- Xây dựng hệ thống chế tài một cách đầy đủ, đồng bộ và thống nhất.
Như đã phân tích, Luật Cạnh tranh là văn bản gốc, mang tính nguyên tắc, điều chỉnh và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì thế, Luật Cạnh tranh cần có những quy định thống nhất về việc áp dụng các chế tài dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tránh những viện dẫn thiếu rõ ràng. Bổ sung những chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong một số lĩnh vực cụ thể mà Luật chưa có quy định.
- Các chế tài phải đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra phổ biến trên thị trường.
Hiện nay, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra phổ biến trên thị trường nước ta, do chế tài hành chính vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn. Những khoản tiền phạt vẫn thấp hơn nhiều so với các khoản lợi mà doanh nghiệp thu được do thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cách giải quyết các vụ vi phạm chủ yếu bằng thương lượng, hoà giải đã khiến các doanh nghiệp không đeo đuổi đến cùng các vụ khiếu kiện. Việc giải quyết vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh đã không triệt để. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh các chế tài xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tác động trực tiếp vào lợi ích vật chất của các doanh nghiệp, chú ý nguyên tắc tỷ lệ, tức là mức phạt phải tương xứng với mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được khi thực hiện hành vi vi phạm.
- Áp dụng phù hợp các chế tài hành chính, chế tài dân sự và chế tài hình sự.
Hiện nay, việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu bằng các chế tài hành chính, các biện pháp dân sự và hình sự vẫn có phần hạn chế. Do đó, công tác đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Việc áp dụng phù hợp hình thức chế tài cụ
thể đối với từng hành vi vi phạm sẽ có tác dụng răn đe, trừng phạt và giáo dục đối với xã hội.
- Đảm bảo sự hài hoà giữa các chế tài được quy định trong Luật Cạnh tranh với các chế tài được quy định trong các văn bản pháp luật khác.
Các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định ở Luật Cạnh tranh và được chi tiết tại Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, các hành vi cạnh tranh trong các lĩnh vực chuyên ngành lại được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, cần có những quy định rõ ràng về việc áp dụng chế tài thuộc văn bản luật nào, nếu có viện dẫn thì sự viện dẫn đó phải thống nhất. Mặt khác, cần phân định rõ thẩm quyền áp dụng chế tài giữa cơ quan quản lý cạnh tranh với các cơ quan quản lý chuyên môn.