6. Kết cấu luận văn
3.2. Quá khứ, hiện tại và những kẻ cô đơn
Quá khứ, hiện tại và tương lai là ba cột mốc thời gian tạo nên hành trình cuộc đời của một con người. Trong quan niệm của mình, người Việt thường suy tưởng và chiêm nghiệm về quá khứ, về những việc đã qua. Và trong ký ức những người di dân cũng vậy, quá khứ đóng một vai trò hết sức quan trọng nhưng có một điều đáng chú ý là quá khứ của họ lại nặng trĩu những đau thương mà nhiều khi họ cố tình né tránh, giấu giếm và che đậy nó.
Trong những tác phẩm di dân, phần lớn nhân vật có những mảnh đời khác nhau nhưng lại trùng lắp trong một cái chung: Nỗi cô đơn. Cô đơn trong quá khứ và cô đơn ngay cả trong hiện tại. Cô đơn ở quê nhà và cô đơn ở nơi mà họ đang sống. Họ trốn chạy nỗi cô đơn này nhưng rút cuộc lại gặp một nỗi cô đơn khác, cô đơn chồng chất cô đơn và nỗi cô đơn ấy cứ thế lan ra mãi. Thực tế, những người di dân luôn đứng giữa lằn ranh quá khứ và hiện tại, chệch về bên nào, họ cũng bị rơi vào tình trạng cô đơn, lạc lõng. Nếu nghĩ về quê hương, nơi đó chỉ in đậm những dấu vết đau thương mà thời gian đã hằn sâu vào tâm trí họ. Nếu nghiêng về không gian họ đang sống, họ cảm thấy lạc lõng vì không ai có thể đồng cảm và chia sẻ. Chênh vênh giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, quê hương và sở tại, những người con xa quê vì hoàn cảnh khách quan ấy phải đứng trơ trọi, bơ vơ giữa thế giới của riêng họ.
Quá khứ trong Bình đã yên vị từ lâu, anh hạnh phúc với công việc bếp núc cho hai nữ nhà văn đồng tính người Mỹ trên đất Pháp. Anh chọn cho mình cách sống cô đơn. Cho đến một ngày anh nhận được một phong bì gửi từ Việt Nam “Quý
Cô của tôi cầm trên tay lá thư. Họ bảo rằng họ đã rất sợ hãi vì họ chưa bao giờ
nhìn thấy tên đầy đủ của tôi trước đó. Có lẽ điều mà làm cho họ sợ hãi nhiều hơn là
trong suốt những năm tôi làm thuê cho họ tôi không bao giờ nhận được một mảnh
giấy liên lạc mãi tới cái này” [13, tr.5]. Những cảm xúc chợt hiện về trong Bình
“Tôi ngửi phong bì trước khi mở. Nó có mùi của một thành phố xa, khó chịu với tiên
đoán về mưa. Nếu Quý Cô của tôi không có ở trong phòng, tôi sẽ nếm chúng bằng lưỡi. Tôi chắc chắn rằng đó là vị chát của muối, nhưng cái mà tôi cần biết là loại
gì: nhà bếp, mồ hôi, những giọt nước mắt hay biển? Tôi muốn điều được bao phủ
bởi mảnh giấy này sẽ tiết lộ với tôi, sẽ kể cho tôi thậm chí những lời trước đó lý giải tại sao suốt năm năm trời anh trai tôi mới gửi thư cho tôi lần đầu tiên và chỉ lá thư
quê nhà”, “Tôi quên ngôn ngữ của tôi nhìn trên giấy mới khác biệt làm sao, rằng
những ký tự của nó hơi giống với cách chúng được đọc ra. Những từ, tôi đã không
nói trong nhiều năm, đưa chúng đến với tôi. Thành thạo, sau tất cả, đó là sự thân
thuộc” [13, tr.5]. Từ đây, câu chuyện bắt đầu mở ra. Cánh thư của Minh đã lật tung quá khứ của nhân vật và những mảnh đau thương, bất hạnh lại ùa về trong Bình.
