cạnh tranh không lành mạnh một cách có hệ thống và đồng bộ
Muốn pháp luật cạnh tranh phát huy được hiệu quả trong việc điều chỉnh các hành vi cạnh tranh trên thương trường, ngăn chặn hiện tượng vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, trước hết các quy định làm cơ sở pháp lý cần thiết phải đầy đủ, đồng bộ và thống nhất; các chế tài phải được thiết lập một cách có hệ thống và đủ sức răn đe. Để thực hiện được như vậy, cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
Luật Cạnh tranh 2004 cần được sửa đổi, bổ sung để mở rộng chủ thể áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 2 Luật Cạnh tranh quy định đối tượng áp dụng của Luật này bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, Luật Cạnh tranh đã không kể đến các đối tượng như
các văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; các loại hình bán kinh doanh khác như các xưởng in, nhà xuất bản, tạp chí, báo (không được coi là doanh nghiệp)… Vậy nếu các chủ thể đó thực hiện hành vi thoả mãn các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng không thoả mãn yếu tố chủ thể được quy định là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh thì phải xử lý theo quy định của văn bản pháp luật khác. Điều đó không đảm bảo cho mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xử lý một cách thống nhất.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng còn có thuận lợi trong việc áp dụng các chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới dạng xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Khi đó, người lao động trong doanh nghiệp có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh cũng sẽ bị áp dụng các chế tài đó.
Bổ sung, sửa đổi một số quy định đảm bảo tính toàn diện, thống nhất của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh để có cơ sở cho việc xử lý hành vi vi phạm.
Sau khi Luật Cạnh tranh ra đời, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, các quy định đó chủ yếu tập trung quy định về hạn chế cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh. Còn nhiều vấn để chưa được cụ thể hoá, giải thích và hướng dẫn thực thi. Để đảm bảo thống nhất việc áp dụng pháp luật và sự hài hoà hoá trong khu vực và quốc tế đối với việc điều chỉnh quan hệ cạnh tranh trong xu thế hội nhập, cần phải bổ sung một số nội dung:
- Bổ sung các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; làm rõ các dấu hiệu nhận diện đối với biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh.
Ngay cả khi những hành vi này được thực hiện vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh thì việc xử lý và áp dụng chế tài đối với chủ thể thực hiện cũng gặp khó khăn, vì Luật Cạnh tranh chưa quy định những hành vi này.
Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ lại có quy định việc cạnh tranh vi phạm nhãn hiệu hàng hoá thuộc nhóm hành vi vi phạm chỉ dẫn thương mại, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cách hiểu của Luật Cạnh tranh có phần hẹp hơn Luật Sở hữu trí tuệ, trong khi Luật Cạnh tranh là luật nguyên tắc, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ phải được xử lý theo Luật Cạnh tranh. Nhưng Luật Cạnh tranh lại không quy định việc sử dụng sai lệch nhãn hiệu hàng hoá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, quy định của pháp luật hiện hành chưa có sự thống nhất về vấn đề nhãn hiệu hàng hoá, cần được bổ sung vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn trong Luật Cạnh tranh.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp sẽ bị xử lý theo các chế tài hành chính hoặc hình sự. Thực tiễn kinh doanh lại cho thấy, hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp diễn ra khá phổ biến và cần thiết phải có sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Như vậy, sẽ giảm được tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế biểu hiện dưới dạng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, khi chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Mặc dù Luật Cạnh tranh có quy định về hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh nhưng lại không có những quy định dấu hiệu nhận diện về các đối tượng này. Do đó, chắc chắn sẽ có những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật điều chỉnh và các chế tài xử lý. Vì thế, cần phải có những quy định hướng dẫn trong các văn bản dưới luật để thi hành.
- Cần có văn bản hướng dẫn, quy định các dấu hiệu nhận diện hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác để phân biệt và xác định ranh giới với quyền tự do ngôn luận, tự do phê bình.
