Thực trạng về tính áp dụng pháp luật

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay (Trang 77 - 81)

- Tính minh bạch Tính minh bạch của pháp luật là một đòi hỏi rất quan

2.3.4. Thực trạng về tính áp dụng pháp luật

Khi đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật chúng ta dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình áp dụng pháp luật trên thực tế, đó là chất lượng của các quy phạm pháp luật và ý thức pháp luật của các chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật. Hiện nay, trong quá trình áp dụng pháp luật tuy đã có nhiều tiến bộ song cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, cụ thể trong một số lĩnh vực chủ yếu sau:

- Áp dụng pháp luật trong lĩnh vực hình sự: trên lĩnh vực này hạn chế, sai sót, vướng mắc rõ nhất là khi định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội phạm nguy hiểm và phổ biến - các tội xâm phạm tính mạng con người.

+ Áp dụng luật hình sự khi định tội danh đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người. Việc xác định đúng đối tượng tác động của các tội xâm phạm tính mạng của con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng; bởi lẽ, nếu hành vi nào đó tác động vào đối tượng không phải hay chưa phải là con người thì không xâm phạm đến quyền sống của con người nên không phạm các tội xâm phạm tính mạng của con người. Hiện nay, chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề khi nào một đứa trẻ được coi là con người, do đó rất khó thống nhất trong nhận thức cũng như trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự về việc định tội danh xâm phạm tính mạng của con người hay không.

Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giết người trong những năm gần đây cho thấy, không ít trường hợp do xác định không đúng mối quan hệ nhân quả (chưa xác định đúng nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người…) nên đã xử oan và bỏ lọt tội phạm. Việc áp dụng pháp luật hình sự trên do yếu tố khách quan còn do ảnh hưởng của yếu tố chủ quan (những người trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử…). Một hiện tượng xảy ra trong những năm gần đây, không ít người mắc dây điện trần để bảo vệ tài sản, và nó đã gây ra hậu quả chết người, vì vậy, người mắc dây điện trần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong áp dụng pháp luật, còn nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh, đa số định tội giết người, bên cạnh đó cũng có quan điểm định tội vô ý làm chết người. Để đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, các cơ quan trung ương cũng chưa có sự thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự trong trường hợp định tội danh trên.

+ Áp dụng pháp luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người. Thực tiễn quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người cho thấy, hình phạt được quyết định đúng hay sai chủ yếu phụ thuộc vào việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng. Bởi lẽ, nếu xác định đúng tình tiết tăng nặng thì hình phạt được quyết định mới có thể đúng và ngược lại. Tuy nhiên, trong áp dụng pháp luật hình sự về xác định tình tiết tăng nặng còn có tình trạng không đúng dẫn đến tính quyết định hình phạt không đúng đối với người phạm tội (Tội giết phụ nữ mà biết là có thai; giết ông, bà, cha, mẹ; giết nhiều người và giết bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm…) Nguyên nhân của việc quyết định tội chưa đúng theo tình tiết tăng nặng là do khung của luật hình sự quá rộng, trong khi chưa có hướng dẫn thống nhất, cụ thể về vấn đề này.

- Áp dụng pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính - đây là một trong các hoạt động áp dụng pháp luật hành chính quan trọng được thực hiện

ở tất cả các lĩnh vực, các ngành và từ trung ương đến địa phương, là hoạt động được áp dụng khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Hiện nay, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đang được thay đổi để nhằm hoàn thiện hơn, tránh tình trạng vi phạm thẩm quyền, thủ tục khi tiến hành xử phạt cũng như bảo đảm cho kết quả của hoạt động xử phạt được thực hiện trên thực tiễn hiệu quả và khả thi.