Khác với nhân vật người cậu trong Vu khống của Linda Lê tự chọn bệnh điên để cự tuyệt với gia đình, để được cô đơn, để thoát khỏi cái gia đình đầy rối rắm và độc ác. Cô đơn có nghĩa là sống! Ngược lại, Bình không có sự lựa chọn nào khác, bởi căn bệnh mà anh mắc phải đã hiện hữu trong anh từ nhỏ. Tuổi thơ anh đã mơ về một “vị hoàng tử học giả” trong những câu chuyện cổ tích của mẹ, chứ không phải là nàng công chúa xinh đẹp. Anh bị mắc phải căn bệnh đồng tính, người anh yêu, “vị hoàng tử học giả” của anh lại là một chàng trai nấu bếp người Pháp. Tình trạng ấy, đúng như người lái xe đã nói, ắt hẳn phải có nguyên nhân. Theo chúng tôi, nguyên nhân đó xuất phát từ tuổi thơ của nhân vật. Bình là con út trong một gia đình có bốn anh em trai. Nhưng điều đáng nói ở đây là người cha sống với anh hiện tại không phải là cha ruột. Chính vì thế, anh luôn chịu những trận đòn roi, những lời xỉ vả, nhục mạ từ người cha dượng độc ác. Tuổi thơ với những ngày sống êm đềm bên mẹ, nhưng dường như tình cảm của mẹ chưa đủ để lấp đi chỗ trống thiếu hụt về tình cảm người cha trong anh, và điều đó dẫn anh đến việc yêu thương người cùng giới (đây được coi là căn bệnh vô phương cứu chữa thời bấy giờ). Người cha ruột đã dứt bỏ mẹ con anh từ khi anh còn là cái bào thai đang nằm trong bụng, còn người cha dượng lại luôn dè bỉu, xúc xiểm, gọi anh là “tên đần độn, xấu xa”, “là kẻ vô
công rỗi nghề”, “đứa con hoang”,… những cái tên ấy cứ ám ảnh Bình mãi cho đến
khi anh ở trên đất Pháp. Hình ảnh Ông Già độc ác, gia trưởng không những ám ảnh Bình trong quá khứ mà ngay cả trong thực tại. Dường như mỗi việc làm, mỗi hành động của anh đều được ông ta theo dõi sát sao, chờ anh sai sót điều gì là chực tuôn ra những lời dè bỉu, giễu cợt. Lời nói của ông ta vẫn len lỏi vào những giấc mơ và cả trong những công việc quen thuộc của anh nữa. “Thất nghiệp và cô đơn”, hai từ
đau buồn và nhức nhối ấy đã chưng cất cả cuộc đời tôi” [13, tr.12]. Và khi biết anh
bị mắc chứng bệnh đó, cứ thế, người này đến người kia lần lượt rời xa anh, thậm chí có kẻ còn khinh bỉ, coi thường anh. Mọi người không thể hiểu được nỗi đau mà Bình phải chịu. Câu chuyện này đã đẩy Bình đến sự cô đơn.
Vì vậy, Bình đã cố che giấu, cố quên cái quá khứ đó đi. Anh vùi đầu vào nấu ăn như một chốn nương thân an toàn để ẩn nấp, để trốn chạy và quá khứ cũng dần
nguôi ngoai trong anh. Nhưng cuối cùng, nó lại tìm thấy anh và cuộc sống yên vị ấy bị đảo lộn. Quá khứ đã mất đi nhưng một khi được tái tạo nó sẽ khiến người ta cảm nhận nỗi cô đơn, mất mát nhiều hơn. Con người không thể phủ nhận quá khứ cũng như một đất nước không thể chối bỏ lịch sử, dù cho quá khứ và lịch sử ấy có đau thương đến nhường nào. Nếu như trước đây, mỗi khi cảm thấy chới với, mỗi khi cảm thấy hụt hẫng hay buông xuôi, chỉ cần anh thả mình vào những món ăn là đủ để chia sẻ, để hả hê trong niềm vui sướng. Giờ đây, những món ăn không thể thắng nổi lá thư kia. Anh đã đào một hố sâu và chôn vùi cái quá khứ đáng ghét ấy nhưng chính cánh thư lại là chất xúc tác để quá khứ tự lật mộ mà chui lên.
