6. Kết cấu luận văn
4.2. Kiểu nhân vật cô đơn
Khi khảo sát bốn tác phẩm Sách muối, Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm, Ăn trộm đồ cúng của Phật, Mái tranh, mái tôn, chúng tôi nhận thấy các nữ nhà văn di dân đều gặp nhau ở một điểm chung là xây dựng kiểu nhân vật cô đơn. Kiểu nhân vật này xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm di dân, chứ không riêng gì bốn tác phẩm nêu trên, chẳng hạn như nhân vật người đàn bà và đứa con trai trong
China Town của Thuận, nữ nhà văn trẻ và người cậu trong Vu khống của Linda Lê,
người cha trong Tình yêu và Danh dự và Lòng thương hại và Niềm tự hào và Lòng trắc ẩn và Sự hy sinh và Mai trong Con thuyền (truyện ngắn đầu tiên và cuối cùng trong tập truyện Con thuyền) của Nam Lê,... Thông qua tâm trạng của những nhân vật này, các tác giả đã nâng lên thành tâm trạng của những người di dân, vì vậy, dễ dàng chiếm được cảm tình của những người đồng cảnh ngộ và được cộng đồng di dân ở các nước sở tại đón nhận nồng nhiệt.
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng những di sản thực dân vẫn hiện lên đầy ám ảnh. Nó quấn lấy các nạn nhân của nó - nhân vật Bình và Má trong Sách muối; Bích và người cha trong Ăn trộm đồ cúng của Phật; cô bé Thúy, Ba, Má
trong Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm, Trân và những đứa con của cô trong Mái tranh, mái tôn,… và cô lập họ trong thế “cô đơn”.
Đối với những người đàn ông như nhân vật Ba trong Ăn trộm đồ cúng của Phật và Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm, chiến tranh in sâu trong tiềm thức của họ. Mặc dù đã đặt chân lên nước Mỹ, nhưng họ vẫn bị ám ảnh. Hình ảnh của chuyến vượt biên đầy gian khổ hằng đêm đè nặng tâm trí họ. Sự sợ hãi, đau khổ của những thuyền nhân Việt Nam cũng được Nam Lê tái hiện lại một cách rất thành công trong truyện ngắn Con thuyền trong tập truyện cùng tên của anh. Phải đọc, phải tập trung ta mới cảm nhận hết tất cả những nỗi đau và những nỗi sợ hãi mà họ phải trải qua. Rời khỏi quê hương, họ mang trong mình hy vọng sẽ vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Và nhiều người phải trả cái giá quá đắt, chẳng hạn như người phụ nữ trên con thuyền cùng đi với Mai (nhân vật chính trong Con thuyền) đã
phải hy sinh đứa con trai thương yêu nhất của mình. Rồi họ phải sống vất va vất vưởng trong những trại tỵ nạn, chờ một bàn tay nhân ái nào đó cứu giúp. Tấm thông hành đi vào vùng đất mới của họ chỉ vỏn vẹn có mấy từ “dân tỵ nạn”. Xót xa lắm, đau đớn lắm! Họ là những con người đáng thương hơn đáng trách, bởi thời cuộc buộc họ phải ra đi. Chính vì vậy, họ cô đơn ngay chính tại quê nhà và ngay trong quá khứ của họ. Bên cạnh đó, các tác giả cũng khắc họa thành công nỗi cô đơn của họ ở hiện tại như phải hòa nhập vào một nền văn hóa mới, gánh nặng cơm áo gạo tiền, lo lắng cho các thành viên còn lại trong gia đình,…
Đối với những người phụ nữ như Má trong Sách muối, Trân trong Mái tranh,
mái tôn, cô đơn trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình. Má trong
Sách muối của Monique Truong lấy một người chồng vũ phu và chỉ coi bà là một
vật sở hữu không hơn không kém. Khi bà yêu một thầy giáo, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với bà, nhưng hắn ta lại phản bội bà. Hằng đêm, bà nằm co ro nơi xó bếp và gặm nhấm nỗi cô đơn của riêng mình.
Trân trong Mái tranh, mái tôn của Dao Strom lận đận trong chuyện tình duyên. Cả năm lần yêu, cả năm lần đều thất bại: Người đàn ông thứ nhất, cha của Thiên – đứa con trai đầu lòng của cô, một người đàn ông lớn tuổi nhẹ nhàng, là giáo viên, đã giới thiệu rất nhiều về triết học và đời sống sáng tạo cho cô. Tuy nhiên, khi biết cô mang thai đứa con của hắn, hắn đã phủi tay và cười nhạo cô, cho rằng mối quan hệ của cô với hắn chỉ đơn thuần là sự ảo tưởng của một cô nữ sinh. “Bằng chứng đâu, hắn ta nói, hắn sẽ đi để khỏi phải điều tra. Trân rất phẫn nộ khi bị nhục
mạ, bị nghiền nát” [11, tr.5]; người đàn ông thứ hai tên là Garibel, một nhà báo
người Pháp, đã yêu và hiểu cô nhưng họ lại chia tay nhau vì hạn chế bởi thời gian và hoàn cảnh của chiến tranh; người đàn ông thứ ba là Giang, một nhà báo đã có vợ con, chọn Trân như một “người tình tiềm năng” để phục vụ cho những “chính sách chính trị” ẩn giấu dưới lớp vỏ văn chương của ông ta, đến khi cô mang thai đứa con gái Thúy với hắn, hắn lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt; người đàn ông thứ tư là một người đàn ông tốt bụng, một quan chức quân sự cấp trung, đã sẵn sàng dang tay cứu vớt cô và nhận làm cha của đứa trẻ, sau này anh đã bị giết chết trong một cuộc
hành quân ở miền quê Nam Bộ; người đàn ông thứ năm Hus Madsen cũng là người đàn ông cuối cùng trong cuộc đời cô, người đàn ông Mỹ gốc Đan Mạch, Trân lấy ông vì ơn nghĩa (đã cứu giúp cô cùng hai đứa con ra khỏi trại tỵ nạn) hơn là tình yêu.
