Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 94)

Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là mục tiêu chủ yếu và quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài những đặc trưng chung của Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp quyền Việt Nam còn mang những đặc trưng riêng, xuất phát từ bản chất của chế độ, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trong đó, Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong việc điều chỉnh các quan hệ thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội; Nhà nước tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trải qua các giai đoạn phát triển đất nước, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều cải cách. Ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, vai trò của pháp luật thể hiện ở những mức độ khác nhau, nhưng pháp luật luôn là công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, vấn đề cải cách và hoàn thiện pháp luật đang được đặt ra một cách cấp thiết. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước phải chú trọng kết hợp thực hiện tốt chức năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh, quốc phòng với hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và các chính sách để phát triển kinh tế.

Đề cao pháp luật, tăng cường pháp chế phải đi liền với việc đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo thói quen và nếp sống tôn trọng pháp luật trong mọi

tầng lớp nhân dân. Hoàn thiện pháp luật phải đi liền với hoàn thiện thực tiễn áp dụng pháp luật. Tăng cường xây dựng pháp luật phải đi liền với việc khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức và mọi công dân đầy đủ quyền và thực hiện tốt nghĩa vụ của họ. Đồng thời, phải có biện pháp nâng cao sự hiểu biết pháp luật của cộng đồng xã hội, đấu tranh có hiệu quả vi phạm pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, có chế tài xử lý nghiêm minh.

Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, "thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ở nước ta đã từng bước được thể chế thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế phát triển đúng định hướng. Quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh đã được pháp luật bảo vệ và thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa đáp ứng kịp những đòi hỏi của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những đảm bảo cho các hoạt động kinh tế vận hành đúng hướng, đúng quy luật vẫn còn thiếu và yếu. Trong đó có pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh, bảo vệ quyền sở hữu và các vấn đề tranh chấp.

Việc tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý là điều kiện cần thiết để cơ chế thị trường vận động và phát triển, phát huy mọi nguồn lực kinh tế của đất nước, nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp, thực hiện xoá đói, giảm nghèo; tăng cường sự đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các thể chế pháp lý, cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế chịu sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan như quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị… Có như vậy mới phát huy được hiệu quả của quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp đã ghi nhận, đảm bảo cho kinh tế thị trường phát triển lành mạnh,

đúng định hướng; tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Muốn có môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích hoạt động đầu tư, Nhà nước cần phải thiết lập được cơ chế đảm bảo thông qua hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy hiệu lực trong thực tế. Các quy phạm của Luật Cạnh tranh chủ yếu tác động điều chỉnh hành vi vi phạm của các doanh nghiệp và thẩm quyền xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, nhưng lại thiếu những quy định về trách nhiệm đền bù, thiếu cơ chế đảm bảo cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của họ khi bị xâm hại bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các chế tài được áp dụng chủ yếu là phạt tiền và các khoản tiền phạt đó được nộp vào ngân sách nhà nước. Việc xác định thiệt hại và phương thức đền bù cho doanh nghiệp bị xâm hại và người tiêu dùng rất khó xác định, người bị thiệt hại khó có thể thu hồi những lợi ích đã mất. Đó cũng là lý do khiến người bị thiệt hại (nhất là người tiêu dùng) không sẵn sàng trong việc khiếu nại, khiếu kiện. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng không có trách nhiệm trong việc bảo vệ pháp luật.

Để Luật Cạnh tranh thực sự phát huy hiệu lực, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và công bằng, Nhà nước cần phải có những điều chỉnh thích hợp. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh là yêu cầu cấp thiết và tất yếu. Khi đó, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền mới có những điều kiện để thực hiện một cách toàn diện.

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)