Từ năm 1996 đến năm 2012, ngành có chuyển biến mạnh, và rõ nét nhất của các xã ven biển huyện Quảng Xương chính là ngành thủy sản. Đây là thời kì mà nền kinh tế nói chung đang chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, nên kinh tế thủy sản cũng chịu sự tác động mạnh của cơ chế mới. Sự phát triển mạnh của ngành không chỉ đem lại một nguồn thu lớn, mà còn tạo ra nhiều việc làm cho cư dân vùng này. Đây là thời kì ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhanh. Sự phát triển nhanh của ngành thủy sản được thể hiện trên nhiều khía cạnh.
2.3.4.1. Đầu tư cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy hải sản
- Khai thác thủy hải sản:
Thời kì này hoạt động khai thác thủy hải sản có bước phát triển hơn so với trước. Năng lực khai thác, đánh bắt được tăng cường cả về công cụ, nghề nghiệp. Đó là số lượng tàu thuyền đánh bắt của vùng ven biển thời kì này tăng nhanh, công suất lớn hơn, có khả năng đánh bắt xa bờ. Số lượng tàu thuyền
đánh bắt của các xã liên tục tăng qua các năm. Năm 2007, có 993 phương tiện, Sang năm 2008, do thực hiện chuyên đề của huyện ủy với những chính sách phù hợp, huy động các nguồn lực trong dân, huyện Quảng Xương đã đóng mới 200 phương tiện, nâng tổng phương tiện đánh bắt toàn huyện lên 1237 phương tiện, tăng 10 % so với năm 2005. đến năm 2009 tăng lên 1662 phương tiện, với tổng công suất là 28751 CV [63]. Trong đó có nhiều loại có công suất lớn. Theo số liệu thống kê đến năm 2009, trên toàn vùng có 4 phương tiện có công suất trên 90 CV, 56 phương tiện từ 40- 90 CV, 1602 phương tiện có công suất dưới 40 CV. Ngoài ra còn nhiều loại ngư, lưới cụ khác như: mành cá, mành mực…với tổng số lao động là 5116 người. Các xã này đã tiến hành khai thác đa nghề trên một đơn vị diện tích, và có thể khai thác quanh năm theo mùa [65].
Bên cạnh đó các xã còn cử người đi học tập kĩ thuật khai thác, sữa chữa vận hành máy. Thời kì (1996- 2000) Quảng Nham đã có 50 người đi học, Quảng Đại 20 người, Quảng Thạch 15 người, và Quảng Hùng 15 người.
Quảng Nham là xã đứng đầu toàn vùng, và là điểm sáng về thủy sản của cả huyện. Đánh bắt và NTTS luôn được Đảng ủy, chính quyền quan tâm và xem là mục tiêu số 1 của xã. Thời kì (1996- 2000), xã Quảng Nham đã phát triển đánh bắt hải sản, chế biến, NTTS. Trên lĩnh vực đánh bắt hải sản hầu như được cơ giới hóa 100 %. Có 34 đơn vị đánh bắt có công suất 25- 40 CV, 74 phương tiện công suất 12- 15 CV, 192 thuyền máy công suất 6- 8 CV và bố trí các loại ngư cụ tiên tiến như:mành cá, mành mực, lưới cải tiến đánh tôm mực, máy định vị [5. T110]. Đến năm 2005, xã đã đầu tư 4,8 tỷ đồng cho đánh bắt. Ngành khai thác cá biển có nhiều cố gắng vươn lên, tạo nguồn vốn đầu tư nâng cấp phương tiện, mua sắm mới trang thiết bị, ngư cụ đã đưa các phương tiện tàu thuyền từ 12- 100 CV lên 257 phương tiện, với tổng công suất là 5492 CV. Đến năm 2009 tổng số tàu thuyền bè lắp máy của xã là 321
phương tiện, trong đó có 4 phương tiện có công suất trên 90 CV, 55 phương tiện có công suất 40- 90 CV và 262 phương tiện có công suất dưới 40 CV, với tổng số lao động là 1089 người [63]. Bên cạnh đó để thúc đẩy khai thác, chế biến, dịch vụ tiêu thụ hải sản, đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá Quảng Nham thành cảng cá lớn.
