- Đảm bảo tính tối thượng của hiến pháp, là ở chỗ hiến pháp phải được
thực thi đầy đủ, các văn bản luật và quy phạm pháp luật khác phải thống nhất với hiến pháp, nếu trái hiến pháp phải bị bãi bỏ; khi có sự mâu thuẫn trong việc ban hành hay áp dụng pháp luật thì phải được hiểu và giải thích theo tinh thần của hiến pháp. Các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ hiến pháp, không ai có quyền đứng ngoài hoặc đứng trên hiến pháp.
Việc đảm bảo cho hiến pháp được tôn trọng, tuân thủ là lẽ đương nhiên trong một xã hội có nhà nước pháp quyền và là giá trị chung của nhân loại. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng
tinh thần thượng tôn pháp luật với Hiến pháp là “đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất” nên không thể đi ngược giá trị chung đó.
Để bảo đảm cho hiến pháp được tuân thủ, chống lại những hành vi vi phạm mà ta thường gọi là vi hiến, nhiều nước trên thế giới đã lập ra cơ quan chuyên biệt có trách nhiệm và thẩm quyền thích đáng để bảo vệ hiến pháp (như tòa án hiến pháp, hội đồng bảo hiến hoặc giao thẩm quyền này cho tòa án các cấp). Ở nước ta hiện nay chưa có cơ quan này. Điều 146 Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Xét từ khía cạnh đảm bảo tính hợp hiến của văn bản pháp luật thì hiện ta có nhiều quy định về vấn đề này. Đồng thời, có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định và kiểm tra trước và sau khi văn bản luật được ban hành, nếu phát hiện văn bản ấy trái với Hiến pháp và văn bản luật khác (có hiệu lực pháp lý cao hơn) thì đình chỉ và bãi bỏ nó.
Tuy nhiên, đấy chỉ là việc thẩm tra tính hợp hiến đối với dự thảo văn bản pháp luật đã được soạn thảo, hay văn bản đã được ban hành. Chưa có ở đâu xác định trách nhiệm phát hiện nội dung nào của Hiến pháp chưa có hiệu lực thực tế, cần ban hành văn bản pháp luật gì để cụ thể hóa hiến pháp, hay buộc cơ quan có trách nhiệm này phải ban hành văn bản kia để hiến pháp được thực thi hoàn chỉnh. Hiến pháp hiện hành quy định một số quyền của công dân có kèm điều kiện “theo quy định của pháp luật”, nếu pháp luật chưa quy định thì công dân vẫn phải “nhịn” chưa được hành xử quyền của mình. Nếu pháp luật quy định rộng, hẹp thì quyền công dân cũng theo đó mà dãn, co. Chưa có tổ chức hay cơ quan nào có quyền phán quyết việc Quốc hội phải ban hành luật này, luật kia, để đảm bảo công dân được sử dụng quyền đã được quy định trong hiến pháp, mặc dù cử tri, các chuyên gia pháp luật đã nhiều lần lên tiếng về sự cấp thiết phải ban hành những văn bản pháp luật đó.
Hiến pháp hiện hành quy định Quốc hội có quyền giám sát tối cao việc tuân theo hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thẩm quyền giải thích hiến pháp và giám sát thi hành hiến pháp. Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình rất thường xuyên, tuy nhiên rất ít thấy chuyên đề giám sát thực hiện một nội dung nhất định của hiến pháp. Trên thực tế, đã 20 năm kể từ khi có hiến pháp 1992, chưa thấy UBTVQH giải thích hiến pháp. Có thể do chưa xảy ra tình huống dẫn đến yêu cầu phải giải thích hiến pháp nhưng nguyên nhân chính vẫn là do pháp luật chưa quy định trình tự, thủ tục, chủ thể nào có quyền yêu cầu, nên nếu có yêu cầu cũng không biết làm thế nào để thực hiện.
Vì thế, hiện nay một trong những yêu cầu đặt ra khi chúng ta hoàn thiện pháp luật trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phải làm sao đảm bảo được tính tối thượng của Hiến pháp.