6. Kết cấu luận văn
4.3. Kết cấu theo chiều ngang
Trước hết, ta có thể nhận thấy điểm nổi trội trong những tác phẩm này là chúng được kết cấu theo chiều ngang, chứ không phải bổ dọc theo kiểu truyền thống. Vì thế, khó khăn hơn cho người đọc khi tiếp cận tác phẩm. Nó đòi hỏi người đọc phải cùng phiêu lưu với nhà văn từ đầu đến cuối, nếu bỏ lửng câu chuyện giữa chừng thì không thể nào nắm bắt được nội dung của truyện. Nhưng đồng thời, với
cách làm này, nhà văn lại đem đến sự hứng thú cho độc giả vì phải theo dõi liên tục, song hành cùng với tác phẩm cho đến hết câu chuyện. Theo hướng phát triển này, các câu chuyện đan xen vào nhau, trong đó các câu chuyện trong quá khứ được mở ra rồi khép lại nhường không gian cho một câu chuyện khác ở hiện tại. Cứ thế, quá khứ và hiện tại đan xen lẫn nhau giúp cho sự chuyển tải của tác giả trở nên uyển chuyển hơn. Thay vào cách kể chuyện thông thường đó là đặt quá khứ và hiện tại cạnh nhau và tạo sự liên kết giữa chúng nhằm đưa văn bản vận động theo hướng đi lên là sự gián đoạn, đứt gãy của những sự kiện nhờ vào những hiệu quả của việc sáng tạo không gian cho sự tưởng tượng. Thời gian bị đứt đoạn, vỡ ra, với sự luân phiên chuyển đổi từ quá khứ đến hiện tại rồi từ hiện tại trở về với quá khứ nhờ vào hành trình tâm lý của nhân vật, theo đó các tác giả đã tạo được những ám ảnh về quá khứ trong hiện tại.
Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm là năm câu chuyện đan lồng
vào nhau. Mỗi câu chuyện là một chuỗi của nỗi đau, khắc sâu vào tâm trí những người trong cuộc. Những chi tiết về cảnh ba mẹ tác giả gặp nhau, cảnh họ chia ly nhau trước khi lên tàu và trốn thoát, cảnh anh trai cô chết đuối, cảnh cô cùng cha trải qua những chuỗi ngày đầu tiên ở nước Mỹ và chờ đợi mẹ đến, những khó khăn trong quá trình vượt biên để sống sót tới Mỹ được sắp xếp không theo một trật tự thời gian nào cả. Chúng ta nhận thấy rằng câu chuyện có kết cấu như một bộ phim, có sự hòa trộn giữa hiện tại và quá khứ.
Đáng chú ý hơn cả là trong chương Nước, thời gian thay đổi một cách liên tục. Ở đây, tác giả vận dụng phương pháp này một cách khá triệt để và thành công. Chúng tôi thống kê được có 22 phân đoạn nhỏ, trong đó có 11 phân đoạn ở quá khứ và lấy bối cảnh ở Việt Nam và 11 phân đoạn ở hiện tại và lấy bối cảnh ở Mỹ, các phân đoạn này đan xen liên tục. Trong 11 phân đoạn ở quá khứ, có đến 7 phân đoạn tái hiện về cái chết của anh trai Tôi. Từ việc thống kê trên, chúng tôi rút ra nhận xét như sau: Thứ nhất, việc xen lẫn thời gian giữa quá khứ và hiện tại chứng tỏ rằng quá khứ tuy đã qua đi rất lâu nhưng nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn ở hiện tại. Thứ hai, cái chết của người anh trai được tác giả nhắc lại nhiều lần như một sự ám ảnh và
đây cũng là nguyên nhân gây ra những nỗi đau thương, mất mát cho những thành viên còn lại trong gia đình nhân vật Tôi.
Ngoài ra, các phân đoạn quá khứ và hiện tại rất ăn khớp nhau, chẳng hạn cảnh Ba ở trại cải tạo trở về (ở quá khứ) đã chuyển qua cảnh Ba trở về với mẹ con
Tôi (ở hiện tại). Có thể nói, chương này thể hiện khá rõ kỹ thuật viết văn đã đạt đến độ tinh xảo của le thi diem thuy. Người đọc vừa bị cuốn theo dòng quá khứ vừa hòa mình vào hiện tại.
Sách muối của Monique Truong cũng có kết cấu như vậy. Tác phẩm này có
thể chia ra làm hai phần: Thời gian Bình ở Việt Nam và thời gian anh ở Pháp. Nếu kể chuyện theo cách thông thường (sử dụng thời gian tuyến tính) thì tác giả phải kể những việc xảy ra ở quá khứ trước, sau đó mới đến những chuyện ở hiện tại. Nhưng Monique Truong đã không làm như vậy. Cô dẫn dắt câu chuyện bằng sự việc ở hiện tại - Cô Toklas nhận được bức thư của anh trai Bình và đưa cho Bình. Sau khi đọc xong, anh xúc động và hồi tưởng về quá khứ, về những chuyện đã qua, về những khoảng thời gian ở quê nhà. Thế là, câu chuyện mở ra từ đây và cứ tiếp tục như vậy cho đến hết tác phẩm. Các câu chuyện ở quá khứ (sự ghẻ lạnh của Ông Già, sự yêu thương của Má, cảnh làm việc trong dinh Thống sứ Pháp,...) được trộn lẫn một cách khá nhuần nhuyễn với những câu chuyện ở hiện tại (những ngày đầu lạ lẫm khi bước chân lên nước Pháp, trở thành đầu bếp cho hai nữ nhà văn đồng tính,…) thông qua dòng hồi tưởng của nhân vật. Với cách làm này, tác giả đã không để người đọc phải nhàm chán khi chỉ chìm đắm vào quá khứ hoặc chỉ chăm chú ở hiện tại. Độc giả được thay đổi “khẩu vị” theo từng câu chuyện theo từng phân đoạn thời gian và vì vậy tạo ra được tính hấp dẫn cho tác phẩm.
Ăn trộm đồ cúng của Phật mở đầu với cảnh gia đình Bích sống ở Grand
Rapids dưới sự bảo trợ của ông Heidenga, sau đó, cô quay về quá khứ để kể về hành trình đến nước Mỹ của gia đình cô, họ rời khỏi Việt Nam vào mùa xuân năm 1975, họ rời khỏi trong sự sợ hãi và rời khỏi bởi vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Tất cả họ ra đi chỉ với hai bàn tay trắng, không tiền, không sự dự phòng và cũng không
xác định được nơi mình sẽ đến. Họ rời khỏi quê hương mà không có sự chuẩn bị. Nhưng khác với hai tác phẩm trên, Bich Minh Nguyen dường như không có hứng thú gì với quá khứ, cô đi nhanh về Việt Nam trong chương đầu tiên, và chỉ gợi nhớ về quá khứ trong chương cuối cùng của cuốn sách khi diễn giải sự xuất hiện của mẹ cô trong cuộc đời cô.
Mái tranh, mái tôn của Dao Strom cũng có kết cấu như vậy, tuy nhiên, sự
mới lạ trong tác phẩm này so với các tác phẩm kể trên ở chỗ cô để các nhân vật tự kể về câu chuyện của chính mình, hay nói cách khác đó là sự luân phiên người trần thuật. Nhà văn không nói gì cả, chỉ là kẻ đứng bên lề câu chuyện và quan sát các nhân vật của mình. Đó là tính khách quan của tác phẩm vì các nhân vật trong câu chuyện luôn ở thế chủ động. Ban đầu là câu chuyện của Trân – người mẹ, sau đó là câu chuyện của Thúy, của Beth, của Thiên – các đứa con của Trân. Các nhân vật vừa là người kể chuyện vừa là người đi tìm lời giải đáp cuối cùng. Cô để cho nhân vật tự thân vận động và kết quả cuối cùng mà họ nhận lấy mà do chính những hành động, suy nghĩ của họ tạo ra, nhà văn không thể giúp họ làm điều đó. Thật sự, điều này thách thức khả năng của người đọc về sự thâu tóm, xâu chuỗi các sự kiện, từ đó, tạo ra sự hứng thú cho người đọc, đồng thời, cũng giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn trong việc đánh giá các sự kiện.
