6. Kết cấu luận văn
2.1.2. Tình hình giới thiệu thuyết hậu thuộc địa ở nước ta
Như trên đã nói, Việt Nam là một quốc gia mang nặng di sản của chủ nghĩa thực dân, vì vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu lý thuyết hậu thuộc địa ở nước ta là một việc rất cần thiết. Lý thuyết này sẽ trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, mở ra những chân trời mới để chúng ta tìm tòi và khám phá. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, thuyết hậu thuộc địa vẫn là một “ẩn số” đối với giới nghiên cứu nước ta, mặc dù nó đã ra đời và đạt được nhiều thành tựu từ rất lâu. Thực tế thiếu vắng các nghiên cứu hậu thuộc địa là một thiếu sót rất lớn đối với một nước cựu thuộc địa như Việt Nam. Vì vậy, đây vừa là cơ hội vừa là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với việc tiếp cận vấn đề hậu thuộc địa ở nước ta.
Sở dĩ có tình trạng như trên một phần do rào cản ngôn ngữ, mà cụ thể là sự hạn chế của dịch thuật. Đa phần các tài liệu nghiên cứu về lý thuyết hậu thuộc địa đều viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, do đó, rất khó khăn cho giới nghiên cứu nước ta khi tiếp cận nó. Thậm chí, cuốn sách Đông phương học (ấn bản tiếng Việt), cuốn sách khơi mào cho lý thuyết hậu thuộc địa của Edward Said đến khi du nhập vào nước ta lại rất ít độc giả quan tâm. Và một thực tế đáng buồn hơn nữa là các bài nghiên cứu hậu thuộc địa khi được chuyển dịch ra tiếng Việt vẫn chỉ là một “sản phẩm đi kèm”, một “chất phụ gia” cùng với các nghiên cứu khác. Tri thức về thuyết này vẫn còn khá mới mẻ với người Việt. Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng thuyết hậu thuộc địa cho đến nay vẫn là một bức thư còn để ngỏ, là một mảnh đất chưa được khai phá hết.
Nguyên nhân thứ hai là do tâm lý tiếp nhận của người đọc. Bất cứ trào lưu hay trường phái lý luận phê bình văn chương nào đến từ phương Tây luôn bị bao vây bởi những cái nhìn dè dặt và nghi ngại của giới nghiên cứu nước ta. Họ phải “rào trước đón sau”, phải xem xét kỹ lưỡng, phải đặt ra những nghi vấn như có phù hợp với hoàn cảnh nước ta hay không? Nó có thể tồn tại được bao lâu? Nó có thể được vận dụng vào những lĩnh vực nào?... Khi những câu hỏi ấy được giải đáp một cách sát đáng, họ mới bắt tay vào nghiên cứu. Trong khi đó, lý thuyết này đang
trong quá trình tiến triển và mở rộng nên chưa thật ổn định và thống nhất. Vì vậy, điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm trì hoãn việc giới thiệu thuyết hậu thuộc địa ở nước ta trong một thời gian dài.
Đối với những công trình nghiên cứu về lý thuyết hậu thuộc địa, có thể kể đến “Phê bình hậu thực dân” [Chương 22, 5] của Phương Lựu. Trong bài viết này, tác giả đã đem đến cho chúng ta cái nhìn ban đầu khái quát về thuyết hậu thuộc địa, chẳng hạn như hoàn cảnh ra đời của thuyết này, phân tích những công trình tiêu biểu của các tác gia hậu thuộc địa đi trước, vạch trần những thủ đoạn mới về văn hóa của chủ nghĩa thực dân... Tuy nhiên, bài viết chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu sơ lược. Một bài giới thiệu dài và bao quát hơn cả là “Dẫn nhập nghiên cứu hậu
thuộc địa” – khóa luận tốt nghiệp của Lê Thị Vân Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội,
ngành sư phạm ngữ văn). Tác giả đã nêu ra nguồn gốc, quá trình phát triển và mở rộng sự quan tâm của chủ nghĩa hậu thuộc địa gần đây, cũng như cung cấp các thuật ngữ quan trọng, phân tích những nghiên cứu ứng dụng và đề xuất các khả thể cho nghiên cứu văn học hậu thuộc địa. Tuy còn một số khiếm khuyết nhưng công trình này được đánh giá là công trình dẫn nhập tốt nhất tính đến thời điểm hiện nay. (Vì chúng tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với công trình trên nên chỉ ghi lại theo lời giới thiệu của Đoàn Ánh Dương trong bài Nghiên cứu Hậu thực dânở Việt Nam).
Ngoài ra, việc áp dụng thuyết hậu thuộc địa vào việc nghiên cứu văn chương ở Việt Nam đang là một xu hướng khá thịnh hành hiện nay. Trên nền tảng kiến thức đã tích lũy từ công trình trước, Lê Thị Vân Anh đã vận dụng khá nhuần nhuyễn vào hai bài viết sau “Tính chất nước đôi của chủ thể hậu thuộc địa trong Vu khống của
Linda Lê” và “Tính chất nước đôi và mầm mống phá hủy nhãn quan về Việt Nam
tính trong bộ phim Đông Dương”. Ở hai bài viết này, dựa trên một thuộc tính của
thuyết hậu thuộc địa – tính chất nước đôi, Vân Anh đã đi sâu phân tích biểu hiện của thuộc tính này trong tác phẩm Vu khống của Linda Lê và trong bộ phim Đông
Dương. Bên cạnh đó, còn có những bài viết khác như Nguyễn Hưng Quốc với tiểu
luận khá dày dặn “Tính lai ghép trong văn học Việt Nam” và “Tính chất thuộc địa
Dương với “Tự sự hậu thực dân trong tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, Nguyễn Thị Ngọc Minh với tham luận “Nghiên cứu không gian thuộc địa trong “Người tình”
của Marguerite Duras”,…
Tuy nhiên, theo nhận định của Phạm Quang Trung [55], đó mới chỉ là những bài viết khá rời rạc và mang tính tự phát, bởi lẽ việc giới thiệu lý thuyết chưa đến nơi đến chốn thì chưa có nền tảng chắc chắn để nghiên cứu các vấn đề khác một cách sâu sắc. Đúng như vậy, trong các bài viết vẫn còn tồn tại một số khiếm khuyết, nhưng một điều đáng ghi nhận là những bài viết trên đã thể hiện một động thái tích cực trong việc tiếp nhận lý thuyết hậu thuộc địa ở nước ta.
Từ thực tế nêu trên, chúng tôi tin rằng hoạt động phê bình văn chương theo xu hướng hậu thuộc địa vẫn là mảnh đất màu mỡ với nhiều triển vọng tốt đẹp và những công trình trên cũng là phát súng mở đầu cho việc giới thiệu và áp dụng lý thuyết hậu thuộc địa vào nước ta. Trên thực tế, thuyết hậu thuộc địa ở nước ta mới được ứng dụng trong phê bình và nghiên cứu văn hóa – văn chương là chính. Vì vậy, sẽ có nhiều hứa hẹn tốt đẹp trên các lĩnh vực khác như sử học, dân tộc học,... Dưới ánh sáng của lý thuyết hậu thuộc địa, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới mẻ được khai mở. Trong một tương lai không xa, nghiên cứu và vận dụng lý thuyết hậu thuộc địa ở nước ta sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.