CHƯƠNG III: ĐÁNH GIÁ NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN QUẢNG XƯƠNG THỜI KÌ (1996-2012)

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 75 - 79)

CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN QUẢNG XƯƠNG THỜI KÌ (1996-2012)

3.1. Nhận xét

Trong thời kì (1996- 2012), kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương có những thay đổi đáng kể, với nhiều thành tựu trên tất cả các ngành kinh tế. Kinh tế của vùng bên cạnh những thuận lợi, thì vẫn không tránh khỏi những hạn chế.

3.1.1. Thuận lợi

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương CNH- HĐH, kinh tế các xã này đã có những thay đổi rõ nét. Kinh tế các xã phát triển khá toàn diện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ. Đặc biệt sau nghị quyết 04 của huyện ủy, kinh tế biển ngày càng phát triển và có những bước tiến quan trọng. Các xã đã tận dụng được ưu thế về vị trí địa lý và những nguồn lợi tự nhiên đem lại để phát triển tạo ra những chuyển biến tích cực. Bởi vậy kinh tế của vùng đạt nhiều thành tựu.

Nông nghiệp có bước phát triển hơn trước. Các xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, tăng cường áp dụng những tiến bộ của KHKT vào sản xuất đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Nhiều giống lúa, cây trồng vật nuôi mới với năng suất cao, giá trị tốt được đưa vào sản xuất, làm tăng sản lượng và giá trị ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó còn phối hợp phát triển các ngành chế biến nông sản phục vụ tốt cho nông nghiệp phát triển. Đặc biệt từ khi thực hiện đề án 06 của tỉnh ủy và đề án phát triển chăn nuôi của huyện ủy, đã xác định vai trò tầm quan trọng của chăn nuôi các xã đã tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm, cải tạo tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn. Từ đó góp phần làm tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp của vùng đã và đang hướng đến sản xuất hàng hóa.

Cùng với huyện ủy, Đảng ủy, chính quyền các xã đã làm tốt việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, rừng sản xuất. Đã trồng mới được 150 ha rừng tập trung, phong trào trồng cây nhân dân được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Do đó những dải cồn cát ven biển trước đây hoang vu như sa mạc, chỉ có loại cỏ chông chông. Mỗi lần gió to, cát bụi bay mù mịt tràn vào trong thôn xóm. Bây giờ thay vào đó là nhưng rừng phi lao quanh năm xanh tốt ngăn chặn gió và cát. Chính nhờ những cánh rừng phi lao này nơi đây đã hạn chế và phòng ngừa thiên tai, bảo vệ cư dân tránh tác hại của thủy triều và sóng lớn khi có bão. Bên cạnh đó việc trồng rừng còn giúp nhiều xã có điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tiêu biểu là các xã thuộc quy hoạch khu du lịch Nam Sầm Sơn (Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại) và khu du lịch sinh thái Tiên Trang (Quảng Lợi).

Có thể nói rằng ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và vươn lên mạnh mẽ nhất thời kì này là ngành thủy sản. Đây là ngành đã đem về nguồn thu lớn, tạo ra những biến đổi sâu sắc. Đặc biệt từ sau nghị quyết 04 của huyện ủy về phát triển kinh tế biển, và thủy sản được đưa lên thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, phát triển mạnh mẽ trên cả ba mặt: Khai thác, chế biến, và nuôi trồng thủy sản. Các phương tiện đánh bắt ngày càng được tăng cường. Đặc biệt là những tàu thuyền có công suất lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ đã làm tăng

sản lượng đánh bắt cho các xã này. Bên cạnh đó thì diện tích NTTS ngày càng được mở rộng, cùng những tiến bộ về KHKT được áp dụng vào nuôi đã làm tăng sản lượng nuôi trồng, góp phần làm tăng giá trị ngành thủy sản. Đặc biệt với sự phát triển của ngành chế biến và dịch vụ hậu cần nghề biển ngành thủy sản ngày càng phát triển. Chế biến thủy hải sản phát triển cả về số lượng và quy mô. Tại đây đã xây dựng hai thương hiệu nước mắn được thị trường chấp nhận, đó là: nước mắm Tâm Sắc Trường Lệ (Quảng Vinh) và nước mắm Cự Nham (Quảng Nham). Đây là điểm nổi bật trong phát triển kinh tế của các xã ve biển huyện Quảng Xương. Từ một vùng thuần nông sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương CNH- HĐH hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở các xã này đã có sự tăng trưởng khá ngoạn mục. Vị thế và tỷ trọng của ngành ngày càng chiếm vị trí lớn trong cơ cấu kinh tế của vùng.

