M: Lượng cung tiền ban đầu M*: Cung tiền sau khi bị thu hẹp
3.2.2.1. Giải pháp đối với các doanh nghiệp xuấtnhập khẩu:
Hạt nhân quan trọng nhất thúc đẩy hoạt động ngoại thương chính là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mọi giải pháp phát triển ngoại thương sẽ trở nên vô nghĩa nếu hoạt động của bản thân các doanh nghiệp bề trễ. Vì vậy, những giải pháp sau cần được xem xét:
* Tìm hiểu kỹ lưỡng đối tác trước khi ký kết hợp đồng xuất-nhập khẩu: Thực tế chứng minh đã có rất nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc ký kết hợp đồng xuất-nhập khẩu mà quên đi vấn đề cần kiểm tra độ tin cậy của đối tác. Các doanh nghiệp sau khi mất hàng, mất tiền mới chợt bừng tỉnh. Kỳ quặc thay còn có một số trường hợp ký kết hợp đồng qua email trong khi không hề xác minh trụ sở thực khai báo trên email có chính xác hay không. Đó là sự vụ của một doanh nghiệp tại Hà Nội, ký kết hợp đồng qua email mua 300 tấn nhôm thành phẩm từ một doanh nghiệp Hồng Kông dưới cái tên Leettee Ptc. Ltd năm 2002. Người mua nhanh chóng mở L/C thanh toán 80% tiền hàng, số còn lại thanh toán khi nhận hàng. Khi lô hàng đến cảng, người mua phát hiện đó là phân bón chứ không phải nhôm và lập tức gửi email, fax, phản ánh cho phía Hồng Kông song được thông báo là số fax ghi trong hợp đồng không có ở Hồng Kông. Đây là bài học đau lòng cho những doanh nghiệp quá cả tin vào bạn hàng dẫn đến thiệt hại lớn về mặt vật chất. Vấn đề này không chỉ gây thiệt hại riêng cho doanh nghiệp mà còn làm méo mó sự vận động của tỷ giá, gây thiệt hại đến hoạt động thương mại. Bởi thế các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng đối tác trước khi ký kết hợp đồng, có thể tìm hiểu thông qua ngân hàng nơi đối tác có tài khoản, thông qua những bạn hàng đã từng buôn bán với đối tác...Có như vậy, ngoại thương Việt Nam mới có thể thực sự phát triển.
*Cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đồng tiền, tỷ giá thanh toán:
Việc lựa chọn đồng tiền thanh toán cũng là một trong những nhân tố quan trọng bởi nó quyết định trực tiếp doanh thu của doanh nghiệp. Lời khuyên truyền thống đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại thương chính là nếu nhập khẩu, nên thanh toán bằng đồng tiền có xu hướng xuống giá còn nếu xuất khẩu, nên thanh toán bằng đồng tiền có xu hướng lên giá, tuyệt đối tránh những đồng tiền biến động thất thường trong khoảng thời gian cực ngắn, không theo chu kỳ, khó dự đoán hoặc đồng tiền của các quốc gia đang trong tình trạng bất ổn về chính trị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc xem mình sẽ áp dụng mức tỷ giá như thế nào khi thanh toán, tỷ giá giao ngay hay tỷ giá kỳ hạn, tỷ giá SWAP. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có một đội ngũ am hiểu về những biến động tiền tệ, biết triển khai công tác dự báo từ đó áp dụng lựa chọn loại tỷ giá nhất định cho mỗi hợp đồng xuất-nhập khẩu nhằm thu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi mới bước chân vào kinh doanh thường ấn định một mức tỷ giá nhất định trong thanh toán đối hợp đồng của họ, và vì vậy họ đã bỏ qua khoản lợi nhuận đáng lẽ ra có thể thu được nhờ biết cách kinh doanh dựa trên biến động tỷ giá. Tuy nhiên, trong tình hình thực tiễn hiện nay, do việc áp dụng tỷ giá kỳ hạn và tỷ giá SWAP còn có những hạn chế nên các doanh nghiệp thường không chú trọng đến vấn đề này. Song để có thể hội nhập tốt và đững vững lâu dài trong kinh doanh, các doanh nghiệp nên xem xét vấn đề này một cách đúng đắn hơn.
* Tiến hành đa dạng hóa ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi: Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tiến hành đa dạng hóa tài khoản tiền gửi của mình nhất là trong xu thế vận động khôn lường của hệ thống tiền tệ thế giới, việc phụ thuộc quá nhiều vào một đồng tiền duy nhất sẽ gây nên những rủi ro lớn. Hãy thử tưởng tượng xem nếu trong tài khoản của doanh nghiệp A sẽ chỉ có toàn USD, cái gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ quyết định đổi tiền 10USD cũ = 1 USD mới ? Số ngoại tệ trong tài khoản doanh nghiệp A khi ấy sẽ chỉ còn bằng 1/10 so với trước kia. Giới kinh doanh có câu “không bỏ trứng vào một giỏ”, trong trường hợp này điều đó có nghĩa là đa dạng hóa ngoại tệ cũng chính là biện pháp giảm rủi ro trong thanh toán. Ngoài
ra, đa dạng hóa ngoại tệ sẽ giúp các doanh nghiệp không phải bỏ tiền ra mua ngoại tệ nhập khẩu, thay vào đó là sử dụng ngoại loại ngoại tệ cần thiết vốn đã có sẵn trên tài khoản, chi phí mua ngoại tệ sẽ giảm bớt, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất hơn.
* Tham gia bảo hiểm rủi ro tỷ giá: Bảo hiểm rủi ro tỷ giá đã được cho phép tiến hành ở EXIMBANK và mới đây là Ngân hàng Đầu tư – Phát triển bằng việc thực hiện nghiệp vụ Option. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể yên tâm không sợ rủi ro trong thanh toán bất kỳ ngoại tệ nào. Đặc biệt, EXIMBANK đã tái bảo hiểm cho các ngân hàng đối tác ở nước ngoài với đúng mức phí bằng mức phí bảo hiểm tại ngân hàng mình, điều này có nghĩa là EXIMBANK không được hưởng lợi từ bất kỳ một khoản phí bảo hiểm nào. Do thời điềm này chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá không cao cộng với việc ngân hàng đang ra sức thu hút khách hàng thông qua việc giảm phí nên có thể xem đây là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu khi áp dụng dịch vụ này.
* Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trên cơ sở thành lập các liên hiệp doanh nghiệp: Để thành công trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần có một sức mạnh tổng hợp, đó là sự kết hợp của sức mạnh về khả năng sản xuất hàng hóa, sức mạnh trong tìm kiếm, giữ vững thị trường, sức mạnh tự cứu mình thoát khỏi những chiếc bẫy vô hình được nhào nặn bởi các quốc gia vốn lọc lõi trên thương trường. Thế nhưng thật đáng buồn là cho đến nay, sức mạnh ấy của ta vẫn còn ở dạng tiềm ẩn. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc giành được đơn đặt hàng xuất khẩu hiện nay diễn ra khá gay gắt. Thậm chí có một số doanh nghiệp không có khả năng thực hiện được đơn đặt hàng vẫn nhất quyết không trông cậy vào sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp khác. Đáng lẽ ra, các doanh nghiệp của chúng ta phải cùng nhau hợp sức trên trường quốc tế thì nay, lợi nhuận trước mắt đã che mờ lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp. Và thế là sức mạnh của ta bị xé lẻ, xuất khẩu Việt Nam đành ngậm ngùi chứng kiến cảnh ra đi lần lượt của những đơn đặt hàng lớn. Thiết nghĩ để có thể tồn tại trong bối cảnh phức tạp hiện nay, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm cạnh tranh và cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
*Thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là một trong số những nhân tố được sử dụng nhằm giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp. Song hiện nay vẫn có rất nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dẫn đến tình trạng “được ăn cả, ngã về không”. Người ta hẳn còn nhớ như in những khó khăn mà các công ty xuất nhập khẩu thủy sản gặp phải khi CFA đưa cá tra, cá basa của chúng ta ra trước tòa án Mỹ. Ấy thế mà mức độ đa dạng hóa thị trường của các công ty vẫn diễn ra rất chậm, dường như các công ty này chỉ chú trọng đến vấn đề tìm kiếm sao cho thật nhiều lợi nhuận mà quên đi việc làm gì để có thể giữ gìn lợi nhuận ấy. Thế là việc phụ thuộc vào một số ít thị trường vẫn diễn ra đối với những công ty kinh doanh lâu năm. Công ty cổ phần xuất-nhập khẩu mây tre đan Babonimex (Hải Phòng) hiện vẫn có đến 60% sản phẩm được xuất sang thị trường Mỹ. Và một khi thị trường Mỹ quay lưng với sản phẩm mây tre đan của Việt Nam thì 60% doanh thu của công ty sẽ biến mất. Do đó, các công ty Việt Nam cần thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trên cơ sở củng cố thị trường nội địa nhằm tạo hậu phương vững chắc để doanh nghiệp có thể yên tâm chiến đấu nơi tiền tuyến nóng bỏng.