Việc đưa ra một thông tin có nội dung như thế nào đó sẽ liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do phê bình đã được Hiến pháp quy định. Do đó, để có cơ sở áp dụng chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh biểu
hiện dưới dạng nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác thì cần thiết phải có những quy định cụ thể, rõ ràng về dấu hiệu nhận dạng. Điều 43 của Luật Cạnh tranh đã đưa ra dấu hiệu về hình thức, đó là tính "không trung thực" của thông tin. Từ đó có thể hiểu rằng những thông tin "trung thực" dù có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp sẽ không bị coi là hành vi gièm pha doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là suy luận, cần thiết phải có quy định rõ ràng về vấn đề này.
- Bổ sung quy định về hành vi bán hàng hoá hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá) vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, hành vi bán hàng hoá hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ được tiếp cận điều chỉnh dưới góc độ pháp luật chống hạn chế cạnh tranh (Khoản 1, Điều 13 Luật Cạnh tranh). Tuy nhiên, nếu hành vi đó được thực hiện vì mục đích gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là đối thủ đối thủ cạnh tranh trong một thị trường hàng hoá, dịch vụ thì vẫn được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Bổ sung hành vi quảng cáo quấy rầy vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 45 Luật Cạnh tranh đã quy định hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh bằng cách liệt kê các hành vi quảng cáo cấm doanh nghiệp thực hiện. Nhưng tại điều luật này, không có quy định về hình thức quảng cáo quấy rầy.
Người tiêu dùng là đối tượng để các doanh nghiệp hướng đến khai thác và sẽ thuộc về doanh nghiệp nào có phương pháp để lôi kéo. Tuy nhiên, những phương pháp đó chỉ được thừa nhận nếu lành mạnh. Những phương pháp mà doanh nghiệp thực hiện nhằm có được khách hàng một cách không lành mạnh đã gián tiếp tước đi quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận và lựa chọn các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Quảng
cáo quấy rầy khách hàng là một hiện tượng phổ biến hiện nay, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định nào điều chỉnh hành vi đó. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định nhằm ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
- Hành vi bán hàng đa cấp nên quy định tại Luật Thương mại, sẽ phù hợp hơn quy định tại Luật Cạnh tranh.
Bán hàng đa cấp là một hành vi thương mại đặc thù. Các quy định chống bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nhằm bảo vệ những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, tránh khỏi sự lừa đảo của các doanh nghiệp kinh doanh dưới dạng này. Quan hệ đó không phải là quan hệ cạnh tranh hay tiêu dùng thông thường mà là quan hệ hợp đồng vì mục tiêu lợi nhuận, rất gần với hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng đại lý mà Luật Thương mại điều chỉnh.
Phân định rõ ràng cơ chế xử lý vi phạm bằng các chế tài được quy định trong Luật Cạnh tranh với cơ chế xử lý vi phạm của các văn bản pháp luật khác.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được điều chỉnh không chỉ bởi Luật Cạnh tranh, mà còn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác. Do đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử lý bởi các chế tài hành chính nhưng theo nhiều hình thức khác nhau. Để tránh chồng chéo, đảm bảo tính quy phạm, thống nhất trong quá trình xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên quy về thủ tục xử lý mà Luật Cạnh tranh quy định hoặc cần thiết phải có những quy định rõ ràng phân định ranh giới về cơ chế và thủ tục xử lý giữa Luật Cạnh tranh với các văn bản pháp luật có liên quan.
