Con người và truyền thống lịch sử.

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 27 - 29)

Vùng đất ven biển Quảng Xương được hình thành từ cuộc vật lộn bền bỉ bằng mồ hôi giữa con người với thiên nhiên từ thuở khai thiên lập địa. Dù hình thành muộn song lại sớm tạo nên bề dày lịch sử với những truyền thống tốt đẹp về chống giặc ngoại xâm, khí phách kiên cường trước những khó khăn gian khổ. Con người nơi đây mang khí chất chung của con người xứ Thanh. Họ là những con người nơi "đầu sóng ngọn gió". Họ đã chinh phục cải tạo tự nhiên, tôi luyện nên một tính cách mạnh mẽ, tự lực tự cường, và bản chất chịu cần cù chịu khó. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay cư dân ven biển Quảng Xương vẫn giữ nguyên cho mình những bản chất tốt đẹp ấy.

Dựng và giữ nước là hai mặt cơ bản gắn bó với nhau trong đời sống dân tộc Việt Nam. Đó cũng là đặc điểm bao trùm, là quy luật của nước ta. Suốt

mấy ngàn năm lịch sử nhân dân ta vừa lao động, vừa xây dựng và chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Từng bước khẳng định truyền thống của mình. Đó là truyền thống kiên cường bất khuất chống lại mọi thế lực cản bước đi lên của lịch sử dân tộc. Trong suốt tiến trình đó của lịch sử dân tộc, cùng với nhân dân cả nước nhân dân vùng ven biển Quảng Xương cũng quật cường trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Do nơi đây có vị trí xung yếu về mặt quân sự. Do đó nhân dân nơi đây luôn phải chống chọi với mọi kẻ thù từ phía biển cũng như đất liền. Cho nên ngay từ thuở ban đầu người dân nơi đây đã phải chống chọi với bao gian nan vất vả mới có thể tồn tại được. Bởi vậy cư dân các xã ven biển huyện Quảng Xương đã sớm được tôi luyện trong thử thách, có ý chí kiên cường trước mọi hiểm nguy. Lịch sử cổ đại cũng đã ghi lại nhiều trận chiến xảy ra trên vùng đất này. Cho đến nay ta vẫn thấy trong các làng mạc thôn xóm, đâu đâu cũng có các đền thờ, miếu mạo, văn bia, chùa chiền thờ cúng các vị thần có công diệt trừ cái ác, những tướng quân đã dũng cảm hi sinh trên các chiến địa, những võ tướng có công dẹp giặc. Chùa "Hưng Phúc tự bi" (Chùa Kênh) có văn bia kể lại cuộc đấu tranh chống giặc Nguyên Mông của nhân dân hương Yên Duyên xưa (nay thuộc xã Quảng Hùng), hay đền thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục (Quảng Đại) thờ một danh tướng thời Hậu Lê có công đánh giặc Chiêm Thành bảo vệ đất nước, giữ yên bờ cõi sau được vua truy phong tước "Đại vương biển đông hải". Hay thần tích nghè Ba Mươi (Quảng Vinh) ghi lại chuyện La Luyện Chiểu Chước tôn thần giúp dân giệt giặc cướp và hỗ trợ quân Lê đánh đuổi quân Mạc [49. T27]. Tuy lịch sử cổ đại còn nhuốm màu sắc huyền thoại, nhưng cũng đủ nói lên từ xa xưa con người nơi đây đã có một tinh thần đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm. Điều đó đã tạo nên một truyền thống rất đáng tự hào.

Cho đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta làn sóng đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã bùng lên mạnh mẽ tại đây. Sẵn có truyền thống đấu tranh

anh dũng, một ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, nhân dân nơi đây đã đồng lòng xây dựng công sự, đồn bốt ven biển, khơi thông sông ngòi chuẩn bị cho cuộc chiến ngăn không cho giặc Pháp tấn công từ phía biển. Đến khi cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, người dân nơi đây lại hưng khởi bắt tay góp phần xây dựng chính quyền mới, thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thể hiện vai trò là một hậu phương chiến lược chi viện sức người sức của cho chiến trường. Từ 1950- 1954, thực dân Pháp tiến hành bắn phá và 3 lần đổ bộ vào vùng biển Quảng Xương trong đó có các xã Quảng Nham, Quảng Vinh…toan tính chiếm đóng các xã ven biển làm bàn đạp tấn công Thanh Hóa. Song chúng đã gặp phải sự đánh trả quyết liệt của cư dân nơi đây. Truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất trước kẻ thù của cư dân ven biển Quảng Xương đã luôn được tiếp nối và phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc [49].

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w