Lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 28)

Mục đích của Luật Cạnh tranh là bảo vệ các tác nhân cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh còn có mục đích bảo vệ người lao động trong các doanh nghiệp, đảm bảo sự vận hành bình thường của thị trường và lợi ích xã hội.

Lỗi được xác định là trạng thái tâm lý của người có hành vi vi phạm, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Việc xác định lỗi trong cạnh tranh thường phải dựa vào các tập quán nghề nghiệp. Hành vi cạnh tranh bị coi là có lỗi và không lành mạnh là hành vi vi phạm các tập quán nghề nghiệp, phá vỡ quan hệ bình đẳng, công bằng trong quan hệ cạnh tranh trên thị trường.

Luật Thương mại lành mạnh của Hàn Quốc cũng quy định: "Không một doanh nghiệp hay hiệp hội thương mại nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại có thể tự miễn cho mình một trách nhiệm như vậy bằng cách

chứng tỏ mình không cố tình hay chỉ do sao nhãng mà gây nên hành vi làm người khác bị tổn hại" [6. Điều 56]. Điều đó có nghĩa là tất cả các chứng cứ phải được chứng minh, kể cả bên khởi kiện và bên có hành vi vi phạm. Nếu không, vụ kiện sẽ thiếu căn cứ xác thực để ra quyết định. Lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý.

Theo pháp luật Việt Nam: "Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp nhận thức rõ hành vi của mình gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại ở đây là không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được" [43. Điều 309]. Thông thường, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện do lỗi cố ý.

Trách nhiệm pháp lý và chế tài được áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm một cách có lỗi thì mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa và giáo dục. Khác với lỗi trong trách nhiệm hợp đồng (được xác định là lỗi suy đoán), lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh lại không dựa vào nguyên tắc suy đoán trách nhiệm để xử lý. Trong cạnh tranh, thiệt hại có thể xảy ra với một doanh nghiệp do hành vi cạnh tranh của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác gây ra, nhưng nếu thiệt hại đó hoàn toàn được thực hiện bởi hành vi cạnh tranh hợp pháp thì không có căn cứ để khởi kiện. Nếu chỉ dựa vào việc mất đi một lượng khách hàng thường xuyên và doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút do hành vi cạnh tranh của đối thủ thì không thể kết luận được đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, để áp dụng chế tài đối với một chủ thể cạnh tranh thì hành vi cạnh tranh của chủ thể đó phải có lỗi và thoả mãn các điều kiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 28)