6. Kết cấu luận văn
3.5. Diễn ngôn của kẻ mạnh
Diễn ngôn là một khái niệm tương đối phức tạp. Nguyên nhân của sự phức tạp này do mức độ phủ sóng của nó. Có thể nói, khái niệm diễn ngôn được dùng hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống và khoa học như ngôn ngữ học, nghiên cứu văn hóa, xã hội học,…
Theo Nguyễn Thị Ngọc Minh [39], có ba cách tiếp cận khái niệm diễn ngôn: Hướng tiếp cận ngôn ngữ học, hướng tiếp cận phong cách học và hướng tiếp cận xã hội học. Để làm sáng rõ hơn vấn đề, trong phần này, chúng tôi chọn cách tiếp nhận diễn ngôn theo hướng xã hội học (chỉ giới thiệu một cách khái quát nhất).
Có thể nói, quyền lực và tri thức là hai mối quan tâm lớn nhất của Foucault, và chiếc cầu gắn kết giữa hai yếu tố này đó chính là diễn ngôn (quyền lực – diễn ngôn – tri thức). Vì vậy, để muốn hiểu được căn sâu gốc rễ của hai yếu tố vừa nêu
trên, chúng ta không thể bỏ qua khái niệm này. Dựa vào sơ đồ trên, ta có thể thấy được phần nào mối quan hệ giữa ba yếu tố này. Ẩn sau quyền lực là diễn ngôn và các diễn ngôn sẽ tập hợp lại thành tri thức. Nếu không có yếu tố kết nối ở giữa thì tri thức và quyền lực không thể móc xích lại với nhau. Với Foucault, cả tri thức và quyền lực chỉ có thể được tạo ra, được hiện thực hóa, được vận hành và phân phối bởi và trong diễn ngôn.
Trước hết, Foucault đã chỉ ra mối quan hệ phức tạp giữa diễn ngôn và quyền
lực “Diễn ngôn có thể nói vừa là công cụ, vừa là hệ quả của quyền lực, đồng thời
cũng là một vật cản, một khối chướng ngại vật, một mũi kháng cự và một điểm bắt đầu cho chiến lược chiến tranh. Diễn ngôn lan truyền và sản sinh quyền lực, nó
củng cố chính nó, nhưng cũng hủy hoại nó và phơi bày nó, làm cho nó yếu đi và
khiến nó có thể gây trở ngại cho chính nó” [Dẫn theo Nguyễn Thị Ngọc Minh, 39].
Như vậy, quá trình tạo lập, vận hành của diễn ngôn đều có sự can thiệp của bàn tay quyền lực, mà tri thức lại là sản phẩm được tạo ra từ các diễn ngôn, từ đó suy ra, tri thức mà chúng ta có được là kết quả của các mâu thuẫn về quyền lực. Trên tinh thần đó, Foucault đã vạch trần bản chất quyền lực ẩn dưới bức bình phong “diễn ngôn” của thực dân.
Trong những huyền thoại về Đông Dương [38], có thể thấy nổi bật lên ba loại diễn ngôn: Diễn ngôn chính trị ồn ào khẳng định vị trí thượng đẳng của kẻ đi khai hoá văn minh; diễn ngôn khoa học cắt đứt một cách lạnh lùng Đông Dương với lịch sử và địa lí riêng biệt của nó để đặt dưới tấm kính quan sát của những nhà nghiên cứu lịch sử, địa lí, phong tục; diễn ngôn về giới thừa nhận uy quyền tuyệt đối của người đàn ông da trắng khi mô tả người phụ nữ bản địa như là những đối tượng bị động, nhu mì… Đông Dương, như tất cả các xứ thuộc địa khác, đã được tái hiện như là một cái khác trong kinh nghiệm của thực dân.
Đúng như vậy, trong nhãn quan của Quý Ông và Quý Bà (Sách muối, Monique Truong) cũng như những người phương Tây lúc bấy giờ, người Việt nói riêng và Đông Dương nói chung chỉ là những kẻ bẩn thỉu, xấu xí, dị hợm, kì quái,
lạc hậu, đáng ghê tởm,… Hay nói đúng hơn những người này là một cái khác so với họ. Với việc tự cho mình cái quyền “đi khai sáng văn hóa”, phương Tây luôn tìm mọi cách làm sao để thuyết phục người Đông Dương thấy rằng họ chính là những người ưu việt, tiên tiến. Và diễn ngôn là một trong những bệ chắn cho những toan tính của họ. Một khi đã đạt được mục đích, thì mọi lời lẽ, luật lệ của kẻ mạnh đều là chân lý. Kẻ yếu – những kẻ thua cuộc buộc phải phục tùng. Thời cuộc thay đổi, quan niệm cũng đổi thay. “Chiến thắng luôn thuộc về kẻ mạnh”. Kẻ mạnh không còn là kẻ “giúp kẻ khác trên đôi vai mình”, giờ đây kẻ mạnh lại là kẻ “giẫm lên vai kẻ khác”, ra sức chà đạp, bóc lột những con người bé nhỏ, yếu ớt để thỏa mãn những dục vọng tầm thường của mình.
