Edward Wadie Said (1935 – 2003)

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT DI dân VIỆT NAM của các NHÀ văn nữ ở HOA kỳ NHÌN từ lý THUYẾT hậu THUỘC địa (Trang 29 - 32)

6. Kết cấu luận văn

1.2.1. Edward Wadie Said (1935 – 2003)

Edward W. Said [85] là một trong những nhà phê bình văn học hàng đầu của thế kỷ XX và là người đóng vai trò rất tích cực cho các cuộc đấu tranh của người Palestine. Ông sinh ra ở Jerusalem vào năm 1935. Cha ông là công dân Mỹ gốc Palestine, là một doanh nhân và đã từng phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ I. Mẹ ông sinh ra ở Nazareth. Ông được sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Said sống “giữa những thế giới” (between worlds) ở Cairo và Jerusalem cho đến năm 12 tuổi. Khi Liên đoàn Ả Rập tuyên chiến với Israel vào năm 1947/1948, gia đình ông chuyển khỏi Jerusalem và quay trở lại Cairo.

Sinh ra ở Jerusalem, nhưng Edward Said lại thành danh trên nước Mỹ. Năm 1963, ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Columbia, với chức danh Giáo sư của bộ môn tiếng Anh và Văn học so sánh. Bên cạnh đó, ông còn thuyết giảng cho hơn 200 trường Đại học ở Bắc Mỹ, Châu Âu, châu Á và châu Phi.

Trong một bài viết được đăng tải trên London Review of Books, Said đã nói về bản thân mình như sau: “Với một cái họ Ả Rập không mấy nổi bật là Said được

kết nối với một cái tên tiếng Anh không chắc chắn (vì mẹ tôi rất ngưỡng mộ Hoàng

tử xứ Wales năm 1935, cũng là năm tôi chào đời). Tôi thấy mình là một đứa trẻ

khác biệt ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời: Một cậu bé Palestine được học

ở Ai Cập, một cái tên tiếng Anh, một hộ chiếu Mỹ và tất cả điều đó không có sự đồng nhất nào cả. Nhưng điều tồi tệ hơn, tiếng Ả Rập, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi và

tiếng Anh, ngôn ngữ trường học của tôi luôn bị trộn lẫn với nhau. Mỗi lần tôi nói

một câu tiếng Anh, nó lại lặp lại trong đầu tôi bằng tiếng Ả Rập và ngược lại” [74]. Chính vì vậy, mặc dù sống ở Mỹ nhưng ông vẫn không nguôi nhớ về quê hương. Và hoàn cảnh đặc biệt ấy đã tạo tiền đề cho những công trình nghiên cứu của Said sau này.

Ông nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực như văn chương, âm nhạc, văn hóa,… Và trong đó, nghiên cứu về phương Đông, đặc biệt là quê hương, là lĩnh vực ông tâm huyết nhất. Ngoài những thành tựu nghiên cứu, Said còn được biết đến như một người đấu tranh không mệt mỏi cho dân tộc Palestine.

Ông là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách và đã dịch sang 30 ngôn ngữ:

Intention and Method (Định hướng và phương pháp) (1975), Orientalism (Đông

phương học) (1978), The Question of Palestine (Câu hỏi về Palestine) (1979),

Covering Islam (Lớp vỏ Hồi giáo) (1980), The World, The Text, and the Critic (Thế giới, Văn bản, Phê bình) (1983), After the Last Sky (Sau bầu trời cuối) (1986),

Culture and Imperialism (Văn hóa và chủ nghĩa đế quốc) (1993), Representations

of the Intellectual: The Reith Lectures (Những biểu tượng của trí tuệ: Những bài

giảng của Reith) (1994), Peace and Its Discontents: Essays on Palestine in the

Middle East Peace Process (Hòa bình và bất bình: Những bài luận về Palestine

trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông (1996), Out of Place: A Memoir (Ra ngoài

quỹ đạo: Hồi ký) (1999),…

Trong các tác phẩm của mình, Said đã vạch trần bộ mặt thật của phương Tây. Họ đã “lừa bịp” bằng cách đưa ra những hình ảnh sai lạc và lãng mạn hóa về Trung Đông và châu Á. Đó cũng chính là nền tảng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về phương Đông sau này.

