Bước phát triển mới của ngành du lịch thương mại và dịch vụ

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 71)

Nằm trong vùng phụ cận các trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa, huyện Quảng Xương có gần 20 km bờ biển với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Biển Quảng Xương được tính từ Phía Nam núi Trường Lệ đến Phía Bắc huyện Tĩnh Gia, với tiềm năng du lịch thiên phú. Là bãi biển có độ thoải, nước trong xanh, sóng biển vỗ mạnh, môi trường trong sạch, hải sản tươi sống. Ngay từ những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, tiềm năng du lịch sinh thái của biển Quảng Xương đã được khơi dậy. Các xã Quảng Vinh, Quảng Hùng được nằm trong tầm ngắm phát triển khu du lịch nam Sầm Sơn. Song thời kì này cơ sở hạ tầng thấp kém, một số thủ tục hành chính chưa thu hút được đầu tư. Dự án này đã phải ngủ dài trong tiếc nuối của các nhà kinh doanh du lịch. Đến nay, do các xã này biết khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mình nên du lịch Quảng Xương nói chung, du lịch ở các xã ven biển nói riêng có điều kiện phát triển.

Xã Quảng Vinh có bờ biển hình cánh cung dài khoảng 2 km, đậm nét với rừng phi lao xanh tốt, phần đất này khá yên tĩnh thu hút nhiều khách du lịch từ Sầm Sơn tràn sang thưởng ngoạn. Hay bãi biển các xã Quảng Đại, Quảng Thái…đều có những quán ăn, bãi tắm đẹp. Đặc biệt tại Quảng Nham còn có cảng cá- bến đậu, và là nơi giao lưu hàng hóa của hàng trăm tàu khai thác hải sản của ngư dân địa phươg và các tỉnh khác trong nước.

Đặc biệt với bờ biển dài ngập tràn cát trắng mịn, thoai thoải bên rặng phi lao quanh năm xanh mướt, nước biển trong vắt, bãi biển Quảng Lợi mang một nét đẹp hoang sơ và lãng mạn đã và đang hình thành điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa [20].

Với tiềm năng du lịch sẵn có huyện Quảng Xương đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt 3 mặt bằng quy hoạch phát triển du lịch, đó là: Khu du lịch Nam Sầm Sơn (Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại), khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (Quảng Lợi) và khu du lịch Làng Mom- Lạch Ghép và đầu cầu Ghép (Quảng Nham), với tổng diện tích quy hoạch là 679,6 ha.

Bên cạnh đó các xã ven biển huyện Quảng Xương còn có nhiều di tích lịch sử, trong đó nhiều di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống như: lễ hội cầu ngư, lễ hội bơi chèo chải…cũng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Năm 2008, dự án khu du lịch biển Tiên Trang do công ty TNHH SoTo làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án với tổng diện tích 100,9 ha, với quy hoạch khu dân cư, chủ yếu là biệt thự, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, hệ thống công cộng, và bãi đỗ xe…sẽ làm thành một đô thị du lịch biển vừa hiện đại, vừa hoang sơ. Tại đây nhiều hạng mục đã được thi công như: nhà tắm nước ngọt, nhà vệ sinh, khu vực bãi tắm,nhà hàng cho du khách ăn uống, nghỉ ngơi [13]. Tại đây ngày cao điểm đón trên 3000 khách đến tắm biển.

2.3.6.2. Thương mại- dịch vụ

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế nói trên các xã ven biển Quảng Xương cũng rất chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Do đó thời kì này hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá nhanh, cả về nguồn vốn đầu tư, hình thức kinh doanh hàng hóa. Các xã mở rộng buôn bán giao lưu, trao đổi hàng hóa, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh đó là đầu tư mở rộng hệ thống máy điện thoại và internet.

Các sản phẩm nông- thủy sản được tiêu thụ không chỉ trong vùng mà còn được xuất sang các tỉnh khác. Các sản phẩm như: nước mắn, cá khô, tôm khô, mắn tôm, hải sản tươi sống và đông lạnh, sứa…hằng năm được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt các sản phẩm như: Sứa, cá mú, ốc hương…rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực buôn bán hải sản.

Hoạt động thương mại dịch vụ thời kì này tiếp tục phát triển với hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng đáp ứng thỏa mãn và kịp thời các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân như: xăng, dầu, vật liệu xây dựng, phân

bón…Các loại hình dịch vụ phát triển mạnh mẽ đã tham gia tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng nói riêng, trong toàn huyện nói chung. Điển hình như các dịch vụ xay xát gạo, cung ứng thức ăn gia súc, dịch vụ bưu điện, du lịch, tín dụng…phát triển khá thuận lợi.

Như vậy có thể thấy rằng vùng ven biển là khu vực có tính năng động cao và có sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế. Các xã này có một sức bật trong phát triển kinh tế và có sự vượt trội so với tốc độ phát triển kinh tế của nhiều xã trong huyện.

Tiểu kết chương II

Với những tiềm năng sẵn có về đất đai là một tặng phẩm quý báu của thiên nhiên cho con người nơi đây. Bên cạnh sự bồi tụ của phù sa, nhân dân đã quai đê lấn biển mở rộng địa bàn cư trú và hoạt động kinh tế của mình. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội nơi đây.

Các xã ven biển Quảng Xương đã phát triển kinh tế gắn liền với biển là một hướng đi đúng đắn. Trong những năm gần đây kinh tế các xã này có sự chuyển biến sắc nét. Kinh tế biển được chú trọng đầu tư, các ngành có điều kiện phát triển hơn trước. Nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, phát triển nhanh về số lượng, năng suất và dần chuyển sang hàng hóa. Công nghiệp và TTCN cũng được đẩy mạnh với việc phát triển khu công nghiệp. Chăn nuôi có bước phát triển. Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đang dần chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế. Song phát triển hơn cả vẫn là ngành thủy sản. Thủy sản được đưa lên thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Bên cạnh đó nghề NTTS còn tạo ra việc làm cho người lao động trong vùng. Nhiều hộ đã làm giàu từ ngành này. Du lịch, thương mại, dịch vụ của vùng cũng khá phát triển tạo ra sức bật trong kinh tế của cả vùng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì trong thời gian này kinh tế của các xã vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Tuy được xem là ngành mũi nhọn, và là thế mạnh của vùng song hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải

sản của các xã này vẫn diễn ra ở quy mô quảng canh, việc quy hoạch vùng sản xuất còn chậm. Việc áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Bởi vậy cần đầu tư hơn nữa cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Bên cạnh đó thì việc xây dựng các cơ sở chế biến cũng rất cần thiết.

Tuy vậy song cần khẳng định rằng từ năm 1996 đến năm 2012, kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương đã có bước khởi sắc hơn trước rất nhiều. Các xã này có nhiều lợi thế, và tiềm năng để vươn lên trở thành vùng có nền kinh tế phát triển trong những chặng đường tiếp theo của công cuộc đổi mới.

Một phần của tài liệu Luận văn: Kinh tế các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1996 đến năm 2012 (Trang 71)