Theo từ điển Tiếng Việt, "thống nhất là hợp lại thành một khối, có
chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung, làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau". Tính thống nhất của pháp luật bao hàm cả tính thống
nhất về cả hình thức và nội dung trong nội tại của một văn bản pháp luật. Tuy nhiên, về cơ bản, tính thống nhất về mặt nội dung luôn có vai trò quyết định.
Về mặt nội dung, tính thống nhất được hiểu là cùng một lĩnh vực hay cùng một đối tượng điều chỉnh thì các quy phạm pháp luật phải thống nhất với nhau và không có mâu thuẫn giữa các quy phạm pháp luật đó trong một văn bản. Tất cả các nội dung trong văn bản đều được trình bày một cách có hệ thống và cụ thể, rõ ràng. Trong văn bản quy phạm pháp luật tính thống nhất về nội dung văn bản đòi hỏi các quy phạm pháp luật trong từng điều khoản phải phù hợp với nội dung của điều khoản đó; các điều khoản trong một chương phải thể hiện đúng nội dung những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của chương; nội dung của các chương trong mỗi văn bản phải lôgic, có sự liên kết chặt tạo nên sự thống nhất chung của toàn bộ văn bản. Nói cách khác, tính thống nhất của pháp luật thể hiện sự thống nhất giữa các quy phạm với chế
định, giữa các chế định với các chế định trong văn bản quy phạm pháp luật. Tính thống nhất trong pháp luật không cho phép một nội dung được trình bày lặp lại trong văn bản hoặc nội dung ở từng phần trong bố cục không nhất quán với nhau.
Về mặt hình thức, đối với một văn bản pháp luật, tính thống nhất thể hiện ngay trong cơ cấu của nó. Cơ cấu của một văn bản pháp luật phải thể hiện được mối liên hệ lôgíc giữa các phần, chương, mục, điều, khoản, điểm với cách trình bày, cách đánh số thứ tự thống nhất. Mỗi phần, chương, mục, điều, khoản, điểm đều có nội dung thể hiện chủ đề chính của văn bản, hướng tới mục tiêu chung của đạo luật, pháp lệnh. Vì vậy, các phần cần được bố trí, sắp xếp một cách hợp lý, phải thể hiện rõ được phần chung, phần riêng, những đặc thù của văn bản nhìn từ khía cạnh lôgíc hình thức. Ngoài ra, ngôn ngữ của văn bản pháp luật cũng cần phải thống nhất và đồng bộ; là ngôn ngữ pháp lí, phải được sử dụng là tiếng việt chuẩn, đảm bảo độ chính xác cao về thuật ngữ và chính tả, không lặp các từ, cụm từ hay thuật ngữ đồng nghĩa hoặc các cụm từ vô nghĩa…Đáp ứng được các yêu cầu về ngôn ngữ sẽ làm cho văn bản cụ thể hơn, dễ hiểu hơn tránh sự giải thích khác nhau dẫn đến sự thiếu thống nhất trong văn bản.
Theo Từ điển Tiếng Việt "đồng bộ là có sự ăn khớp giữa tất cả các bộ
phận hoặc các khâu tạo ra 1 sự hoạt động nhịp nhàng của chỉnh thể". Như vậy, tính đồng bộ của pháp luật thể hiện sự không trùng lặp, không chồng chéo nhau giữa các văn bản cùng điều chỉnh một vấn đề, một đối tượng.
Tính đồng bộ thể hiện sự thống nhất không mâu thuẫn, không trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật với nhau về cả nội dung và hình thức. Khi xem xét tính đồng bộ của văn bản pháp luật ta luôn phải đặt văn bản đó nằm trong một hệ thống, trong đó mỗi văn bản có một vị trí và vai trò riêng. Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật, có nhiều hình thức văn bản pháp luật, mỗi hình thức có thứ bậc khác nhau lệ thuộc vào thẩm quyền của cơ
quan ban hành văn bản trong bộ máy nhà nước. Các cơ quan này lại có thẩm quyền và cách thức hoạt động khác nhau trong việc ban hành văn bản, vì vậy, các hình thức văn bản khác nhau khi điều chỉnh về cùng một vấn đề không tránh khỏi sự chồng chéo. Do vậy, đảm bảo tính đồng bộ trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản pháp luật còn đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải đáp ứng yêu cầu về mặt thứ bậc của văn bản pháp luật. Các văn bản cấp dưới phải dựa vào quan điểm, nội dung của văn bản của cấp trên, và phải có nhất quán với văn bản của cơ quan cấp trên.
Tính đồng bộ của văn bản pháp luật được biểu hiện theo hai trục như sau: trục ngang và trục dọc.
Trục ngang có nghĩa là các văn bản của cùng một cơ quan ban hành và cơ quan ngang cấp không được mâu thuẫn, chồng chéo với nhau, tức là đòi hỏi hệ thống văn bản của cơ quan ngang cấp với nhau trên tất cả các lĩnh vực cũng như trên từng lĩnh vực không được trái ngược, triệt tiêu và trùng lặp nhau.
Trục dọc có nghĩa là văn bản của cơ quan cấp dưới không được mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản do cấp trên ban hành.
Tính đồng bộ và thống nhất có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít và biện chứng lẫn nhau. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải loại bỏ mâu thuẫn, trùng lặp hay chồng chéo ngay trong bản thân hệ thống, trong mỗi ngành luật, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật với nhau, xác định ranh giới giữa các ngành luật và định ra một hệ thống quy phạm pháp luật đồng bộ. Nếu một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất, giữa các bộ phận của nó chứa đựng mâu thuẫn, chồng chéo thì hệ thống ấy không thể tạo ra sự điều chỉnh pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả.
- Các yêu cầu cơ bản để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay là:
Thứ nhất, về mặt nội dung, các văn bản pháp luật được ban hành phải
thống nhất và đồng bộ với nhau. Nội dung của văn bản không được mâu thuẫn trong nội tại mỗi văn bản, phải có sự liên kết, ăn khớp với nhau và không được chồng chéo, trùng lặp giữa các văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực thể hiện sự logic giữa các quy phạm pháp luật. Để làm được điều đó các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong tất cả quá trình ban hành văn bản pháp luật phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật về tính thống nhất và đồng bộ để đưa ra chương trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật hợp lý. Cần xác định rõ đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của mỗi văn bản để tránh sự mâu thuẫn chồng chéo về nội dung.
Thứ hai, các văn bản pháp luật phải tuân thủ các tiêu chuẩn tính thống
nhất và đồng bộ về mặt hình thức của văn bản. Theo đó, trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản, các chủ thể có thẩm quyền phải đáp ứng các yêu cầu về ngôn ngữ, bố cục của văn bản trong chính nội tại một văn bản và giữa các văn bản có liên quan. Ngôn ngữ trong văn bản pháp luật phải là tiếng việt, phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm. Các phần, chương, mục, điều trong văn bản pháp luật phải có tiêu đề. Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản pháp luật nếu không có nội dung mới…Số, ký hiệu của văn bản pháp luật phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản.
Thứ ba, văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban
hành phải đảm bảo yêu cầu thống nhất thứ bậc sự phù hợp giữa các văn bản pháp luật của cấp dưới so với các văn bản của cơ quan cấp trên. Như vậy, các văn bản có giá trị pháp lí thấp hơn phải có nội dung phù hợp và không được trái với nội dung của các văn bản có giá trị pháp lí cao hơn.