Trong tác phẩm Sách muối, nhà bếp ở dinh Thống sứ Pháp là một bức tranh thu nhỏ về xã hội đương thời. Ở nơi ấy, mối quan hệ giữa thực dân và thuộc địa được thể hiện khá đậm nét, thông qua mối quan hệ giữa Quý Ông và Quý Bà – hai người đứng đầu ngôi nhà này với những người nấu ăn và những kẻ tôi tớ người Việt.
Trong con mắt của Quý Ông và Quý Bà, những người Việt phục vụ trong dinh thự của chúng không khác gì những người nô lệ. Xét về vị thế, chúng là những người làm chủ, có quyền lực ở cái xứ thuộc địa này, vì vậy, chúng ra sức bóc lột sức lao động của người khác, hơn nữa còn đánh đập, mắng nhiếc họ bằng những lời lẽ khinh miệt như những “tên hầu ngu si, đần độn” trong “một thứ tiếng Pháp câm
lặng ghép với những nỗ lực không theo một điệu thức nào về tiếng Việt” [13, tr.13]
nếu thấy không hài lòng về việc sàn nhà lau chưa sạch, những đồ bạc chưa sáng bóng, thức ăn chưa được hầm kỹ,… đủ mọi cớ để chúng hành hạ. Chúng khinh thường chính những người đang phục vụ cho mình. Những con người nhỏ bé ấy là những người phục vụ kẻ khác nhưng họ không mảy may nhận được một sự tôn trọng, hay sự biết ơn từ kẻ khác. Và dĩ nhiên, trong những cơn thịnh nộ đó, mặc dù lỗi không phải thuộc về họ nhưng họ vẫn buộc phải cúi đầu nhận tội.
Đây không chỉ là tình cảnh của những người phục vụ trong dinh thự này mà còn là tình cảnh chung của người dân thuộc địa lúc bấy giờ. Với quyền lực thống trị của thực dân, chúng bắt họ phục dịch, khổ sai hơn nữa còn bị đánh đập hết sức dã man. Thực chất, họ chỉ là những con rối, những thứ trò mua vui, tiêu khiển trong con mắt của thực dân. Họ cũng là con người, họ cũng có lòng tự trọng, tại sao lại không cho họ cái quyền được làm người. “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về
quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” kia mà, chính Tuyên
ngôn Nhân quyền của Pháp năm 1789 đã ghi nhận điều đó, nhưng chúng đã làm trái
với tất cả những gì chúng đã nêu ra. Chúng bắt những người dân thuộc địa phải è cổ ra hầu hạ chúng và họ càng khúm núm, sợ sệt, luồn cúi chừng nào, chúng càng thỏa mãn chừng ấy.
Những người dân thuộc địa như Minh, như Bình,… phải chịu biết bao khổ cực và tủi nhục khi phải làm việc trong nhà bếp của thực dân. “Khi tuyển người vào
làm, họ nghĩ thất nghiệp là việc không thể tránh khỏi vậy tại sao không cho nó qua
đi? Tôi tưởng tượng lý do về kết quả của việc giải tán tự động đó là Quý Ông và
Quý Bà nghĩ rằng đó là cuộc huấn luyện động vật hoặc chó” [13, tr.57]. Ở nơi ấy,
“làm việc nhưng không có vinh quang, đánh giá cao nhưng không có lời khen ngợi,
hài lòng nhưng không có sự thể hiện” [13, tr.191]. Tủi nhục hơn, những người đầu
bếp như họ chẳng khác gì một tên tôi tớ, một người nô lệ khi đứng chờ chủ nhân dùng xong bữa rồi tiện tặn tất cả những bữa ăn của mình từ những cái mà chủ nhân thừa mứa. Trong cái dinh thự ấy, họ bị đối xử không khác gì một con vật. Quyền bình đẳng, dân chủ, nhân quyền mà thực dân từng hống hách tuyên bố giờ ở đâu? Đúng như người đàn ông trên cầu đã nói “Tiếng Pháp tất cả chỉ đúng với người
Pháp.Khi người Pháp ở trong thuộc địa của chúng, chúng đánh mất sự cúi nhìn tự
nhiên tới tình anh em, sự bình đẳng, và sự tự do. Chúng đã để lại những ý tưởng
này sau lưng nước mẹ Pháp, để lại chúng tự do để đối xử với chúng ta như những
đứa con hoang trong mảnh đất mà chúng ta được sinh ra” [13, tr.137]. Thực dân
Pháp đã ra sức đàn áp, bóc lột, bóp nghẹn những người họ cho là cần được khai hóa. Số phận những người dân thuộc địa đương thời thật quá mong manh.
