Diêm nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 39)

Quảng Thạch là xã duy nhất ở khu vực này phát triển ngành muối. Đây là ngành truyền thống, bước sang thời kì đổi mới càng được chú trọng đầu tư phát triển. Chính sách khoán 10 trong nông nghiệp thật sự đã mở ra cơ chế quản lý nông nghiệp mới "thông thoáng bên trong, mở cửa bên ngoài". Các hộ xã viên trong các HTX sản xuất muối cũng đòi hỏi được thực hiện cơ chế khoán 10 như trong HTX nông nghiệp. Do đó năm 1989, các hộ xã viên sản xuất muối cũng được giao ruộng và ô nại sản xuất với mức khoán ổn định trong nhiều năm. Và kết quả là sản lượng muối liên tục tăng qua các năm. Năm 1989 sản xuất muối bình quân đạt 200 tấn/ năm, đến 1991 tăng gấp đôi đạt 400 tấn/ năm, năm 1993 tuy thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng không

thuận lợi nhưng tổng sản lượng muối vẫn đạt 750 tấn và đến năm 1995 là 1000 tấn [6]. Tuy nhiên do phụ thuộc về thời tiết và nguồn vốn đầu tư ít nên ngành muối còn gặp nhiều khó khăn.

1.3.4. Thủy sản

Đối với các xã ven biển hoạt động nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy hải sản là lĩnh vực quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lĩnh vực này, cùng với sự cởi trói về cơ chế và hỗ trợ nhiều mặt từ các cấp chính quyền, nên sau 10 năm đổi mới các xã ven biển huyện Quảng Xương đã có những bước đầu tư, phát triển và đạt những thành tựu nhất định trên cả ba mặt: nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Điều đó được thể hiện ở một số lĩnh vực sau:

- Cơ sở vật chất kĩ thuật.

Cơ sở vật chất kĩ thuật đầu tư cho ngành thủy sản ở các xã này đã có bước phát triển đáng kể. Sau khi có chủ trương, chính sách phát triển các thành phần kinh tế, nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ XIX khẳng định "mỗi thuyền nghề là một đơn vị sản xuất" [3. T123]. Từ năm 1991- 1995 ngư dân đã đầu tư 3 tỷ đồng để mua sắm ngư cụ. Các chủ hộ, chủ thuyền thực sự đã trở thành các chủ thể kinh tế. Nghề lộng được khôi phục, nghề khơi phát triển nhanh. Các phương tiện đánh bắt ngày càng được trang bị tốt. Năm 1994, có 69 thuyền máy, 240 bè gắn máy, tăng 13,6 % so với năm 1993 [3. T162]. Đến năm 1995 tổng số thuyền mảng có 2000 chiếc, trong đó có 1000 chiếc lắp máy động cơ từ 6CV- 25 CV [ T175]. Trong đó Quảng Nham là xã đứng đầu về khai thác hải sản, đặc biệt là phát triển nghề cá. Số tàu thuyền máy với công suất từ 12- 33CV ngày càng tăng. Đến năm 1988 có 97 chiếc thuyền máy với công suất 12-33 CV, tăng 52 chiếc so với năm 1985, trong đó có 12 tàu từ 23-33 CV và hơn 300 đơn vị bè mảng thủ công [5. T91]. Bên cạnh đó là các loại ngư cụ: vây, vó, rút, lưới rê thu, rê tôm, rê mực cải

tiến. Đến năm 1995, Quảng Thạch có 135 thuyền gắn máy.

Bên cạnh đó các xã đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: nâng cấp các trạm bơm như trạm bơm Ngọc Giáp (Quảng Thạch), đầu tư tu sữa các cống ngăn mặn, cống tiêu úng, mạng lưới điện được xây dựng và cải tạo để phủ kín trong toàn xã, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý điện để phục vụ đời sống và sản xuất. Hệ thống giao thông được cải tạo và nâng cấp với tuyến đường liên xã từ đường 4C, 4B, 4A tới quốc lộ 1A, cùng các tuyến đường liên thôn. Với cơ sở vật chất như vậy ta thấy rằng ngành thủy sản đang được đầu tư phát triển.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản.

