Nhận thức khoa học

Một phần của tài liệu Vận dụng những nội dung cơ bản của phép biênh chứng duy vật vào việc xây dựng phương pháp nhận thức khoa học cho học sin (Trang 33 - 43)

Khi phân chia các hình thức nhận thức, dựa trên cơ sở trình độ thâm nhập vào bản chất của đối tượng, chia nhận thức thành hai hình thức, đó là nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận.

Nhận thức kinh nghiệm hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội hay trong các thí nghiệm khoa học. Tri thức kinh nghiệm là kết quả của nó, được phân làm hai loại: Tri thức kinh nghiệm thông thường là loại tri thức được hình thành từ sự quan sát trực tiếp hàng ngày về cuộc sống và sản xuất. Tri thức này rất phong phú, nhờ có tri thức này con người có vốn kinh nghiệm sống dùng để điều chỉnh hoạt động hàng ngày. Tri thức kinh nghiệm khoa học là loại tri thức thu được từ sự khảo sát

các thí nghiệm khoa học, loại tri thức này quan trọng ở chỗ đây là cơ sở để hình thành nhận thức khoa học và lý luận. Như vậy, hai loại tri thức này có quan hệ chặt chẽ với nhau, xâm nhập vào nhau để tạo nên tính phong phú, sinh động của nhận thức kinh nghiệm.

Nhận thức lý luận (gọi tắt là lý luận) là loại nhận thức gián tiếp, trừu tượng và khái quát về bản chất và quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức lý luận có tính gián tiếp vì nó được hình thành và phát triển trên cơ sở của nhận thức kinh nghiệm. Nhận thức lý luận có tính trừu tượng và khái quát vì nó chỉ tập trung phản ánh cái bản chất mang tính quy luật của sự vật và hiện tượng. Do đó, tri thức lý luận thể hiện chân lý sâu sắc hơn, chính xác hơn và có hệ thống hơn.

Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận là hai giai đoạn nhận thức khác nhau nhưng có quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó nhận thức kinh nghiệm là cơ sở của nhận thức lý luận. Nó cung cấp cho nhận thức lý luận những tư liệu phong phú, cụ thể. Vì nó gắn chặt với thực tiễn nên tạo thành cơ sở hiện thực để kiểm tra, sửa chữa, bổ sung cho lý luận và cung cấp tư liệu để tổng kết thành lý luận. Ngược lại, mặc dù được hình thành từ tổng kết kinh nghiệm, nhận thức lý luận không xuất hiện một cách tự phát từ kinh nghiệm. Do tính độc lập tương đối của nó, lý luận có thể đi trước những sự kiện kinh nghiệm, hướng dẫn sự hình thành tri thức kinh nghiệm có giá trị, lựa chọn kinh nghiệm hợp lý để phục vụ cho hoạt động thực tiễn. Thông qua đó mà nâng những tri thức kinh nghiệm từ chỗ là cái cụ thể, riêng lẻ, đơn nhất trở thành cái khái quát, phổ biến.

Dựa vào tính tự phát hay tự giác của sự xâm nhập vào bản chất của sự vật, chia nhận thức thành nhận thức thông thường và nhận thức khoa học.

Nhận thức thông thường (hay nhận thức tiền khoa học) là loại nhận thức được hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ trong hoạt động hàng ngày

của con người. Nó phản ánh sự vật, hiện tượng xảy ra với tất cả những đặc điểm chi tiết, cụ thể và những sắc thái khác nhau của sự vật. Vì vậy, nhận thức thông thường mang tính phong phú, nhiều vẻ và gắn với những quan niệm sống thực tế hàng ngày. Vì thế, nó thường xuyên chi phối hoạt động của con người trong xã hội. Thế nhưng, nhận thức thông thường chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở bề ngoài, ngẫu nhiên tự nó không thể chuyển thành nhận thức khoa học được.

Nhận thức khoa học là loại nhận thức được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ sự phản ánh đặc điểm bản chất, những quan hệ tất yếu của các sự vật. Nhận thức khoa học vừa có tính khách quan, trừu tượng, khái quát lại vừa có tính hệ thống, có căn cứ và có tính chân thực. Nó vận dụng một cách hệ thống các phương pháp nghiên cứu và sử dụng cả ngôn ngữ thông thường và thuật ngữ khoa học để diễn tả sâu sắc bản chất và quy luật của đối tượng nghiên cứu. Vì thế nhận thức khoa học có vai trò ngày càng to lớn trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt trong thời đại khoa học và công nghệ.

