Vấn đề thể loại

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT DI dân VIỆT NAM của các NHÀ văn nữ ở HOA kỳ NHÌN từ lý THUYẾT hậu THUỘC địa (Trang 140 - 144)

6. Kết cấu luận văn

4.1. Vấn đề thể loại

Hiện nay, việc xác định thể loại của các tác phẩm này vẫn còn đang nhiều điều tranh cãi. Sách muối của Monique Truong là một cuốn tiểu thuyết, điều này quá rõ ràng. Thể loại của ba tác phẩm còn lại Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm của le thi diem thuy, Ăn trộm đồ cúng của Phật của Bich Minh Nguyen và

Mái tranh, mái tôn của Dao Strom vẫn chưa được giới nghiên cứu và phê bình

thống nhất.

Trên trang bìa của Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm Mái tranh, mái tôn có đề là a novel, tức là một cuốn tiểu thuyếtĂn trộm đồ cúng của Phật đề là a memoir, tức là hồi ký. Đối với trường hợp tác phẩm của le thi diem thuy và Dao Strom, nhiều người cho rằng trang bìa ghi tiểu thuyết là một hình thức để câu khách, thực chất các tác phẩm này thuộc thể loại hồi ký. Đối với Ăn trộm đồ cúng của Phật của Bich Minh Nguyen, họ lại bảo là hồi ký vì tác giả đã đưa nhiều chi tiết trong phần đời của mình vào tác phẩm.

Tuy nhiên, trong quá trình phân tích, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm này lại mang dáng dấp của tự truyện, các tình tiết thật trong cuộc đời nhân vật cũng chiếm phần lớn tác phẩm. Bên cạnh đó, các tác phẩm còn tỏ rõ quan điểm, suy nghĩ của tác giả (le thi diem thuy và Dao Strom) về chiến tranh Việt Nam. Trước đây, có quan niệm cho rằng phải quay lưng lại với quá khứ, với chiến tranh, vì nó chứa quá nhiều mất mát, đau thương. Các nhà văn di dân thuộc 1,5 lại không cho là như vậy, vì họ sinh ra từ chiến tranh nên họ có thể hiểu được những nỗi đau ấy, họ đưa ra quan điểm của mình: Đừng nên quay lưng lại với quá khứ. Trong Ăn trộm đồ cúng

của Phật, thông qua hình ảnh một đứa trẻ khao khát trở thành một người Mỹ thực

sự nhưng cuối cùng bị vỡ mộng, Bich Minh Nguyen cũng đưa ra quan điểm của mình: Cái nỗ lực muốn tuyên nhận một nền văn hóa, dù đó là văn hóa Mỹ hay Việt, luôn luôn được cảm thấy như việc “ăn trộm” một cái gì đó chẳng bao giờ thuộc về mình [29]. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, các tác phẩm này thuộc tiểu thuyết tự thuật, trong đó “Tác giả thuật lại cuộc đời của mình một cách tự nhiên và trung

thực, trong mỗi bối cảnh của một giai đoạn trong cuộc đời là một chủ đề xếp thành

tiểu thuyết và tùy theo mỗi sự việc ấy mà tác giả bình luận hay lý luận để tỏ rõ tư

tưởng, lập trường hay chí hướng của mình. Nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm đó thể hiện rõ rệt các chức năng tự truyện” [1, tr.155-156].

Với thể loại này, nhà văn lấy chính cuộc đời của mình để làm nền cho tiểu thuyết. Chính vì vậy, trong tác phẩm, ta bắt gặp những chi tiết về phần đời nhà văn. Người đọc khó mà phân định được đâu là hiện thực, đâu là hư cấu. Giữa hiện thực và thế giới văn chương vượt qua cả ranh giới phân cách để hòa quyện vào nhau và thẩm thấu từ từ và kết tinh trong một thể thống nhất, và đến nỗi ta không thể tách biệt được chúng. Kỹ thuật viết này không phải là một điều xa lạ và mới mẻ với văn chương thế giới, nhưng để làm được điều này đòi hỏi nhà văn phải chắc tay và tài năng. Việc lắp ráp một cách thô sơ, rập khuôn chỉ khiến văn bản chẳng khác nào một con rô bốt cứng nhắc, thiếu sức sống. Ba nữ nhà văn của chúng ta le thi diem thuy, Bich Minh Nguyen và Dao Strom đã làm được điều này.

