Thiệt hại trong cạnh tranh không lành mạnh

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 26 - 27)

Thiệt hại là một đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và là điểm phân biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh với thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại để phân biệt thiệt hại do hành vi cạnh tranh hợp pháp gây ra và thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra không phải là đơn giản. Vì các doanh nghiệp có quyền thực hiện tất cả các biện pháp mà pháp luật không cấm để cạnh tranh, lôi cuốn khách hàng về phía mình, khi đó đối thủ bị mất đi một lượng khách hàng nhất định (tức là có thiệt hại) không thể có căn cứ để khởi kiện. Nhưng nếu thiệt hại đó là do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh không nhằm đến mục đích đầu tiên là trừng phạt người có hành vi vi phạm, mà chủ yếu là bồi thường cho bên bị thiệt hại những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Vì vậy, việc xác định thiệt hại là một yêu cầu bắt buộc và cần thiết để bên bị hại có

căn cứ đòi bồi thường và cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.

Án lệ Toà Tư pháp tối cao của Pháp ngày 19-7-1976 đã khẳng định: "Cạnh tranh không lành mạnh không những đòi hỏi phải chứng minh lỗi của bị đơn mà còn phải chứng minh thiệt hại do nguyên đơn phải gánh chịu".

Thiệt hại trong cạnh tranh không lành mạnh cũng giống thiệt hại trong dân sự, có thể là thiệt hại vật chất (cụ thể và xác định bằng tài sản), cũng có thể là thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại đó phải được chứng minh là có thật, đã xảy ra trên thực tế. Nếu là thiệt hại về vật chất, chứng cứ sẽ được thể hiện qua việc doanh thu bị giảm sút do mất đi một lượng khách hàng thường xuyên; các chi phí để khắc phục và hạn chế thiệt hại trực tiếp hoặc thiệt hại thương mại (như mất đi thương hiệu). Thiệt hại về tinh thần biểu hiện thông qua việc uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút, doanh nghiệp bị ức chế trong sự kiềm toả của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của bên vi phạm. Mức bồi thường trong trường hợp đó sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định. Đánh giá được thiệt hại là vấn đề rất phức tạp. Bên bị thiệt hại phải đưa ra đầy đủ chứng cứ để chứng minh về những tác động tiêu cực của hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà đối thủ đã thực hiện và gây ra bất lợi cho mình trong việc thu lợi nhuận, giảm sút năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng…

Chứng cứ được quy định trong Luật Cạnh tranh Việt Nam phải là "những gì có thật". Điều đó đòi hỏi chứng cứ phải có tính khách quan, không giả mạo; phải có tính hợp pháp, được thu thập theo trình tự mà pháp luật quy định; phải có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 26 - 27)