6. Kết cấu luận văn
1.2.2. Gayatri Chakravorty Spivak (1942)
Spivak [88] sinh năm 1942, là một nhà lý luận, một triết gia người Ấn, và là giáo sư của trường Đại học Columbia, trong đó bà là thành viên sáng lập ra khoa Văn học so sánh và xã hội. Bà là người phụ nữ da màu duy nhất được ban tặng vinh dự cao nhất của trường Đại học này trong suốt lịch sử 264 năm của nó.
Bà thường tập trung hướng nghiên cứu của mình vào những người chịu thiệt thòi bởi nền văn hóa phương Tây thống trị: người nhập cư mới, giai cấp công nhân, phụ nữ và những người thuộc tầng lớp dưới khác. Trong đó, bà đặc biệt quan tâm đến những người phụ nữ. Đối với Spivak, phụ nữ các nước thuộc địa luôn phải bị kìm kẹp hai tầng áp bức, xã hội phụ quyền của văn hóa họ sinh sống và hình thái ý thức chủ nghĩa đế quốc nam tính ngoại lai. Điều đó được thể hiện ít nhiều trong bài
viết “Tầng lớp dưới có thể lên tiếng hay không?” (Can The Subaltern Speak?),
được coi là một trong những văn bản sáng lập ra thuyết hậu thuộc địa. Trong bài viết này, Spivak đã nêu ra vấn đề chủng tộc và những quyền lực liên quan đến việc cấm đoán những quả phụ (sati). Spivak viết rằng “Tất cả những gì chúng ta nghe
thấy về sati đều là sự miêu tả mang thiên kiến chủ quan của những kẻ đứng đầu đạo
Hin du trong thời kỳ thực dân Anh về việc những người phụ nữ bị áp bức phải tự
vẫn như thế nào, nhưng chúng ta chưa bao giờ nghe qua sự tự vươn lên của sati”
[76]. Điều thiếu sót trong sự miêu tả này đã khơi nguồn cảm hứng cho Spivak: Những người thuộc tầng lớp dưới có thể cất lên tiếng nói được hay không? Qua đó, bà tích cực khuyến khích các bài viết nỗ lực nghiên cứu về tầng lớp dưới.
Thuật ngữ “Tầng lớp dưới” có thể xem là một trong những đóng góp quan trọng của Spivak đối với nghiên cứu hậu thuộc địa. Bên cạnh đó, bà còn đưa ra nhiều thuật ngữ khác như Ethical responsibility/Ethical singularity (Trách nhiệm đạo đức/Sự kỳ dị đạo đức), Margins/Outside (Bên lề/Bên ngoài), Strategic
Essentialism (Bản chất luận mang tính chiến lược)… hướng tới việc trao trả lại
tiếng nói đã bị cách ly trong nhiều thập kỷ qua cho những con người thuộc tầng lớp dưới.
Trong tác phẩm “A Critique of Poscolonial Reason” (Một bài phê bình về
nguyên nhân hậu thuộc địa) (1999) [97], Spivak đã khám phá ra rằng những tác
phẩm của chủ nghĩa siêu hình học châu Âu không hề đề cập đến tầng lớp dưới trong diễn ngôn của chúng. Tồi tệ hơn, chúng không công nhận quyền lợi vốn có của họ cũng như ra sức ngăn chặn các cuộc đấu tranh trao trả lại vị trí đầy đủ của một con người cho những người phi Âu châu (non – European).
Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của các nước thuộc địa. Thứ nhất, với sức mạnh về quyền lực, chủ nghĩa đế quốc đã áp đặt các tiêu chuẩn phương Tây lên nền văn hóa thuộc địa, việc làm này đã tiêu hủy phần lớn nền văn hóa cũ. Thứ hai, chính là do sự yếu kém và lạc hậu trong cách lĩnh hội kiến thức của những người dân thuộc địa gây nên. Từ nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, bà đã vạch ra những hướng đi mới để những người thuộc tầng lớp dưới có thể lĩnh hội tri thức một cách đầy đủ và sáng tạo hơn.
Ngoài ra, Spivak còn tiến hành hàng loạt các nghiên cứu lịch sử và những bài phê bình văn học về chủ nghĩa đế quốc và nữ quyền luận quốc tế như In Other
Worlds: Essays in Cultural Politics (Trong những thế giới khác: Những bài luận về
chính sách văn hóa) (1987), Selected Subaltern Studies (Tuyển chọn những bài
nghiên cứu về tầng lớp dưới) (Biên tập với Ranajit Guha) (1988), The Post-Colonial Critic (Phê bình hậu thuộc địa) (1990), …
Để khẳng định vị trí của bà trong việc sáng lập thuyết hậu thuộc địa, Edward Said đã viết: “Bà là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu lý thuyết văn học về
phụ nữ phi phương Tây (non – western women) và đưa đến một trong những sự
miêu tả mạch lạc nhất và sớm nhất có giá trị với chúng tôi” [Dẫn theo Dinitia
Smith, 73].