Lý luận nhận thức trong triết học Mác - Lênin là một trong những thành qủa vĩ đại của khoa học triết học và nó tiếp tục được các nhà triết học macxít sau này vận dụng, phát triển. Nhà triết học Nga V.I.Cúpxốp chỉ ra rằng, nhận thức khoa học có thể chia thành kết quả nhận thức và quá trình thu nhận tri thức đó. Nếu tiếp cận nhận thức khoa học như một quá trình thì nó được bắt đầu từ việc thu thập những sự kiện. Song, sự tích luỹ các sự kiện khoa học không diễn ra một cách tự phát, mà là hoạt động có mục đích, có kế hoạch và có ý thức. Bởi vì, trên thực tế, trước khi triển khai việc nghiên cứu một vấn đề nào đó, nhà khoa học đã chủ động xác định cần phải thu thập những sự kiện, tài liệu nào, ở đâu và sử dụng các phương tiện, phương pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra... Xét về tư duy khoa học, nhận thức khoa học là hình thái có tính trừu tượng và khái quát cao nhất, nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện các

nguyên lý, sơ đồ khoa học mới có tính tổng quát hơn, sâu sắc hơn. Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy rằng, nhận thức khoa học được hình thành một cách tự giác và mang tính trừu tượng, khái quát ngày một cao, đồng thời, nó thể hiện tính năng động, sáng tạo của tư duy trừu tượng. Theo đó, những thuộc tính, kết cấu, những mối quan hệ bản chất, những quy luật của thế giới khách quan được phản ánh dưới dạng logic trừu tượng. Mục đích của hoạt động nhận thức khoa học là hướng tới nắm bắt được cái có tính quy luật, cái bản chất chứ không dừng lại ở cái bề ngoài, cái ngẫu nhiên, cái đơn nhất của đối tượng được nhận thức.

Tựu trung lại, theo quan điểm macxít, nhận thức khoa học được tiếp cận với tư cách một loại hình nhận thức đạt đến trình độ cao, khác với nhận thức thông thường. Nó là quá trình phản ánh tự giác, tích cực, sáng tạo hiện thực khách quan của con người thông qua thực tiễn, nhằm đạt tới hệ thông tri thức đúng đắn về tự nhiên, xã hội và các lĩnh vực cụ thể khác, nâng cao khả năng tư duy và hiệu quả hoạt động thực tiễn của con người.

Nhận thức khoa học có cấu trúc phức tạp và có thể tiếp cận từ nhiều góc độ, chẳng hạn, theo nguồn gốc, trình độ, các vòng khâu hoặc theo các giai đoạn của quá trình nhận thức... Tiếp cận cấu trúc nhận thức khoa học từ các thành tố của nó, như tri thức khoa học, phương pháp tư duy khoa học, khả năng vận dụng khoa học hệ thống tri thức vào thực tiễn.

Với tư cách thành tố của nhận thức khoa học, tri thức bao gồm toàn bộ những hiểu biết sâu sắc, phong phú và đa dạng của con người về thế giới khách quan. Nó bao hàm tri thức - nguồn, tri thức - tiền đề và tri thức - kết quả của quá trình nhận thức Khác với nhận thức thông thường, tri thức trong nhận thức khoa học phải đúng đắn, chân thực và phản ánh sự nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về thế giới khách quan. Tri thức khoa học có thể được tiếp cận ở nhiều lĩnh vực, phạm vi... Song, xét về trình độ phản ánh qua các giai

đoạn của quá trình nhận thức, tri thức khoa học như một chỉnh thể bao gồm các cấp độ trực quan khoa học, kinh nghiệm khoa học, lý luận khoa học.