Khác với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam có thể vừa áp dụng các chế tài hành chính thông qua quyết định của cơ quan quản lý chuyên trách, vừa có thể áp dụng chế tài bồi thường dân sự theo cơ chế khởi kiện tại Toà án. Từ đó, có thể xảy ra nhiều trường hợp: Trước hết, chủ thể bị xâm hại tiến hành khiếu
nại lên cơ quan cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của chủ thể khác, sau đó khởi kiện ra Toà án để đòi bồi thường thiệt hại; hoặc vừa khiếu nại lên cơ quan quản lý cạnh tranh, vừa khởi kiện ra Toà án; hoặc chỉ khởi kiện ra Toà án để đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy, để đơn giản hoá thủ tục và phạm vi giải quyết các vụ kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế thực hiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý. Mặt khác, quy định rõ chức năng, thẩm quyền áp dụng chế tài của các cơ quan quản lý cạnh tranh với các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Hoàn thiện chế tài về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Luật Cạnh tranh quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và điều chỉnh chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính. Hậu quả pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dưới giác độ của Luật Cạnh tranh. Vấn đề bồi thường dân sự đã không được quy định cụ thể mà dẫn chiếu đến pháp luật dân sự. Việc khởi kiện ra Toà án về hành vi cạnh tranh không lành mạnh để đòi bồi thường dân sự sẽ được áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2005. Như vậy, phải cần đến hai giai đoạn tố tụng tách biệt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Có nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn, giải thích để việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể thực hiện dễ dàng trong thực tế:
- Xác định rõ chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Về nguyên tắc, người bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là người có quyền khởi kiện và thông thường là các doanh nghiệp cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người bị thiệt hại là người
tiêu dùng. Vì vậy, pháp luật cần có cơ chế đảm bảo cho người tiêu dùng thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, cơ chế khởi kiện tập thể của nguời tiêu dùng đã phát huy hiệu quả, pháp luật Việt Nam cũng nên thừa nhận cơ chế này. Đồng thời, tăng tính chuyên nghiệp của các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh.
- Những loại chế tài dân sự nào có thể áp dụng cho chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật Dân sự năm 2005, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm hại, chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trong đó có Toà án) áp dụng một trong các hình thức sau: a) công nhận quyền dân sự; b) buộc chấm dứt hành vi vi phạm; c) buộc xin lỗi, cải chính công khai; d) buộc bồi thường thiệt hại.
Vì vậy, cần xác định rõ những loại chế tài nào sẽ áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Về mức bồi thường thiệt hại và xác định mức bồi thường thiệt hại.
Việc xác định mức thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là vấn đề hết sức phức tạp. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản đã đơn giản hoá vấn đề này bằng cách đưa ra quy định, lợi nhuận thu được của chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ đương nhiên thuộc về chủ thể bị cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật Việt Nam cũng nên nghiên cứu học tập kinh nghiệm này.
Cần cân nhắc yếu tố tỷ lệ trong việc thiết lập các chế tài phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Nguyên tắc tỷ lệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự cần thiết của việc áp dụng và mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bộ luật Thương mại của Pháp đã pháp điển hoá nguyên tắc này thành
quy định: "Các chế tài phạt tiền phải tỷ lệ với mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm, với mức độ nghiêm trọng của các thiệt hại gây ra cho nền kinh tế, với tình trạng của chủ thể vi phạm. Chế tài phải được cá thể hoá cho từng chủ thể vi phạm theo đúng hành vi vi phạm đã gây ra" (Điều L.464-2).
Pháp luật Việt Nam lại chưa có quy định nào về vấn đề này, vì vậy khi áp dụng chế tài phạt, các cơ quan có thẩm quyền không nhất thiết phải cân nhắc. Do đó, cần có những nghiên cứu để quy định yếu tố tỷ lệ trong việc áp dụng các chế tài phạt. Có thể khuyến khích hành vi thú nhận vi phạm để giảm bớt chi phí từ các khâu, các công đoạn của quá trình điều tra, đồng thời có thể khắc phục, ngăn chặn kịp thời các hậu quả gây ra đối với xã hội. Ngược lại, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra thiệt hại đáng kể cho đối thủ cạnh tranh và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì cần thiết phải xử phạt nặng để đủ sức răn đe.
Hoàn thiện pháp luật hình sự về chế tài xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Như đã phân tích ở trên, hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ gây nguy hại cho các đối thủ cạnh tranh, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng và trật tự quản lý kinh tế. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã cho thấy, việc hình sự hoá một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh và áp dụng các chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm là cần thiết.
Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 có quy định việc xử lý một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng các chế tài hình sự như: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc