M: Lượng cung tiền ban đầu M*: Cung tiền sau khi bị thu hẹp
1.2.9. Sự can thiệp của nhà nước:
Nhà nước là cơ quan quyền lực tối cao của một quốc gia, nhà nước quyết định mọi chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Mọi biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất hay tỉ giá hối đoái chỉ được xem là những quân cờ trong ván cờ với những người bạn láng giềng khác của mình. Nhà nước ấn định chế độ tỷ giá hối đoái, quyết định việc sử dụng đồng tiền nào trong thanh toán, hoạch định xu thế vận động của tỷ giá và kết quả là tỷ giá được xem như một sản phẩm do bàn tay nhà nước nhào nặn. Trong thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, việc
lựa chọn một chế độ hối đoái phù hợp với bối cảnh quốc tế, điều kiện cụ thể của từng nước nhất là các nước đang phát triển luôn là một vấn đề nan giải. Việc lựa chọn ấy cũng như việc điều hành tỷ giá được nhà nước tiến hành thông qua hoạt động của ngân hàng trung ương. Thực tế đã chứng minh rằng nếu nhà nước can thiệp quá sâu vào việc điều chỉnh tỷ giá, sẽ dẫn đến hiện tượng tỷ giá lệch khỏi trục cân bằng, không phản ánh xác thực cung cầu thị trường, gây bất ổn trong biến động tỷ giá. Tuy nhiên nếu nhà nước quá lơi lỏng, để tỷ giá hoàn toàn vận động theo cung cầu thị trường thì tỷ giá sẽ luôn có những biến động bất thường, tăng giảm đột ngột do hiện tượng đầu cơ gây nên. Chính vì vậy, sự can thiệp của nhà nước là rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy quá trình can thiệp lên tỷ giá của nhà nước vận hành theo quá trình vận động của các chế độ tỷ giá:
Sơ đồ 3: Quá trình vận động các loại chế độ tỷ giá.
Nguồn: (44)
Khi tỷ giá chuyển từ chế độ tỷ giá cố định sang thả nổi thì mức độ can thiệp của nhà nước giảm dần. Dưới chế độ tỷ giá cố định hoàn toàn, nhà nước can thiệp để giữ tỷ giá ở mức không thay đổi, dưới chế độ tỷ giá tự do thả nổi, nhà nước không can thiệp vào thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ cần thiết giảm tới mức tối thiểu, điều này có thể làm mất cân đối cung cầu ngoại hối, dẫn đến hiện tượng tỷ giá tăng giảm đột ngột chỉ trong thời gian ngắn. Song hiện nay trên thế giới, đa số can thiệp của nhà nước là có chủ đích và có lợi cho xu hướng vận động của tỷ giá, sự can thiệp ấy thường được tiến hành thông qua ngân hàng trung ương dưới hai hình thức sau:
*Can thiệp theo trách nhiệm: Khi tỷ giá của một đồng tiền trong hệ thống tỷ giá cố định cao hoặc thấp tới cận điểm thì ngân hàng trung ương sẽ can thiệp, sự
Tỷ giá cố định hoàn toàn Cố định có khả năng bị điều chỉnh Ổn định trong thời kỳ nhất định Thay đổi có quản lý (khung tỷ giá) Tỷ giá thả nổi tự do
can thiệp này giúp làm tăng hoặc giảm tỷ giá hối đoái nội tệ. Trong cuộc khủng hoảng 97-98, sau khi áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà đồng bạt vẫn rớt giá, chính phủ Thái Lan đã bán hết 36 tỷ dự trữ ngoại hối của mình với hi vọng đồng bạt sẽ nâng giá trở lại.
*Can thiệp tự do: Xảy ra ở cả chế độ tỷ giá cố định lẫn chế độ tỷ giá thả nổi, ngân hàng trung ương sẽ can thiệp trước khi xảy ra những biến động tỷ giá đạt tới cận điểm biên độ nhằm giảm bớt sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối.
Cho dù ở loại hình can thiệp nào thì sự can thiệp của ngân hàng trung ương lên thị trường ngoại hối luôn nằm trong hai động thái chính sau đây: một là tác động trực tiếp vào khối lượng ngoại tệ trên cơ sở mua vào hoặc bán ra, hai là trực tiếp gây biến động lên mức lãi suất trong nước, gián tiếp làm tăng hoặc giảm tỷ giá nội tệ.
Để thực hiện sự can thiệp của mình, NHTW sử dụng chủ yếu các công cụ sau:
Lãi suất chiết khấu: việc nâng cao lãi suất chiết khấu có tác dụng thu hút được vốn ngắn hạn chảy vào, sự căng thẳng bớt đi, trong dài hạn, tỷ giá có xu hướng giảm, trường hợp hạ lãi suất chiết khấu, hiệu ứng hoàn toàn ngược lại.
Nghiệp vụ thị trường hối đoái: Đó là nghiệp vụ về mua, bán ngoại tệ nhằm mục đích điều chỉnh tỷ giá hối đoái bằng cách tác động trực tiếp. Việc mua bán ngoại tệ này cần được thực hiện trên nguyên tắc diễn biến giá cả ngoại tệ trên thị trường, không nên áp đặt máy móc mà cần tính toán kĩ lưỡng mức độ can thiệp dựa trên xu hướng phát triển tương lai của nền kinh tế.
Quĩ bình ổn dự trữ hối đoái: được lập nên từ việc phát hành trái phiếu kho bạc hoặc sử dụng vàng. Khi cán cân thanh toán thâm hụt, quĩ sẽ đưa vàng ra bán để thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán, giảm bớt sự lên giá đồng nội tệ và ngược lại.
Phá giá đồng tiền: là việc giảm thấp sức mua của đồng tiền so với các ngoại tệ khác, kết quả của phá giá đồng tiền là một sự giảm mạnh trong tỷ giá hối đoái.
Ngược lại, công cụ nâng giá đồng tiền lại được sử dụng với mục đích nâng cao sức mua đồng tiền này so với đồng tiền khác, tạo hiệu ứng tăng tỷ giá hối đoái nội tệ.
Bên cạnh sự can thiệp vào tỷ giá hối đoái thông qua ngân hàng trung ương, các can thiệp khác đối với các hoạt động thương mại, đầu tư, môi trường… cũng
gây ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá hối đoái. Đơn cử là việc tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô của Bộ Thương Mại sẽ làm giá ô tô trở nên đắt hơn, hạn chế nhập khẩu, cầu ngoại tệ giảm, tỷ giá đồng nội tệ tăng hay việc hải quan thu giữ lô hàng không cho xuất khẩu khiến nguồn cung ngoại tệ sụt giảm, giá ngoại tệ tăng, đồng nội tệ giảm giá.
Nhìn chung, sự can thiệp của nhà nước có thể làm tỷ giá hối đoái ổn định, song cũng có thể làm tỷ giá đang ổn định bỗng trở thành bất ổn. Mặc dù sự can thiệp ấy là vô cùng cần thiết song điều đó không đồng nghĩa với việc can thiệp liên tục trên thị trường ngoại hối; giải pháp can thiệp khi cần thiết thực tế cho đến nay vẫn luôn là biện pháp tốt nhất cho các nhà quản lý tỷ giá.