệ đang diễn ra nhanh chóng hiện nay, trình độ chuyên môn thấp cũng chính là nguyên nhân dễ bị sa thải và mất việc làm trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và công nghệ cao. Nguyên nhân chính là do phụ nữ ít có cơ hội so với nam giới trong việc tiếp cận các hình thức giáo dục - đào tạo và là hệ quả của những định kiến đánh giá thấp về vai trò, vị trí của phụ nữ trong lao động xã hội.