M: Lượng cung tiền ban đầu M*: Cung tiền sau khi bị thu hẹp
1.3.3.1. Phá giá tiền tệ:
Phá giá tiền tệ là việc chính phủ một nước quyết định giảm mạnh giá trị trao đổi đồng tiền nước mình(2). Biện pháp phá giá này chỉ được các quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá cố định hoặc tỷ giá thả nổi có điều tiết (quản lý) theo đuổi(45). Các quốc gia nhập siêu nặng, kim ngạch xuất khẩu không cao thường tìm đến phá giá như một liều thuốc cứu chữa cán cân thương mại đang hấp hối. Theo lý thuyết, việc phá giá nội tệ tương đương với việc giảm mạnh giá trị đồng nội tệ hay giảm tỷ giá nội tệ, khi đó, xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, ngoại thương được cải thiện, cán cân thương mại cân bằng thậm chí sẽ thặng dư. Tuy nhiên, thực tế lại rẽ theo hướng
khác, tùy từng các quốc gia khác nhau, tùy từng điều kiện ngoại thương, môi trường kinh doanh, chất lượng cũng như cơ cấu xuất khẩu khác nhau mà mức độ phá giá giúp cải thiện ngoại thương khác nhau. Điều kiện tiên quyết để phá giá giúp cải thiện ngoại thương chính là các quốc gia khác không phá giá hoặc phá giá ở mức thấp hơn so với nước có chủ định phá giá. Điều kiện thứ hai sẽ được xây dựng dựa trên mô hình Marshall-Lerner trình bày ngay sau đây.
Năm 1937, hai nhà kinh tế học Alfred Marshall và Abba Lerner (Mỹ) đã xem xét mức độ ảnh hưởng của phá giá lên hoạt động xuất, nhập khẩu. Quan điểm chính là phá giá sẽ tác động đến cán cân vãng lai trong đó chủ yếu là cán cân thương mại theo hai hướng, một là làm giảm thâm hụt (xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu), hai là đẩy thâm hụt tiến tới trầm trọng hơn (tốc độ tăng nhập khẩu nhanh hơn tăng xuất khẩu). Một mô hình dưới tên gọi Marshall-Lerner được đưa ra, đây là mô hình đầu tiên và cũng khá chính xác khi phân tích tác động của phá giá đến ngoại thương thông qua tác động của phá giá lên cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán, mô hình căn cứ vào việc tính toán độ co giãn xuất khẩu, co giãn nhập khẩu so với tỷ giá hối đoái.
Độ co giãn xuất khẩu so với tỷ giá chính là tỷ lệ giữa phần trăm thay đổi của giá trị xuất khẩu bằng nội tệ so với phần trăm thay đổi của tỷ giá (d (X/X)/d(S/S)) và chính bằng độ co giãn của xuất khẩu với giá, kí hiệu: ηx; độ co giãn nhập khẩu so với tỷ giá bằng phần trăm thay đổi của giá trị nhập khẩu tính bằng ngoại tệ so với phần trăm thay đổi của tỷ giá (-d(N/N)/d(S/S)), kí hiệu: ηn. Và xuất phát từ trạng thái cân bằng cán cân thanh toán, phá giá sẽ chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại, tăng cường hoạt động ngoại thương thông qua tăng xuất khẩu khi ηx + ηn >1, trường hợp ngược lại ηx + ηn <1 thì cán cân thanh toán sẽ chỉ thâm hụt trầm trọng hơn mà thôi, việc phá giá không giúp cải thiện hoạt động ngoại thương. Nghiên cứu còn chỉ ra đối với các nước đang phát triển, tổng này thường <1 và do đó phá giá không có lợi cho ngoại thương, trong khi tại các nước phát triển, chỉ cần giảm tỷ giá nhẹ chưa cần phá giá thì đã giúp cải thiện cán cân thương mại.Tại sao lại như vậy?
Do các quốc gia đang phát triển có tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hoặc những mặt hàng không thể thay thế lớn trong cơ cấu nhập khẩu nên cầu nhập khẩu các nước này được xem là không co giãn tức khi tỷ giá giảm 1%, nhu cầu nhập khẩu giảm ít hơn 1%, tỷ số -d(N/N)/d(S/S) mang hệ số âm. Trong khi hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là thô sơ chế, nguyên vật liệu lại cho sản xuất hàng xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trường hợp mức độ tăng kim ngạch xuất khẩu không đủ bù đắp chi phí, thì tỷ giá giảm 1% không đưa đến việc kim ngạch xuất khẩu tăng >1%, khi đó, hệ số co giãn xuất khẩu sẽ <= 1, trừ đi hệ số co giãn nhập khẩu >1, tổng tất yếu phải <1. Đối với các nước phát triển, tình hình hoàn toàn ngược lại, nhập khẩu chủ yếu nông sản, thô sơ chế có độ co giãn cao, xuất khẩu máy móc,thiết bị toàn bộ, chi phí để phục vụ xuất khẩu không tăng nhanh bằng kim ngạch xuất khẩu, suy ra ηx + ηn >1.
Kết quả của Marshall-Lerner ngày nay vẫn được rất nhiều nhà kinh tế học nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn nước mình trên cơ chế cetacis paribas. Mô hình tỏ ra có hiệu quả cao và được nhiều nhà kinh tế học cân nhắc khi xem xét tác động của tỷ giá đến hoạt động ngoại thương. Mặt khác, do ngoại thương không đơn giản chỉ phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái mà còn phụ thuộc vào sự kết hợp đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô như tài chính, tiền tệ, thu nhập nên việc phá giá phải được cân nhắc trên cơ sở kết hợp hài hòa lơi ích các chính sách. Bài học về “ngày thứ ba đen tối” ở nước Nga năm 1989 vẫn còn đó. NHTW đã phạm sai lầm nghiêm trọng sau khi phá giá đồng Rúp so với đô la Mỹ, giá USD đột ngột tăng cao làm cho dân chúng hoang mang về nền kinh tế vốn bất ổn của họ, điều này kéo theo giá, lạm phát tăng, tổn hại nghiêm trọng đến ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu (49). Cuối cùng có thể nói để phá giá có hiệu quả, các nhà kinh tế, các nhà quản lý cần nắm rõ tình hình kinh tế-xã hội, trạng thái cán cân thương mại, tỷ trọng cơ cấu nhập khẩu… cân nhắc kĩ xem liệu các quốc gia khác có tiến hành phá giá hối đoái tương ứng không, nếu có thì ở mức độ nào. Đặc biệt, chúng ta nên tính đến hệ số co giãn để đảm bảo có được quyết định đúng đắn về thời điểm cũng như mức độ phá giá.