Yêu cầu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giớ

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 96 - 99)

Toàn cầu hoá là một trong những xu thế phát triển tất yếu của quan hệ quốc tế hiện đại. Hội nhập kinh tế quốc tế là "quá trình gắn kết nền kinh tế của đất nước với nền kinh tế thế giới, tham gia vào sự phân công lao động quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, tuân thủ những quy định, các "luật

chơi" chung" [50. tr.64]. Hội nhập kinh tế đặt ra thách thức đối với mọi nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế có trình độ phát triển cao. Đối với Việt Nam, thách thức đó càng khắc nghiệt hơn vì Việt Nam là một nước đang phát triển, lại đang thực hiện nền kinh tế chuyển đổi.

Tiến trình hội nhập kinh tế ở nước ta đã có những đột phá lớn từ Đại hội VII của Đảng (1991) với chủ trương mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Quá trình hội nhập đó đã được đẩy mạnh hơn với chủ trương của Đại hội IX của Đảng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm lợi ích dân tộc.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo cơ hội cho nước ta trong việc mở ra môi trường rộng lớn để xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; tạo điều kiện để tiếp nhận vốn, công nghệ sản xuất và trình độ quản lý tiên tiến; nâng cao năng lực cạnh tranh và tính hiệu quả trong nền kinh tế, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp trong nước năng động hơn trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, cải tiến các dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm … Đó là những nguồn lực to lớn góp phần đưa nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

Bên cạnh những mặt thuận lợi đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra cho nước ta những thách thức to lớn: (i) Cạnh tranh sẽ trở nên quyết liệt hơn, không chỉ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp của các nước trên thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, mà cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ và trình độ quản lý cao, hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp… Điều đó đã gây sức

ép với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã quen với sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ yếu kém. Trong khi có đến 90% các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa; hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin về thị trường. (ii) Yêu cầu cấp bách cho việc bổ sung và hoàn thiện thể chế pháp lý để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trước hết là hoàn thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và phát huy mọi tiềm lực của các thành phần kinh tế; xây dựng thị trường đồng bộ. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện pháp luật cạnh tranh, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. (iii) Việt Nam là một trong những nước nghèo, hệ thống chính sách kinh tế - xã hội chưa đồng bộ và đầy đủ, trình độ quản lý còn chênh lệch so với các nước phát triển trên thế giới. Nhưng khi hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam buộc phải thực hiện đầy đủ các cam kết, nhất là các cam kết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các biện pháp đảm bảo thương mại công bằng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…

Khung pháp lý đã được hình thành và thường xuyên được cải cách, nhiều văn bản luật quan trọng đã được Nhà nước ban hành để điều chỉnh môi trường kinh doanh như: Luật Cạnh tranh 2004, Luật Doanh nghiệp 2005, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Đất đai 2003…và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp như Luật Luật sư 2001 và các nghị định quy định chi tiết dịch vụ tư vấn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ thị trường của nước ta vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nhiều quy định còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khỏi thị trường, đòi hỏi Nhà nước phải tạo dựng được thể chế pháp lý thuận lợi, an toàn để các doanh nghiệp tiếp cận. Hoàn thiện pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và không phân biệt đối xử

giữa các khu vực kinh tế; rà soát lại hệ thống pháp luật trong nước, đối chiếu và chuyển hoá các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết thành các quy định thống nhất trên thị trường. Như vậy, yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật điều chỉnh về thị trường nói riêng, trong đó có pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh, trở nên nhu cầu bức thiết và là một tất yếu khách quan, đảm bảo điều kiện pháp lý cho hội nhập kinh tế quốc tế.

3.2. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH Ở

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 96 - 99)