Xu hướng pháp luật và việc sử dụng các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nước trên thế giớ

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 99 - 103)

vi cạnh tranh không lành mạnh của các nước trên thế giới

Qua nghiên cứu cho thấy, pháp luật cạnh tranh của các nước trên thế giới đã tồn tại nhiều mô hình khác nhau, như: Mô hình xây dựng đạo luật về chống cạnh tranh không lành mạnh; mô hình sử dụng quy định của Bộ luật Dân sự; mô hình sử dụng án lệ…

Mô hình xây dựng đạo luật về chống cạnh tranh không lành mạnh với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp điển hoá trong một đạo luật. Các đạo luật này đã hướng đến điều chỉnh chủ yếu hai nhóm quan hệ, đó là quan hệ giữa chủ thể tham gia cạnh tranh với người tiêu dùng và quan hệ giữa các chủ thể cạnh tranh với nhau. Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh được bổ trợ bởi các quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về bồi thường thiệt hại… Các nước xây dựng pháp luật cạnh tranh theo mô hình này, điển hình có Phần Lan, Bỉ, Thuỵ Điển, Đức, Áo, Hy Lạp, Đan Mạch…

Mô hình sử dụng quy định của Bộ luật Dân sự được Hà Lan, Italia, Pháp thực hiện. Các quy định cơ bản về cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Bộ luật Dân sự (luật tư). Với tư cách là một chế tài được áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vấn đề bồi thường thiệt hại đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ các chủ thể tham gia cạnh tranh. Thông qua đó, người tiêu dùng cũng được gián tiếp bảo vệ.

Điển hình của việc sử dụng mô hình áp dụng án lệ cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là Vương quốc Anh và Ailen. Hệ thống pháp luật của các nước này đã được phát triển theo phương thức riêng, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh cũng được hình thành từ án lệ.

Dù xây dựng pháp luật cạnh tranh theo mô hình nào thì hầu hết các nước trên thế giới cũng đều sử dụng một nhóm các chế tài chung để áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là chế tài hành chính, bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự và chế tài hình sự.

Một số quốc gia đã đảm bảo cơ chế khởi kiện tập thể cho người tiêu dùng, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội các nhà kinh doanh. Cơ chế này đã được sử dụng thường xuyên và có hiệu quả, thông qua đó để chống lại các hành vi phản cạnh tranh và xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Vai trò của Nhà nước trong việc áp dụng các chế tài hình sự là rất khác nhau ở các quốc gia. Pháp luật của Pháp quy định cho các nhà chức trách nhiều quyền hạn để áp dụng các hình phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, các quốc gia theo hệ thống Common Law lại ghi nhận việc áp dụng chế tài trong các bộ quy tắc hành vi có tính tự quản. Theo đó, người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có quyền khởi kiện chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo các nguyên tắc đã được ghi nhận trong các bộ quy tắc đó hoặc trong các đạo luật có liên quan.

Một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, hiện nay pháp luật cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia trên thế giới đang vận hành và phát triển theo các xu hướng sau:

- Xu hướng đa dạng hoá thiết chế thực thi.

Các quốc gia có pháp luật vận hành theo cơ chế này đã quy định thẩm quyền cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như Thanh tra tiêu dùng, Toà án chuyên trách... Đồng thời, duy trì nhiều cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và các nhà cạnh tranh, như: Quyền khởi kiện của các chủ thể cạnh tranh và tập thể người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp về cạnh tranh không lành mạnh bằng thủ tục tố tụng tại Toà án hoặc thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.

- Xu hướng đa dạng hoá hệ thống chế tài.

Xu hướng này được các nước có nền kinh tế thị trường phát triển áp dụng. Ngoài các chế tài chung như phạt hành chính, bồi thường dân sự hoặc chế tài hình sự, còn có các chế tài khác như: cảnh báo, khuyến nghị, cấm hành nghề...

Cảnh báo được xem là một chế tài mới và áp dụng phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, bằng cách quy định các cảnh báo về những sản phẩm có khả năng gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng hoặc có khả năng lừa dối công chúng. Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có căn cứ để thực hiện quyền khởi kiện chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Khuyến nghị là hình thức được thực hiện trên cơ sở tổng hợp các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sau đó đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức này có tác dụng răn đe các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh, đặt các nhà cạnh tranh trước nguy cơ bị công chúng lên án bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của mình.

Chấm dứt vô điều kiện hành vi và khắc phục hậu quả (nếu có) là biện pháp chế tài được Tòa án một số nước áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chế tài này được đánh giá là chế tài quan trọng và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm. Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, người bị vi phạm có quyền yêu cầu Toà án áp dụng

chế tài này bằng một quyết định tạm thời. Chế tài này có thể được thực hiện cả trong trường hợp chưa chứng minh được thiệt hại thực tế do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.

Bồi thường thiệt hại là chế tài thông dụng và phổ biến được Tòa án áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trên cơ sở khởi kiện của chủ thể bị thiệt hại. Cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài này thường được quy định trong Bộ luật Dân sự hoặc các văn bản luật chuyên ngành.

Hình phạt cũng là một chế tài truyền thống được áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi có cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc quy định hình phạt trong pháp luật hình sự của các quốc gia cũng rất đa dạng.

Bên cạnh các chế tài cơ bản được đề cập như trên, pháp luật của nhiều nước còn quy định nhiều chế tài khác như: cảnh cáo; cải chính công khai; cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm các chức vụ nhất định; tịch thu công cụ, phương tiện vi phạm; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả…

- Xu hướng hài hoà hoá pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia với khu vực.

Pháp luật quốc tế vẫn còn thiếu các quy phạm thực chất thống nhất điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chế tài áp dụng với các hành vi đó. Vì vậy, pháp luật quốc gia vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra trên thị trường kinh doanh của các nước. Tuy nhiên, pháp luật của mỗi quốc gia là không giống nhau, do đó đã trở thành những rào cản nhất định trong quan hệ thương mại quốc tế. Để khắc phục tình trạng đó, xu hướng hài hoà hoá pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh đã trở thành nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trong từng khu vực.

3.2.2. Định hướng hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam (Trang 99 - 103)