Sự cô đơn của Bình còn được thấy rõ khi lần đầu anh đặt chân lên đất Pháp – mảnh đất chưa từng in dấu chân anh. Trong lá thư đầu tiên gửi về cho Minh, người anh trai cả, Bình đã kể về sự lạc lõng, trơ trọi của mình “Sự trầy xước của cây bút,
sự đau đớn của tờ giấy, tôi không muốn nó ngừng lại, tôi chạy ra khỏi phòng. Tôi
viết nó trong lề “Quý Cô của tôi có lẽ về nhà. Tôi không muốn bắt đầu lại mọi thứ,
tìm kiếm những người muốn giúp đỡ, gõ cửa, đi bộ một mình cô đơn. Tôi sợ”. Ý tôi
là đặt dấu phẩy giữa”cô đơn” và “tôi sợ”. Nhưng trên giấy, một dấu chấm câu
thay cho một dấu phẩy đã biến bằng chứng lỏng lẻo về sự hối tiếc thành một lời thú
tội từ ngữ rõ ràng” [13, tr.8]. Trơ trọi khi người Pháp gọi mình là “Người Đông
Dương nhỏ bé”, xa lạ với cái tên “Thin Bin” mà Quý Cô đã đặt cho anh, khác
thường với những người phương Tây da trắng, mắt xanh,… “Tôi đã trải qua nhiều
tháng ở đó và không bao giờ, không bao giờ gặp được một khuôn mặt giống tôi,
ngoại trừ một cái khuôn mặt sầu thảm ở trong gương. Và nhận ra rằng, trên những
con đường tối nhất của thành phố, ở đó không có cơ thể nào khác giống tôi” [13,
tr.151]. Anh cảm thấy mình là một cái khác trong cộng đồng mình đang sống. Khi bước chân lên mẫu quốc cuộc đời anh là con số không tròn trịa, không nhà, không cửa, không người thân,… Cánh cửa quá khứ đã khép lại sau lưng anh, nhưng cánh cửa cô đơn khác lại mở ra. Dù cô đơn, nhưng anh vẫn phải chấp nhận.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng cái bóng của nó vẫn đè chụp lên cuộc đời những nạn nhân của nó - những con người bé nhỏ, yếu ớt. Hằng đêm, con quái vật ấy vẫn
hiện về trong những giấc mơ, trong những cơn ác mộng, bám riết lấy họ, khiến họ trở nên nghẹt thở. Cái bóng đó vẫn không chịu buông tha cho họ, bắt họ phải sống một cuộc đời cô đơn, lạc lõng – một cuộc đời mà họ không bao giờ muốn sống, nhưng họ vẫn phải sống. Họ đã rời khỏi quê nhà, nhưng quá khứ bi thương vẫn cứ đeo đuổi họ. Họ - những con người cô đơn ngay trên chính quê hương của mình và trên đất nước mà họ đang sinh sống. Chung quy lại, họ chỉ là những con người thuộc tầng lớp dưới, thấp cổ bé họng vì thế họ không được cất cao tiếng nói của mình.
Trong ký ức của nhân vật Ba, (Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm) hai từ chiến tranh vẫn còn hiện hữu mãi. Ông bảo “chiến tranh như một giấc
mơ dài hay đúng hơn là một cơn ác mộng dài” [15, tr.113]. Chiến tranh bây giờ chỉ
còn là dĩ vãng, là quá khứ. Nhưng hình ảnh của những con người ngồi co ro vắt chân trên những chiếc thuyền vượt biên như chưa bao giờ xóa mờ “Giọng nói của
ba tôi trầm buồn, vang lên từ sâu thẳm giống như một con ếch hát giữa dưới đáy
giếng vậy. Khi tôi nghe thấy chúng, tôi có thể nhìn thấy những chiếc thuyền trôi nổi quanh đầu ông. Những chiếc thuyền đầy người đang cố gắng tới một nơi nào đó”
[15, tr.10]. Chiến tranh đã bóp nghẹn cuộc sống, lấy đi cái cảnh yên vui, hạnh phúc của họ. Nhân vật Ba trong tác phẩm này cũng vậy. Ông phải đi lính miền Nam. Mỗi lần ông và vợ gặp nhau đều bị ngăn cản những hàng rào dây thép và lâu lâu ông mới về thăm nhà. Đến khi đứa con trai đầu qua đời vì bị chết đuối, vợ ông oán hận ông vì ông đã không làm tròn trách nhiệm của một người làm cha. Chính điều này đã tạo nên nỗi cô đơn trong ông.
Những ngày đầu tiên khi bước chân đến nước Mỹ, Ba cảm thấy hụt hẫng và cô đơn. Thứ nhất, ông vẫn còn lưu luyến quê nhà vì nơi ấy “Má tôi vẫn đứng đợi trên bờ biển, bà không thể đi cùng chúng tôi trong chuyến vượt biên” [15, tr.1]. Thứ hai, ông cảm thấy đất nước này với những con người khác, nền văn hóa khác luôn mang lại cho ông một nỗi cô đơn. Một người đàn ông cứng rắn từng là tên du đãng như ông phải khóc. Khóc vì cô đơn, lạc lõng, vì thân phận mình giờ đây chẳng khác nào loài tầm gửi. “Ba của tôi cũng trèo ra khỏi giường và ngồi dưới gốc cây thông
ở đám cỏ đằng trước của ngôi nhà và nhìn chằm chằm vào ánh trăng như một con chó bị thất lạc và cũng khóc” [15, tr.6]. Nhưng tiếng khóc ấy có nghĩa lý gì trong đất nước này, khi người dân ở nước sở tại nhìn họ với con mắt dè bỉu, họ vẫn chỉ là những người dân tỵ nạn. Nhân vật nói riêng và những người di dân nói chung đều mang một tâm trạng, một mặc cảm như vậy. Họ đến với đất nước khác để mong muốn vượt qua nỗi đau, nhưng ngược lại với khát khao của họ, nỗi đau càng chồng chất. Tiếng khóc có nghĩa lý gì trên đất nước này, có ai hiểu và cảm thông với họ đâu kia chứ? Chiếc thuyền cứ ngỡ như sẽ chở họ đến bến bờ của hạnh phúc để bù đắp những khó khăn, gian khổ mà họ chịu đựng (có khi phải đánh đổi bằng mạng sống) nhưng nó lại đưa họ vào hòn đảo của cô đơn.