Ngư dân đã tích cực đầu tư đổi mới trang thiết bị, cải tiến lưới cụ, mở rộng ngư trường khai thác. Đánh bắt gần bờ bằng nghề truyền thống lắp mủng có công suất 6- 12 CV để thay thế sức người tăng thu nhập. Đồng thời khai thác vùng dở khơi dở lộng với phương tiện thuyền máy có công suất lớn từ 25- 90 CV và trên 90 CV, trang bị các tàu có định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc… Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân và phương tiện tàu thuyền đã góp phần tăng sản lượng khai thác của toàn huyện nói chung, và của các xã ven biển nói riêng.
Quảng Thạch cũng đầu tư sắm mới, nâng cấp các phương tiện đánh bắt. Sau 2 năm thực hiện nghị quyết 08 của tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển kinh tế biển đã đưa tổng phương tiện đánh bắt năm 2002 của toàn xã lên 82 phương tiện, trong đó 5 phương tiện có công suất 12 CV trở lên, 4 bè mảng, còn lại là thuyền gắn máy từ 6- 8 CV, đưa tổng công suất lên 791 CV, tăng 96 CV so với năm 2000. Ước tính tổng vốn đầu tư cho các phương tiện và ngư cụ khai thác là 1 tỷ 837 triệu đồng [40]. Đến năm 2004, số phương tiện đánh bắt cơ giới của xã là 73 phương tiện, đưa tổng công suất lên 956 CV. Đến năm 2008, số phương tiện tăng lên 102 phương tiện, với tổng công suất là 2070 CV.
- Nuôi trồng thủy sản.
Dưới tác động của quá trình chuyển mạnh nông nghiệp nông thôn sang sản xuất hàng hóa theo hướng CNH- HĐH, đã tạo điều kiện mới cho NTTS với trình độ thâm canh cao. Tại các xã ven biển huyện Quảng Xương cũng đã cải tạo hệ thống hồ đầm cho phù hợp với điều kiện thâm canh mới.
So với trước năm 1996, mức độ đầu tư cho NTTS ở vùng ven biển Quảng Xương tăng nhanh. Bởi đây là thời kì vừa đầu tư, vừa mở rộng quy mô khai thác, vừa chuyển từ phương thức nuôi quảng canh, sang nuôi bán thâm canh và thâm canh. Các xã đã quy hoạch các vùng NTTS, mở rộng diện tích nuôi trồng bằng cách chuyển diện tích lúa bị nhiễm mặn năng suất thấp sang NTTS, tận dụng vùng triều ven Sông Yên để mở rộng diện tích nuôi ngao, tập trung chỉ đạo tu sữa, làm mới các hạng mục công trình, hướng dẫn hộ nuôi nạo vét kênh mương, cải tạo vệ sinh đồng nuôi, và hướng dẫn kĩ thuật cho hộ nuôi. Đồng thời áp dụng những tiến bộ về KHKT vào NTTS để tăng năng suất và sản lượng.
Song song với việc đầu tư xây dựng các hồ, đầm NTTS, đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện hiện đại, thì các xã này còn chú trọng đến việc đầu tư các trang thiết bị, con giống và đào tạo nguồn nhân lực.
2.3.4.2. Diện tích NTTS
Từ 1996- 2012, diện tích NTTS của vùng này được mở rộng. Việc NTTS được tiến hành ở cả vùng nước lợ, mặn và ngọt. Đến năm 2009, diện tích NTTS nước mặn và lợ của các xã này là 73 ha với các loại tôm, cua, cá, ngao, nuôi tôm trên cát tại các xã Quảng Nham, Quảng Thái, Quảng Thạch và Quảng Lưu.
Diện tích NTTS của các xã này đều tăng qua các năm. Năm 2000, xã Quảng Nham có 20 ha NTTS, đến năm 2005 tăng lên 32 ha [5. T10-15]. Bên cạnh đó thì xã đã phát huy thế mạnh của địa phương, với nguồn lợi tự nhiên trên Sông Yên xã đã quy hoạch thành bãi nuôi ngao các loại. Đến năm 2011 diện tích nuôi ngao của Quảng Nham là 45 ha [66]. Là một xã giáp gianh với Quảng Nham, Quảng Thạch cũng đã không ngừng mở rộng diện tích NTTS. Năm 2004 diện tích NTTS của xã là 44,5 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 38 ha [94]. Đến năm 2005, xã đã mạnh dạn chuyển đổi 9,5 ha sản xuất lúa kém
năng suất bị nhiễm mặn sang nuôi tôm đưa tổng diện tích lên trên 54 ha.