Tri thức trực quan khoa học là kết quả của quá trình nhận thức và phản ánh trực tiếp thế giới khách quan của chủ thể. Nội hàm của nó phản ánh các mặt, các bộ phận bên ngoài sự vật, hiện tượng, thông qua các hình thức cảm giác, tri giác, biểu tượng. Cảm giác là cơ sở nền tảng cho các giai đoạn nhận thức tiếp theo, như Lênin khẳng định: "Tiền đề đầu tiên của lý luận về nhận thức chắc chắn là ở chỗ cho rằng cảm giác là nguồn gốc duy nhất của hiểu biết của chúng ta". Tri thức trực quan khoa học không đồng nhất với trực quan "thuần” cảm tính. Cảm giác, tri giác, biểu tượng với tư cách thành tố của trực quan khoa học đã vượt qua cái giới hạn “cảm tính thuần tuý” để thể hiện một trình độ khoa học của nhận thức. Bởi vậy, như nhận định của Goócki, "không có cơ sở nào để phủ định sự phản ánh cảm tính, coi thường vai trò của nó như là nấc thang đặc thù của nhận thức, mà nó có ý nghĩa cơ bản, trong sự hình thành tư duy khoa học".

Kinh nghiệm khoa học là những tri thức khoa học được đúc kết trực tiếp trong quá trình lao động sản xuất, hoạt động chính trị - xã hội hoặc thực nghiệm khoa học dưới sự chỉ đạo của nhận thức lý tính. Trong kinh nghiệm, cái quan trọng chính là trí tuệ mà người ta dùng để tiếp xúc với hiện thực. Một trí tuệ vĩ đại thực hiện được những kinh nghiệm vĩ đại, và thấy được cái gì là quan trọng trong sự vận động muôn vẻ của các hiện tượng. Kinh nghiệm khoa học là sự tiếp tục với chất lượng mới của trực quan khoa học, nó dựa trên cơ sở cảm tính nhưng đồng thời là điều kiện của nhận thức lý luận, là cầu nối giữa thực tiễn với lý luận khoa học.

Lý luận khoa học là trình độ cao của nhận thức khoa học, mang tính trừu tượng, khái quát cao, phản ánh đối tượng nghiên cứu bằng cách "tước bỏ” những mặt, những thuộc tính không bản chất. Nó là kết quả của quá trình

nhận thức, trong đó chủ thể nhận thức đạt đến bản chất, quy luật bên trong của sự vật, hiện tượng và dựa vào đó, xây dựng các giả thuyết, lý thuyết khoa học và dự báo khoa học. Những hình thức cơ bản nhất của lý luận khoa học bao gồm: khái niệm, phán đoán, suy lý.

Như vậy, với tư cách là bộ phận cấu thành của nhận thức khoa học, tri thức khoa học bao gồm nhiều tầng bậc, trình độ khác nhau, song có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau. Trong đó, tri thức trực quan khoa học và kinh nghiệm khoa học phải có sự dẫn dắt của lý luận khoa học. Tri thức trực quan khoa học là cơ sở trực tiếp hình thành kinh nghiệm khoa học, và đến lượt nó, kinh nghiệm khoa học lại là cơ sở trực tiếp hình thành lý luận khoa học. Sự gắn bó hữu cơ của tri thức khoa họe thuộc mọi cấp độ luôn dựa trên cơ sở thực tiễn.

Trong hệ thống tri thức, xét từ góc độ các khoa học, tri thức triết học đương nhiên là có tính chất nền tảng về mặt lý luận. Nó "có khả năng vũ trang cho các nhà khoa học thế giới quan và phương pháp luận tối ưu để người ta có thể xử lý mối quan hệ giữa cái đã biết và cái chưa biết nhằm tiếp tục chiếm lĩnh những bí ẩn vô tận của thế giới". Đặc biệt, đối với các khoa học, phép biện chứng duy vật trở thành công cụ, phương pháp phổ biến của nhận thức khoa học.

Nhận thức khoa học không chỉ có cấu trúc phức tạp mà còn có những đặc trưng riêng so với nhận thức thông thường. Điều này được biểu hiện ở chỗ:

Một là, nhận thức khoa học mang tính khách quan, thông qua một quá trình được định hướng tự giác, tích cực, sáng tạo nhằm tiếp cận chân lý. Xuất phát từ bản thân khách thể và đối tượng nghiên cứu chứ không phải từ ý muốn chủ quan, nhận thức khoa học phản ánh trung thành các sự vật, hiện tượng, quá trình của hiện thực khách quan. Quá trình đó dựa vào sự thật và lý trí con người chứ không phải là những ảo tưởng chủ quan và thông tin sai

lệch. Mặt khác, nhận thức khoa học không diễn ra một cách tức thì hoặc có thể đạt ngay kết quả trọn vẹn, mà nó là một quá trình biện chứng phức tạp dựa trên cơ sở thực tiễn. Đồng thời, nó xa lạ với những biểu hiện giản đơn, theo công thức cứng nhắc, bất biến, hoặc có tính thụ động và lệ thuộc như trong nhận thức thông thường.