Bên cạnh đó, cách nhìn của Quý Bà tiêu biểu cho cách nhìn của thực dân đối với những người dân thuộc địa. Bà ta nghĩ rằng những người ở nhà bếp đều “sinh ra từ một tử cung” nên họ mới gọi Minh là “anh”. Nhưng qua cách giải thích, Quý Bà lại thận trọng và nghi ngờ về sự bao phủ của chế độ gia đình trị tràn lan. Hay cái cách mà Blériot suy luận khi nhìn thấy cảnh ba đứa trẻ lang thang ở ngoài chợ ăn một bát phở cùng nhau, hắn ta cho rằng đó là ba anh em ruột vì không đơn giản “tài
sản có thể chuyển một hành động thân mật thay vì một sự mất nhân phẩm” [13,
tr.122] như vậy. Cái kiểu suy luận ấy chỉ đúng với thực dân, kẻ chuyên đi cướp bóc người khác, chà đạp người khác và duy trì cách sống không có tình người mới cho sự chia sẻ, thương yêu đồng loại là sự “mất nhân phẩm”.
Hơn thế nữa, Quý Bà cho rằng những gì thuộc về Đông Dương luôn là những thứ đáng ghê tởm, chẳng hạn như sữa bò. Bà ta nghĩ rằng sữa bò ở đây không thể nào so sánh với sữa bò ở Pháp và trong đầu bà ta luôn đặt ra nghi vấn “đây là xứ nhiệt đới, nên sữa bò sẽ bị hư khi ra khỏi bầu vú của con thú” [13, tr.47] và rằng “tưởng tượng sống giữa một đám người chỉ nếm được sữa mẹ, trước khi chúng tôi đến, cái mà người Đông Dương gọi là sữa chỉ là một thứ nước rót từ
những hạt đậu nành khô. Quý Bà biết điều này sẽ làm cho em gái bà ta lắc đầu”
[13, tr.47]. Bởi thế, bà ta đã gạt thứ sữa này ra khỏi danh sách thành phần trong các món ăn của mình “đơn giản vì nó quá liều lĩnh” và “những nhà dân tộc học đang
nuôi những con bò ở đây bằng thứ cỏ độc hại, nếu tiêu thụ với một số lượng vừa đủ
sẽ biến thành một người đàn bà hoàn toàn khỏe mạnh nhưng hiếm muộn” [13,
tr.47]. Qua đây, ta nhận thấy rằng, trong nhãn quan của thực dân, những gì thuộc về chúng luôn luôn là ưu việt, cao cấp, còn những gì thuộc về thuộc địa luôn trái ngược với chúng. Hai đối cực song song tồn tại, nhưng dường như cực thuộc địa luôn “chịu trách nhiệm” phải bổ sung và nâng tầm cực thực dân lên một vị thế cao hơn.
Những suy nghĩ của Quý Bà giống như cách nghĩ của Isabella Bird, một nhà du hành người Pháp, trong Rong chơi tại Sài Gòn. Trong nhãn quan của tác giả này, người dân thuộc địa hiện lên như một thứ gì đó đáng kinh sợ, chẳng hạn như không gian sống họ được nhấn mạnh như một sự tối tăm, bẩn thỉu: “Bên trong nhà rất tối,
và được chia làm nhiều gian. Ngay khi tôi vừa bước vào đã có một sự đổ xô tới y như bầy dơi ùa bay vào bóng tối”, “Ngay giữa căn buồng là một loại cửa hầm trên
sàn nhà, và hai buồng khác cũng có cửa hầm như thế… Xuyên qua cánh cửa này,
tất cả các rác rưởi đều được đùn xuống một cách thuận tiện”. Người ta ngỡ ngàng
về đống rác hôi thối, rữa nát bên dưới ngôi nhà, bầu không khí nồng nặc, hôi hám
và đạo quân ruồi bọ bò nhung nhúc trong nhà, cùng những người cư ngụ tại
đó không được tắm rửa”, “Các chỗ ở thật quá sơ khai, đổ nát, xiêu vẹo mà tôi chưa
bao giờ nhìn thấy trước đậy. Khi so sánh với các nơi nương náu này, một túp lều
của người Aino ngay dù là túp lều nghèo nàn nhất, cũng vẫn là một ngôi nhà kiểu
mẫu của sự chắc chắn và mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc. Có vẻ là chỉ một cơn gió
mạnh cũng có thể lật sấp các chốn ở này và những con người sinh sống trong đó rơi
xuống dòng sông” [35].