Quảng Hải đã tích cực động viên nhân dân chuyển đổi mạnh mẽ diện tích sản xuất trồng trọt kém hiệu quả sang mô hình nuôi cá nước ngọt như: dự án NTTS nước ngọt vào khu vực Khua Già thôn 2, nhằm phát triển kinh tế hộ và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó là một số mô hình hộ cá thể nuôi với diện tích từ 500 m2- 2000 m2 (2010).
2.3.4.3. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản
Cùng với việc trang bị tàu đánh cá công suất lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ, thì sản lượng khai thác và NTTS của các xã này cũng tăng qua các năm.
NTTS có bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, đối tượng, hình thức, và sản lượng. Các xã đã tích cực chuyển đổi đất lúa bị nhiễm mặn, và diện tích làm muối kém hiệu quả sang NTTS, góp phần hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, có quy mô lớn, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân, và ngư dân. Quảng Nham thời kì 1996- 2000 có hơn 20 ha NTTS, thu hút 300 lao động, tổng sản lượng đạt 250 tấn/ năm, với giá trị 500 triệu đồng/ năm. Đến năm 2012, với hơn 63 ha NTTS, với vật nuôi chủ lực là ngao Bến Tre, chiếm diện tích 45 ha, trong tổng số 63 ha NTTS toàn xã, đã đem lại sản lượng 1200 tấn ngao/ năm, bình quân 27 tấn/ ha/ năm. Và sản lượng ngao năm 2012, của xã là 1800 tấn
Đối với NTTS vùng nước lợ thuộc khu vực cục V26 Quảng Lưu, Long Phú Quảng Thái nuôi chủ lực là tôm he chân trắng với hình thức nuôi thâm canh nhằm nâng cao năng suất. Bên cạnh đó NTTS nước ngọt cũng phát triển với nhiều loại vật nuôi như: cá mè, cá trắm, trê lai, cá chép…Đặc biệt là hình thức nuôi cá lóc, và các rô đầu vuông trong bể xi măng ở xã Quảng Đại cho năng suất 200- 250 kg/ m2 [66]. Cùng với hình thức nuôi cá quả thương phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, xã Quảng Đại có 25 hộ nuôi, với
sản lượng 35 tấn/ năm. Đây là một mô hình nuôi mới, không cần nhiều diện tích đất, chủ yếu là các bể xi măng trong vườn và các ao hiện có của nhân dân. Thời gian quay vòng nhanh, nguồn thức ăn bằng cá vặt tươi sống tại bể ngang, cùng vơi thức ăn công nghiệp chất lượng cao nên sản phẩm tiêu thụ được thị trường chấp nhận. Đến năm 2011, toàn xã có 37 hộ nuôi cá quả thương phẩm và cá rô đầu vuông, với sản lượng 41,5 tấn/ năm, đạt giá trị trên 2 tỷ đồng. Xã còn phối hợp với dự án quỹ hỗ trợ nông dân trung ương tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình nuôi này. Đến năm 2012, sản lượng cá quả thương phẩm và cá rô đầu vuông của toàn xã đạt 95 tấn/ năm [83] [84].
Sản lượng khai thác của các xã này cũng tăng. Trong đó Quảng Thạch năm 1999 đã đầu tư mua sắm phương tiện, thực hiện chủ trương khai thác dở khơi dở lộng cho sản lượng khai thác là 4950 tấn hải sản các loại. Sản lượng đánh bắt của Quảng Nham năm 2012, đạt 5970 tấn. Tại Quảng Thái năm 2007, do thực hiện nghị quyết 04 của huyện ủy Quảng Xương về phát triển kinh tế biển, thì cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã có chính sách kích cầu ngư dân bằng cách hỗ trợ 500000 đồng/ 1 phương tiện sản xuất lắp máy 24 CV để nhân dân đẩy mạnh khai thác. Do đó tổng sản lượng khai thác năm 2007 của xã là 1233 tấn hải sản các loại. Các chính sách khuyến khích nhân dân phát triển nghề biển, khắc phục khó khăn để bám biển. Do đó nghề biển nơi đây ngày càng phát triển. Đến năm 2011, mặc dù thời tiết không thuận lợi song tổng sản lượng khai thác của toàn xã vẫn đạt 1350 tấn, trong đó sản lượng cá, tôm đạt 890 tấn, và 460 tấn sứa [14].