Tiểu sử của họ đi vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn, không gây cảm giác nặng nề nơi người đọc. Chẳng hạn, nhân vật Bích và tác giả Bich Minh Nguyen trong Ăn trộm đồ cúng của Phật có nhiều điểm tương đồng: Cả hai cùng gia đình rời khỏi Việt Nam từ khi còn nhỏ tuổi, định cư ở thành phố Grand Rapids, tốt nghiệp trường Đại học Michigan,… Những lát cắt về cuộc đời cô đã đi nhẹ nhàng vào tác phẩm. Nhân vật trong tác phẩm không ai khác chính là nhà văn. Thực - hư, hư - thực xen lẫn nhau tạo nên một bức tranh vừa huyền ảo vừa chân thực, kích thích sự tò mò của độc giả và thôi thúc họ lật tấm bình phong ấy lên. Có thể nói, một nhà văn tài năng mới có thể làm được như vậy. Điều này ta cũng có thể tìm thấy ở Vu khống của Linda Lê hay China Town của Thuận,... Trong Vu khống, nhân vật người cháu có những nét tương đồng với tác giả: cùng là nhà văn, cùng trăn trở để chọn ngôn ngữ để sáng tác, cùng định cư ở Pháp,…

Điểm đặc biệt của thể loại này là sự kết hợp giữa hai yếu tố tiểu thuyết và tự thuật. Bản thân văn bản tiểu thuyết tự thuật đứng chênh vênh giữa hai thể loại vừa nêu trên, nếu chệch về bên nào thì tác phẩm sẽ chuyển sang một thể loại khác. Do đó, nhiệm vụ của nhà văn phải giữ thăng bằng cho tác phẩm, nếu để văn bản bị “trật” ra khỏi “đường ray” ban đầu thì coi như mục đích của nhà văn bị phá vỡ và sự lý thú của truyện theo đó mà tan biến. Ngoài ra, phải phân phối sao cho lượng hiện thực và hư cấu cân bằng nhau, chẳng có gì thú vị khi đưa vào văn bản một tiểu sử dài dằng dặc và quá ư khô khan, khập khiễng. Dẫu biết rằng người đọc có thể phát hiện được nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời của tác giả nhưng nếu nó đọc một cách riêng biệt và không có một sợi dây liên kết nào với yếu tố hư cấu coi như văn bản không còn giá trị nữa.

Có thể ví nó như một con dao hai lưỡi, nếu dùng không đúng cách nó có thể phản lại người sử dụng. Vì vậy, người “cầm dao” phải hết sức tài tình và bản lĩnh để vượt qua thử thách mạo hiểm này. Có những người tung ra hàng loạt các chi tiết về bản thân để gợi trí tò mò cho độc giả nhưng rút cuộc sự vô duyên, tẻ nhạt trong cách dẫn dắt người ta vào thế giới (mà mình tự xem là) bí ẩn thất bại một cách đắng cay.

Bằng sự tài năng và khéo léo của người nghệ sĩ, le thi diem thuy, Bich Minh Nguyen, Dao Strom đã khiến những con chữ nhảy múa như khiêu khích ngay trước mặt độc giả, buộc họ vừa muốn chụp lấy tiểu sử ẩn giấu đằng sau những đám chữ rậm rạp, vừa muốn phá tung nó lên để thâu tóm cốt truyện được hư cấu. Đến đây, người đọc được đưa vào một cuộc chơi thật sự và họ chính là người chủ động. Điều đó tạo ra hứng thú cho độc giả. Thực ở đâu? Hư ở đâu? Câu hỏi này kích thích trí tò mò của người đọc và nếu làm được như vậy, đồng nghĩa với việc nhà văn đã thành công.

Một số độc giả khi tiếp cận tác phẩm (bằng nhiều mục đích khác nhau) “ngẩng mặt làm ngơ”, thậm chí không thèm đá động gì tới tác giả, mục đích của họ chỉ cốt sao nắm được nội dung của truyện, còn tiểu sử tác giả không cần thiết. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, vì nhà văn luôn tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với tác phẩm. Điều này làm cho tác giả không có được chỗ đứng trong lòng người đọc, và vị trí của nhà văn so với tác phẩm của họ ở một vị thế không cân bằng. Vì vậy, tiểu thuyết tự thuật, theo chúng tôi, như là một giải pháp sáng suốt nhất để dung hòa những điều trên.

Việc sử dụng thể loại này cũng là một cách để các nữ nhà văn di dân vừa tái hiện lại cuộc đời mình vừa giúp người đọc hiểu thêm về hoàn cảnh xã hội họ đã trải qua. Nhờ vậy, khi tiếp cận những tác phẩm trên, độc giả làm được “một công đôi việc” – hiểu thêm phần đời của tác giả (cũng như hoàn cảnh lịch sử - xã hội lúc bấy giờ: Chiến tranh, tái định cư trên một vùng đất mới, sự va chạm văn hóa,…) và khám phá thêm nhiều vấn đề mới mẻ xoay quanh tác phẩm.

Như trên đã nói, sự phá hủy ranh giới thực - ảo đã trở thành một thủ pháp quen thuộc đối với văn chương. Tuy nhiên, với khả năng làm chủ kỹ thuật và bút pháp điêu luyện, các nữ nhà văn di dân đã “bắt” thể loại này phải “phục vụ” cho ý đồ nghệ thuật của mình và cuối cùng họ đã thành công. Điều này không chỉ giúp họ giữ vững vị thế trong lòng độc giả mà còn đem lại những điều ý vị cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT DI dân VIỆT NAM của các NHÀ văn nữ ở HOA kỳ NHÌN từ lý THUYẾT hậu THUỘC địa (Trang 140 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)