Tuy nhiên, trong thực tiễn của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, không ít trường hợp, chủ thể có thẩm quyền xử phạt đã vi phạm các yêu cầu của hoạt động xử phạt, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cũng còn những "kẽ hở" để các chủ thể có thẩm quyền thực hiện hành vi tiêu cực. Hiện nay, các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính còn bộc lộ một số hạn chế:

+ Về thẩm quyền xử phạt: Việc xác định đúng thẩm quyền xử phạt hành chính còn bộc lộ một số hạn chế nhất định trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2008) quy định cụ thể mang tính chất liệt kê. Tại khoản 2 - Điều 42 quy định: Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định từ Điều 28 đến Điều 40 của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính; đối với hình thức phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khong tiền phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Việc xác định thẩm quyền để tiến hành xử phạt ở đây không chỉ phụ thuộc vào Điều 28 đến Điều 40d của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 mà còn phải căn cứ vào mức phạt đối với từng hành vi vi phạm cụ thể được quy định trong các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực. Vì thế, trong thực tiễn áp dụng, chỉ với một hành vi vi phạm, việc xác định thẩm quyền áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có thể tạo ra nhiều cách áp dụng khác nhau. Có những trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm

và thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan khác nhau như hải quan, thuế, quản lý thị trường (hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trốn thuế, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa). Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2008 thì vụ việc này phải chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi xảy ra vi phạm xử phạt; nhưng trong thực tiễn, khi phát hiện ra hành vi vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý đối với hành vi thuộc ngành mình quản lý mà không chuyển toàn bộ vụ vi phạm cho Ủy ban nhân dân để xử lý (tình trạng vượt quyền, lạm quyền trong xử lý vi phạm hành chính); chưa có quy định đề cập đến trách nhiệm pháp lý cụ thể khi họ không chuyển toàn bộ vụ vi phạm cho Ủy ban nhân dân xử phạt.

+ Về thủ tục xử phạt: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được chia làm hai loại: thủ tục đơn giản hay còn gọi là thủ tục không lập biên bản và thủ tục có lập biên bản. Trong quá trình thực hiện thủ tục đơn giản còn có kẽ hở như việc xử phạt cảnh cáo chỉ mang tính hình thức vì trong thực tiễn rất ít chủ thể có thẩm quyền áp dụng hình thức này và thường chỉ nhắc nhở đối tượng vi phạm và cho qua. Hơn nữa, đối với quyết định xử phạt cảnh cáo cũng không được ghi lại trong hồ sơ vi phạm; do đó, trong nhiều trường hợp khó có thể xác định là tình tiết tăng nặng cho các lần xử phạt tiếp theo.Khi thực hiện thủ tục có lập biên bản còn có hạn chế: biên bản là giấy tờ có giá trị pháp lý để làm căn cứ cho hoạt động xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ thể quản lý khi phát hiện ra hành vi vi phạm đều có quyền lập biên bản đối với chủ thể có hành vi vi phạm, bởi vì, trường hợp này chưa được pháp luật quy định rõ. Ngoài ra, thủ tục lập biên bản cũng được các ngành quy định khác nhau dẫn đến hoạt động lập biên bản cũng không được áp dụng thống nhất trong các lĩnh vực.

- Áp dụng pháp luật trong lĩnh vực dân sự, thương mại cũng còn nhiều bất cập như: việc áp dụng Điều 677, điều 676 - Bộ luật dân sự năm 2005 về

vấn đề thừa kế.. Việc áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án: việc quy định của pháp luật hiện nay dẫn đến tình trạng tòa án xác định sai tư cách người tham gia tố tụng trong các vụ án có đương sự là doanh nghiệp tư nhân; nhầm lẫn quan hệ pháp luật dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng…

Tóm lại, việc áp dụng pháp luật trên các lĩnh vực hiện nay ở nước ta vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế xuất phát từ nguyên nhân khách quan (quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có trường hợp còn chồng chéo…), do nguyên nhân chủ quan (là ý chí của tổ chức, cá nhân áp dụng pháp luật). Vì vậy, thời gian tới cần căn cứ vào những hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật để góp phần đưa ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)