CN- TTCN, cũng có bước phát triển mới. Các cơ sở công nghiệp được mở rộng cả về quy mô và số lượng. Làm tốt công tác quy hoạch, hình thành các khu công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện về mặt bằng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp. Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế- xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. TTCN cũng có bước phát triển mới với nhiều tổ hợp tác được hình thành ở hầu hết địa bàn các xã này. Các ngành nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế trên, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã đạt được những kết quả ban đầu. Nhiều doanh nghiệp, công ty TNHH, các tổ hợp tác được mở kinh doanh trên nhiều lĩnh vực: xăng dầu. xây dựng, giao thông thủy lợi, chế biến thủy sản, tín dụng… thu hút hàng ngành lao động từ nông thôn, đem lại giá trị thu nhập cao. Bên cạnh đó còn góp phần làm cho bộ mặt nông nghiệp nông thôn của vùng có sự khởi sắc theo chiều hướng CNH- HĐH. Cùng với đó thì các xã cùng với

huyện ủy, UBND huyện Quảng Xương tiếp tục triển khai các bước trong dự án khu du lịch Nam Sầm Sơn của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đầu tư và kêu gọi đầu tư vào một số hạng mục công trình như: điện, đường giao thông, bước đầu hình thành bãi tắm và khu du lịch Tiên Trang (Quảng Lợi), tạo cơ sở phát triển tiềm năng du lịch của huyện [53]. Bên cạnh đó hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được đầu tư, mở rộng và nâng cấp các chợ, khuyến khích các hộ mở rộng hoạt động dịch vụ, thương mại phục vụ đời sống nhân dân.

3.1.2. Hạn chế

Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được thì trong quá trình phát triển kinh tế của các xã này vẫn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Mặc dù nông nghiệp đã có nhiều bước tiến song việc quy hoạch, đầu tư giống mới chất lượng cao còn hạn chế. Chưa chủ động còn lúng túng trong quá trình điều hành sản xuất, hệ thống tưới tiêu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thế mạnh vùng màu chưa được phát huy. Những quy hoạch mang tính chiến lược về phát triển vùng màu chưa được thực hiện như: vùng rau sạch, thương hiệu sản phẩm, cạnh tranh thị trường…Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi chậm, chưa kịp thời đưa những tiến bộ của KHKT vào sản xuất, và đồng bộ trong việc kiên cố hóa kênh mương. Bên cạnh đó thì việc bố trí, quy hoạch vùng trọng điểm cơ cấu còn khấp khểnh. Chăn nuôi dù đã hướng đến sản xuất hàng hóa, hướng ra thị trường, song vẫn mang tính nhỏ lẻ mang tính truyền thống, chưa tạo ra sự đột phá trong các khâu như: con giống đảm bảo giá trị, chất lượng và quy mô công nghiệp. Mô hình trang trại, gia trại phát triển chậm chưa có tính quy hoạch, còn ảnh hưởng đến môi trường.

Chưa phát huy được lợi thế của vùng, công nghiệp và TTCN phát triển còn chậm. Một số dự án trong việc phát triển cụm công nghiệp Tiên Trang, quy hoạch cụm công nghiệp Quảng Nham- Quảng Thạch triển khai chậm. Việc thu hút đầu tư triển khai dự án nhà máy đóng sữa tàu phà sông biển tại

Lạch Ghép với trọng tải 5000 tấn/ năm hiệu quả chưa cao.

Các doanh nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Số doanh nghiệp hiện có hầu hết nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp. Dịch vụ, thương mại phát triển chưa mạnh so với tiềm năng. Việc cải tạo nâng cấp các chợ, trung tâm thương mại còn chậm. Một số dự án trong cụm công nghiệp du lịch Tiên Trang và Nam Sầm Sơn triển khai chậm. Tiềm năng du lịch của vùng dồi dào là vậy song sự phát triển của ngành này còn nhiều hạn chế. Các dự án phát triển du lịch đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Một số dự án có quy mô lớn thì việc triển khai, thực hiện chậm, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống và nhận thức của người dân. Điển hình là khu du lịch Nam Sầm Sơn với diện tích quy hoạch chung lên tới 512 ha, từ khi được UBND tỉnh phê duyệt mặt bằng quy hoạch ngày 24/ 07/ 2003 đã có 11 dự án đăng kí đầu tư. Tuy nhiên đến nay mới có một dự án khu biệt thự Hùng Sơn tại hai xã (Quảng Đại và Quảng Hùng) được triển khai [16]. Bên cạnh đó thì các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống phát triển một cách tự phát, chưa có quy hoạch cũng như chiến lược kinh doanh. Vì vậy đội ngũ nhân viên cũng chưa được đào tạo, dẫn đến chất lượng kinh doanh còn hạn chế. Bởi vậy không giữ chân khách được lâu.

Để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ các danh thắng đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, lễ hội hầu hết còn nhiều hạn chế. Các dịch vụ kèm theo chưa được tổ chức phù hợp. Do đó chưa phát huy được giá trị di tích, danh thắng và thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó thì nhiều di tích lịch sử văn hóa của vùng chưa được giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w