D: Đường cầu ngoại tệD
1.2.6. Năng suất lao động:
Năng suất lao động được xem là yếu tố quyết định trình độ phát triển kinh tế một quốc gia. Trong điều kiện tự do hóa, toàn cầu hóa, năng suất lao động được tạo nên không chỉ bởi nội lực quốc gia mà còn bởi việc giao lưu vốn, công nghệ. Một sự tăng lên hoặc giảm xuống trong năng suất lao động tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt biến động trong nền kinh tế trong đó có tỷ giá hối đoái. Mặc dù không tác động trực tiếp đến tỷ giá, nhưng mức độ tăng lên hoặc giảm xuống của năng suất lao động vẫn được xem là nhân tố có tác động mạnh mẽ lên sự vận động của tỷ giá hối đoái và
thường xuyên được các nhà kinh tế học quan tâm. Việc xem xét ảnh hưởng năng suất lao động lên tỷ giá trong khuôn khổ bài viết sẽ tuân theo hướng vận động tăng giảm của năng suất lao động.
Thứ nhất có thể kể đến biến động tăng trong năng suất lao động, việc tăng năng suất lao động có thể dẫn đến những kết quả chủ yếu sau đối với tỷ giá:
Năng suất lao động tăng kéo theo sự gia tăng sản lượng sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, cung ngoại tệ tăng lên, giá ngoại tệ giảm, tỷ giá có xu hướng tăng. Trường hợp này chỉ đúng trong điều kiện mức sản lượng toàn bộ nền kinh tế chưa đạt đến mức tiềm năng, một khi mức tiềm năng đã được nền kinh tế đạt tới thì một sự tăng lên trong năng suất lao động lại dẫn đến chi phí sản xuất tăng, đội giá hàng tiêu dùng trong nước lên cao, sức mua thực tế giảm sút, đồng nội tệ sụt giá kèm theo nó là nạn thất nghiệp trầm trọng do việc cắt giảm chi phí lao động, bảo tồn lợi nhuận từ phía các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tăng năng suất lao động trong chừng mực nào đó sẽ dẫn đến một sự gia tăng trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đến lượt nó lại thúc đẩy tăng trưởng trong hoạt động đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút các luồng vốn quốc tế chảy vào trong nước, cung ngoại tệ tăng, giá ngoại tệ giảm, đồng nội tệ có xu hướng tăng giá.
Việc tăng lên trong năng suất lao động với điều kiện kinh tế phát triển ổn định sẽ dẫn đến niềm tin đồng nội tệ tăng giá trong tương lai và thế là nạn đầu cơ xuất hiện, các nhà đầu cơ sẽ nhanh chóng mua nội tệ, tỷ giá nội tệ sẽ phải đối mặt trước sức ép tăng giá. Đây là trường hợp rất nguy hiểm, tạo nên hiện tượng khan hiếm nội tệ, khan hiếm tiền mặt trong lưu thông, nếu tồn tại dưới một chế độ tỷ giá cố định thì ngân hàng trung ương sẽ vô cùng vất vả trong việc giữ tỷ giá dao động trong biên độ cho phép, vấn đề này sẽ được đề cập kĩ hơn trong phần 1.2.7 dưới đây.
Đối với trường hợp mức tăng năng suất lao động nhỏ hơn mức tăng tương đối của chi phí đầu vào như chi phí nguyên vật liệu, chi phí khấu hao…thì sẽ dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, sản lượng giảm, kinh tế suy thoái, lạm phát có xu hướng tăng, kéo đồng nội tệ mất giá.
Cuối cùng, xét năng suất lao động trong tương quan hai nền kinh tế, nếu nền kinh tế nào có mức độ tăng năng suất lao động cao hơn thì hàng hóa nước đó sẽ trở nên rẻ tương đối, sức mua đồng nội tệ nước đó sẽ cao hơn và tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền nước đó với đồng tiền có năng suất lao động thấp hơn sẽ tăng lên.
Ngoài sự tăng lên trong năng suất, năng suất lao động giảm xuống cũng là một yếu tố cần phải được xem xét. Năng suất lao động giảm thường gây tâm lí hoang mang về nguy cơ suy thoái kinh tế, xuất khẩu bị xói mòn do mức sản lượng sụt giảm, hàng hóa trở nên khan hiếm hơn trước, giá cả tăng, sức mua đồng nội tệ giảm, tỷ giá hối đoái giảm. Mặt khác, một sự giảm xuống trong năng suất lao động sẽ khiến hàng hóa trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, việc tăng nhập khẩu do đó sẽ diễn ra, cầu ngoại tệ tăng lên, đồng ngoại tệ tăng giá…
Nói tóm lại, năng suất lao động cũng gây ra một số tác động nhất định đến tỷ giá hối đoái. Trong dài hạn, năng suất lao động sẽ tác động trước tiên đến mặt bằng giá cả nội địa, qua đó đến tỷ giá hối đoái.