văn hoá pháp lý cho các chủ thể tham gia cạnh tranh và người tiêu dùng
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cạnh tranh không thể thực hiện một cách thông thường như tuyên truyền Pháp lệnh Dân số, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Giao thông đường bộ… Nếu như các văn bản pháp luật đó tác động trực tiếp đến lợi ích thiết thực của mỗi người trong xã hội và do đó có thể thu hút được sự chú ý quan tâm của đông đảo nhân dân, thì pháp luật cạnh tranh vẫn còn là vấn đề mới mẻ đối với xã hội Việt Nam, khiến người dân còn thờ ơ và đứng ngoài cuộc. Vì thế, tìm được cách thức, biện pháp tuyên truyền có hiệu quả là việc làm không đơn giản.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi "gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng". Do đó, đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trước hết là cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề kinh tế, sau đó là người tiêu dùng trong toàn xã hội. Mục đích và nội dung tuyên truyền là giúp cho các đối tượng đó nhận diện rõ bản chất và các dấu hiệu của từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quyền tự bảo vệ thông qua hình thức khiếu nại, khởi kiện, cũng như hiểu biết về các hình thức chế tài có thể áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những hình thức tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tổng kết kinh nghiệm xử lý các vụ khiếu nại, khiếu kiện; công khai những vụ việc đã được xử lý và các chế tài đã áp dụng đối với các doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện truyền thông để giáo dục, răn đe các doanh nghiệp khác.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống vi phạm pháp luật diễn ra trong môi trường kinh doanh, hoàn thiện pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ở chương 1 và chương 2, Luận văn đã cố gắng phân tích rõ những vấn đề lý luận liên quan đến chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cũng như thực tiễn cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường và công tác xử lý vi phạm ở nước ta. Sự nghiên cứu mang tính hệ thống đó nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta hiện nay và pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong điều kiện mới.
Với việc phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp dụng chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn kém hiệu quả và những nội dung đã trình bày ở chương 3, luận văn có thể kết luận một số vấn đề như sau:
1. Muốn tạo dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công bằng, đảm bảo phát huy được mọi tiềm năng kinh tế của đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cần chú trọng công tác lập pháp.
Việt Nam cần có một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện; có cơ chế đảm bảo cho các doanh nghiệp trong nước phát huy nội lực, tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Thông qua việc ban hành mới và sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế theo sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan. Trong hệ thống các văn bản pháp luật quản lý kinh tế cần phải hoàn thiện đó, có Luật Cạnh
tranh. Đặc biệt, để ngăn chặn mặt trái của cạnh tranh, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh cần phải được hoàn thiện như một nhu cầu mang tính tất yếu.
Quá trình hoàn thiện pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh cần phải chú trọng đến việc điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo hướng sau:
- Bổ sung những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong một số lĩnh vực cụ thể, thoả mãn tiêu chí được quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Cạnh tranh, theo đó bổ sung các chế tài tương ứng.
- Khi đặt ra các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phải cân nhắc nguyên tắc tỷ lệ; chế tài phải đủ mạnh, đủ nghiêm khắc để răn đe và ngăn chặn vi phạm.
- Phân định rõ cơ chế áp dụng chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Cạnh tranh với cơ chế áp dụng chế tài do các văn bản pháp luật khác quy định; hoàn thiện các chế tài dân sự và hình sự.
2. Để công tác đấu tranh phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh phát huy hiệu quả trong thực tế, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung và hiệu lực thực thi nhiệm vụ của cơ quan quản lý cạnh tranh nói riêng.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, có thể thấy vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh là trung tâm, quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan quản lý cạnh tranh không chỉ có nhiệm vụ điều tra mà còn xử lý và áp dụng các chế tài đối với các chủ thể có hành vi vi phạm. Do đó, chất lượng hoạt động của cơ quan này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bên cạnh chất lượng của các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh và phương thức tổ chức thực hiện thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định.
Nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh, cần thiết phải nâng cao hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh, trong đó chú trọng chất lượng đội ngũ.
3. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng dân cư để nâng cao khả năng tự bảo vệ của các đối tượng có liên quan; đảm bảo cho pháp luật về chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh có hiệu lực thực tế.
Hiểu biết pháp luật là nhu cầu của các đối tượng tham gia vào các quan hệ xã hội có sự điều chỉnh của pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của các cơ quan nhà nước, vì đó là cầu nối giữa pháp luật với đời sống xã hội. Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh cần thiết phải đến được với các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng. Bởi lẽ, nếu các chủ thể đó có những kiến thức pháp luật cơ bản thì họ sẽ có khả năng tự bảo vệ, hình thành thói quen, xây dựng đạo đức kinh doanh. Qua đó, các vụ vi phạm sẽ giảm bớt và sớm được xử lý, pháp luật sẽ phát huy được hiệu lực, tạo điều kiện xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và bình đẳng.