Bước vào thời kì đổi mới các xã ven biển huyện Quảng Xương tiến hành nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản với quy mô lớn. Diện tích nuôi trồng thủy sản, cũng như năng suất và sản lượng bắt đầu tăng. Đến năm 1995, xã Quảng Thạch đã mở rộng diện tích nuôi trồng lên trên 20 ha. Do tận dụng vùng triều chưa khai thác, đồng thời chuyển dịch diện tích trồng lúa chua mặn năng suất thấp, sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó các xã còn xây dựng một hệ thống hồ đầm nuôi trồng thủy hải sản.

Trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản thì nuôi tôm chiếm tỷ trọng lớn. Tôm Sú là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Nó được nuôi ở Quảng Thạch, tôm he được nuôi ở Quảng Nham…ngoài tôm các xã còn đưa vào nuôi một số loại thủy sản khác như: cua xuất khẩu, rau câu ở Quảng Thạch, ngao ở Quảng Nham…

- Sản lượng thủy sản.

Cùng với việc gia tăng diện tích nuôi trồng các loại thủy sản, thì sản lượng thủy sản của các xã cũng tăng đáng kể. Sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm của xã Quảng Thạch tính đến năm 1993 là 200 tấn, đến năm 1995 là 300 tấn cá và 50 tấn mực/ năm [37. T2]. Quảng Nham là đơn vị có sản lượng đánh bắt cao nhất. Tính đến năm 1988, tổng sản lượng đánh bắt hằng năm đạt 500 tấn, trong đó 20 tấn tôm và 50 tấn mực các loại [5. T91].

Cùng với việc tăng nhanh về sản lượng, thì giá trị thủy sản của các xã này cũng tăng lên, và chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế địa phương. Năm 1988, giá trị hải sản xuất khẩu của Quảng Nham đạt gần 100000 USD [5. T92]. Tại Quảng Thạch tổng giá trị hải sản nuôi trồng đánh bắt cũng liên tục tăng qua các năm. Năm 1989 giá trị hải sản nuôi trồng đánh bắt bình quân đạt 2 tỷ đồng/ năm, đến năm 1991 là 5 tỷ, năm 1993 giá trị ngành nuôi trồng đạt trên 50 triệu/ năm. Bình quân thu nhập của lao động đánh bắt hải sản là 3,7 triệu đồng.

- Lao động hoạt động trong ngành thủy sản.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Đây là một trong những kết quả quan trọng. Bởi lao động và việc làm luôn là vấn đề trăn trở nhất của nhiều địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Các xã ven biển của huyện Quảng Xương đã bắt đầu có lời giải cho bài toán về lao động và việc làm. Số lượng lao động trong ngành kinh tế biển tăng lên.

Sau một thời gian tiến hành đổi mới ngành thủy sản của các xã ven biển Quảng Xương đã vượt qua thời kì khó khăn trong cơ chế thị trường, dần ổn định và tạo được thế đi lên. Bước đầu đã hình thành cơ chế kinh tế nhiều thành phần, thực hiện cơ chế hoạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh, lấy lợi ích kinh tế làm đòn bẩy cho phát triển, từng bước hòa nhập vào thế đi lên của nền kinh tế đất nước. Tuy vậy ngành thủy sản của các xã trước năm 1996 vẫn chỉ là đánh bắt trong các ngư trường gần bờ, mang tính tự phát nhỏ lẻ, không bền vững. Đến năm 1996, khi bước vào thời kì CNH- HĐH ngành thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn với các chương trình đánh bắt xa bờ, đánh bắt dài ngày, phát triển nuôi trồng theo hướng bán thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật mới thì kinh tế biển ở các xã này có bước phát triển nhanh chóng.

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w