Bối cảnh chung thời hậu thuộc

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT DI dân VIỆT NAM của các NHÀ văn nữ ở HOA kỳ NHÌN từ lý THUYẾT hậu THUỘC địa (Trang 58 - 62)

6. Kết cấu luận văn

2.1.1. Bối cảnh chung thời hậu thuộc

Như chúng ta đã biết, lịch sử Việt Nam là một bản trường ca hùng hồn về đấu tranh dựng nước và giữ nước. Một mặt, chúng ta luôn tự hào về những chiến công hiển hách, vang dội của cha ông trong các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược. Mặt khác, chúng ta không thể nào quên đi những đau thương, mất mát mà bọn ngoại xâm đã gây ra. Trong lịch sử hơn hai nghìn năm qua, dân tộc ta đã trải qua ách thống trị của phương Bắc (cụ thể là Trung Hoa) gần một nghìn năm; từ năm 1858 đến năm 1954, chúng ta chịu sự đô hộ của thực dân Pháp và sau cùng là đế quốc Mỹ từ năm 1954 đến năm 1975. Chính vì thế, dù thực dân và đế quốc đã lùi xa vào quá khứ nhưng cái di sản thuộc địa ấy đã vượt qua rào cản của thời gian và lưu cữu trên đất nước ta đến tận ngày nay, những ám ảnh của nó vẫn bám riết mỗi người dân Việt. Sức “công phá” ghê gớm của nó đã để lại những vết thương trong tâm hồn dân tộc và vết thương này một khi đã hằn sâu thì rất khó chữa lành. Vì vậy, đứng trên bình diện lịch sử, Việt Nam là một nước cựu thuộc địa theo đúng nghĩa.

Chủ nghĩa thực dân từ trước đến nay đều tựu chung ở một bản chất: Ăn cướp. Chúng không chỉ ăn cướp chủ quyền, tài nguyên thiên nhiên,… ở các nước khác, mà quan trọng hơn, chúng ăn cướp tâm hồn của người dân thuộc địa. Và Việt Nam là một trong những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, trong đó, kẻ đầu tiên biến nước ta thành thuộc địa là thực dân Pháp. Vào thế kỷ XIX, dưới lớp vỏ diễn ngôn và trách nhiệm khai hóa văn minh, thực dân Pháp đã hợp thức hóa cuộc xâm lược và đặt nền thống trị trên đất nước ta.

Một điều cần lưu ý là ở phạm vi luận văn này, chúng tôi không xem xét thời gian Việt Nam thời kỳ trước Pháp, mà chúng tôi chỉ muốn đưa ra những ảnh hưởng của Trung Hoa đối với nước ta (thời kỳ Bắc thuộc) trong thế đối sánh với thực dân Pháp (thời kỳ Pháp thuộc) để nêu bật bản chất của vấn đề.

Như trên đã nói, trong hơn hai nghìn năm lịch sử dân tộc, chúng ta có một nghìn năm là nô lệ phương Bắc. Lúc đó, chúng ta căm thù Trung Hoa đến tận xương tủy, bởi những tội ác mà chúng đã gây ra “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không

ghi hết tội / Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (Bình Ngô đại cáo,

Nguyễn Trãi). Trung Hoa chẳng khác nào một con thú khát máu lao vào xâu xé nước ta để thỏa mãn tham vọng của mình. Nhưng, một điều không thể phủ nhận đó là sự ngưỡng mộ (không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới) đối với nền văn minh vĩ đại của Trung Hoa lúc bấy giờ - một trung tâm văn hóa của nhân loại với một hệ thống chính quyền được tổ chức khá chặt chẽ, trình độ khoa học kỹ thuật đã đạt đến một mức độ nhất định, các tư tưởng triết học đua nhau khởi sắc (Nho gia, Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia…), những công trình kiến trúc kỳ vỹ,… Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao chúng ta tuy đã giành được chủ quyền dân tộc, nhưng ở những lĩnh vực khác như thi cử, tôn giáo, triết học, pháp luật, lễ nghi,… chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa.

Trong suốt thời gian nô lệ đằng đẵng ấy, văn hóa của kẻ thống trị đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong nền văn hóa của dân tộc ta. Sau khi độc lập về chính trị, chúng ta vẫn không thể vượt ra khỏi “cái bóng” quá lớn của văn hóa Trung Hoa. Vì thế, trước đây, “ngay cả những người yêu chữ Nôm nhất cũng không dám nghĩ đến

việc dùng chữ Nôm để thay thế hẳn cho chữ Hán, ngay cả những người có tinh thần

độc lập nhất cũng không dám vượt qua những lời giảng dạy của các bậc Thánh

hiền Trung Hoa để tìm cho mình một chân trời tư tưởng riêng biệt và ngay cả

những người giàu sáng tạo nhất cũng không dám vượt qua khỏi những hệ thẩm mỹ

đã trở thành khuôn sáo từ xưa” [45],… Đâu đó một vài tư tưởng Trung Hoa vẫn

còn len lỏi, bám sâu vào cội rễ đã đưa đến những ảnh hưởng nhất định trong phong tục, tập quán của người Việt như “tam cương”, “ngũ thường”, sự khinh miệt phụ nữ, cố sức thắt chặt họ vào lễ nghĩa “tam tòng, tứ đức”, ... và sức ảnh hưởng của nó còn lan rộng đến tận ngày nay. Đó là điều đáng buồn trong lịch sử dân tộc.

