Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 43 - 44)

1.3.5.1. Công nghiệp

Chưa có bước phát triển, song các xã cũng đã chú trọng đầu tư trên một số lĩnh vực. Sản phẩm chủ yếu là muối và hải sản đã qua chế biến như: cá khô, moi khô, mắn chượp, nước mắm... Trước năm 1996, các xã ven biển Quảng Xương đã bắt đầu phát triển các loại hình công nghiệp khác nhau phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế biển như: xưởng đóng tàu Tân Châu của Quảng Nham, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp sản xuất và chế biến muối…

- Công nghiệp chế biến thủy hải sản: được chú trọng tập trung đầu tư. Xây dựng nhà máy đông lạnh chế biến hải sản, và hình thành các cơ sở sản xuất nước đá phục vụ nghề cá. Bên cạnh đó còn có nhiều xí nghiệp và cơ sở chế biến hải sản của các hộ gia đình như; sản xuất nước mắn và mắn chượp.

- Công nghiệp sản xuất và chế biến muối: tuy việc tiêu thụ muối còn nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tại vùng ven biển Quảng Xương đã tập trung cải tạo kênh mương, trang bị dụng cụ sản xuất, cố gắng xây dựng tổ chế biến muối thô thành muối tinh. Tính đến năm 1995, sản lượng muối của Quảng Thạch đạt gần 1000 tấn. Công nghiệp sản xuất, và chế biến muối đã góp phần vào sự phát triển công nghiệp ở các xã ven biển huyện Quảng Xương trong chặng đường đầu của thời kì đổi mới, tạo đòn bẩy cho công nghiệp bước vào thời kì CNH- HĐH.

Với sự phát triển của các ngành công nghiệp các xã ven biển của huyện Quảng Xương đã có bước tăng trưởng nhưng không đáng kể. Ngành công nghiệp nơi đây mới chỉ có bước tiến ban đầu, song nó lại đặt nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Công nghiệp chưa phát triển, đặc biệt là công nghiệp chế biến thủy hải sản để có thể đáp ứng yêu cầu và khai thác lợi thế của vùng.

Các xã ven biển huyện Quảng Xương là nơi tập trung các làng nghề thủ công nghiệp truyền thống. Song trong thời kì bao cấp nhiều làng nghề không có điều kiện để phát triển, mà ngày càng bị mai một. Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, với chính sách khuyến khích phát triển, sản xuất của Đảng và nhà nước nhằm thu hút các thành phần kinh tế, thì tại các xã này các làng nghề dần được khôi phục và mở rộng. Do đó đã giải quyết được một số lao động dư thừa ở nông thôn, thu hút ngày càng nhiều lao động thuần nông sang sản xuất hàng hóa tạo ra sự phân công lao động mới.

TTCN được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm thích đáng. Do đó các ngành như: mộc dân dụng, làm gạch, dệt chiếu, khai thác đá, sữa chữa tàu thuyền…đã nhanh chóng phát triển, và đạt được những kết quả quan trọng. Tại các xã này đã phát triển nghề đan lưới thu hút tới 200 trẻ em lang thang có việc làm [3. T176]. Tại đây đã hình thành một số HTX TCN chuyên nhỏ, chuyên sản xuất hàng từ cây cói như: thảm cói, chiếu cói, làn cói… điển hình như HTX Độc Lập, Thống Nhất (Quảng Thái), và một số xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Hải [3. T149]. Tại Quảng Nham năm 1987, đã đầu tư xây dựng 3500 m2 nhà kho, xưởng dệt sản phẩm có 220 máy xe lõi, và hơn 300 bàn xe đay, 450 bàn go dệt chiếu nội trong dân, đưa nhanh khối lượng sản phẩm hằng năm lên 365000 m2, trong đó có 145000 m2 chiếu xuất khẩu, đạt giá trị xuất khẩu là 80000 Rup- USD [5. T92].

Nhìn chung thời kì trước năm 1996, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các xã ven biển huyện Quảng Xương, bắt đầu được đa dạng hóa, nhiều ngành mới đã xuất hiện. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất được chú trọng. Và quan trọng hơn hết là đã tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên TTCN chỉ đóng vai trò phụ trong cơ cấu kinh tế vùng ven biển.

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w