* Liên kết chặt chẽ với người sản xuất hàng xuất khẩu nhằm đảm bảo có được nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian cần thiết: Quan hệ trực tiếp giữa những nhà xuất khẩu và nông dân sản xuất ra nguyên vật liệu, nông sản xuất khẩu hiện nay còn khá lỏng lẻo. Vì thế mà đã dẫn đến tình trạng ép giá từ phía các tiểu thương. Doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu phải mua nguyên vật liệu, nông sản đầu vào với giá cao trong khi những người nông dân lại bị ép bán với giá thấp. Cũng có một số doanh nghiệp tiến hành liên hệ trực tiếp với nông dân, song lại chưa đưa ra được những ràng buộc cụ thể để xảy ra tình trạng người dân tự ý phá vỡ hợp đồng nếu có lợi cho họ. Những người nông dân đơn giản thấy được giá thì bán, họ đâu có bận tâm đến việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu thiệt hại thế nào khi vi phạm hợp đồng đã kí kết với các đối tác nước ngoài. Do đó các doanh nghiệp cần tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa bản thân doanh nghiệp với người dân bằng cách:
Kí kết hợp đồng với những chế tài cụ thể, đảm bảo bù đắp cho nông dân nếu có những biến động về giá.
Thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm phát hiện sớm được những khó khăn, từ đó kịp thời đưa ra được các phương hướng giải quyết.
* Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tự quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm: Muốn đứng vững trên thị trường thế giới, các sản phẩm của Việt Nam cần có thương hiệu riêng của mình cũng như phải giữ vững được thương hiệu ấy. Thế nhưng sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sang thị trường thế giới thường lại thường phải ngậm ngùi dưới thương hiệu của các nước khác. Có thể thấy rõ vấn đề này trong xuất khẩu dệt may, da giầy. Kết quả là người tiêu dùng nước ngoài sẽ chẳng bao giờ biết đến sản phẩm của chúng ta, việc nâng cao chất lượng sản phẩm trở nên vô nghĩa bởi nó sẽ chỉ khuyếch trương những thương hiệu không phải của Việt Nam mà thôi. Ấy là chưa kể đến việc mấy năm gần đây, các thương hiệu nổi tiếng của chúng ta lần lượt bị giành mất trên thị trường thế giới (Ví như thương hiệu thuốc lá Vinataba đã bị Malayxia đăng kí bảo hộ trên 15 thị trường trong đó có thị trường Singapore). Do đó để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp cần tự lập thương hiệu riêng, đăng ký bảo hộ thương hiệu trên một số thị trường chủ yếu thực hiện các chiến lược quảng bá thương hiệu thông qua hội chợ, triển lãm, các phương tiện truyền thông như Truyền hình, Internet...và tăng cường các dịch vụ sau bán.
Tất cả các giải pháp trên sẽ không có tác dụng nếu chất lượng sản phẩm yếu kém, trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới ngày càng trở nên khó tính thì việc
nâng cao chất lượng của sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng toàn diện tất cả các khâu từ tìm hiểu nhu cầu thị trường đến dịch vụ sau bán trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Bản thân Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng nhận định “ hàng hóa của Việt Nam còn kém về chất lượng, giá thành không cạnh tranh, nếu cứ giữ như thế này thì chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới...”. Tất nhiên, để có thể làm được điều này, các doanh nghiệp cần tạo lập
cho mình một đội ngũ nhân viên có trình độ bằng cách thường xuyên đào tạo cán bộ và đặc biệt là có những chế độ thực sự ưu đãi nhằm thu hút người tài.