Và đáng lưu ý nhất là cuốn Orientalism (Đông phương học), được xuất bản vào năm 1978. Ngay từ khi xuất hiện, nó đã gây sóng gió trong giới tư tưởng và triết học phương Tây.

Trong công trình nổi tiếng này, Edward Said đã lý giải đầy sáng tạo và thuyết phục mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây – mối quan hệ then chốt của thuyết hậu thuộc địa. Trước đó, mối quan hệ này đã được nêu ra trong diễn ngôn của phương Tây về phương Đông. Từ đó, ông vạch trần luận điệu xảo trá nhằm hợp thức hóa các cuộc xâm lược của phương Tây.

Trước hết, Said chỉ ra rằng những người châu Âu đã chia thế giới ra làm hai phần: phương Đông và phương Tây. Theo đó, họ đã tự định nghĩa chính họ dựa trên sự định nghĩa về phương Đông. Ví dụ, những tính chất lười biếng, phi lý, thiếu văn minh,… đều liên quan đến phương Đông. Và hiển nhiên, tự động những tính chất năng động, hợp lý, văn minh,… sẽ biến thành tính chất của phương Tây.

Thứ hai, thông qua lăng kính chủ quan của các nhà Đông phương học, văn hóa phương Đông được ví như một nền văn hóa thuần túy đậm chất người (a pure human culture). Ở nền văn hóa này, khó mà tìm thấy sự tàn ác trong xã hội của họ. Chính đặc điểm này đã làm cho nền văn hóa phương Đông trở nên thấp kém so với nền văn hóa phương Tây. Ngoài ra, những người châu Âu còn cho rằng người phương Đông quá ngây thơ, chất phác để chống chọi với một thế giới độc ác, từ đó, họ khẳng định rằng các nước này cần người châu Âu đóng vai trò như một người cha để dẫn dắt họ.

Một sự biện minh khác để đưa đến việc xác lập thuộc địa của phương Tây là các quốc gia phương Tây phát triển sớm hơn phương Đông và phương Tây đã khám phá ra phương Đông trước cả phương Đông.

Từ tất cả những lý do trên, thực dân bắt đầu thực hiện âm mưu làm bá chủ thế giới của mình.

Said đã nhận thấy được tính chất phi lý trong diễn ngôn của thực dân. Ông khẳng định khái niệm Đông phương chỉ là một khái niệm thuần túy được phương Tây kiến tạo nên. Từ đó, ông bóc trần cái vỏ bọc giả tạo, phi logic ấy. Phương Đông và phương Tây là hai phần hợp lại thành trái đất này, nếu thiếu đi một trong hai thì trái đất không thể tồn tại được. Said khẳng định phương Tây sẽ không thể tồn tại nếu không có phương Đông và ngược lại, bởi lẽ đây là hai bộ phận trong cùng một chỉnh thể nên ắt hẳn chúng phải có mối quan hệ biện chứng với nhau và không thể tách rời nhau. Quan điểm của ông là phản đối xu hướng vị chủng (ethnocentrism) lấy mô hình văn hóa Tây phương làm mẫu mực và đánh giá thấp thế giới văn minh phương Đông dưới cái nhìn của Tây học.

Cuốn sách Đông phương học của Said chứa đựng nhiều giá trị nhân văn cao cả. Những đóng góp cốt yếu của ông trong công trình nghiên cứu Đông phương học

đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong việc hình thành lý thuyết hậu thuộc địa. Và với công trình nghiên cứu này, ông được xem là người có ảnh hưởng quan trọng trong việc sáng lập ra lý thuyết hậu thuộc địa. Edward Said với Đông phương học

đã vạch ra nhiều hướng đi cho các nghiên cứu hậu thuộc địa về sau.

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT DI dân VIỆT NAM của các NHÀ văn nữ ở HOA kỳ NHÌN từ lý THUYẾT hậu THUỘC địa (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)