Hai nỗi cô đơn cùng tồn tại song song với nhau có lúc khiến con người ta trở nên nghẹt thở, căng thẳng, mệt mỏi. Những người di dân vừa phải cố gắng quên đi quá khứ vừa phải hòa nhập vào cuộc sống nơi đây. Điều đó đã dẫn đến những cuộc xung đột, cãi vã diễn ra trong gia đình nhỏ bé của họ. Người cha tìm rượu để quên, còn người mẹ không có ai để chia sẻ.
Nhân vật người cha trong “Ăn trộm đồ cúng của Phật”cũng là một người cô đơn như thế. Dù đã bỏ quê hương lại sau lưng, nhưng những hình ảnh đau thương vẫn đè nặng tâm trí ông “Một nỗi lo sợ đang vây quanh cha tôi vào mỗi buổi tối, nó
khiến ông ấy phải xem xét hết các ngõ ngách trong phòng, hay những không gian
đằng sau cánh cửa mở, tôi tự hỏi ông ấy nghĩ gì – ông ấy không nói, không thể nhớ.
Ông ấy thở hổn hển với cú sốc nặng, trong tay lăm lăm thanh kiếm mà quên mất
rằng mình đang ở đâu? Có phải ông đang mơ về Sài Gòn?” [10, tr.2]. Ông đã giấu
kín câu chuyện về vợ ông trong gần mười mấy năm trời, vì ông không biết giải thích thế nào cho hai đứa con gái ông hiểu. Ký ức ấy cứ ám ảnh mãi trong ông, khiến ông luôn buồn rầu, ủ rủ, tính khí thất thường. Thỉnh thoảng, ông uống nhiều rượu và lúc ấy ông trở nên đa cảm và bắt đầu nói nhiều về Việt Nam. Đến cuối câu chuyện, sự thật về mẹ của hai đứa trẻ mới được hé mở. “Trong một cuộc trốn chạy
khỏi Việt Nam, lúc đó có cả mẹ tôi, nhưng một quả bom đã ném xuống, làm cho bà
tôi, chiếc cầu nối với nhà của chúng tôi bị bom đánh sập và những người bảo vệ đã
từ chối để họ đi qua. Nhiều người Việt Nam cũng rơi vào trường hợp như vậy” [10,
tr.228]. Đó là lý do tại sao chúng tôi sống ở Mỹ suốt mười mấy năm trời mà không có sự hiện diện của mẹ ruột. Ông cố giấu đi mảng quá khứ đau thương đó bởi lẽ ông không muốn hai đứa con của mình phải chịu cảnh đau khổ như ông. Để chúng quên đi quá khứ, ông hướng chúng vào việc tập trung xây dựng lại cuộc đời trên nước Mỹ, đó là con đường ông đã chọn và thực hiện. Nhưng nỗi đau ấy cứ trào dâng trong ông, bám riết lấy ông. Những ám ảnh quá khứ vẫn theo đuổi ông. Thời cuộc đã làm cho ông và vợ phải chia cắt nhưng chính bản thân ông lại cho rằng ông phải có một phần trách nhiệm vì để những đứa con thiếu đi tình thương của mẹ. Đến khi lấy một người vợ khác, ông mới thật sự nhận ra mình đã sai lầm quá nhiều. Lần li dị với người vợ thứ hai đã đẩy ông vào sự cô đơn tột cùng, cô đơn trong việc tìm hạnh phúc cho chính mình.
Có lẽ, người trải nghiệm nỗi cô đơn nhiều nhất trong những tác phẩm này đó là những người phụ nữ - một đối tượng mà hậu thuộc địa quan tâm. Họ hiện lên với sự yếu đuối, bất lực, cho dù có phản kháng (như nhân vật Trân) nhưng đó chẳng qua chỉ là sự phản kháng không đáng kể. Qua những trang viết, những người phụ nữ, mà cụ thể ở đây là những người mẹ được miêu tả không nhiều, nhưng từng câu, từng chữ đều thấm đượm nỗi cô đơn. Thời cuộc đã khiến họ không được sống ngày nào yên ổn, hạnh phúc.
“Thời gian mẹ tôi 12 tuổi, bà nội phải sống kham khổ trong sự bố thí thanh
đạm và khó chịu của người em chồng. Có lần, bà gặp ông tôi trong những giấc mơ