Nhận thức khoa học đòi hỏi con người phải luôn có mục tiêu xác định, có trí tuệ, khả năng quan sát, ghi nhớ và tưởng tượng sáng tạo, có năng lực trừu tượng hoá, khái quát hoá và vận dụng thực tiễn... Có như vậy, chủ thể nhận thức mới có thể nắm bắt được cái bản chất, quy luật bị che lấp trong sự hỗn độn của các hiện tượng ngẫu nhiên, mới chủ động trong các hoạt động thực tiễn dựa trên những tri thức mới, đúng đắn về đối tượng.

Hai là, nhận thức khoa học mang tính hệ thống, có luận cứ và sự sáng tạo tri thức khoa học mới. Tính hệ thống của nhận thức khoa học, thực chất là tính hệ thống - chủ thể, suy đến cùng là hình ảnh chủ quan của tính hệ thống - khách thể. Nó được thể hiện trong tất cả các giai đoạn, các thành tố thuộc cấu trúc của nhận thức khoa học như mục đích, phương pháp, phương tiện... Sản phẩm đặc thù của nhận thức khoa học gồm hệ thống các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật phản ánh hiện thực khách quan trong một chỉnh thể toàn vẹn, luôn có sự chuyển hoá và không phải là bất biến.

Nhận thức khoa học còn mang tính có luận cứ và được chứng minh, điều này trước hết được thể hiện qua sự kiểm tra bằng thực nghiệm và thực tiễn. Ngoài ra, nó còn có thể được chứng minh bằng các tiêu chí logic hợp thành hệ chuẩn riêng do nhận thức khoa học tạo ra nhằm chế định các phương thức chứng minh.

Nhận thức nói chung và nhận thức khoa học nói riêng đều là quá trình phản ánh biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào đầu óc của con người. Tuy nhiên, nó không thuần tuý chỉ là sự "dựng lại", trình bày lại những gì thế giới khách quan đã có, vốn có. Hơn thế, nhận thức

khoa học luôn gắn với sự sáng tạo, với việc khám phá từ đối tượng (các hiện tượng, quá trình, quy luật, "các điểm nút trong một màng lưới") những tri thức khoa học mới - cái mà nhận thức thông thường không thể đạt được. Nhận thức khoa học hiện đại có thể và cần phải được xem xét với tư cách kết quả của toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển của hoạt động tư duy, không chỉ chứa đựng những tri thức đã có trong lịch sử mà chính là từ đó tiếp tục sáng tạo nên các tri thức khoa học mới. Với tinh thần đó, Lênin cho rằng, không nên coi hệ thống lý luận của C.Mác là cái "đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm".

Ba là, nhận thức khoa học luôn đòi hỏi yêu cầu cao về tính trừu tượng hoá, khái quát hoá và cụ thể hoá. Quá trình đi từ nhận thức tiền khoa học đến nhận thức khoa học phải thông qua các thao tác tư duy, đặc biệt là sự trừu tượng hoá, khái quát hoá. Khi trừu tượng hoá một vài thuộc tính hay các mối liên hệ trong một loạt khách thể, nhất định sẽ tạo ra điều kiện để khái quát hoá nhằm xác định phức hợp các thuộc tính vào một lớp chung, thể hiện ra như cái chung trong một loạt khách thể riêng. Tuy nhiên, trừu tượng hoá, khái quát hoá không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là những bước đưa chủ thể đến chỗ nhận thức cái cụ thể. Chúng thể hiện một trình độ cao hơn của nhận thức khoa học và nhờ đó, chủ thể nhận thức mới có thể đạt tới quan niệm toàn vẹn, chính xác về bản chất của khách thể nghiên cứu.

Bốn là, nhận thức khoa học đặt ra yêu cầu cao trong sử dụng ngôn ngữ, phương pháp và phương tiện. Để nghiên cứu, phản ánh đúng đắn khách thể, nhận thức khoa học không chỉ sử dụng ngôn ngữ tự nhiên (hệ thống ký hiệu

Một phần của tài liệu Vận dụng những nội dung cơ bản của phép biênh chứng duy vật vào việc xây dựng phương pháp nhận thức khoa học cho học sin (Trang 33 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w