Đối với Pháp - một đất nước ở bên kia địa cầu - đến xâm lược nước ta với vũ khí tối tân, hiện đại như tàu chiến, súng ống, đạn dược… trong khi đó, vũ khí của

người dân Việt Nam lúc bấy giờ vẫn chỉ là “hỏa mai đốt bằng rơm con cúi, ngọn

tầm vông, mảnh dao phay” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu).

Trong cuộc chiến không cân sức này, ưu thế nghiêng hẳn về phía Pháp. Chính vì vậy, sau một lần “đau thương”, với tâm lý thuộc địa, nỗi lo sợ bị đồng hóa của người Việt bị đẩy lên một mức cao nhất. Bởi lẽ, người Pháp quá khác biệt với họ: màu mắt xanh, làn da trắng, vóc dáng cao,… hơn nữa văn hóa, phong tục, và cả ngôn ngữ,… khó mà tìm ra được điểm tương đồng. Cuộc chiến này vì thế cam go, ác liệt hơn cuộc chiến trước rất nhiều. Nó không chỉ đơn thuần là đấu tranh để giành độc lập, chủ quyền, mà còn để giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, bởi giờ đây mất nước đồng nghĩa với việc mất tất cả (ngôn ngữ, phong tục,…). Chính vì lẽ đó, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, ý thức bảo vệ gốc rễ của dân tộc Việt càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ đó, ý thức bảo vệ gốc rễ, giống nòi được đặt song song với ý thức bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Tuy nhiên, đằng sau những chiến thắng vang dội trên mặt trận quân sự, rất nhiều thương tích và dị tật vẫn còn lưu lại trong tâm hồn người Việt. Bè lũ cướp nước và bán nước đã bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi dân tộc, nhưng cái bóng của chúng vẫn đè nặng tâm hồn chúng ta và phả những ám ảnh vào cuộc sống chúng ta. Đó là điều chúng ta buộc phải thừa nhận. Sự ảnh hưởng sâu sắc nhất, bền bỉ nhất, nổi trội nhất là ở lĩnh vực văn hóa.

Vì vậy, sau chiến tranh thế giới thứ II, cùng với phong trào giải thực rộng khắp thế giới, các nước cựu thuộc địa, trong đó có Việt Nam, đã bắt tay vào hành trình “tìm lại” bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bởi lẽ đối với các xã hội hậu thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng, vấn đề bản sắc mang một tầm quan trọng đặc biệt. “Vạn sự khởi đầu nan”, bước đầu tìm về với văn hóa dân tộc chúng ta gặp không ít những khó khăn, chẳng hạn như phải đối diện với một nền văn hóa chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nước xâm lược, làm cách nào để phân định được đâu là văn hóa truyền thống, đâu là văn hóa ngoại lai,… Trong hành trình gian khổ ấy, chúng ta đã gạt bỏ đi thiên kiến chủ quan, bên cạnh những mất mát, đau thương,

chúng ta vẫn thừa nhận những ảnh hưởng tốt đẹp từ cả hai nền văn hóa Hán và Pháp.

Hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã vượt lên khỏi sự thống trị tàn ác và chính sách đồng hóa khắc nghiệt của phương Bắc, hơn nữa còn tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa để làm giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc. Hoặc văn hóa Pháp vẫn để lại những dấu ấn tích cực như trong lĩnh vực ẩm thực, nhiều món ăn mới theo chân người Pháp đến Việt Nam như bánh mì, bơ, phó mát, cà phê và dần dần trở nên quen thuộc với chúng ta. Điều đáng chú ý nhất là trong thời kỳ Pháp thuộc, ngôn ngữ người Việt cũng bị tác động, quan trọng nhất là việc tiếp nhận chữ quốc ngữ làm văn tự chính thức của người Việt. Nhờ chữ quốc ngữ có lợi thế đơn giản về hình thể kết cấu, cách viết, cách đọc nên sau Cách mạng tháng Tám 1945, tiếng Việt và chữ quốc ngữ giành được địa vị độc tôn, phát triển dồi dào, là ngôn ngữ đa năng dùng trong mọi lĩnh vực phản ánh mọi hiện thực cuộc sống,… Và đáng ghi nhận hơn cả, trong văn học dân tộc, đó là sự xuất hiện của trào lưu Thơ Mới giai đoạn 1932 -1945 – đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử văn học dân tộc, sự hình thành với tốc độ chóng mặt của nền văn học hiện đại Việt Nam với nhiều gương mặt sáng giá, hay tất cả những trào lưu, lý thuyết của văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta được các trí thức tiếp thu và áp dụng rất thành công tại Việt Nam,…

Trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam đang vươn mình ra biển lớn để hội nhập với nền văn hóa thế giới. Trong quá trình ấy, Việt Nam đã khẳng định được bản sắc riêng của văn hóa dân tộc với bạn bè khắp năm châu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc vốn có từ lâu đời. Mặc dù, thực tế nền văn học Việt Nam chưa đạt được những thành tựu nổi bật so với thế giới. Nhưng với sự nỗ lực hết mình, trong tương lai không xa, văn học nước ta sẽ có những bước chuyển tích cực hơn.

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT DI dân VIỆT NAM của các NHÀ văn nữ ở HOA kỳ NHÌN từ lý THUYẾT hậu THUỘC địa (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)