Hơn nữa, Trân còn cô đơn trong niềm đam mê nghề nghiệp của mình. Dưới sự truy quét của chính quyền Sài Gòn, Trân và những đồng nghiệp phải tự tay đốt đi những tờ báo của mình (điều này đã được làm rõ trong mục 3.2.). Nỗi ám ảnh ấy đeo đẳng cô mãi khi cô chạy trốn cùng hai đứa con sang Mỹ, sự nghiệp viết văn bắt đầu lụi tàn và tâm trí cô cũng chẳng bao giờ dám màng tới nghiệp ấy nữa. “Sinh nghề tử nghiệp”, sống vì nghề, chết cũng vì nghề, và cái thuyết ấy đúng với trường hợp của Trân. Theo đuổi cái nghiệp viết văn giờ đây đồng nghĩa với việc mang theo cái bóng nặng nề của quá khứ trên tấm lưng nhỏ bé của mình. Trân đã không chọn cách đó, cô hiểu rằng dù đau đớn khi gác bút nhưng cô vẫn chấp nhận, hay nói đúng hơn đó là một sự chấp nhận gượng ép, bởi lẽ Trân vẫn đau đớn khi tự tay đốt đi những tờ báo: “Mẹ tôi thu thập những tờ báo. Hầu hết những xuất bản Việt Nam được gửi tới cho bà thông qua những người bạn cũ đang sống ở SanJoe hoặc Los
Angeles. Bà cắt những bài báo và dán chúng trong những dây thừng và những
phong bì. Và những ngày sau đó, được sắp xếp thành một số dạng hồ sơ. Bà có thể
quên nhiệm vụ, bởi sự thu hút bởi sự dồi dào của thông tin, và đó cũng chỉ là một
việc bất đắc dĩ để với tới bất cứ kết thúc nào mà hẳn phải bắt buộc bà phải dung
nạp những khát vọng, đam mê không được đáp lại. Một câu hỏi là bà có thật sự cần
xem lại những tờ báo này hay không? Nhưng bà không thể ném chúng. Cha tôi, đã
vứt bỏ quá khứ, chỉ trích mẹ tôi vì việc bà từ chối quên đi nỗi đau. Ông gọi đó là sự ích kỷ của bà” [11, tr.1].
Đối với những đứa trẻ ngây thơ, sự cô đơn càng biểu hiện rõ nét. Cô bé Thúy (trong Tên du đãng mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm) sống trong một gia đình thiếu vắng tiếng cười, sự yêu thương, thay vào đó chỉ là tiếng cãi vã của Ba và Má. Sự đau thương, mất mát kéo dài liên tục trong cuộc đời của Thúy. Cô đã mất đi quê hương, mất người anh trai yêu quý chỉ vì chiến tranh. “Má nói chiến tranh là một
con chim với một cái cánh bị gẫy bay qua những miền quê, kéo lê lết máu theo sau
nó và chôn cất những vụ mùa trong niềm đau. Khi tôi được sinh ra, bà đã khóc khi
thấy rằng tôi đang thở trong bầu không khí của chiến tranh, và bà không bao giờ có
thể đánh thức nó ra khỏi tôi. Má nói chiến tranh làm cho bầu không khí nguy hiểm
hơn để thở, bà bảo rằng con sẽ chết mặc dù con không muốn” [15, tr.87]. Giờ đây,
cô lại mất đi hạnh phúc gia đình, sự yên vui của cuộc sống khi bước chân lên nước Mỹ. Sự mất mát đẩy lên đến đỉnh điểm khi cô chạy trốn khỏi gia đình. Bích (trong
Ăn trộm đồ cúng của Phật) lại khao khát tình thương của mẹ.
Hơn thế nữa, chúng còn cô đơn trong việc hòa nhập vào nền văn hóa Mỹ. Đối với độ tuổi của Thúy và Bích lúc ấy, việc xác định căn cước, tìm được chỗ đứng trong một vùng đất mới không phải là điều dễ dàng. Những di sản của văn hóa cũ vẫn còn ẩn hiện đâu đó, chưa xóa mờ hẳn, chúng lại phải tiếp nhận thêm nền văn hóa mới, sự nhập nhằng giữa hai nền văn hóa mới – cũ đã đẩy khó khăn của chúng lên một mức cao nhất. Vì vậy, hai nhân vật phải loay hoay, trăn trở tìm hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình.
Với việc xây dựng thành công kiểu nhân vật này, các nữ nhà văn di dân đã giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tâm trạng cũng như hoàn cảnh mà những người di dân đã trải qua, từ đó, có sự đồng cảm đối với họ. Khi tái hiện nỗi cô đơn, các tác giả đồng thời cũng đi sâu vào lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng của nhân vật – đó chính là chiến tranh. Vì vậy, trong các trang viết di dân, di sản thực dân hiện lên đầy ám ảnh. Đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn văn học di dân phục vụ cho đề tài của mình như đã nêu ở các phần trên.