Sự chuyển đổi về thời gian đồng hiện với sự chuyển đổi về không gian. Những ký ức về Việt Nam đan xen với những sự kiện trong hiện tại ở Pháp, Mỹ… Trong Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm, nhà văn bắt đầu cuốn truyện ở Linda Vista nhưng sau đó lại chuyển điểm nhìn về nơi khác như bờ biển Việt Nam, một công viên nào đó ở San Diego,… Hay sự luân phiên về thời gian, đang nói về những sự việc họ đang ở Mỹ vào những năm 1970, nhưng sau đó lại chuyển đổi một cách đột ngột, quay về quá khứ những năm 1960 và đang ở miền Bắc Việt Nam.
Trong chương Nước, 11 phân đoạn ở Việt Nam xen lẫn với 11 phân đoạn ở Mỹ, điều này cho ta thấy rằng Việt Nam – quê hương - là một hình ảnh không thể
xóa mờ trong tâm trí của những người di dân. Những trang cuối cùng của quyển sách mở ra hình ảnh mùa xuân đầu tiên của gia đình Tôi tại bờ biển California. Các nhân vật đều cảm thấy lòng mình thanh thản khi đứng trước biển cả. Họ hy vọng cuộc sống của họ sẽ tươi đẹp như không gian ngời sáng của cảnh biển vậy.
Còn trong Sách muối của Monique Truong, hiện tại nhân vật ở Pháp và đọc bức thư của anh trai, sau đó hồi tưởng lại việc mình ở trong quán cà phê Pháp và viết lá thư gửi về quê nhà cách đây năm năm trước, và từ đó cô lại đột ngột chuyển cảnh về Việt Nam,.. và không gian trong tác phẩm còn mở rộng đến nước Mỹ.
Chúng ta đọc các tác phẩm này như những cuốn phim dưới hình thức của một văn bản, các nhà văn dường như không màng đến vấn đề thời gian cũng như không gian. Họ đã mang độc giả quay trở lại và đứng chênh vênh giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, giữa đây và đó trong dòng hồi tưởng miên man của mình. Đó là một thách thức đối với người đọc, họ phải đọc thật kỹ và tinh ý mới xâu chuỗi lại các tình tiết và tái tạo nó lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Bằng cách đọc văn bản trong sự linh hoạt và uyển chuyển, chính bản thân văn bản tự nó đã phản ánh được tình trạng tỵ nạn của nhà văn.
Hơn thế nữa, chúng ta cần chú ý vào sự triển khai về mặt thời gian cũng như hình thức của văn bản và nội dung của nó. Dòng thời gian bị vỡ vụn/ không tuyến tính đã giúp cho tác giả miêu tả thành công các tình huống cao trào về bản thân mình cũng như gia đình họ với thân phận những người tỵ nạn và nó cũng phơi bày sự hỗn loạn và bừa bãi. Việc tác giả sử dụng hồi tưởng thường xuyên trong văn bản như một nơi lý tưởng để họ có thể phơi bày bản sắc của mình. Các tác giả đã đưa ra những điểm chính trong cuộc đời của họ, sau đó nhường chỗ cho sự phán đoán và sự tham gia của độc giả.
Bên cạnh đó, người đọc còn nhận thấy sự luân phiên thay đổi giữa các đoạn văn, làm cho cấu trúc của tác phẩm không theo một trật tự nhất định. Những tác phẩm như một bản đồ của sự tưởng tượng được vẽ ra vậy. Nó bao phủ Pháp, Mỹ và Việt Nam, quá khứ và hiện tại, gian khổ và đấu tranh, vết thương và ám ảnh. Người
đọc di chuyển cùng với câu chuyện từ quá khứ đến hiện tại, từ nơi này đến nơi khác, từ câu chuyện này sang câu chuyện khác.
Như vậy, với kết cấu theo chiều ngang, trình tự không gian, thời gian của các tác phẩm này bị đứt đoạn, vỡ vụn, chứ không theo cách tuyến tính như truyền thống. Đây không phải là một cách thức mới mẻ, tuy nhiên, các nhà văn di dân đã vận dụng một cách khá thành công cho “ý đồ” nghệ thuật của mình – quá khứ đan xen với hiện tại, quá khứ hiện lên như những ám ảnh trong hiện tại; cố hương đặt song song với ngoại quốc, tuy đã rời khỏi quê nhà nhưng hình ảnh ấy vẫn có một vị trí nhất định trong lòng những người con xa quê. Với việc sử dụng kết cấu này, tình trạng tỵ nạn và những đau thương của những người di dân được hiện lên ám ảnh trên từng trang sách.