Rõ ràng, xứ thuộc địa dưới nhãn quan của thực dân đã bị bóp méo, xuyên tạc, nó không còn được nhìn nhận như khách quan vốn có của nó. Thuộc địa được kiến tạo như một thứ hạ đẳng, mông muội, dơ bẩn,… Những người dân thuộc địa được người phương Tây nhìn nhận như một cái khác so với họ. Đây cũng là một phần trong diễn ngôn của thực dân về xứ thuộc địa. Vin vào cớ này, thực dân sẽ đến với đất nước “nhược tiểu” để khai hóa văn minh, nhưng thực chất, ẩn sâu trong những lời lẽ ấy là cả một âm mưu, đó là sự hợp thức sự xâm lược của chúng. Và hậu thuộc địa đã vạch trần sự giả nhân giả nghĩa của chúng.
Khi biết chuyện xảy ra mối quan hệ “kỳ lạ” giữa Bình và Blériot, Quý Bà cho rằng Blériot đã bị Bình dụ dỗ và sỉ nhục người Việt rằng gia đình luôn luôn sinh sản ra những vấn đề. Bà ta không quan tâm về mối quan hệ giữa hai người đàn ông, (chỉ khi nào họ cùng một vị trí xã hội như nhau, dĩ nhiên rồi, nòi giống (dân tộc). Mỗi trách nhiệm đều đổ lên đầu Bình, trong khi chính Blériot mới là người chủ động tiếp cận anh. Ngay từ lúc đầu, hắn lân la trò chuyện cùng anh và chỉ muốn anh đi chợ cùng với hắn. Và qua những lần tiếp xúc với nhau, họ nảy sinh tình cảm. Suy cho cùng, trách nhiệm thuộc về cả hai, nhưng hắn ta chỉ lặng im như một nạn nhân mặc cho những con mắt đổ dồn về phía kẻ đã làm tình cùng với mình. Một sự phủi
tay không thương tiếc. Bản chất của hắn ta đã lộ rõ. Thực ra, hắn ta chỉ muốn lợi dụng thể xác của một người đàn ông xứ thuộc địa để thỏa mãn sự thèm muốn, dục vọng của hắn chứ hắn đâu có yêu thương gì ai. Và một khi đã sử dụng xong, nghĩa là không còn giá trị lợi dụng nữa, hắn làm ngơ như chưa bao giờ biết đến, hay nói đúng hơn hắn tự biến mình thành người bị hại. Hắn đúng là một tên gian manh, xảo quyệt. Trên thực tế, những người dân thuộc địa luôn là vật để thực dân ra sức lợi dụng, bóc lột, sai khiến. Bản chất thực dân là vậy, chờ có cơ hội là chúng sẽ giơ vuốt, nhe nanh để hút máu những “con mồi” nhỏ bé hơn.
Trong điệu bộ, hành động, việc làm, lời nói của hắn cũng toát lên cái vẻ của một công chức thuộc địa điển hình. “Hắn ta đi vài bước về phía trước, đủ giữ
khoảng cách giữa chúng tôi để nói, chúng tôi không phải là một. Nhưng hắn ta vẫn
đủ gần để duy trì sự điều khiển độc quyền trên bốn người Đông Dương, người mà đang đi theo hắn ta. Hắn ta đi khắp mọi nơi với cái đầu ngẩng cao, nghĩa là mắt
của hắn ta không tập trung vào thứ gì đang tiếp diễn ở dưới cổ hắn ta hết” [13,
tr.123]. Điều đáng chú ý hơn nữa là y luôn đặt ra những vô lý cho những người dưới quyền mình và bắt họ phải thực hiện như không được mỉm cười với những kẻ khác hay không được đụng vào những thứ xung quanh,… Những luật lệ ấy ban đầu Bình nghĩ thật đơn giản nhưng thật ra có những cái vượt ra tầm kiểm soát của anh và biến thành một cái gì đó thật vô lý. Hắn ta luôn vênh váo cho rằng hắn ta hơn hẳn về mọi mặt, cụ thể là ngôn ngữ của mình, bởi vậy hắn ta “đặt niềm tin tuyệt vời vào sức
mạnh của ngôn ngữ hắn ta để nâng hắn ta ra khỏi những trận ẩu đả, xung đột, để
giữ cái mũi của hắn ta sạch sẽ thậm chí khi hắn ta đang ủi trong bụi bẩn của một
mảnh đất của người khác” [13, tr.123]. Trong đầu óc của hắn ta, người Pháp luôn là người cầm quyền ở xứ này, và ngôn ngữ Pháp cũng giữ vị thế độc tôn. Vì vậy, chỉ cần hắn phát ra những âm thanh ấy, ai cũng phải sợ hắn, nể hắn vì đó là một thứ vũ