Xã Quảng Hải cũng tăng cường đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế biển. Thực hiện nghị quyết 04 của huyện ủy Quảng Xương về phát triển kinh tế biển. Nhân dân đã đầu tư mua sắm thêm phương tiện đánh bắt, cùng với chính sách hỗ trợ theo nghị quyết 04- HU/QX với số tiền được hỗ trợ là 95
triệu đồng (bình quân mỗi bè 500.000 đồng). Nhân dân thực sự quyết tâm bám nghề, bám biển để khai thác đánh bắt hải sản. Năm 2006 sản lượng khai thác và nuôi trồng của toàn xã đạt 346 tấn, trong đó sản lượng khai thác là 306 tấn, sản lượng nuôi trồng là 40 tấn. Đến năm 2008, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng của xã là 795 tấn. Năm 2010, tổng sản lượng là 800 tấn, trong đó khai thác đạt 760 tấn và có 30 % là xuất khẩu, và 40 tấn từ nuôi trồng. Sang năm 2011, sản lượng có giảm song vẫn đạt 758 tấn thủy hải sản các loại, trong đó sản lượng khai thác đạt 738 tấn và 20 tấn từ nuôi cá nước ngọt [86] [89].
Quảng Đại cũng tăng cường đầu tư, mua sắm ngư lưới cụ, thực hiện đa nghề trên một phương tiện. Tập trung khai thác dở khơi dở lộng đạt hiệu quả cao. Năm 2005 sản lượng khai thác của xã đạt 3764 tấn hải sản, sản lượng sứa tươi đạt 3610 tấn. Sang năm 2007, mặc dù thời tiết không thuận lợi, song với sự chỉ đạo tập trung của các cấp, các ngành. Đặc biệt sau khi có nghị quyết 04 của huyện ủy Quảng Xương về phát triển kinh tế biển, đã tập trung các nguồn lực về vốn, chính sách khuyến khích của nhà nước nên nhân dân đã mua sắm thêm bè máy, ngư lưới cụ phục vụ cho đánh bắt. Tổng sản lượng khai thác đạt 1000 tấn hải sản, và 2500 tấn sứa tươi. Sang năm 2010 sản lượng khai thác đạt 1100 tấn, sứa là 1850 tấn. Bước sang năm 2012, do thời tiết không thuận lợi cho ngư trường khai thác, nên sản lượng thấp hơn nhưng vẫn đạt 900 tấn [78] [80] [83] [84].
Cùng với việc đầu tư vốn, trang thiết bị đánh bắt xa bờ, thì các xã ven biển Quảng Xương đã từng bước cải tiến kĩ thuật đánh bắt, mở rộng ngư trường, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất đã làm tăng sản lượng khai thác, NTTS. Trong các sản phẩm NTTS nước mặn thì ngao và tôm được nuôi nhiều nhất, có sản lượng lớn nhất. Điều này là do xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó nhiều sản phẩm nuôi lợ và ngọt cũng đem lại giá trị cao cho các xã trong vùng.
2.3.4.4. Áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật
Bên cạnh việc phát triển về vốn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo hồ đầm nhằm nâng cao sản lượng thủy sản, đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Thì các xã ven biển Quảng Xương còn chú trọng áp dụng những tiến bộ về KHKT trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản.
Hằng năm các xã đều tổ chức các lớp học chuyển giao kĩ thuật về NTTS. Họ áp dụng kĩ thuật thả và chăm sóc con giống. Quảng Nham cứ 1m2 thả khoảng 1000 con ngao nhỏ và phải sống trên cát bùn, với nguồn nước hợp vệ sinh. Để cải tạo đồng nuôi thì họ dùng máy múc. Hay tại xã Quảng Đại đã căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương như môi trường, thời tiết, khí hậu… đã chọn mô hình nuôi cá rô đầu vuông với mật độ thả nuôi cao 20- 30 con/ m2, nuôi bằng thức ăn công nghiệp chất lượng cao nhằm rút ngắn thời gian nuôi, cá tăng trưởng nhanh, giá trị thương mại cao, giảm nguy cơ bị bệnh. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như: cải tạo vệ sinh tốt ngay từ đầu, cho ăn thức ăn đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có phối trộn một số vitamin C, khoáng chất, bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt sử dụng các loại chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi. Do đó đã cho năng suất cao 20- 30 tấn/ ha.
Trong khai thác họ thường đặt những cái bóng đốt trên tàu, dùng máy dò cá để xác định địa điểm đánh bắt. Nếu xuất hiện nhiều vệ tinh thì đó là nơi có nhiều cá.